Người mẹ cứu con và câu chuyện cảm động về một Trưởng Công an phường
Kể lại với chúng tôi câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Thu N., trú tại phường Ngô Thì Nhậm vẫn không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động. Nhân duyên khiến chị N. có được cô con gái nuôi tên T. rất tình cờ. Thường đi gội đầu ở một quán cắt tóc gội đầu trên phố Lò Đúc, chị N. đã gặp một cô gái trẻ, người dân tộc đang mang bầu.
Biết tình cảnh cô gái trót nhỡ nhàng mà có con, bố đứa trẻ lại chối bỏ, bản thân cô gái không biết đi đâu về đâu với cái bụng kềnh càng, trong khi tiền lương nhân viên gội đầu không đủ cho cô trang trải nơi đất khách quê người, thương cảm, chị N. đồng ý đưa cô gái đang bầu bí về ở cùng chờ ngày sinh nở. Chị N. yêu bé T. như con ruột mình.
Một thời gian sau, lấy cớ đi làm ăn xa, mẹ cô bé T. nhờ chị N. chăm sóc con gái mình và thỉnh thoảng về thăm. Hằng ngày, chị N. lo bán bún ngan để kiếm tiền nuôi con ăn học, đêm về lại dạy các con học bài và lọ mọ chuẩn bị đồ cho ngày hôm sau.
Thời gian đầu T. cũng học rất giỏi và thông minh, 5 năm cấp I đều là học sinh giỏi, nên được hàng xóm láng giềng ai cũng yêu quý. Nhưng rồi bất hạnh liên tiếp ập xuống gia đình chị N. Khi T. vào học lớp 7 thì anh trai chị N. bị ốm nặng. Chị phải để các con ở nhà tự chăm nhau để đi chăm sóc anh. Thiếu sự bảo ban của mẹ, T. suốt ngày bỏ học lêu lổng, theo chúng bạn dạt nhà vài ngày tại các quán net. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, vì tò mò giới tính, T. quan hệ với một cậu bé đang là học sinh mà T. làm quen qua mạng. Thương con, lại thương cả cậu bé ngây ngô trót làm chuyện người lớn, chị N chỉ biết tự trách mình vì đã xao nhãng, không ngó ngàng gì tới các con.
Chị Nguyễn Thị Thu N. chia sẻ câu chuyện về cô con gái nuôi. |
Từ đó, T. bắt đầu thay đổi tính cách. Đến trường bị bạn bè trêu chọc, nói bóng nói gió, T. trở thành con người khác hẳn. Cô bé sống bất cần, để ngoài tai tất cả lời khuyên của mẹ và thầy cô. Thời gian ngoài quán net của T. nhiều hơn ở nhà và trường học. Cô kết bạn với đám thanh niên cả ngày lang thang trên mạng. Đó cũng là lý do khiến cô bé hai lần bị kẻ xấu hãm hại.
Chị N. kể lại: "Hôm ấy, tôi đang ở nhà thì nhận được tin nhắn từ một số máy lạ có nội dung: "Mẹ ơi! Cứu con". Thấy thế, tôi liền gọi điện lại thì nghe tiếng cháu T. Qua đón cháu, thấy cháu mặt mày hốc hác, người gập xuống vì đau đớn, da dẻ xanh xao...". Chị N. gặng hỏi, T. mới kể, đêm hôm trước, do "kẹt nét", T. đã nhờ một đứa bạn gái đến trả tiền hộ.
Cả hai sau đó ra uống nước gần hồ Hoàn Kiếm và tình cờ gặp Hà Văn Thảo (bạn của cô bạn gái kia). Thảo rủ rê cả hai cô bé sang nhà nghỉ gần đó cùng sử dụng ma túy. Thấy T. không làm chủ được bản thân, Thảo gạ gẫm T. cho "quan hệ". Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng – T. được người mẹ nuôi đưa đến cơ quan Công an trình báo việc cô bé bị những gã đàn ông đốn mạt dụ làm chuyện người lớn. Trước đó, trung tuần tháng 8, T. cũng bị Bùi Quang Tùng, trú tại quận Tây Hồ, hành nghề thợ xăm, giở trò tương tự. Sau đó, Tùng đã được vận động ra cơ quan Công an đầu thú. Còn đối tượng Thảo, dù chị N. đã làm đơn tố cáo, nhưng hắn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Không biết làm cách nào để tóm được Thảo, chị N. suy nghĩ mấy ngày và quyết định tìm đến bờ hồ Hoàn Kiếm - nơi bé T. gặp gã. Chị hy vọng đó là "địa bàn" của Thảo. Quả đúng như dự đoán của người mẹ nuôi, khi chị đến nơi thì Thảo đang đứng xem đánh cờ. Vì lúc ấy không biết mặt Thảo nên chị N. đã vào quán nước gần đó, hỏi han chủ quán nước về ông "con rể tương lai". Nhưng một tình huống bất ngờ khiến chị N. "đứng tim", bởi lúc chị đang nói chuyện với Thảo thì có một người tiến đến. Người này biết chị từng đến cơ quan Công an để tố cáo Thảo.
Ảnh minh họa. |
Tưởng rằng anh ta sẽ nói cho gã đàn ông đốn mạt biết thì bao công lao của chị đổ xuống sông hết. Thật may, họ trao đổi với nhau gì đó hoặc có thể người đàn ông kia không nhận ra chị. Ngay sau đó, chị N và T đã núp ở một nơi kín đáo để chỉ đối tượng Thảo cho lực lượng Công an ập đến bắt giữ, khi hắn đang ung dung đá cầu ở bờ hồ. Tại cơ quan Công an, đối tượng Thảo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Đến hành trình thầm lặng của anh Trưởng Công an phường
"Chuyện có gì đâu, đó là công việc mà bất cứ người cán bộ Công an nào cũng sẽ phải làm" - Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an phường Ngô Thì Nhậm vừa cười vừa ngại ngùng xua tay khi tôi đề nghị anh kể lại câu chuyện về cô bé T. Tình thế buộc tôi phải "ép" bằng cách lôi đồng chí lãnh đạo của anh ra "dọa": "Chúng tôi đã được lãnh đạo của đồng chí đồng ý cho tuyên truyền, đề nghị đồng chí cung cấp thông tin" thì Thiếu tá Khánh mới chịu "hợp tác".
Sáng sớm hôm đó, sau khi làm một bài thể dục và đang đứng trước cửa trụ sở Công an phường thì có một chiếc taxi trờ tới. Người mẹ mở cửa lao xuống hốt hoảng: "Anh ơi, cứu con em!". Không kịp nghĩ một giây, Thiếu tá Khánh vội vã bước tới thì thấy bên trong xe có một cháu gái chừng 13-14 tuổi đang ra sức quẫy đạp, đập phá và chửi bậy trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh. Anh Khánh nhận định, có thể cháu gái đang trong cơn phê ma túy đá nên mới có những biểu hiện như vậy. Ngay lập tức, anh đã cùng đồng đội đưa cô bé vào trụ sở Công an phường, chăm sóc sức khỏe cho cô bé tỉnh táo trở lại và kiên trì giáo dục, thuyết phục.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an phường Ngô Thì Nhậm. |
Anh Khánh tâm sự: "Ở vào trường hợp này ai cũng làm như tôi cả thôi. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà là tình người. Nhìn cháu T trong tình trạng phê ma tuý, bệ rạc, lúc cười lúc khóc, cháu chỉ đáng tuổi con tôi nên tôi thấy thương lắm. Còn người mẹ thì trong trạng thái đau khổ, tuyệt vọng cùng cực, liên tục cầu xin chúng tôi cứu giúp cô con gái".
Ngay trong sáng hôm ấy, Thiếu tá Khánh đã để cô bé ở lại cơ quan và cho cô bé ăn uống tử tế. Anh cũng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải nhẹ nhàng quan tâm, để cháu bé không cảm thấy bị hắt hủi, xa lánh. Đến trưa cháu bé dần tỉnh táo và bắt đầu ngồi ngoan như con chó cún, nghe những bài học làm người đầu tiên từ Thiếu tá Khánh.
"Điều tôi cảm thấy trân trọng nhất đối với anh Công an này là anh quá giản dị. Tôi không thấy ở anh có sự xa cách. Anh không nhìn tôi với con mắt coi thường vì tôi không dạy được con. Sau này, con bé T nhà tôi nó cứ nhắc mãi, nó bảo: Con yêu chú Khánh vô cùng. Chú kể cho con nghe nhiều câu chuyện khiến con phải khóc…" - chị N. nói.
Sau hôm cô bé T ở trụ sở Công an phường, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh liên tục dành thời gian đến tận nhà chị N để gặp gỡ, động viên bé T. Những câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị đời thường của anh đã có tác động tích cực tới cô bé mới lớn. Khi thì anh trực tiếp xuống nhà hỏi han, khi thì anh gọi hai mẹ con lên cơ quan nói chuyện. Thậm chí, tranh thủ lúc không phải trực, anh gặp bé T. ở quán cà phê, vui vẻ chia sẻ với cô bé những câu chuyện rất "teen" đúng với tuổi của cô bé.
Và, anh đã khéo léo lồng ghép vào đó những câu chuyện ca ngợi tình mẫu tử, về sự vất vả của cha mẹ khi nuôi con với niềm hy vọng đứa con sau này trưởng thành sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Bài học về sự tử tế cứ ngấm dần vào bé T. lúc nào không biết. Cho đến một lần, khi nghe "chú Khánh" kể xong một câu chuyện, bé T. cứ thổn thức khóc, thì anh biết mình đã thành công trong việc cảm hóa một cô bé ương bướng, vốn thường xuyên dạt nhà, làm bạn với đám thanh niên xấu và ma túy đá.
Chị N tâm sự, cho đến hôm nay, cháu T. đã thực sự thay đổi, cháu đã tìm lại được chính mình. Chị đã cho cháu đi học nghề và hiện cháu đã biết tự kiếm tiền bằng một công việc lương thiện. Dù biết con đường phía trước còn rất dài và rất xa nhưng để T. có được cuộc sống như ngày hôm nay, người chị biết ơn nhất chính là Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh. Bởi khi sự việc xảy ra với đứa con nuôi, thay vì nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, gia đình chị phải chịu áp lực khá lớn chỉ vì T. là đứa trẻ ăn chơi, hư hỏng, một năm qua đã có quan hệ tình dục với 4 người khác giới.
Trong lá thư cảm ơn Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh mà chị N. gửi tới chúng tôi, chị đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới anh Khánh và anh Cảnh sát khu vực đã giúp con chị có được ngày hôm nay. "Nếu không có các anh, chắc chắn con gái tôi bây giờ vẫn là một kẻ nghiện ngập và cái tiếng chơi bời, lêu lổng sẽ mãi bám dính vào cuộc đời con gái tôi, không bao giờ được gột sạch. Tôi sẽ mất cháu mãi mãi".
Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh lại nghĩ khác, anh nói: "Cháu T. có được ngày hôm nay, công của chúng tôi một, thì công của mẹ cháu là mười. Đó là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của người mẹ và của chính bản thân cháu, còn tôi và các đồng nghiệp chỉ làm hết trách nhiệm của mình". Nhưng chúng tôi biết, đằng sau sự cố gắng, nỗ lực của cháu T. chính là cái tâm của người chiến sĩ Công an hết lòng với một mảnh đời bất hạnh, lầm lỡ. Với anh, đó cũng là một kỉ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời.