Người họa sĩ tật nguyền chuyên vẽ tranh truyền thần ở phố biển

Thứ Tư, 06/03/2019, 07:47
Gần 40 năm qua, họa sĩ Trần Minh Đức (63 tuổi) vẫn kiên trì bám nghề vẽ tranh truyền thần, bất chấp sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số.

Hàng ngày, ông vẫn cặm cụi “thổi hồn” vào từng bức tranh truyền thần bằng những nét vẽ mộc mạc, chân chất... Hiện người họa sĩ tật nguyền này là người duy nhất ở phố biển Quy Nhơn làm nghề vẽ tranh truyền thần.

1. Căn phòng chỉ rộng chưa đầy chục mét vuông trong căn nhà nhỏ ở số 153 Tăng Bạt Hổ (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vừa là để tiếp khách, vừa là nơi vẽ tranh, cũng vừa là nơi họa sĩ Minh Đức dạy học trò. Cùng với thời gian, căn phòng dần được phủ kín bằng những bức tranh do chính tay ông vẽ. 

Ở đây, có những bức chân dung của người thân, những vị khách trong nước, ngoài nước và những người nổi tiếng như: Nick Vujicic, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Có những bức vẽ được ông treo từ vài chục năm về trước, nhưng đến nay vẫn còn nguyên những nét đẹp tinh tế và mộc mạc của những gam màu đen - trắng.

Họa sĩ Minh Đức.

Dừng công việc hướng dẫn những cô cậu học trò tuổi còn rất nhỏ vẽ tranh, ông Đức đứng dậy lê bước chân khập khiễng sang phía bên để lấy ghế mời khách ngồi. Thấy chúng tôi nhìn đôi chân xiêu vẹo của mình, ông cười bảo: “Tôi bị liệt sau một cơn sốt khi mới 2 tuổi”. 

Dù tật nguyền, thế nhưng niềm đam mê vẽ từ nhỏ đã thôi thúc ông phải cố gắng học để theo đuổi ước mơ của mình. Nghị lực ấy cũng giúp ông vào được đại học sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (khóa 1976 - 1980), ông đầu tư thêm 2 năm vừa học vẽ truyền thần, vừa rong ruổi khắp TP. Hồ Chí Minh để vẽ thuê kiếm sống. 

Năm 1982, ông về phố biển Quy Nhơn mở tiệm vẽ Minh Đức. Tiệm vẽ Minh Đức ra đời khi nghề vẽ truyền thần còn đang thịnh. Nay nghề này không còn sôi động như trước, những thợ vẽ cùng thế hệ với ông đều đã chuyển nghề, nhưng tiệm vẽ Minh Đức vẫn rỉ rả có hàng.

Đồ nghề để vẽ của ông Đức khá đơn giản, gồm: giấy, bút chì, cọ vẽ… đều là thứ dễ tìm, chỉ có bột vẽ là “đứt hàng” hẳn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Để bù vào “gia vị” thiếu hụt ấy, ông Đức mày mò tự chế tạo bột vẽ bằng nhọ nồi, có hỗn hợp dầu hỏa, dầu phộng. 

Thứ bột đen này có độ bám rất tốt, lại không phai nhạt qua thời gian. Để minh chứng cho điều ấy, ông Đức lấy cho chúng tôi xem những tấm chân dung ông đã vẽ. Có những bức vẽ cách đây hơn 20 năm, giấy đã ố vàng nhưng bột vẽ thì vẫn còn tươi sắc.

Căn nhà nhỏ của ông Đức hàng ngày thu hút nhiều học trò đến học vẽ.

Theo ông Đức, nghề vẽ truyền thần lên ngôi khi nghệ thuật nhiếp ảnh còn là chuyện hiếm. Người ta đặt vẽ ảnh thờ, vẽ ảnh chân dung để treo tường, phục chế những tấm ảnh kỷ niệm bị ố vàng, hư hỏng…

 Gọi là tranh truyền thần, bởi đây là loại chân dung không chỉ thể hiện được đường nét, dáng dấp khuôn mặt. Tranh còn phải thể hiện được cả tâm trạng, nét tính cách, thậm chí là thần thái, tình cảm của nhân vật. 

Phác họa một bức chân dung không khó. Cái khó là nắm bắt được cái thần thái của họ để đưa vào tranh một cách sống động. Vậy nên nghề vẽ truyền thần là nghề đòi hỏi lòng kiên trì, tính cần mẫn, mức độ tập trung cao. Người vẽ phải có một số kiến thức nhất định về hội họa và giải phẫu học cộng với kinh nghiệm, cảm xúc và trí tưởng tượng.

Trước khi vẽ, ông Đức ngắm thật kỹ, lọc cho được cái thần của đối tượng, rồi chốt lại. Thứ đến là việc “truyền” sao cho trung thực về dung mạo, chi tiết trên khuôn mặt… ; đồng thời nâng lên những chi tiết đắt như một ánh mắt, một khóe môi, một nụ cười hay một nếp nhăn… đủ để làm toát lên cái hồn của bức chân dung.

 “Một bức vẽ truyền thần đẹp phải đạt 2 yếu tố: giống và tới. Giống là nét nào phải ra nét ấy, nhưng không phải là chép lại hình ảnh một cách cứng nhắc. Còn tới là phải đạt đến cái thần của bức chân dung. Đặc biệt, con mắt có sống bức chân dung mới đẹp”, ông Đức cho biết.

Ông Đức bảo, với hai màu đen - trắng trên những dải sáng tối khác nhau, khi diễn được cái thần, những bức ảnh truyền thần thành công thật sự là những tác phẩm nghệ thuật. Điều mà công nghệ ảnh phục chế sử dụng kỹ thuật vi tính khó lòng đạt được. Điều này giải thích vì sao phần lớn ảnh mà ông nhận vẽ hiện nay là ảnh kỷ niệm chứ không chỉ là ảnh để thờ như nhiều người vẫn nhầm về nghề vẽ ảnh truyền thần.

Họa sĩ Minh Đức hướng dẫn học trò tập vẽ.

2. Từ khi theo nghề vẽ truyền thần, ngọn lửa đam mê của ông Đức không bao giờ tắt, bởi đối với ông, chỉ cần được vẽ tranh thôi là ông đã cảm thấy hạnh phúc rồi, dù cho bữa đói bữa no. Có tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của ông khi vẽ tranh mới cảm nhận được lòng yêu nghề, đam mê như thế nào. Ông sinh ra đã có tài vẽ bẩm sinh, chứ không phải khi đã trở thành cậu sinh viên theo ngành mỹ thuật.

Ông Đức bảo, cuộc sống của mình có hai màu đen - trắng như những bức truyền thần mình vẽ, giản dị, mộc mạc đến hoài cổ. Giữa phố thị nhộn nhịp, vẫn còn nhiều người tìm đến ông như để khỏa lấp nỗi buồn rất xưa cũ, tìm lại những đường nét, con người, kỷ niệm xa xăm. Bản thân ông cũng nặng lòng với những cảnh, tình trong tranh.

Không nặng lòng sao được khi mà gần 40 năm qua, ông vẽ hàng ngàn bức tranh. Và mỗi bức tranh ông lại được lắng nghe một câu chuyện về họ. Ông bảo tâm hồn mình nhạy cảm như những sợi dây đàn. Mỗi câu chuyện lại chạm vào tâm hồn ông một cách dễ dàng như gẩy vào sợi dây đàn một loại âm sắc. Bởi vậy, ông vui buồn cùng bao nhiêu con người… trong tranh. Ở đó, có những âm thanh còn ngân vang mãi.

Ông kể, một phụ nữ ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) mang đến cho ông một tấm ảnh nhỏ của chồng đã bị mối mọt cắn lỗ chỗ mà các hiệu phục chế ảnh vi tính đã chào thua. Trước sự tha thiết của khách, ông mềm lòng nhận lời. Ông cố dán lại các chỗ rách của ảnh, dùng kính lúp để rọi lớn chi tiết trên khuôn mặt và hình dung các chi tiết mà người khách tả về chồng rồi bắt tay vào vẽ. 

Một, hai ngày, người phụ nữ ấy lại bắt xe đò hơn 50 cây số xuống tiệm để giúp ông “điều chỉnh” những nét vẽ chưa giống. Ngày nhận ảnh, khách reo lên: “Đây đích thị là khuôn mặt chồng tôi rồi!”. Lúc ấy, cảm xúc vui sướng trong ông không thể diễn tả được.

Rồi, những người có người thân đã mất, không còn giữ được một tấm hình, chỉ đến gặp ông, miêu tả lại đường nét, tính cách, nhờ ông vẽ. Như cách đây 6 năm, một gia đình đánh xe từ tỉnh Gia Lai xuống nhờ ông vẽ lại bức chân dung ông cụ đã mất cách đây gần 50 năm. Con cháu ông cụ ngồi quanh ông Đức miêu tả lại những đường nét của người đã khuất. 

Vừa nghe, ông Đức vừa vẽ phác thảo lại bằng những nét vẽ của mình. Sau hơn 5 tiếng, ông hoàn chỉnh bức vẽ trong tiếng khóc thút thít vì xúc động của con cháu ông cụ. “Tôi đã vẽ bức chân dung đó bằng cả trái tim”, ông bộc bạch. 

Bức tranh truyền thần ông Đức vẽ gia đình của Nick Vujicic.

3. Thời nghề vẽ truyền thần thịnh vượng, chủ những hiệu vẽ truyền thần nổi tiếng ở TP. Quy Nhơn như: Tân Phong, Đỗ Lê, Thạc Đức… là những bậc thầy về truyền thần. Hậu duệ của những thợ vẽ tài hoa này cố gắng duy trì nghề của gia đình, song “lực bất tòng tâm”. 

Sau nhiều năm nỗ lực, họ đành xếp giá vẽ, đóng ống giấy, chuyển cửa hiệu sang lĩnh vực làm hộp đèn, quảng cáo… Nhưng vẫn còn đó họa sĩ Minh Đức - người nặng lòng với nghề vẽ truyền thần, để phác ra một nét tĩnh lặng đáng yêu cho phố xá Quy Nhơn.

Bây giờ, trong căn nhà nhỏ của người họa sĩ này, hàng ngày có tiếng nói cười nhộn nhịp của đám học trò đến học vẽ. Xuất phát từ việc mở rộng nghề nghiệp để rộng lối mưu sinh, hơn 10 năm qua, ông Đức thu nhận học trò, công việc mới này mang lại thu nhập, giúp ông nỗ lực hơn trong nghề. Chỉ tiếc rằng khi vốn sống dày thêm mỗi ngày thì đường đời lại mỏng đi một chút, nhưng đến giờ ông vẫn chưa tìm được học trò đam mê nghề để nối nghiệp.

“Người ta nói những gì mất đi mới thấy quý, chính vì vậy khôi phục lại được những gì đã mất còn đáng trân quý hơn. Tất cả những bức tranh chân dung tôi vẽ ra đều được người ta tìm nơi trang trọng để treo, còn những bức chân dung của những người qua đời thì được người thân treo ở bàn thờ cũng là nơi rất cung kính. Do đó, công việc tôi làm ra được họ trân trọng nên sau này không có người nối nghiệp cũng tiếc nuối”, họa sĩ Minh Đức tâm sự.

Và, dù chưa tìm được “truyền nhân” cho nghề, nhưng hiện nay, người vẽ tranh truyền thần duy nhất ở đây vẫn có được niềm vui tinh thần hàng ngày, bởi đơn giản là ông chia sẻ được tâm tình với biết bao con người. 

Ông tin rằng tranh truyền thần sẽ còn chinh phục một bộ phận khách hàng. Với ông, tranh truyền thần không chỉ ở vẻ đẹp hoài cổ mà còn ở sức hấp dẫn từ cái đẹp vừa tĩnh vừa động, vừa đơn giản dễ xem dễ cảm, vừa sâu sắc bí ẩn hiện diện trong mỗi một bức chân dung truyền thần. 

Phan Nhuận Phin
.
.
.