Người giữ kho quạt cổ lớn nhất Việt Nam
Có những chiếc quạt cổ tưởng vứt đi nhưng qua tay phục chế của “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc và người con trai nó lại có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng. Với bộ sưu tập quạt cổ có một không hai này, ông Phúc đã từng được ghi danh trong “kỷ lục Guinness Việt Nam”.
Gia tài để lại là "kho đồng nát" khủng
Tính tới thời điểm này, “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc đã ra đi hơn 3 năm nhưng tình yêu với những chiếc quạt cổ ấy không hề bị gián đoạn. Bởi người con trai của ông là anh Trần Hồng Đức đã nối nghiệp cha, tiếp tục “thổi hồn” để hồi sinh những chiếc quạt cổ.
Chỉ vào “kho đồng nát” trong căn nhà vẻn vẹn 27 mét vuông, anh Đức cười bảo: “Đây là toàn bộ tài sản mà bố để lại cho tôi”. Anh Đức kể, năm 1958 khi mới 17 tuổi, bố anh vào làm thợ hàn áp lực ở Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Hà Nội.
Từ nhỏ, ông Phúc đã sớm được tiếp cận với những chiếc quạt cổ do người Pháp mang tới Việt Nam của các hãng như Marelli, Emi, Eole. Sau này, khi vào học đại học, hiểu được nguồn gốc và lịch sử những chiếc quạt cổ hiện có tại Việt Nam, với tố chất là thợ cơ khí, thợ điện lành nghề cùng với điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX không có nhiều người hiểu hết được giá trị của những chiếc quạt cổ nên ông Phúc có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê sưu tầm quạt cổ của mình. Đó cũng là cơ duyên để ông Trần Công Phúc theo đuổi nghề sưu tầm và phục chế quạt cổ sau này.
Ông Phúc lúc còn sống với “kho đồng nát cổ” của mình. |
Những năm 1970-1980, nhiều người không biết đến giá trị của những cây quạt cổ, có nhiều cây quạt bị “ngủ quên” trong những góc nhà cũ kỹ, không ai biết đến giá trị của nó cho đến khi gặp được “thần gió” Trần Công Phúc. Đầu những năm 1990, ông nghỉ hưu và chuyên tâm vào việc phục chế và sưu tầm những cây quạt cổ.
Anh Đức nhớ lại: “Năm 1992, một người bà con bỗng thông báo khách sạn Metropole đang tân trang và có ý định thanh lý một loạt quạt trần cũ. Bố tôi đến mua mới ngã ngửa khi biết đó là những chiếc quạt trần hiệu Marelli nổi tiếng của Ý. Mang về sửa chữa và mông má lại treo trước nhà, không lâu sau, một ông Tây đến trả giá 200 đô la trong khi giá mua chỉ có 70.000 đồng”.
Anh Đức kể, nhiều người đặc biệt thích quạt trần cổ bởi khi sử dụng họ nhận thấy rằng, làn gió do những chiếc quạt trần cổ tạo ra như gió tự nhiên và không tạo ra tiếng động. Cùng với đó quạt được thiết kế mang đậm phong cách châu Âu, mềm mại phù hợp với không gian trang trí theo phong các Tân cổ điển.
Hiện giờ, toàn bộ không gian trong ngôi nhà nhỏ của anh Đức đều dành để trưng bày quạt cổ. Trên trần nhà, những chiếc quạt trần được tháo bỏ cánh để tiết kiệm không gian treo san sát nhau, dưới nền nhà, không chỗ nào là không có quạt, thiết bị quạt. Quạt ở đây có đủ nhãn hiệu từ Marelli của Ý, đến quạt Emi Hà Lan, Calor Pháp, quạt tai voi của Nga, National 110 vol của Nhật…
“Mỗi chiếc có một vẻ đẹp riêng và thiết kế độc đáo khác nhau, nhưng đều được làm rất kỹ bằng những chất liệu đắt tiền như thân đúc bằng gang, cánh bằng gỗ hoặc đồng, chính vì thế mà chúng có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm”, anh Đức nói.
Trong “kho đồng nát” của ông Phúc, có một chiếc quạt chạy bằng hơi nước của Đức sản xuất năm 1875. Nó được coi là chiếc quạt “độc nhất vô nhị” còn lại. Đây là chiếc quạt mà ông Phúc đã phải mất nửa tháng trời lặn lội vào tận trong Nam để tìm mua. Nhiều vị khách trả giá rất cao, nhưng ông đều từ chối bởi với ông nó mang nhiều ý nghĩa không thể đong đếm được bằng tiền.
Chiếc quạt cổ quý hiếm của hãng Marelli. |
Nghề phục chế quạt cổ không chỉ khiến ông Phúc thỏa mãn đam mê mà nó còn là cái duyên để ông có thể gặp gỡ những con người lịch thiệp, tài hoa. Không chỉ giới đam mê quạt cổ trong nước biết đến danh tiếng của ông mà ngay cả nhiều vị khách nước ngoài cũng tìm đến nhà ông để được tận mắt xem những chiếc quạt tưởng chỉ còn trong hồi ức. Có những người đến nhà ông Phúc chỉ để nhìn, ngắm những chiếc quạt cổ “độc nhất vô nhị” nhưng cũng có nhiều người đến với hy vọng sẽ mua được một sản phẩm để trưng bày trong ngôi nhà của mình.
Với “kho đồng nát” đồ sộ có một không hai này, năm 2012, ông Phúc đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất”.
Theo anh Đức, để có được “gia tài” khủng như bây giờ, bố anh đã phải dày công tìm kiếm và sưu tầm những chiếc quạt cũ hỏng có tuổi đời lâu năm. Ông “say” quạt cổ đến mức, hễ nghe thấy ở đâu có là ông lặn lội đến tìm mua lại bằng được. Những chiếc quạt được mua với giá “đồng nát” sau khi qua bàn tay phục chế của ông Phúc có khi trị giá lên đến cả ngàn đô la.
Kỷ lục Guinness Việt Nam cho bộ sưu tập quạt cổ của ông Phúc. |
"Tôi sẽ cố gắng giữ lửa đam mê của bố mình"
Anh Đức kể rằng khi thấy bố cặm cụi sửa quạt, anh thường ngồi quan sát rất say mê. Nhiều khi anh kiêm luôn thợ phụ cho bố. Thời đó, để phục chế một chiếc quạt rất khó khăn. Không chỉ nguyên liệu phục chế rất hiếm mà tất cả các công đoạn phục chế đều phải làm thủ công. Có nhiều loại linh phụ kiện không thể phục chế được một cách hoàn hảo nên đòi hỏi phải sưu tầm thật nhiều quạt để chuyển từ cái này sang cái kia. Có những chiếc quạt phải cần lấy phụ kiện từ hai đến ba cái quạt khác mới có thể hoàn thiện xong.
Đến năm 16-17 tuổi thì anh Đức chính thức có thể tự mình sửa và phục chế hoàn chỉnh một chiếc quạt cổ. Anh bảo: “Việc phục chế một chiếc quạt tưởng như bỏ đi khiến nó sống lại gần như nguyên bản đó là một việc làm vô cùng thích thú. Nó đem lại cho tôi cảm giác chinh phục và say mê. Cũng giống như bố, tôi có thể ngồi lì cả ngày để tìm tòi, khám phá ra cách phục chế hoàn hảo nhất”.
Công việc phục chế đòi hỏi sự khéo léo và chính xác. |
Người kế nghiệp “ông vua quạt cổ” cho hay, sở thích của những người yêu quạt cổ cũng vô cùng đa dạng. Có người thích sự cầu kỳ, chỉn chu tới từng chi tiết, lại có những người chú trọng tới công năng sử dụng, cũng có người lại thích vẻ đẹp cũ kỹ vốn có của nó. Vì thế, người thợ giỏi là người phải biết khôi phục lại một chiếc quạt trở về đúng với nguyên trạng khi xuất xưởng. Biến những chiếc quạt vô tri sau nhiều năm “nằm chết” trong các góc nhà, nhà kho thành những chiếc quạt có hồn, hoạt động bình thường trở lại với vẻ đẹp vốn có của nó.
Đến nay, dù ông Phúc đã mất được hơn 3 năm nhưng cửa hàng vẫn được anh Đức tiếp tục duy trì và đào tạo thêm một số người thợ làm cùng. Mỗi ngày họ vẫn cặm cụi, cần mẫn với niềm đam mê những chiếc quạt cổ từ kinh nghiệm được ông Phúc truyền lại. Anh Đức cho biết: “Tôi sẽ gìn giữ cái công việc mà cha mình đã làm và cố gắng làm tốt hơn. Đó là tình yêu với quạt cổ, là những kỷ vật mà cha mình đã gắng sưu tầm, gìn giữ và để lại cho con cháu”.
Công việc đòi hỏi sự khéo léo và chính xác nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi nhiều giờ đồng hồ bên những chiếc quạt hỏng. Thế nhưng khi đã đủ đam mê thì dù phức tạp đến mấy cha con anh Đức cũng quyết “hồi sinh” những chiếc quạt cổ ấy cho kỳ được.