Người đàn ông trốn trong rừng hoang hơn ba mươi năm
Hơn ba mươi năm qua, ông Đinh Văn Toán (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã chọn khu rừng Lắn làm "tổ ấm" của riêng mình. Người ta đã quên mất tên ông mà chỉ quen gọi ông với biệt danh "người rừng". Sở dĩ ông Toán thành "người rừng" là bởi ông quá đau khổ và tuyệt vọng khi xuất ngũ trở về cha mẹ đã chết, vợ của mình giờ lại thành vợ người khác. Không đủ bản lĩnh để đối mặt với thực tại, ông đã trốn biệt vào rừng và ở riết từ đó đến nay không bao giờ ra nữa.
Hoang dã "người rừng" chốn thâm sơn cùng cốc
Rừng Lắn, bấy lâu nay được người dân xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) coi như khu rừng mẹ. Hàng nghìn năm nay nó sừng sững che chở cho người dân bản Mường tránh được những cơn gió khủng khiếp từ con sông Đà hung dữ. Không những vậy rừng Lắn được người ta biết đến như một khu rừng cấm. Chẳng ai dám bén mảng đến đây cho dù có là người gan dạ, người thông thạo địa hình.
Người dân bản Phiếu ở đây vẫn còn chưa quên cái ngày thanh niên trai tráng bỏ bản vào rừng đào vàng. Giữa các nhóm thanh niên thường xuyên xảy ra những xô xát, cướp bóc tranh giành địa bàn. Hôm đó nhóm thanh niên ở bản Phiếu gồm 4 người may mắn đào được số lượng vàng khá lớn thì không may bị một nhóm người vùng khác phục kích truy đuổi cướp bóc. Không còn con đường thoát, nhóm thanh niên này cứ thục mạng chạy về phía khu rừng Lắn, mong được mẹ rừng che chở.
Đang trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, họ được "con ma rừng" cứu giúp. Một người đàn ông hoang dã, mặt mũi đen nhẻm, râu tóc hệt như người rừng xuất hiện tả xung hữu đột với nhóm 10 người lạ mặt. Bằng những ngón đòn độc, thân thủ nhanh như cắt, “con ma rừng” nhanh chóng hạ gục 10 người lạ mặt kia.
Ông Bùi Văn Nguyên (một trong bốn thanh niên bị truy sát ngày ấy) kể: "Sau lần được cứu thoát đó, tung tích người rừng, tiếng sáo ai oán kia mới dần được hé lộ". Cuối cùng "con ma rừng" bấy lâu người dân đồn thổi không ai khác chính là ông Đinh Văn Toán, người Mường Ao Tá. Ông Nguyên tâm sự: "Ông Toán có một cuộc đời đặc biệt. Trước ông ấy từng là lính đặc công tham gia kháng chiến chống Mỹ. Vì hận tình bạc bẽo ông ấy bỏ vào rừng sống".
Ông Toán chỉ vào vết sẹo trong lần bị rắn cắn. |
Mới chỉ nghe kể về "con ma rừng" Đinh Văn Toán đã thấy đầy bí ẩn, chúng tôi ngỏ ý muốn mục sở thị cuộc sống hoang dã của ông thì bị người dân ở đây xua đi. Bởi đường vào "tổ ấm" của ông Toán vô cùng hiểm trở, băng đèo lội suối nhiều giờ đồng hồ. Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được những người dân tốt bụng cùng thâm nhập khu rừng Lắn.
Để đến được hang Lắn (nơi ông Toán sống) chúng tôi phải vượt qua cả chục con đèo dựng đứng, đường mòn trơn như đổ mỡ. Từ bản Phiếu vào đến hang Lắn cũng phải mất 4 tiếng băng rừng, vạch lá. Đến những người thông thổ ở đây khi đi còn phải để lại dấu vết nếu không sẽ bị lạc nơi thâm sơn này.
Sau thời gian căng mình băng rừng, chúng tôi cũng tới được "đại bản doanh" của "con ma rừng" - Đinh Văn Toán.
Thực chất nơi được mệnh danh "tuyệt tình cốc" của “con ma rừng” ấy là một hang đá khá rộng, sâu chừng 5 mét. Miệng hang quanh năm đen đúa vì lửa ông Toán đốt. Điều đặc biệt là ông Toán chưa từng nằm giường. Hai tấm gỗ nhỏ chỉ đúng vừa khít lưng người đen bóng mồ hôi được ông nằm trong suốt hơn ba mươi năm. Tấm gỗ được ông khéo léo đặt ngang bếp lửa. Ông bảo như vậy sẽ tránh được muỗi, côn trùng, đặc biệt là thú dữ. Phải đối mặt với cái đói, cái rét rồi chống chọi với thú rừng, bệnh tật và nỗi cô đơn… Có lẽ để tồn tại trong rừng chừng ấy thời gian là một kỳ tích.
Tấm gỗ chỉ đặt vừa tấm lưng được thay cho giường. |
Kỷ niệm về những lần thừa sống thiếu chết của ông Toán đếm không xuể. Ông còn nhớ như in vào một buổi chiều cách đây khoảng 10 năm. Năm đó mưa tầm tã kéo dài nhiều ngày, trong hang gần như cạn lương thực, ông Toán quyết định liều mình đi kiếm măng rừng. Mải đi trời tối lúc nào không hay, vì đường trơn, lại tối, ông bị trượt chân rồi một tảng đá lớn đè lên người. Mình ngất đi… khi tỉnh lại toàn thân tê cứng, miệng khô, đắng ngắt. Chỉ có tay trái là còn cựa được. Cứ thế mình dùng tay trái bới đất, rồi túm vào gốc cây mà nhoai người ra. Cũng phải 2 lần mặt trời mọc rồi lại lặn mới trườn ra khỏi tảng đá đó. Trườn về khỏi hang mình nằm bẹp không biết bao nhiêu ngày. Sau này mới biết là mình bị gãy 2 cái xương sườn. Thế mà dần dần cũng nhúc nhắc đi được".
Là người được mệnh danh "chúa tể rừng Lắn" nhưng ông Toán còn lạnh gáy kể lại lần bị rắn hổ mang cắn cách đây 3 năm. Ông kể: "Quên gì thì quên chứ mình không quên được ngày cưới. Mình đi bẫy thú rừng về làm lễ kỷ niệm. Thú rừng thì không bẫy được, mình lại bẫy đúng con hổ mang chúa và bị nó cắn". Chưa kịp xử lý thì bị con rắn bập cho 1 cái rồi trườn mất. Vết thương nhanh chóng sưng phù, toàn thân tím tái.
Với kinh nghiệm lâu năm sống ở rừng, ông Toán dùng lá cây đắp vào vết thương rồi dùng miệng hút độc. Thế nhưng độc tố của hổ mang chúa quá mạnh khiến ông bất tỉnh, phần cổ, chân tay sưng phù. Vết rắn cắn thịt cứ thối dần. Ông Toán nghĩ, nếu cứ để vết thương lan rộng thì rồi kiểu gì cũng chết. Nghĩ thế nên lần đó ông Toán mài con dao đi rừng bóng loáng, rồi cắn răng lấy chính lưỡi dao ấy cắt bỏ phần thịt thối bên cánh tay trái. Ông Toán kể: "Mình cắt rồi cạo đến tận xương. Làm thế thì rắn cắn mới không lan rộng ra nữa". Khoét xong, ông lấy lá rừng đã chuẩn bị sẵn đắp vào. Thế mà rồi vết thương lành dần, lên da non. Ông Toán dí dỏm bảo: "Ông trời còn chưa cho chết đâu. Ông trời bắt sống tiếp đấy!".
Ký ức đau thương
Khi thấy chúng tôi rất thiện chí, biếu ông nào bánh, nào rượu, "người rừng" Đinh Văn Toán vui lắm. Ông bảo: "Lâu lắm rồi mới lại có phái đoàn ghé nhà tôi chơi đấy!". Nói đoạn, ông Toán nhanh tay phủi phủi mấy tấm đá phẳng phiu rồi chỉ chúng tôi ngồi xuống đó. Đang vui là thế, nhưng khi hỏi về quá khứ, về lý do vì sao ông lại bỏ nhà vào rừng sống hơn ba thập kỷ, khuôn mặt ông Toán như co lại. Như thể chúng tôi đã khứa lại nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai của người đàn ông bất hạnh. Ông Toán chia sẻ: "Cũng chỉ vì chán đời đó mà. Đi bộ đội về, bố mẹ đều chết cả. Các anh chị em ai cũng có cuộc sống riêng. Vợ tưởng mình đã hy sinh nên đi lấy người khác rồi. Nghĩ buồn lắm, đau khổ lắm nên trốn vào đây sống thôi".
Năm 1970, cũng như bao thanh niên khác ông Toán lên đường nhập ngũ. Có thể, ông đã may mắn hơn nhiều người đó là trước khi vào chiến trận ông Toán đã kịp có người phụ nữ gọi mình bằng chồng. Đám cưới của họ diễn ra chỉ chưa đầy một tháng trước khi ông Toán nhập ngũ. Người phụ nữ ấy đã thề non hẹn biển với ông rằng, dù có xảy ra chuyện gì thì vẫn xin giữ một lòng chung trinh với ông.
Thế nhưng cuộc đời đã quá trớ trêu, khi thắng trận trở về cũng là lúc ông Toán dồn dập nhận được hung tin. Cả cha và mẹ ông đều đã mất vì trúng bom. Vợ ông - người vợ ông đặt trọn niềm tin yêu giờ đã là người của người khác mất rồi. Ông Toán nói mà như khóc: "Mình nghe người làng kể lại là chỉ hơn một năm mình đi bộ đội thì vợ đã lấy người khác rồi. Lúc mình về, vợ mình tránh mặt không dám gặp. Mình nhờ người đến nhà hỏi thì vợ mình bảo cô ấy tưởng mình đã hy sinh rồi. Mình buồn lắm, khóc cũng nhiều lắm. Rồi mình trốn vào rừng ở. Ở từ đó đến bây giờ không ra nữa". Ông Toán chua chát nói: "Mình là người vô sản mà. Chả còn cái gì sất".
“Người rừng” đứng trước “ngôi nhà” của mình. |
Những ngày đầu sống ở trong rừng, ông Toán như một cái xác vô hồn. Không ăn gì, đói quá thì mò ra bìa rừng hứng nước uống rồi lại nằm. Hào hứng bao nhiêu khi trở về từ chiến trường được gặp lại người thân, được gầy dựng hạnh phúc cho riêng mình nhưng thực tế quá phũ phàng đã làm ông Toán kiệt quệ sức lực và tinh thần. "Lúc trốn vào rừng mình nằm liền mấy ngày đấy. Cũng định cứ nằm thế đến chết thì thôi. Nhưng có một buổi trưa lúc mình đang mơ mơ màng màng thì có tiếng vọng ra từ núi bảo là "làm đàn ông không được hèn như thế. Phải sống chứ. Dù thế nào cũng phải sống". Nghe xong mình choàng tỉnh dậy. Mình nghĩ cũng phải, chẳng may mình gặp phải người đàn bà không tốt thì coi như cái số mình phải chịu vậy. Không việc gì phải vì một người xấu bụng mà chết".
Từ hôm nghe được lời nói vọng ra từ vách núi, ông Toán như được tiếp thêm sức mạnh. Ông quyết định mình phải sống, phải tự chăm sóc bản thân mình. Ông Toán đi quanh rừng và chọn cho mình một cái hang có những tảng đá chìa ra ngoài như mái lợp làm nơi cư ngụ. Ngày ngày đêm đêm ông Toán coi đó là tổ ấm của riêng mình.
Bao nhiêu năm qua, "tổ ấm" ấy đã che chở ông, giúp ông nguôi ngoai nỗi đau mất mát, phụ bạc. Hỏi ông Toán còn định ở rừng đến bao giờ thì ông đáp rằng: "Mình ở lâu lắm. Ở khi nào chết thì biến thành con ma rừng luôn". Chúng tôi đề nghị chính quyền và các tổ chức xã hội ở địa phương có giải pháp xác minh làm rõ nhân thân và vận động thuyết phục “người rừng” Đinh Văn Toán trở về hòa nhập cộng đồng, để ông được sống như một người bình thường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Ông Bùi Mạnh Tưởng, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "Vì ông Toán không còn giấy tờ gì nên chúng tôi không thể làm thủ tục để thực hiện chế độ cho ông Toán được. Chính quyền xã cũng đã đưa ông Toán vào diện những người được hưởng trợ cấp nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nhất quyết ở lại rừng cho dù lãnh đạo địa phương cũng đã khuyên nhủ ông Toán nên trở về với quê hương, bản làng". |