Người dân điêu đứng vì nạn phá rừng ở Đà Bắc
Kể từ khi đó ngày ngày người dân rớt nước mắt nhìn những vạt rừng bị lâm tặc tàn phá. Điều khiến người dân thắc mắc lớn nhất là: Ai đã đưa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của họ? Và, nếu đã thu hồi thì sao gần 20 năm vẫn chưa được đền bù cho những diện tích đất rừng mà họ bỏ bao mồ hôi công sức bảo vệ, chăm sóc?
Bảo tồn hay "bảo tàn"?
Về xã Tân Pheo chỉ cần nói muốn tìm hiểu về thực trạng phá rừng thì tất cả người dân đều lắc đầu ngán ngẩm, họ bảo: "Rừng phá hết rồi còn đâu, lũ ống, lũ quét nhiều cũng vì mất rừng…".
Những gốc cây bị lâm tặc chặt phá còn sót lại. |
Mặc dù phải đi bộ cả vài tiếng mới lên đến đầu nguồn suối Nhạp nhưng người dân vẫn tự nguyện dẫn chúng tôi đi như thể là việc của nhà mình. Một cảnh hoang tàn đến rợn người cứ hiện ra trước mắt chúng tôi.
Dọc hai bên đường chỉ có những bụi cây dại, thỉnh thoảng có vài ba cây gỗ lớn nằm chỏng chơ giữa đường. Anh Hải (người dẫn đường) nói với chúng tôi, đó là những cây gỗ rỗng giữa, không có giá trị kinh tế nên lâm tặc mới chịu bỏ lại.
Theo phản ánh của người dân, rừng bị tàn phá mạnh nhất trong 3 năm, từ 2010 đến 2013. Có lúc, lâm tặc còn dùng cả ôtô vào tận trong khu bảo tồn để vận chuyển gỗ. Có đêm những chiếc xe tải gầm rít, quần thảo kinh động cả một vùng.
Anh Hải cho biết: "Toàn bộ gỗ bị bỏ lại đây dù lớn hay nhỏ thì đều là những loại không có giá trị kinh tế cao. Chứ gỗ quý thì họ đã không chịu bỏ sót thế này". Xòe gang đo xung quanh một cây gỗ lớn bị bỏ lại, anh Hải mặt buồn rười rượi, nói: "Những cây gỗ như thế này phải mất hàng trăm năm.
Ngày trước rừng ở đây thiếu gì gỗ to, chả bù cho bây giờ bói không nổi một cây. Ban đầu chúng chỉ tìm những cây trắc, gụ, nghiến, táu, dổi, chò chỉ nhưng khi đã hết thì đến cả gỗ thông, gỗ kẹm cũng bị lâm tặc chặt hạ… khi rừng bị tàn phá thì hệ sinh thái rừng cũng dần biến mất.
Ông Xa Văn Nghị và ông Hà Văn Phời xem lại bản đồ khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. |
Và hệ luỵ của nó là biến đổi khí hậu, môi trường chính là đợt lũ quét lịch sử xảy ra tại xã Đồng Ruộng, Tân Pheo vào tháng 10-2017 làm cả chục người chết, mất tích và bị thương, nhiều bản làng bị cuốn trôi …".
Chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên bởi phía trước là những dãy núi mướt một màu xanh, thế nhưng thực chất đó chỉ là những bụi cây dại. Không chỉ những cánh rừng ở xã Tân Pheo bị phá mà các xã khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Diện tích rừng tự nhiên đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng trước đây được người dân bảo vệ rất tốt, năm 1996 người dân địa phương đã được giao đất theo Nghị định 02 của chính phủ để chăm sóc, bảo vệ.
Theo đó xã Tân Pheo với 70 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (có thời hạn 50 năm) với diện thích trên 500ha. Tương tự các xã Đồng Ruộng, Đồng Chum, Đoàn Kết cũng như vậy, tổng 4 xã khoảng hơn 200 hộ tương đương diện tích lên đến hàng nghìn ha.
Đến năm 2002, người dân bàng hoàng nhận được thông báo của xã và xóm về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. Toàn bộ giấy Chứng nhận quyền sở hữu đất của các gia đình đều bị thu hồi, với mục đích để điều chỉnh. Điều khiến người dân thấy bức xúc là vì họ không có văn bản giấy tờ hay quyết định của cơ quan chức năng nào.
Ông Hà Văn Khưn (60 tuổi) cho hay: "Chúng tôi cũng bất ngờ vì chỉ có thông báo của xã và thôn là thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thấy có văn bản gì. Chúng tôi biết làm gì, chỉ biết chấp hành, kể từ ngày đó, không người dân nào được phép lai vãng vì kiểm lâm và Ban quản lý khu bảo tồn nói đó là đất, rừng của họ".
Cùng chung bức xúc, ông Xa Văn Nghị (62 tuổi) cho hay, hộ của ông có đông nhân khẩu nên được giao trên 20 ha. Những nơi bưng, bì,a ông Nghị tận dụng trồng cây lương thực như ngô sắn tuyệt đối không xâm hại đến diện tích rừng. Sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông không được bảo vệ rừng, cũng không còn đất sản xuất.
Hệ lụy của việc này khiến các con, cháu của ông Nghị phải bỏ làng, tha hương khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Ông Nghị chia sẻ: "Chúng tôi là người miền núi, sống ở rừng, sống nhờ rừng… thế nhưng bây giờ chẳng có rừng mà làm thì chúng tôi biết sống bằng gì? Con cháu tôi bây giờ không đứa nào ở nhà, đi khắp nơi làm thuê. Nghĩ cũng tội cho chúng nó, nhưng không đi thì lấy đâu tiền mà nuôi con".
Phải chăng, khi đất giao cho người dân thì còn, khi khoanh lại thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên thì lại mất. Nhiều người còn nói mỉa mai với nhau rằng, họ lập khu "bảo tàn" chứ "bảo tồn" nỗi gì?
Rõ ràng, khi thu hồi đất của người dân đã được nhà nước giao khoán và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là nguyên nhân khiến những cánh rừng này bị tàn phá. Có lẽ nào khi những vạt rừng phòng hộ này trở thành cha chung thì chẳng ai chịu khóc? Phải chăng đó là cơ hội để lâm tặc mặc sức hoành hành?
Đá quả bóng trách nhiệm?
Sau gần 20 năm bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà con trong 4 xã là Tân Pheo, Đoàn Kết, Đồng Chum, Đồng Ruộng vẫn chưa nhận được lời giải thích tường tận của các cấp chính quyền hay một quyết định cụ thể của cơ quan chức năng.
Ông Trần Đức Thắng, Phó giám đốc Sở TN & MT tỉnh Hòa Bình cho biết: "Tỉnh Hoà Bình giao đất, giao rừng cho dân theo Nghị định 02 của Chính phủ từ những năm 1992-1993, giao bằng bìa đỏ. Sau này, rơi vào khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Canh.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo. |
Hiện nay cũng chưa có chính sách hỗ trợ gì, người dân vẫn đang sống bình thường ở đó, chúng tôi không quản lý Pu Canh nên chỉ nắm được tinh thần chung thế thôi". Sau khi trả lời như vậy, ông Thắng có nói với chúng tôi nên làm việc với Sở NN & PTNT và UBND huyện Đà Bắc, nơi trực tiếp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
Nói về vấn đề này, ông Bùi Thanh Phán, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: Việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà con huyện không hề hay biết và cũng không biết đơn vị nào làm việc đó, cũng không được UBND huyện hay cấp nào thông báo về việc này.
Sau khi xác minh, ông Phán khẳng định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đúng là do UBND huyện cấp. Theo ông Phán, cấp nào cấp giấy thì cấp đó thu hồi. UBND huyện Đà Bắc cấp thì đương nhiên phải là UBND huyện thu hồi. Từ trước đến nay, huyện không có quyết định hay văn bản nào thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà con.
Nói về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo cho hay, toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn nằm trong dân.
Còn về xã có bao nhiêu hộ, bao nhiêu diện tích đất rừng được giao khoán thì ông không nắm được. Tuy nhiên, ngay sáng hôm đó, ông Xa Văn Nghị (xóm Thùng Lùng) mới lên Phòng địa chính xã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy này đã được cất giữ cùng 70 hộ khác, mới được đi phôtô công chứng sau gần 20 năm.
Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Canh lại cho rằng mình mới về công tác từ năm 2015 nên không nắm được gì. Sau khi tiếp nhận từ ông Đào Hữu Lợi (Trưởng ban Quản lý khóa trước) cũng không được bàn giao.
Thậm chí ông Mai Ngọc Toàn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ và Bảo tồn thiên nhiên (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình) cũng không thể trả lời những câu hỏi của phóng viên. Những giấy tờ văn bản có liên quan, ông Toàn hứa sẽ cung cấp sau. Còn việc thanh tra, kiểm tra rừng vẫn được đơn vị này thực hiện thường xuyên nhưng đều thông qua ảnh vệ tinh.
Một điều lạ là không cơ quan nào của tỉnh Hòa Bình hay biết hàng trăm hộ dân bị thu hồi giấy công nhận quyền sử dụng đất với hàng nghìn ha đất trong gần 20 năm qua.
Theo khoản 1, điều 15 Nghị định 02/CP ngày 15-1-1994 quy định: Người sử dụng đất lâm nghiệp có các quyền lợi: Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng; Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp được giao theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng trong trường hợp bị thu hồi theo qui định của pháp luật; Được để thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp được giao theo qui định của pháp luật. |