Người đồng tính dưới ánh sáng khoa học Thiên Địa Kinh
Nỗi đau câm lặng
Hơn bảy trăm trang sách xoay quanh những nghiên cứu về người đồng tính của tác giả Lê Văn Tuấn là kết tinh của một trí tuệ khoa học, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc, những trăn trở, giằng xé lương tâm. Kể từ khi tác giả bắt đầu ý thức về mình, cũng là lúc ông bắt đầu ý thức về những người xung quanh, dù họ là những người cô đơn đi trong một chiều lạnh tanh, vắng ngắt hay họ không phải là người của xứ quê ông, dù họ chỉ là một vài em nhỏ áo quần xác xơ, rách vá, mặt mũi lấm lem, nô đùa bên thửa ruộng hay mẹ già sụt sùi khóc trong bóng tối.
Cũng có thể một người hoán tính cô đơn đổ vào bóng hoàng hôn lỡ nhịp, đổ cả cái nhợt nhạt, xanh xao, tê tái, dại khờ, cái mòn mỏi không lối thoát. Và cái đau không biết là đau, xót không biết là xót, cả cái thương không có nổi một chỗ để mà thương.
Tiến sĩ Lê Văn Tuấn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng quốc tế. |
Ông đã đi khắp nơi, đã gặp những người miền núi rẻo cao, những người đồng bằng, miền biển muối mặn. Rồi ông ra nước ngoài du học, được đến nhiều nơi. Ông đã đi qua các nước láng giềng, đã được đắm mình trong tuyết lạnh âm bốn mươi độ của Bạch Nga (Belarssia), được nhìn thấy những đóa hoa hồng ở chân núi vùng Ban – Căng và những đoàn người Digan sống phiêu bạt trên những chiếc xe kéo. Ông còn đi giữa cánh đồng vàng rực hoa Tulip ngắm nhìn những chiếc cối xay gió gắn với anh chàng Đôn Kihôtê.
Được đến những ngôi thành cổ, để mục kích dấu vết dã man còn sót lại của đấu trường La Mã và cùng những con chuột túi hiền lành đón bình minh ở châu đại Dương, ngắm nhìn bầu trời sà thấp xuống như vờn trên mặt biển. Có thể những bước chân đi như thế vẫn chưa đủ, nhưng qua mỗi chặng đường, tác giả Lê Văn Tuấn gặp rất nhiều người và cách sống, sinh hoạt của họ trên những miền xa xôi của quả đất, màu da tiếng nói khác nhau nhưng tất cả mách bảo ông rằng, họ chính là anh em. Tất cả đã dạy ông cuộc đời và lẽ sống.
Cái luôn thu hút và luôn ngự trị trong con người Lê Văn Tuấn là một nỗi đau câm lặng, chìm nghỉm. Đó là hình ảnh của người đồng tính và những hành động buồn tênh của họ biểu hiện ra trong khóe mắt, trong bước đi hững hờ hay trên khuôn mặt đờ đẫn u buồn cùng những âm thanh nhạt nhòa xót xa đẫm lệ. Nỗi thống khổ và sự đau buồn của họ luôn là cái dẫn dắt ông đi đến cùng của sự thật. Ông dần ý thức được sự thiếu thốn, nỗi khổ đau của mình chính là nỗi khổ đau của một bộ phận không nhỏ người LGBT, vì thế nó mới mênh mang, mới sâu thẳm đến khôn cùng.
Trong muôn vàn sự khổ đau ấy, ông đã nhìn thấy sự đau đớn đến bế tắc của người đồng tính, người song tính, người hoán tính. Ông đã nhìn thấy cái thiếu hụt của tri thức và những tiếng cười tội lỗi của nhân gian: “Tôi đã thấy nước mắt của ánh sáng lăn ra sau bức tường kia. Tôi cũng đã nghe thấy tiếng khóc của bóng tối rớt trên ngọn cỏ ven đường…”.
Trong suốt cuộc hành trình đi và đến, tác giả Lê Văn Tuấn đã miệt mài ghi chép, để làm những cuộc thí nghiệm không dây, trong những phòng thí nghiệm không điện, không thiết bị giữa tự nhiên bao la. Suốt mấy chục năm qua, tác giả Lê Văn Tuấn đã âm thầm nghiên cứu trong sự thôi thúc của con tim. Ông đã đúc kết được khoa học quy luật qua bạn bè, những người ở làng xóm quê hương, những người khác màu da ở khắp nơi trên thế giới và những người đồng tính, song tính, trung tính, người thuần cũng như người hoán tính.
Cuốn sách được ông hoàn tất trong thời gian ngắn. |
Tự nhiên không chỉ sinh ra một giống một loài mà sinh ra muôn giống muôn loài. Những người đồng tính được sinh ra để phải gánh chịu đớn đau, nhiều lúc họ muốn chết nhưng không thể chết được. Và những em bé đồng tính tiếp tục chào đời, ngây thơ và trong trắng mãi cho tới một ngày bỗng biết mình là đồng tính. Đó là tự nhiên bắt buộc mà họ chẳng thể từ chối. Lê Văn Tuấn cho rằng, nỗi đau của trần thế bắt nguồn từ sự thiếu vắng của một học thuyết vĩ đại về loài người.
Điều bí mật trong bản năng của tạo hóa
Năm 24 tuổi, Lê Văn Tuấn đang say sưa sáng tác một ca khúc bên bờ hồ Tây thơ mộng, bất chợt có một người đàn ông tiến lại ngồi cùng chiếc ghế, rất gần và đưa ánh mắt chất đầy sóng “yêu” về phía Lê Văn Tuấn. Thoáng bối rối một phút, chợt ông hiểu ra, gật đầu và lặng lẽ rời ghế.
Sau lần bắt gặp luồng “sóng điện” trái khoáy ấy, Lê Văn Tuấn không thôi trăn trở, dằn vặt về số phận tình yêu của những người đồng tính. Nó không khác gì so với tình yêu nam nữ, vốn là hai cực âm dương tự hút về nhau mà còn bị ngăn cản, cấm đoán và xem như tội đồ của cái thời học sinh bao cấp.
Trong thời gian học dự bị ở Moscow, Lê Văn Tuấn vài lần nhìn lén một cô bạn rất xinh ở cùng ký túc xá, thế là ông bị khép vào tội “yêu”, bị kiểm điểm nhiều lần và bị mất quyền đi nghỉ đông như những người khác. Hết thời gian dự bị, do bị kiểm điểm nhiều với tội danh “theo đuổi bóng ma tình yêu” nên không được học trường theo ý muốn. Nỗi đau không thể gào lên cũng không thể chia sẻ. Cũng vì một chữ tình.
Huống hồ những người đồng tính, tình yêu của họ bị xem là lạc loài, quái đản, càng lớn càng đau buồn. Họ không lý giải được về mình, đứng trước búa rìu dư luận, họ chẳng có lý lẽ nào để kêu ca. Họ phân vân, nghi ngờ chính bản thân mình.
Tác giả Lê Văn Tuấn. |
Tại sao quả đất này lại nói họ bệnh hoạn? Không phải chỉ bây giờ mà cả trong quá khứ xa xôi. Họ có thể tìm ai mà hỏi về thân phận của mình? Nhân loại đã làm nên bao nhiêu kỳ tích khoa học, thế giới có biết bao nhiêu nhà khoa học lừng danh, lịch sử có biết bao nhiêu nhà khoa học lỗi lạc, nhưng có ai đã cho họ câu trả lời? Có ai đã đặt bút viết về họ một cách công bằng? Liệu ở trong một nền văn minh rực rỡ, người LGBT có thể tìm thấy sự bảo vệ?
Ai sẽ đem ánh sáng khoa học để chiếu sáng thân phận họ, cho họ biết bản chất thật sự của mình hay cứ mãi hắt họ ra bên rìa cuộc sống. Đứng trước nỗi đau của người đồng tính, song tính, hoán tính, tác giả Lê Văn Tuấn đã không ít lần bật khóc cả trong giấc mơ hỗn độn giữa những câu hỏi lớn chưa có lời giải.
Ông đã phải thốt lên: “Ở lĩnh vực này, bom không nổ mà thịt nát xương tan, súng không bắn mà máu vẫn chảy, đến các nhà tâm linh cũng phải đau. Đau với nỗi đau đồng loại. Còn lại dương gian thì lặng yên, như mù mắt, điếc tai, không nhìn và không thấy gì. Loài người lặng yên. Chỉ có tiếng côn trùng rả rích trong bụi mưa và ngoài kia những ngọn sóng lớn của đại dương đêm đêm bất chợt gào thét, bất chợt lao lên, như thể muốn cào xé trời xanh”.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, vấn đề buộc phải đưa ra trước bình minh là khoa học mà trong đó quyền bất khả xâm phạm của đấng tạo hóa đã ban cho loài người, trong đó có người đồng tính. Tất cả đều có thể. Có thể cái đói nghèo đã xé rách tuổi thơ, cũng có thể cuộc đời của ai đó như vết thương mãi xót đau, trong cái tanh dơ của cuộc đời trần tục…
Trong cuốn sách của mình, tác giả Lê Văn Tuấn đã dành hẳn một phần riêng cho những người chuyển giới với những gì họ đã làm để được trở về với chân lý vĩnh hằng của tự nhiên. Họ đã bất chấp nỗi đau về thể xác và tinh thần, những khó khăn và hiểm nguy khủng khiếp để chiến thắng nghịch cảnh, trở về với bản ngã thật sự của mình mặc cho người đời có thể cười chê, xa lánh, kỳ thị họ.
Và người đồng tính trong tác phẩm của Lê Văn Tuấn không thể mãi khổ đau. Bằng những nghiên cứu của mình, Lê Văn Tuấn đã chứng minh một chân lý, muôn giống muôn loài được tạo hóa sinh ra và đánh dấu bằng muôn vàn màu sắc, âm thanh vừa kỳ bí vừa huyền diệu. Người đồng tính, song tính luyến ái, đó là những thực thể mà tạo hóa sinh ra để đảm nhận những nhiệm vụ trong guồng máy nhất quán của vũ trụ, của tự nhiên.