Ngôi làng với những người mẹ nuôi có tấm lòng nhân hậu

Thứ Ba, 24/07/2018, 16:03
Ở làng Hòa Bình (Quảng Nam), dường như tôi không nghe được tiếng thở dài, hay lời than vãn, mà đến đây, tôi như bị thu hút bởi những tiếng cười nói, hồn nhiên của trẻ thơ; những tiếng ú ớ chưa thành lời của các em bé sớm xa rời vòng tay cha mẹ ruột, vì một lý do khách quan nào đó.

Và, các em đều được những người mẹ tại đây hết lòng cưu mang, nuôi dưỡng trong tình yêu thương vô bờ bến…

Hy sinh hạnh phúc riêng tư…

Trưa một ngày nắng nóng, tôi đến làng Hòa Bình, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là mái nhà chung cho hơn 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đang được nuôi dưỡng, chăm sóc từng ngày. 

Mùa này, thứ duy nhất ở làng Hòa Bình thay đổi đó là nhiệt độ, còn mọi việc vẫn như thường ngày. Trong cái nóng oi bức ngày hè, những mẹ nuôi vẫn luôn hết lòng chăm bón từng muỗng cháo, muỗng cơm cho các em ăn đúng bữa; lo lắng từng giấc ngủ, tảo tần như những người mẹ chăm sóc chính các con mình dứt ruột đẻ ra.

Ở gian phòng đặc biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật nặng, chị Võ Thị Kim Huệ (34 tuổi), khuôn mặt lo lắng, tay đang nâng đứa trẻ, vuốt vuốt lồng ngực cho nó khỏi cơn ho sặc sụa. Chỉ đến khi cơn ho của đứa bé dừng lại, cơ mặt của chị mới dần giãn ra. 

Chị Huệ cho biết, em bé tên là Nguyễn Văn Sơn, bị bệnh não úng thủy. Vì hoàn cảnh, em được gia đình đưa đến làng từ khi mới lọt lòng, đến nay đã gần 14 năm. Căn bệnh khiến em Sơn chỉ nằm một chỗ và chỉ ăn cháo, cơm xay nhuyễn. 

Thức ăn xay hơi cợn một chút em cũng bị sặc, nôn ói hết ra, vì vậy việc cho em ăn luôn phải cẩn trọng… Dẫn chúng tôi dạo vòng qua khu trẻ sơ sinh đang được nuôi dưỡng, các “mẹ nuôi” Nguyễn Thị Bông (38 tuổi), Dương Thị Ngọc (37 tuổi) cho hay, ở đây ngoài em Sơn còn có 8 đứa trẻ khác là những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng mẹ. 

Trong số đó, có những em phát triển bình thường, nhưng cũng có những em bị khuyết tật tay chân, bị bệnh về não... Những ngày đầu mới được đưa vào nuôi, hầu hết các em khát sữa, thiếu hơi mẹ nên gào khóc suốt. Các “mẹ nuôi” phải thay nhau bồng, ẵm dỗ dành cả ngày, lẫn đêm, dần dần các em mới quen “hơi mẹ” chịu nín…

Em Nguyễn Văn Sơn bị bệnh não úng thủy, được các “mẹ” ở làng Hòa Bình chăm sóc hơn 10 năm nay.

Trong gian phòng, các em nằm trong từng chiếc cũi riêng, chị Bông mang những bình sữa đến, dỗ dành cho các em bú. Bé Hằng đôi mắt tròn xoe nhìn người lạ, nũng nịu đòi chị Ngọc ẵm bồng. Dỗ cháu Hằng bú xong bình sữa, chị Ngọc nói rằng, những người làm công việc như chị ở làng Hòa Bình là do đồng cảm với số phận của các bé, coi các bé như là con ruột của mình. 

“Lúc đầu mới vào việc, ai cũng gặp phải những khó khăn do chưa có kinh nghiệm nhưng với tình yêu thương rồi cũng vượt qua tất cả để chăm sóc các con khôn lớn nên người. Ở đây các con đều rất ngoan. Dù là con trai hay con gái cũng biết nghe lời, biết an ủi, biết giúp các mẹ rất nhiều việc để lo cho các em nhỏ hơn. Mỗi khi có những chuyện gì vui, các bé cũng hay tâm sự với mình, làm mình cảm thấy như tình cảm thật sự giữa hai mẹ con ruột thịt vậy”, chị Ngọc tâm sự. 

Ở bên kia gian phòng, những đứa trẻ đã biết đi, biết chạy. Tiếng cười nói hồn nhiên và cả những tiếng ú ớ của những em khuyết tật dường như xua đi cái nóng bức của ngày hè. Khi chúng tôi tới phòng này, chị Võ Thị Nghệ đang đút cơm cho các em. 

Tôi hỏi chuyện về em bé người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu Alăng Thị Kim Phí. Vừa đút cơm cho Phí, chị Nghệ vừa kể chuyện. Thì ra, khi mới một ngày tuổi, Phí được mang từ Đông Giang xuống làng, trên người đầy ghẻ lở. 

Theo hủ tục người dân bản địa, do mẹ Phí chết khi sinh nên em đã bị chôn theo mẹ. Các y tá xã đã can thiệp và cứu được em, rồi đưa xuống làng Hòa Bình nhờ nuôi dưỡng. Tại làng, Phí đã được nuôi theo chế độ của trẻ sơ sinh, vài tháng sau giao về cho “nhà” của “mẹ” Nghệ… 

Qua trò chuyện, tôi cũng được biết, chị Nghệ năm nay 53 tuổi và chị đã có gần 20 năm gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh, cho đến bây giờ đã sáp nhập với làng Hòa Bình để trở thành một ngôi làng chung của nhiều mảnh đời bất hạnh. Lớn nhất trong các chị ở làng Hòa Bình, cũng là một người đặc biệt nhất, khi chị bỏ qua hạnh phúc riêng tư để dành trọn cuộc đời cho các con nuôi.

“Mình không có gia đình, nên những đứa trẻ ở đây cũng chính là con của mình. Nhìn tụi nó lớn lên từng ngày từ bàn tay chăm sóc của mình, thấy hạnh phúc lắm”, chị Nghệ giãi bày.

Đồng cảm với số phận của các bé, coi các bé như con mình nên các “mẹ” hết lòng thương yêu, chăm sóc.

Nuôi dưỡng ước mơ…

Làng Hòa Bình, Quảng Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất làng Hòa Bình và Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nuôi dưỡng tập trung 115 đối tượng là trẻ mồ côi, sơ sinh, trẻ khuyết tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Làng thực hiện chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tập trung cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp nhận và nuôi dưỡng tạm thời các đối tượng cần chăm sóc khẩn cấp; kết nối và cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng, chuyển đối tượng trở về gia đình, hòa nhập cộng đồng… 

Và, với tình yêu thương vô bờ bến, ngoài việc nuôi dạy cho trẻ, các “mẹ nuôi” ở  làng Hòa Bình Quảng Nam còn giúp các em bất hạnh được đưa về làng hồi phục tích cực sau khoảng thời gian sinh hoạt; tạo điều kiện cho các em đi học, dạy dỗ các em nên người. 

Chị Võ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc làng Hòa Bình cho biết, các em ở đây khi được tiếp nhận sẽ được phục hồi chức năng, trong năm, sẽ có giáo viên phụ trách dạy cho các em từng con chữ, dạy các em tập đọc, tập viết. 

Những em bình thường đến tuổi đi học sẽ được đưa về các trường lân cận để đi học. Những em khuyết tật đi lại bình thường sẽ đưa về trung tâm tại TP Tam Kỳ để rèn luyện thêm. Mỗi ngày, các “mẹ” ở trung tâm sẽ săn sóc, đưa đón các em đi học. 

Hiện làng Hòa Bình có 42 em đang theo học tại các trường tiểu học, THCS, THPT và 1 em đang theo học cao đẳng tại Trường Cao đẳng Y tế - Kỹ thuật Quảng Nam.

Ba chị em Phan Thị Kim Thanh (21 tuổi), Phan Thị Thanh Ngân (19 tuổi), Phan Thạch Luân (16 tuổi) là trẻ mồ côi, được đưa đến làng Hòa Bình từ lúc còn rất nhỏ. 

Ban đầu lạ lẫm, thiếu bố mẹ ruột, các em quấy khóc, tủi thân, nhưng với sự thương yêu vô bờ bến của các mẹ ở đây đã giúp các em vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, học hành giỏi giang. 

“Ban đầu khi được đưa xuống làng, mọi thứ đối với ba chị em còn rất lạ lẫm. Lúc đó em rất sợ, đã có lúc chị em bỏ trốn về nhà. Thế nhưng, được các “mẹ” khuyên nhủ, với tình yêu thương của các “mẹ” nên chúng em đã về ở lại. Các “mẹ” chăm sóc chúng em giống như ba mẹ ruột. Nhờ có sự cưu mang, dạy dỗ của các “mẹ” mà ba chị em khôn lớn nên người, được đi học như bao bạn bè khác. Sau khi hoàn thành xong chương trình học ở Trường Cao đẳng Y tế - Kỹ thuật Quảng Nam, em muốn được quay trở lại làng làm việc, ở lại mái nhà mình từng sinh sống, giúp đỡ các em như các “mẹ” đã từng làm”, em Thanh bộc bạch.

Các em ở làng Hòa Bình được phục hồi chức năng, hòa nhập với cộng đồng.

Những “ngôi nhà” của trẻ mồ côi chưa bao giờ thiếu sự quan tâm, tình yêu thương của các mẹ nuôi. Các em sống ở làng Hòa Bình như đang sống trong chính gia đình mình, có mẹ săn sóc, có anh chị, có em nhỏ. 

Tình thương được trải ra và chia sớt cho từng em, để bây giờ, những em lớn, đang theo học phổ thông hay THCS, đều có thể cùng “mẹ” chăm cho các em nhỏ hơn. 

Công việc tuy vất vả nhưng các “mẹ” ở đây luôn vui vẻ và nụ cười luôn hiển hiện trên khuôn mặt hiền hậu, ấm áp yêu thương. Nhìn các “mẹ” tỉ mẩn chăm sóc cho từng trường hợp, ai cũng hiểu rằng họ làm việc trước hết bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng lương tâm và trách nhiệm. 

“Niềm vui của chúng tôi đơn giản chỉ cần nhìn các con bước ra cuộc đời, trưởng thành và tử tế. Vì vậy, ở đây giống như những ngôi nhà khác, một gia đình thật sự. Với lòng yêu thương và đồng cảm với các mảnh đời bất hạnh của các em, các cán bộ trong làng luôn cố gắng nuôi dưỡng và chăm sóc chia sẻ với các bé từng ngày để các bé phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa. 

Các em sẽ ở đây, được các mẹ nuôi nấng, chăm sóc, tạo điều kiện, đưa đón các em được đến trường”, lúc chia tay tôi, chị Hạnh nói như gửi gắm, dặn dò... 

Hà Vy
.
.
.