Người đàn ông trở về từ biển khơi sau gần 20 năm lưu lạc

Thứ Năm, 19/12/2013, 12:00

Trở về nhà sau gần 20 năm đi biển và "mất tích" ở xứ người, người ngư dân ở xóm biển Thanh Thủy đã vô cùng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương mình. Gần 20 năm với biết bao tháng ngày lênh đênh trên biển, và cả những khi lưu lạc ở đất nước Chùa Tháp Thái Lan nhưng chưa bao giờ người ngư dân ấy thôi đau đáu về quê hương bản quán.

Một ngày đi, bạc đầu mới trở lại

Mấy ngày nay, người dân xóm Hải Hòa (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vui như mở hội, vì sự trở về đầy bất ngờ của ông Tiêu Viết Thảo (56 tuổi), người mà từ gần hai mươi năm qua đã bị cho là "mất tích" khi có tin báo ông bị rơi xuống giữa biển, đã "chết mất xác" rồi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thảo vẫn chưa hết bồi hồi về quãng thời gian lưu lạc của mình. Trong căn nhà mới xây khang trang được dựng nên từ số tiền vợ ông vay mượn khắp nơi có được, ông vẫn chưa hết vui mừng: "Tôi không ngờ sau gần 20 năm tôi mất tích, vợ tôi ở nhà đã dựng được nhà, nuôi mấy đứa con khôn lớn như thế này. Bà ấy giỏi quá!". Trò chuyện với chúng tôi, ông Thảo ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian ông bị cho là mất tích của mình.

Sau khi đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường K trở về, ông và bà Lê Thị Thơm lấy nhau. Nhưng ở cái làng biển nghèo khó quanh năm này chẳng có công việc gì nhiều. Đàn ông thì đi biển, đàn bà ở nhà nuôi con và chờ chồng. ông Thảo cũng như bao trai tráng trong làng ngày đêm cặm cụi ném mình ở mặt sóng, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong khi đó, 4 đứa con trai sòn sòn năm một của ông Thảo suốt ngày nheo nhóc. Buồn vì cảnh nghèo của gia đình, ông quyết tâm vào miền Nam đi biển cho các tàu bạn kiếm tiền. "Lúc đi, ổng để lại cho tôi có mấy chục ngàn, đủ mua mấy chục ký gạo rồi bảo ổng đi đến khi có tiền triệu mới về. Lúc đó cả làng góp lại chắc cũng chưa đủ một triệu đâu. Nghe ổng nói thế tôi cũng buồn, nhưng cũng mong ổng đi sớm trở về. nào ngờ ổng đi biền biệt gần 20 năm không tin tức gì!", bà Thơm vẫn chưa hết nước mắt mừng vui ngày gặp mặt kể lại.

Ông Thảo đi làm cho một tàu ở Phú Quốc, mong làm được nhiều tiền để gửi về cho vợ. Nhưng làm mãi mà cũng chẳng để dành được bao nhiêu. Rồi trong một lần bất cẩn, ông bị ngã xuống biển rồi được một tàu cá của Campuchia cứu vớt. Ông theo chiếc tàu này đi lênh đênh trên biển hàng tháng trời để kiếm tiền. Hỏi ông vì sao sau những ngày tháng đó, ông không thư từ hay liên lạc về với gia đình. Ông Thảo lắc đầu ngượng ngùng: "Lúc ấy làm gì có tiền, cũng chẳng có thư từ điện thoại gì thì lấy đâu ra liên lạc. Tại tôi cũng hứa với bả là sẽ đi khi nào có tiền mới về nên cũng ngại lắm. Làm thằng đàn ông đã nói mà không làm được thì coi sao đặng! Thế nên tôi mới quyết tâm làm có tiền rồi mới về. Nào ngờ tiền chẳng thấy đâu, ngày về cũng xa lắc như thế!".

Bà Thơm bên vị trí đặt bàn thờ của ông Thảo.

Đi bạn cùng một chiếc tàu cá của Campuchia, vì trước đó ông đã đi chiến đấu hơn 5 năm ở đất nước này nên chẳng gặp mấy khó khăn về văn hóa và tiếng nói. Nhưng chẳng ngờ đó cũng là chuyến biển kinh hoàng của ông. Lần đó cách đây hơn 3 năm, ông cùng tàu cá này đang đánh cá thì bị bắt vì vi phạm hải phận của Thái Lan. Ông bị bắt cùng một vài người khác nữa, bị đưa qua rất nhiều địa phương mà ông chẳng thể nào nhớ nổi. Rồi cuối cùng ông dừng ở một trại tập trung Toa Doong. Đó là một khu giam giữ những người nước ngoài vi phạm luật lệ Thái Lan.

"Ở đó tôi bị nhốt chung với rất nhiều người khác đủ các quốc tịch. Tôi chỉ biết có khoảng 5 hay 6 người Việt Nam gì đó nhưng rất ít khi nói chuyện vì không được phép. Chuyện ăn uống thì quả thực kinh khủng vì vô cùng thiếu thốn. Cả phòng mà chỉ có một nhà vệ sinh, một bể nước cho cả trăm con người nên lúc nào cũng thiếu nước, mùi người và mùi mồ hôi khét lẹt…", ông Thảo lắc đầu lè lưỡi khi nhớ về những ngày tháng đó. Hơn 3 năm sống trong cảnh ấy khiến ông lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương, nơi có người vợ hiền và bốn đứa con ngày ông đi, và dù nhỏ nhoi thôi, ông vẫn khao khát ngày được đoàn tụ.

Ông Thảo (phải) khi được trở về với gia đình, quê hương.

Ngày trở về mắt đẫm lệ rơi

Trong khi ông lưu lạc gần 20 năm, bà Lê Thị Thơm ở nhà cứ chờ đợi chồng về. Bà biết tính ông muốn làm ăn có tiền để nuôi mấy đứa con. Nhưng ông cứ đi mãi, từ lúc đi đến lúc trở về ông chỉ điện thoại về nhà đúng một lần, còn lại là bặt vô âm tín. Bà cứ ở nhà, thay chồng đi biển nuôi con, rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Một chiều cách đây hơn 16 năm, bà nhận được tin ông ngã xuống biển chết mất xác rồi. Bà lặng lẽ nén nỗi đau vào trong lòng, thắt khăn tang cho bốn đứa con, rồi lập bàn thờ chồng, lấy ngày ông đi làm ngày giỗ.

Ở làng biển này, cũng như biết bao làng biển khác trên dải đất Việt Nam này, chuyện người đàn ông đi biển không về xảy ra quá nhiều. Bà biết thế. Bà cũng đau đớn khi mất đi người chồng thương yêu, nhưng tính đàn bà làng biển vốn cứng cỏi nên bà lại gượng dậy, làm đủ mọi việc để nuôi con khôn lớn. Nỗi nhớ, niềm thương, sự tủi cực như là một cảm giác thường trực trong trái tim người phụ nữ ấy để mỗi lần có người nhắc đến là nước mắt lại tuôn trào.

"Tưởng chừng như bầu trời sụp đổ trước mắt tôi khi lần lượt những chuyến tàu đã cập bến mà chồng tôi thì ở lại với sóng. Cơn bão đã cướp đi sinh mệnh ông ấy khi giấc mơ về một cuộc sống gia đình đủ đầy chưa thành. Người làng an ủi tôi rằng biết đâu ông ấy còn sống nhưng đợi mãi tôi chẳng thấy ổng về, có lẽ đành chấp nhận sự thật ấy mà thôi. Đau đớn dâng đầy, nhiều lần tôi đã tìm đường đến với anh ấy nhưng rồi mấy đứa con thơ dại đã níu chân tôi lại!", bà Thơm rơi nước mắt.

Và rồi, một lần tình cờ người thân trong gia đình nhận được tin ông Thảo vẫn còn sống, nhưng đang đi làm xa. Bà bần thần mong ngóng chồng về, dẹp luôn cả bàn thờ chồng. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy chồng về. Lúc ấy, nhiều người lại bảo ông Thảo đã quên bà rồi, có người lại nói ông ấy đã lấy vợ khác, không về nữa. Bà không tin, nhưng vẫn buồn. Bà đâu có biết rằng ông Thảo đang phải chịu những tháng ngày cơ cực nơi xứ người.

Ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình, ông Thảo nghẹn ngào.

Không phụ những ngày tháng chờ mong của bà, cuối tháng 11/2013, khi chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thông báo về địa phương biết ông Tiêu Viết Thảo vẫn còn sống, đang lưu lạc ở Thái Lan, người dân trong làng ngỡ ngàng vì tưởng ông đã chết vì mấy chục năm rồi ông đã bị coi là mất tích trên biển. Để được về Việt Nam theo diện trao trả ngư dân vi phạm, gia đình bà Thơm lại phải vay mượn khắp nơi để có được 5 triệu. Lúc nộp xong tiền cũng là lúc bà Thơm từng ngày hồi hộp mong ngóng. Còn ông Thảo, khi nhận được tin mình sẽ trở về Việt Nam, ông mừng rơi nước mắt mà không dám tin đấy là sự thật. Nhiều đêm liền ông không ngủ, chỉ mong đến ngày được về. ông vẫn nhớ từng con đường làng, từng tên đứa con, từng gành đá quê hương.

Bước chân xuống khỏi máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, thấy người thân ùa ra đón mình, ông đã lặng người vì sung sướng. Bao năm ông mơ đến ngày này, bây giờ đã thành hiện thực. Hỏi sao ông không khóc vì sung sướng cho được. Sáng ngày 8/12, người làng biển Hòa Hải nhận được tin ông Thảo trở về, người người ra tận đầu làng đón ông. Ngày ông đi vẫn là một tráng niên khỏe mạnh, lúc ông trở về mái đầu đã bạc, sức khỏe không còn như xưa nữa. nhưng mọi người vẫn nhớ tới ông. Một lão ngư chạy ra nắm tay ông lắc lắc rồi nghẹn ngào: "Nó già hơn, gầy hơn nhưng vẫn là thằng Thảo của làng đây. Thằng Thảo sống thiệt đây mà!".

Người làng ra chào hỏi ông, có người ông còn nhớ, nhưng có người ông đã quên. Ngay cả lão ngư Lê Tấn Đức, là cha vợ ông mà ông cũng còn không nhớ, bởi ngày ông đi lão ngư Lê Tấn Đức vẫn còn tráng kiện, bây giờ đã lên chức cụ, râu tóc bạc phơ. Còn bà Thơm đón chồng về trong niềm vui ngập tràn, nhưng người vợ chẳng thể nào quên những ngày tháng bà đã lặng lẽ khóc, lặng lẽ ra đứng trên bờ cát mỗi chiều để ngóng về phương Nam nơi ông nói ông đã ở đó. Ngày ông về, bà chỉ biết ôm lấy ông mà khóc, trút hết bao hơn tủi đã chất chứa trong lòng gần hai mươi năm qua.

Sau bao nhiêu năm xa cách gia đình, nay ông mới được ngồi ăn bữa cơm với gia đình. Không giấu nổi sự nghẹn ngào, ông Thảo thật thà: "Chẳng thể ngờ tôi đã đi từng ấy năm, quê nhà thay đổi nhiều quá. Con cái cũng đã lớn và lập gia đình. Một tay vợ tôi lo toan tất cả. Tôi phải cảm ơn bà ấy rất nhiều!". Niềm vui đoàn tụ của gia đình ông như được nhân lên gấp bội khi bây giờ ông đã là ông nội, và cũng chỉ tháng 12 tới đây, ông sẽ đứng ra tổ chức lễ cưới cho người con trai đầu của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Phấn, Chủ tịch HĐND xã Bình Hải cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin ngư dân Tiêu Viết Thảo vẫn còn sống và lưu lạc ở nước ngoài, nên cũng đã đến gia đình xác minh. Sau đó cũng đã mời ông Thảo lên để trao đổi, cũng như làm lại một số giấy tờ khôi phục quyền công dân cho ông ấy, vì trước đó gia đình đã báo tử cho ông!".

Trở về sau gần 20 năm, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều so với sự tưởng tượng của ông Thảo. nhưng hơn lúc nào hết, ông thấy quê mình, thấy người làng biển và gia đình mình đã khá giả hơn xưa rất nhiều

Nguyên Khôi
.
.
.