Ngôi trường âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam dành cho trẻ tự kỷ

Thứ Hai, 21/12/2015, 20:00
Trong những tháng ngày vật lộn với đứa con trai không may mắn mắc bệnh tự kỷ, nghệ sĩ quốc tế viola Nguyệt Thu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới hiểu thêm về sự kỳ diệu của âm nhạc. Môn nghệ thuật ấy không chỉ để kết nối con người với nhau, mà nó còn là một phương pháp trị liệu tuyệt vời cho những đứa trẻ tự kỷ.

Từ suy nghĩ ấy, chị mạnh dạn sáng lập ra ngôi trường dạy âm nhạc cho trẻ tự kỷ với tên gọi Sunrise for art. Ở đó, trẻ tự kỷ được cởi lòng mình với thế giới bên ngoài, được lắng đọng tâm hồn mình bằng những bản nhạc du dương, nhẹ nhàng.

Từ nỗi đau người mẹ

Từ khi mới chào đời, nghệ sĩ viola Nguyệt Thu đã được sống trong môi trường âm nhạc. Cha chị là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thưởng, người sáng lập ra bộ môn viola tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Thừa hưởng gen di truyền từ cha mình, chị sớm bộc lộ khả năng âm nhạc. Chị nhanh chóng được định hướng vào khoa violon của Nhạc viện Hà Nội và là một trong những sinh viên xuất sắc nhất.

Tại thời điểm ấy, bộ môn viola mới được thành lập, cha chị là trưởng bộ môn. Ông lo lắng bởi những sinh viên có năng khiếu theo môn này rất hiếm hoi. Mong muốn môn viola sớm phát triển, bố chị đã động viên cô con gái của mình chuyển từ violon sang viola. Năm 1989, chị thi đậu Học viện Tchaicovsky (Liên Xô cũ) với số điểm cao nhất.

Sau mười năm luyện tập và gặt hái nhiều thành công, nghệ sĩ Nguyệt Thu đã nâng tên tuổi của mình lên tầm quốc tế. Năm 2001, chị quyết định lập gia đình. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, viên mãn nối dài thì chị và gia đình bắt đầu lo lắng cho cậu con trai đầu lòng. Cậu bé có lớn nhưng lại không được bình thường như những đứa trẻ khác. Bốn năm ròng chỉ ăn đúng 1 món, chỉ ngủ khi được ôm chính chiếc gối của mình. Chị bàng hoàng nhận ra con bị mắc chứng tự kỷ.

Một buổi học thanh nhạc.

Chị bắt đầu dằn vặt bản thân mình. Tự trách mình không quan tâm chăm sóc con chu đáo, tự trách mình dạy con không đúng phương pháp… rồi hàng nghìn lý do chị đưa ra để tự giày vò. Chị Thu kể lại: "Cứ dằn vặt mãi, sau này đi gặp các chuyên gia họ mới nói rằng tự kỷ là do bẩm sinh chứ không phải do môi trường sống, hoặc dạy dỗ. Lúc đó tôi mới bớt cắn dứt lương tâm. Khi đã xác định được tâm lý, tôi quyết tâm bắt tay vào chữa trị cho cháu".

Chẳng nói ai cũng biết để nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ khó khăn, vất vả đến thế nào. Vì mưu sinh, vì đam mê, hằng ngày nghệ sĩ Nguyệt Thu vẫn phải đi biểu diễn, trong khi vẫn phải chăm sóc đứa con không bình thường của mình. Cháu bé gần như không giao tiếp với ai, ăn uống khó khăn, lại hay cáu gắt vô cớ rồi đánh những người xung quanh.

Gửi đến lớp chỉ được dăm ba bữa là người ta lại trả về vì phá lớp, không chịu nghe giảng. Nhìn đứa con có lớn mà chẳng có khôn, chị chỉ biết khóc. Nhiều lúc chị bất lực, muốn buông bỏ mọi sự… Thế rồi lòng người mẹ chẳng thể buông xuôi. Chị gửi con khắp các trường chuyên biệt, đưa từ Hà Lan (quê chồng) sang Malaysia, Singapore, rồi lại quay về Việt Nam nhưng cậu con trai mình chưa khá hơn là bao.

Trong một lần vô tình chị đọc được tài liệu về những trẻ bị tự kỷ rất có khả năng âm nhạc. Là người trong nghề, chị hiểu hơn ai hết sức mạnh "kết nối" của âm nhạc giữa con người với con người. Chị bắt đầu cho con mình nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm. Chị như không tin vào mắt mình, những bản nhạc với tiết tấu lặp đi lặp lại ấy khiến cậu bé có biến chuyển rõ ràng.

Nghệ sỹ quốc tế viola Nguyệt Thu.

Khi ấy chị và chồng đã ôm lấy con mà khóc vì hạnh phúc. Nghệ sĩ Nguyệt Thu bộc bạch: "Rõ ràng âm nhạc rất tốt cho con người, đặc biệt tốt cho những trẻ tự kỷ. Khi trẻ nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, các cháu sẽ được giải tỏa tâm lý căng thẳng, giảm tăng động, cởi mở với thế giới bên ngoài, tập trung hơn. Chúng thực sự cần sự lắng đọng trong tâm hồn".

Là một người mẹ nhiều năm vật lộn chữa tự kỷ cho con, chị Thu hiểu hơn ai hết nỗi lòng của những bậc phụ huynh không may mắn. Thế là ý tưởng muốn chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp với nhiều người ngày một lớn lên. Ngôi trường Bình Minh cho nghệ thuật (Sunrise for Art school) được ra đời. Đây là ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam, cũng là đầu tiên ở châu Á sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ.

Đến ngôi trường âm nhạc

Ban đầu nghệ sĩ Nguyệt Thu chỉ định mở một lớp nhạc nhỏ, nhưng sau thấy nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ có mong muốn cho con được theo học nên chị đã mạnh dạn mở hẳn một trường âm nhạc cho trẻ tự kỷ. Trường học này dùng âm nhạc là phương pháp chính để trị liệu cho trẻ tự kỷ. Ở đây các em cũng được học cả văn hóa cơ bản, các môn thể dục trị liệu và cả kỹ năng sống.

Với âm nhạc, trẻ tự kỷ sẽ cởi lòng mình với thế giới bên ngoài.

Nghệ sĩ Nguyệt Thu chia sẻ: "Sống trong một môi trường khép kín, trẻ tự kỷ rất hạn chế trong việc giao tiếp và thể hiện cảm xúc với mọi người. Nhưng âm nhạc thực sự đã chạm tới tâm hồn, kích thích và lôi cuốn các em. Trên thế giới, âm nhạc đã được nghiên cứu và ứng dụng chữa bệnh cho trẻ tự kỷ. Ban đầu khi đến đây, hầu hết các em đều không nghe lời giáo viên và chỉ làm điều mình thích theo bản năng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được tiếp xúc với âm nhạc, được trị liệu về tâm lý, các em đã có những biến chuyển rõ rệt".

Hiện Sunrise for art có hơn 50 trẻ em tự kỷ theo học. Do đặc thù của bệnh tự kỷ, trẻ thường không kiểm soát được hành động của mình nên mỗi lớp dù chỉ vài ba trẻ nhưng cũng có đến 2 giáo viên. Thậm chí, nhiều học sinh "cá biệt" thì mỗi cô kèm 1 trò. Mặc dù mới vào trường được 4 tháng nhưng Phạm Quang Hưng, 10 tuổi (Hải Phòng) đã tiến bộ rất nhiều. 

Học sinh tại đây rất hào hứng trong những tiết học thanh nhạc.

Lúc mới vào, hai cổ tay của Hưng chi chít vết cắn, nhiều vết bật máu vì cắn quá mạnh. Hưng có thói quen cắn vào cổ tay mình. Đến trường, Hưng được các thầy cô dạy thể dục trị liệu và học đàn. Chứng kiến cảnh những giáo viên nơi đây kiên nhẫn với học trò của mình mới hiểu nếu không có tình thương với những đứa trẻ thiệt thòi thì họ không thể làm được điều tuyệt vời ấy.

Âm nhạc đã giúp Nguyễn Thị Thúy, 14 tuổi (Hà Nội) từ một đứa trẻ ghét giao tiếp biết nắm tay bạn bè cùng hát một bài hát. Các thầy cô ở đây cho biết, sau một thời gian theo học, Thúy đã bộc lộ khả năng âm nhạc tốt. Em không chỉ hát được theo nhạc, mà còn học piano cũng rất nhanh. Thúy được xem là một trong những học sinh có năng khiếu âm nhạc của Trường Sunrise for art.

Không chỉ sử dụng âm nhạc trong trị liệu, mà Sunrise for art còn mong muốn hướng nghiệp cho các em. "Tôi muốn mọi người thay đổi định kiến về trẻ tự kỷ. Ẩn sâu trong mỗi đứa trẻ tưởng như chỉ toàn khiếm khuyết này lại là những tài năng tiềm ẩn. Vì vậy ngoài âm nhạc, nhà trường còn dạy các con cả những môn chuyên sâu như tiếng Anh, toán và công nghệ thông tin. Trong quá trình dạy sẽ phát hiện ra thế mạnh của từng trẻ để từ đó có thể hướng nghiệp cho các con sau này. Thậm chí, Sunrise for art sẽ tìm đối tác làm "đầu ra" cho trẻ tự kỷ" - nghệ sĩ Nguyệt Thu chia sẻ.

Bên cạnh những buổi thanh nhạc, trẻ tự kỷ ở đây có những buổi vận động rất khoa học.

Nói về những dự định trong tương lai, nghệ sĩ Nguyệt Thu mong muốn sẽ phát triển mô hình trị liệu bằng âm nhạc ra nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Bởi trên thực tế, đã có nhiều gia đình dù ở ngoại tỉnh sau khi biết về trường đã đăng ký cho con mình được theo học. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày ngày họ phải chở con ba, bốn chục cây số đến trường rồi lại từ trường về nhà. 

Và còn bao đứa trẻ tự kỷ khác đang phải sống trong thế giới khép kín của riêng mình với tương lai vô định phía trước.

Phong Anh
.
.
.