Người cựu binh 30 năm giữ vẹn câu thề

Thứ Hai, 13/06/2016, 15:02
Cùng bên nhau chiến đấu nơi đất bạn Lào trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cả đại đội chỉ còn mình ông sống sót sau một trận càn bom của địch. Trong giây phút sinh tử ấy, ông Phạm Quang Lại (phường Suối Hai, TP Bắc Ninh) đã thề trước vong linh đồng đội: "Sẽ đưa tất cả anh em về quê hương".


Ba mươi năm trôi qua, dù mái tóc đã pha sương nhưng chưa khi nào ông nguôi đi lời thề năm nào. "Có được ngày hôm nay là do các anh đánh đổi xương máu. Chỉ còn 8 đồng đội nữa nằm bên nước bạn, khi nào tìm được hết khi ấy tôi mới thanh thản sống nốt quãng đời còn lại" - ông Lại tâm sự.

Năm 1969, chàng thanh niên Phạm Quang Lại vừa tròn 17 tuổi, đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông được điều động thực hiện nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 923 trực thuộc Bộ Tư lệnh đoàn 959 (quân tình nguyện sang nước bạn Lào). Sau khoảng hơn 3 năm chiến đấu tại Lào, năm 1973 đơn vị ông được lệnh rút về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Kỷ niệm chuyến đi tìm hài cốt đồng đội.

Trước khi trở về Việt Nam, thủ trưởng Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ đặc biệt cho ông Lại và một số đồng đội khác. Ông cùng anh em trong nhóm bằng mọi giá phải đưa được hài cốt của những đồng đội đã hi sinh trong trận đánh sân bay Mường Hiềm. Nhiệm vụ tưởng như đơn giản nhưng lại là một thách thức không nhỏ với ông Lại cùng anh em.

Đại đội có 40 người thì có tới 37 người đã hy sinh, khó khăn hơn nữa mỗi người hy sinh ở một nơi, địa hình rất hiểm trở: Nậm Păng, Phan Xi Pu, Phu Cum, sân bay Mường Hiềm. Ông Lại kể: "Khó khăn nhất vẫn là những nơi có đồng đội mới hy sinh, vừa chôn cất nên chưa tiêu, xử lý luôn cũng không được, như thế thấy có tội với anh em lắm. 

Toàn những anh em mình chứng kiến khi trút hơi thở cuối cùng, không đành lòng đưa các anh về khi cơ thể còn nguyên vẹn". Chẳng còn cách nào khác, ông Lại chỉ còn biết nén nước mắt vào trong, cầu mong anh em sớm siêu thoát, rồi ghi chép cụ thể từng người, địa điểm chôn cất. Lúc đó ông quỳ trước hương hồn của đồng đội mà thề rằng: "Sau này bằng bất kỳ giá nào cũng phải đưa đầy đủ các anh về với quê hương".

Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, ông được điều về công tác tại Trường Hậu cần thuộc Quân khu Thủ đô. Nhiều năm công tác cho đến khi về hưu chưa khi nào ông quên được lời thề năm ấy. Ông bảo, khi nào chưa đưa được các anh về thì khi đó coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa hoàn thành tâm nguyện và chưa thể sống yên ổn được. 

Ông sẽ phải bắt đầu từ đâu khi mà đường sá quá xa xôi, khi mà mọi thứ đã thay đổi. Chính những trở ngại đó mà nhiều đêm ông Lại không chợp mắt. Ông thấy mình có lỗi với đồng đội, rồi bao ký ức chiến tranh cứ thế ùa về. Những trận chiến ác liệt, hình ảnh đồng đội khi cười, lúc khóc, rồi cả lúc hi sinh lại khiến ông rơi nước mắt. Thế là ông quyết định lên đường tìm đồng đội để vẹn lời thề năm ấy.

Vào một đêm mùa đông năm 2010, ông được một đồng đội báo mộng sẽ có cách sang Lào. Chỉ vài ngày sau đó ông Lại đã quyết định cùng vợ và hai người đồng đội cũ về thăm di tích lịch sử cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa). Ở đó ông vô tình gặp một đoàn cán bộ người Lào, ông Viêng Phết lúc này là Chính ủy của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn, người con của bản La Cút, vùng đất mà đồng đội ông đã ngã xuống. Sau khi nghe câu chuyện cuộc đời và tâm nguyện của ông Lại, đồng chí Viêng Phết đã đồng ý giúp ông thực hiện lời thề còn đau đáu.

Nhật kí của ông Lại ghi nơi đồng đội nằm xuống bên Lào

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, ông Lại như mở tấm lòng. Ngay hôm sau ông bàn bạc với vợ con, chuẩn bị thời gian và kinh phí để ông lên đường tìm đồng đội. Ông liên hệ với Đại sứ quán Lào để xin công hàm sang nước bạn tìm đồng đội. Khó khăn với ông lúc này lại là hồ sơ liệt sĩ, trong tay ông chỉ có cuốn nhật ký đã ngả màu. Những thứ ông đưa ra đều bị người ta cho rằng nó không thuyết phục. Ông nghĩ luôn đến người bạn Viêng Phết từng gặp ở Thanh Hóa, và ngay sau đó ông Lại được bảo lãnh, được Đại sứ quán chấp nhận cấp công hàm.

Việc được chấp nhận và cấp công hàm đã khó khăn nhưng nó mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc hành trình vô cùng gian khó sau này. Sang nước bạn Lào, ông được người quen là Viêng Phết tiếp đón rất chu đáo. Để đến được chiến trường cũ thì cả hai phải mất rất nhiều thời gian, băng rừng vượt suối cả tháng trời. Sau hơn 30 năm, mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn. 

Những hố bom nham nhở giờ đây đã được thay thế bởi rừng cây um tùm. Như thể có người chỉ đường dẫn lối, ông Lại nhanh chóng tìm được phần mộ của đồng đội mình qua cuốn nhật ký mang theo. Mỗi khi đào được hài cốt của một đồng đội là ông Lại gọi tên rồi bật khóc như một đứa trẻ. Tìm chưa được nhiều hài cốt đồng đội thì công hàm của ông Lại đã hết hạn. 

Trong niềm vui sướng tột độ, trở về Việt Nam báo tin cho thân nhân, làm thủ tục để đưa các anh về đất mẹ. Tuy nhiên, ông Lại phải xin gia hạn công hàm lần thứ 2 (từ ngày 10/11 đến 25/11/2011) để làm các thủ tục, báo cáo với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Trở về sau chuyến đi tìm đồng đội nhưng lòng ông Lại vẫn chưa yên, bởi nơi ấy vẫn còn những đồng đội chưa được đưa về đất mẹ. Ông quyết định xin công hàm lần thứ 3 (có thời hạn từ 6/2012 đến 28/12/2015). Lần thứ 3 đi, ông Lại được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa cử một đoàn đi cùng gồm: 15 sỹ quan, 1 bác sĩ và 3 xe ôtô, không những vậy trong đoàn còn được trang bị các thiết bị tìm kiếm.

Do có những thiết bị hiện đại, đoàn tìm kiếm của ông Lại nhanh chóng tìm được vị trí hài cốt theo cuốn nhật ký. "Lần đi đó chỉ trong vòng ba ngày, chúng tôi tìm được gần 30 hài cốt của đồng đội. Cho đến tháng 5/ 2015, toàn bộ hài cốt đã được ông Lại bàn giao hồ sơ, sau đó được cơ quan chức năng đưa về Việt Nam để an táng" - ông Lại kể lại.

Trong quá trình tìm kiếm, mỗi lần đào được hài cốt, tìm thấy kỷ vật của anh em là ông không cầm được nước mắt. Ông nhớ như in từng gương mặt, tính cách rồi cả những câu chuyện về các anh. "Trong một lần đào, chúng tôi thấy một con dao găm, một chiếc nhẫn. Lúc đó tôi nhận ra ngay là của đồng chí Trung úy Hà Đình Ngọc, Đại đội trưởng. Anh ấy vui tính và tốt với anh em lắm".

Ông Lại kể về cuộc hành trình đi tìm đồng đội.

Ông Lại như không thể cầm lòng, nước mắt ông cứ thế ứa ra: "Tôi thương các anh lắm, các anh đã hi sinh để cho chúng tôi có ngày hôm nay. Có những nấm mộ khi đào lên, hài cốt các anh nằm chồng lên nhau. Cả đoàn phải ngồi phân loại rất cẩn thận".

Ngồi cạnh ông Lại, thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Chanh (Lạng Giang, Bắc Giang) xúc động: "Mấy chục năm đằng đẵng không tìm được hài cốt của người thân, chúng tôi tưởng như đã tuyệt vọng. Chúng tôi vô cùng biết ơn anh Lại, không có anh chắc em chúng tôi và các anh em khác chẳng bao giờ về được với quê hương. Hằng năm cứ đúng ngày giỗ của Chanh, ông Lại lại lên nhà thăm hỏi và thắp hương tưởng nhớ em tôi".

Dù đã tìm được rất nhiều hài cốt của đồng đội nhưng ông Lại vẫn chưa yên lòng. Bởi, còn 8 đồng đội nữa vẫn còn nằm ở khu vực Nậm Tạp (đồi cây Dẻ) chưa mang được hài cốt về quê. "Hôm đó tôi và đồng chí Nguyễn Đình Chiến (Nghệ An) được giao nhiệm vụ mang hài cốt đồng đội hy sinh ở khu vực khác thuộc huyện Pha Thí. Cho đến nay các anh em vẫn chưa về, mà còn sống hay không cũng không biết. Nhánh bên kia của đồng chí ấy đảm nhiệm vẫn còn hài cốt của 100 đồng chí nữa. Khi nào tìm được thì tôi mới yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay" ông Lại rưng rưng.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tặng Bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông Phạm Quang Lại trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại nước bạn Lào, tặng Bằng khen thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Bắc Ninh.

Phong Anh
.
.
.