Người dân bất an trước tình trạng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê
Điều phức tạp ở chỗ, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" rất dễ phát sinh hành vi phạm pháp khác. Các đối tượng đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân để đe dọa, buộc phải trả tiền. Nghiêm trọng hơn có trường hợp còn gửi quan tài, vòng hoa, dán cáo phó để khủng bố tinh thần người vay nợ.
Từ những tờ giấy cho vay tiền dán khắp nơi
Tại các cột điện, vách tường trên nhiều tuyến đường xuất hiện đầy rẫy mẩu quảng cáo: "Alo là có tiền", "Cho vay lãi suất thấp", "Hỗ trợ tài chính"… ghi số điện thoại mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn.
Bà Phan Thị Hiền ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội thở dài: "Khổ lắm chú à, tôi làm nhà mới vừa sơn xong, chỉ qua một đêm, sáng mai ra tôi đếm gần 20 tờ quảng cáo được phết hồ và dán lên tường nhà! Nào là "thông tắc bể phốt", khoan cắt bê tông… nhưng nhiều hơn cả là các tờ quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp. Hai vợ chồng tôi phải lọ mọ lột cả một buổi mới xong và thuê thợ sơn quét lại.
Chỉ qua một đêm xung quanh tường nhà tôi lại đầy rẫy các tờ quảng cáo tương tự được dán lên. Chồng tôi bức xúc, lấy điện thoại gọi vào số trên tờ quảng cáo để nhắc nhở thì ở đầu máy bên kia một cậu con trai trả lời rất láo và thiếu trách nhiệm. Tôi khuyên chồng là bỏ qua cho nhẹ đầu và tránh phiền phức, bởi cả phố, cả xóm, kể cả những nơi linh thiêng như đền chùa, miếu phủ cũng bị bọn chúng dán chi chít mà có ai làm gì được đâu"!
Từ những tờ quảng cáo đó, nhiều người túng quẫn, cần tiền đã dính vào chiếc bẫy cho vay nặng lãi, khiến cuộc sống lao đao. Theo quan sát của chúng tôi thì trong các mẩu quảng cáo, thủ tục vay "tín dụng đen" khá đơn giản như: Giải ngân nhanh, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, nước hoặc thẻ sinh viên… là có thể vay được tiền.
Không chỉ ở khu vực thành thị, chúng tôi ghi nhận tại nhiều khu vực nông thôn các tờ quảng cáo cho vay tiền cũng được dán khá nhiều trên trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông…
Một trong những cách thức mà giang hồ đòi nợ thuê "khủng bố" con nợ. |
Trong vai người cần tiền, tôi liên lạc số điện thoại dán ở tường nhà anh bạn bên quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để vay 20 triệu đồng. Tôi được một người đàn ông cho biết thủ tục đơn giản, chỉ cần cho xem CMND hoặc giấy phép lái xe.
Vay 20 triệu đồng trong vòng một tháng, mỗi ngày đóng 1 triệu đồng tiền lãi và gốc (tổng cả lãi lẫn gốc 30 triệu đồng). Nếu vay thời gian ngắn, lãi suất sẽ cao hơn; đồng ý thì gặp nhau để làm việc và nhận tiền. Tôi hơi bất ngờ bởi thủ tục vay đơn giản như vậy. Đem thắc mắc này tôi hỏi anh Hùng, một người đã từng phải vay tiền "kiểu tín dụng đen" như này. Tôi hỏi trường hợp sau khi vay, khách hàng bỏ trốn thì sao.
Anh Hùng cười nói: "Trước khi giao tiền, những người cho vay nặng lãi luôn hỏi kỹ số điện thoại, nơi làm việc, địa chỉ thường trú của khách. Bọn họ phải nắm đằng chuôi chứ không đơn giản như trên tờ quảng cáo đâu"!
Liên lạc tiếp một số điện thoại khác, tôi đến "trụ sở" là một tiệm cầm đồ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Gặp ông chủ là một tay bặm trợn, người toàn "tranh ảnh". Tôi đề nghị vay 50 triệu, nhưng chủ hiệu chỉ đồng ý cho tôi vay 30 triệu với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày và phải đặt giấy tờ ôtô và CMND lại.
Trong thời gian 30 ngày phải thanh toán hết tiền lãi và gốc. Phải cam kết "bằng miệng" để chủ hiệu ghi âm lại lời nói là: Tôi cam kết trong 30 ngày phải trả đủ tiền lãi và gốc, nếu không sẽ bị phạt tiền lên gấp đôi là 60 triệu. Tôi thắc mắc là tại sao không làm hợp đồng hoặc viết giấy vay nợ?
Chủ tiệm cho hay: "Đây là cách mới để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Còn giấy thì vẫn phải viết nhưng là viết với nội dung: Tôi có vay 30 triệu của anh V, vì là chỗ anh em quen biết nên anh V không lấy đồng lãi nào, nhưng tôi vẫn tự nguyện đặt lại giấy tờ ôtô để làm tin…".
Tờ quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi. |
Ám ảnh cảnh bị siết nợ
Sau khi rơi vào "bẫy" tín dụng của các đối tượng, nhiều người không có khả năng chi trả, hằng ngày bị các đối tượng thúc ép, đe dọa trả nợ nên sợ hãi, bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Các đối tượng lập tức chuyển hướng tìm đến người thân như bố, mẹ, vợ, chồng… đe dọa, đổ chất thải, chất bẩn vào nhà và dùng nhiều thủ đoạn khác như gây thương tích, hủy hoại tài sản để ép phải trả nợ thay.
Một trường hợp may mắn được lực lượng Công an giải nguy là ông Trần (51 tuổi, trú ở phường Quang Trung, quận Đống Đa. Trong một buổi rời ngân hàng với tâm trạng chán chường vì chưa vay được tiền, ông Trần lững thững đi ngang qua phố Kim Hoa (phường Phương Liên, Đống Đa) và đọc được thông tin… dán ở cột điện về dịch vụ cho vay tiền "siêu nhanh, siêu thuận tiện".
Liên hệ theo số điện thoại in trên tờ rơi, ông Trần được người cho vay là Nguyễn Hữu Tuấn (37 tuổi), trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa cử người đến gặp, xác minh địa chỉ, rồi cho vay 4 triệu đồng.
Khi giao dịch vay mượn tiền, phía Tuấn yêu cầu ông Trần phải trả cả vốn lẫn lãi là 6 triệu đồng trong 40 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng. Nghe có vẻ đơn giản, ông Trần gật đầu, nhưng ngay khi nhận tiền từ nhân viên giao dịch của Tuấn, số tiền thực nhận chỉ là 3,35 triệu đồng, với lý do cắt lại 500.000 đồng tiền xăng xe và 150.000 đồng tiền lãi ngày đầu tiên.
Giao dịch giữa ông Trần và nhóm Tuấn tiến hành được hơn 10 ngày thì dừng lại, bởi ông Trần không còn khả năng thanh toán. Thúc giục trực tiếp thấy chưa hiệu quả, nhóm chủ nợ bắt đầu tìm đến con trai của ông Trần.
Tiếp theo đó là vở kịch uy hiếp cả nhà "con nợ" bằng hỗn hợp mắm tôm trộn dầu luyn. Đỉnh điểm, ông Trần bị trận đòn hội đồng của đám cho vay tiền. Quá trình điều tra, bắt giữ các đối tượng, Công an quận Đống Đa làm rõ ông Trần chỉ là 1 trong 10 nạn nhân của nhóm Nguyễn Hữu Tuấn.
Hung khí lực lượng chức năng thu được của nhóm đòi nợ thuê. |
Cũng liên quan đến vay nợ, ngày 7-8, Công an quân Thanh Xuân điều tra vụ cướp tài sản, bắt giữ 3 đối tượng gồm Đoàn Thị Hoa (44 tuổi), trú tại phường Thanh Xuân Bắc; Lê Tuấn Vũ (23 tuổi), trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm và Lê Văn Giao (37 tuổi), trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Quá trình điều tra, Công an quận Thanh Xuân làm rõ do mâu thuẫn trong việc vay nợ giữa Đoàn Thị Hoa và chị Nguyễn Thị N (42 tuổi), ở phường Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội), chiều 5-8, Hoa đã chặn đường đánh và ép chị N. về một căn phòng ở tập thể Thanh Xuân Bắc.
Tại đây, Hoa đã gọi Vũ và Giao đến đánh đập, đe dọa, bắt chị N phải gọi điện thoại cho người nhà mang 12 triệu đồng đến trả nợ. 20h cùng ngày, Hoa cùng đồng bọn bắt chị N viết giấy vay nợ 40 triệu đồng. Sợ bị đánh, chị N mặc dù không nợ đến số tiền 40 triệu đồng nhưng vẫn phải viết giấy vay nợ theo yêu cầu của Hoa. Trong khi Hoa cùng Vũ và Giao đang nhận tiền từ tay người nhà chị N, đã bị Công an quận Thanh Xuân bắt quả tang.
Tháng 8-2016, Công an TP Hà Nội chính thức triển khai Kế hoạch số 231 về tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch 231 được đánh giá "rất kịp thời trong bối cảnh hoạt động cho vay lãi, đòi nợ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn phát sinh nhiều loại tội phạm khác".
Trong hơn 2 năm triển khai thực hiện, Kế hoạch 231 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền cơ sở cũng như các ban, ngành chức năng. Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cán bộ cơ sở tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân cảnh giác với việc cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, khi xảy ra các vụ việc bị đòi nợ như đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, người dân báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
Luật sư Lê Hồng Hiển - Đoàn luật sư TP Hà Nội: Hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) diễn ra phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử lý về tội "Cho vay lãi nặng" theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Mặc dù, tội cho vay lãi nặng quy định tại Bộ luật hình sự 2015 được cho là có tính đấu tranh cao hơn so với Bộ luật hình sự 1999 bởi vì BLHS 2015 quy định chỉ cần cho vay với mức lãi suất cao hơn gấp 5 lần mức lãi suất quy định trong Bộ luật dân sự (trước đây là cao gấp 10 lần) và số tiền chiếm đoạt từ 30 triệu đồng trở lên là cấu thành tội cho vay lãi nặng (trước đây cần phải có điều kiện là "có tính chất chuyên bóc lột") nhưng trên thực tế hiện nay, số lượng các vụ án được khởi tố để xử lý các đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi rất ít, bởi thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi và rất khó để chứng minh được các dấu hiệu tội phạm của tội này, vì giấy tờ vay không thể hiện lãi suất cho vay nên không chứng minh được dấu hiệu "cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất quy định trong Bộ luật dân sự". Thực tế, đối tượng cho vay nặng lãi luôn thu tiền lãi trước hoặc số tiền ghi trên giấy vay nợ lớn hơn số tiền thực vay. |