Người dân, doanh nghiệp lo đối phó với COVID-19

Thứ Tư, 08/04/2020, 15:04
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới rất nhiều doanh nghiệp. Tới thời điểm này không chỉ các cơ sở kinh doanh nhỏ mà hàng loạt doanh nghiệp lớn đang "ngấm đòn" COVID-19. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ sớm của Chính phủ.

"Ngồi trên lửa" mong từng ngày hết dịch bệnh

Sau hơn 1 tháng kinh doanh bị đình trệ, đầu tháng 4, anh Thanh, giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng thực phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc cho các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đã phải quyết định cho toàn bộ 40 nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương, công ty chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội.

Bình thường công ty trả lương cho đội ngũ nhân viên bán hàng mức lương cứng 6 triệu đồng/ tháng, ngoài ra họ còn được hưởng thêm hoa hồng từ doanh số bán hàng nên thu nhập thực khoảng 12- 14 triệu đồng/người/tháng. Với các quản lý vùng thì công ty trả lương 40 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, từ sau Tết, việc kinh doanh gần như bị đình trệ. Hàng của công ty hoàn toàn nhập khẩu từ Hàn Quốc nên thông thường sau khi đặt hàng khoảng 2 tháng thì hàng mới cập cảng ở Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hàn Quốc, dù nhà máy sản xuất không nằm trong vùng dịch nhưng việc sản xuất của đối tác bên Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng do các nhà cung cấp nguyên liệu không cung ứng đủ, vì vậy khiến việc cung cấp hàng sang Việt Nam cũng bị chậm.

"Là nhà phân phối nên chúng tôi luôn phải tích trữ hàng trong kho gấp ba lần nhu cầu của khách hàng ở Việt Nam nên cũng không bị gián đoạn chuỗi cung ứng vào siêu thị. Tuy nhiên do dịch bệnh nên từ sau Tết đến giờ do thu nhập bị giảm nên người tiêu dùng có lẽ chỉ lo mua những thứ thiết yếu nhất thôi, còn bánh kẹo, sữa và thực phẩm dinh dưỡng cũng phải cắt giảm nên lượng hàng của chúng tôi tiêu thụ trong các siêu thị giảm tới 70%. 

Hàng không bán được nên tôi đành phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời chờ dịch qua; công ty sẽ vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả. Tôi thỏa thuận với nhân viên thời điểm này công ty không trả khoản lương cứng, nhưng nếu ai bán được hàng tôi sẽ chiết khấu hoa hồng cao hơn bình thường để các em có động lực làm việc. Hy vọng hết tháng 4 này hết dịch chứ không thì rất gay", anh Thanh than thở.

Không làm doanh nghiệp như anh Thanh, nhưng hai tháng qua, anh Đắc, chủ một nhà hàng ở quận Nam Từ Liêm cũng trong tình cảnh "ăn không ngồi rồi" vì nhà hàng phải đóng cửa. Thông thường mỗi tháng trừ hết chi phí, vợ chồng anh đút túi 50- 70 triệu đồng nên việc chi tiêu của gia đình 5 người cũng khá thoải mái. 

Nhưng dịp Tết vừa rồi, đáng ra là dịp thu nhập tốt nhất trong năm vì nhiều cơ quan, công ty tổ chức tất niên cho nhân viên. Tuy nhiên Tết năm nay đã thất thu vì Nghị định 100 ban hành đúng dịp ấy nên khách đến ăn không dám uống rượu bia, trong khi tiền thu từ rượu bia luôn là khoản đáng kể.

"Từ giữa tháng 2, tôi phải cho nhân viên nghỉ hết, chỉ hai vợ chồng với mấy đứa con túc tắc ngày nấu vài mâm bán cho khách quen. Nhưng 1 tháng nay thì đóng cửa hẳn vì không có khách. 

Tình hình cứ thế này thì chết dở vì chi phí sinh hoạt hàng tháng vẫn phải tiêu trong khi chả làm ra đồng nào, vợ chồng con cái ở nhà hết ra lại vào nhìn nhau than vắn thở dài vì lo, bây giờ ngoài chuyện chi phí hàng tháng đã phải tiêu lạm vào vốn, tôi còn khoản nợ gần 1 tỷ ở ngân hàng nữa", anh Đắc rầu rĩ.

Nhưng anh Thanh, anh Đắc dù sao cũng còn là những ông chủ và còn có vốn liếng. Vì thế tuy khó khăn và đang phải tìm cách loay hoay đối phó với dịch bệnh thì vẫn còn có tiền để sống. Còn với hàng trăm nghìn người là nhân viên, công nhân các công ty, nhà máy thì dịch bệnh kéo dài đã  khiến nỗi lo miếng cơm manh áo càng thêm đè nặng khi bị ngừng việc hoặc giảm lương. 

Chị Kim, nhân viên một công ty xuất khẩu lao động cho biết từ sau Tết tời giờ mọi đơn hàng đưa lao động đi đều bị dừng hết nên công ty cắt giảm tới 70% lương, vì thế bây giờ mỗi tháng chỉ đi làm có 10 ngày và nhận 3 triệu tiền lương.  

"Vợ chồng tôi đều làm ở doanh nghiệp tư nhân nên thời điểm này đều bị giảm lương. Bây giờ hai vợ chồng lĩnh lương về chưa nổi 10 triệu nên dù đã tiết kiệm tối đa nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề".

Hàng trăm nghìn công nhân ngành dệt may bị tác động mạnh vì dịch COVID-19.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tháng 4/2020, Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố bản báo cáo tập hợp những phân tích, đánh giá chuyên sâu thông qua 3 kịch bản dự báo về tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị chính sách.  

Theo đó, tính đến ngaỳ 20/3, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. 

Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000- 880.000 người. Thống kê trong tháng 2/2020 cũng cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…

Để đối phó với những khó khăn, 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Doanh nghiệp thuỷ sản bị mất 30% đơn hàng xuất khẩu vì dịch COVID-19.

Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở thảo luận cùng với đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan đến việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị này đề xuất sử dụng khoảng 61.580 tỷ đồng cho gói an sinh xã hội.

Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho người có công với cách mạng. Theo đó, kể từ tháng 4,5,6, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng sẽ được nhận thêm 500.000 đồng/tháng/người.

Đối tượng bảo trợ xã hội nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu hướng tới đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng kể từ tháng 4 đến 6/2020 cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo có trong danh sách thống kê tới ngày 31/12/2019.

Hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho người lao động. Theo đó, từ tháng 4, 5, 6, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Tổng số tất cả các khoản hỗ trợ của cả ngân sách Trung ương và chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,6 tỷ USD. trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng, tương đương 1,52 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các Bộ đề xuất cho doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng trên tháng/người để trả lương người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Thời hạn vay không quá 12 tháng. Đồng thời, người lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn để thanh toán nốt số tiền 50% còn lại cho người lao động.

Ngoài ra, từ tháng 4/6/2020, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có hợp đồng lao động mất việc làm sẽ được nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, có 2 chính sách khác nhằm hỗ trợ đặc thù cho áp dụng quy trình đơn giản hoá, tạo điều kiện cho người lao động gửi hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có đóng BHXH bị nghỉ việc tạm vì COVID -19 được dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng dịch, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH. 

Thứ hai, người sử dụng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng/người.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tổ chức ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để "đói cơm lạt muối" cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm… Thủ tướng nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

"Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn", Thủ tướng nói.

Tân Lương
.
.
.