Ngôi làng độc đáo nhất của Hà Nội: Cả làng ăn trầu

Thứ Bảy, 01/02/2014, 08:15

Miếng trầu quả cau từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Vì thế tục ăn trầu cũng rất đỗi phổ biến. Nhưng đó là thời trước. Thời của các bà, các mẹ miệng đỏ như son, hàm răng hạt na đen nhánh. Bây giờ, tục ăn trầu dần trở nên thưa vắng, nhiều nơi đã biến mất. Cơi trầu quả cau chỉ còn như một nghi thức trong dịp Tết, lễ, cưới hỏi… Thế nhưng, chỉ cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 30km, vẫn còn nguyên vẹn một làng ăn trầu.

Đó là làng Phú Lễ - một trong 6 thôn của xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ở đây, từ các cụ già trên trăm tuổi tới trẻ con 4-5 tuổi cũng đều ăn trầu bỏm bẻm. Ngạc nhiên hơn, đàn ông ở Phú Lễ còn ăn trầu nhiều hơn phụ nữ.

“Không biết ăn trầu không phải người Phú Lễ”

Chúng tôi về Phú Lễ vào một ngày cuối năm, gió bấc. Nằm nép mình bên bờ sông Tích, Phú Lễ với hơn 300 hộ, chừng 1.000 nhân khẩu. Trước khi về Phú Lễ, tôi cứ bán tín bán nghi về những chuyện mình nghe được ở vùng đất này, với câu chuyện từ các cụ già tới đám trẻ lớp một, lớp hai đã biết ăn trầu. Cho tới tận lúc ngồi trong quán nước đầu làng Phú Lễ, khi vừa gọi xong ly trà để xua đi cái lạnh xứ Bắc thì cũng là lúc chủ quán bưng ra một đĩa… cau trầu với lời mời xởi lởi: “Mời bác xơi miếng trầu cho ấm bụng”.

Sau này, khi đã ngồi “uống nước ăn giầu” với ông Đặng Văn Võ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cần Kiệm, mới hay đó là chuyện… thường ngày ở Phú Lễ. Ông bảo, bất cứ gia đình nào ở Phú Lễ có việc lớn nhỏ gì cũng không thiếu được đĩa trầu. Ngày trước, các đôi đến đăng ký kết hôn vẫn thường mang theo dăm quả cau dăm lá trầu. Cau trầu đã trở thành nét văn hóa ở đây. Thậm chí, mấy quán ăn đầu làng, người ta còn mời cau trầu như người thành phố mời hoa quả ăn tráng miệng. Chỉ khác, cau trầu tráng miệng ở Phú Lễ thực khách cứ dùng… miễn phí.

Làng Phú Lễ nhìn từ trên cao.

Không rõ tục ăn trầu trở nên phổ biến ở Phú Lễ từ bao giờ. Chỉ biết, quả cau miếng trầu đã trở nên không thể thiếu được ở mảnh đất này. Ở Phú Lễ người già nhất làng là cụ Hạt, 104 tuổi vẫn ăn trầu, còn mấy cậu bé có khi 5, 6 tuổi cũng đã biết ăn trầu rồi. Điều đặc biệt, nếu ở các vùng khác đa phần chỉ đàn bà mới ăn trầu thì riêng Phú Lễ, đàn ông con trai ăn trầu thậm chí còn nhiều hơn. Từng có lúc, ăn được nhiều trầu còn là “tiêu chuẩn” của một chàng trai tốt trong mắt các cô gái Phú Lễ. “Không biết ăn trầu không phải người Phú Lễ” - ông Võ đúc kết. Bởi thế, vào những ngày lễ Tết, hội hè hay đám cưới đám hỏi, người Phú Lễ không cần tô son mà môi đã đỏ.

“Thế hệ tôi tự hào về phong tục này của người Phú Lễ. Dù bây giờ, các bạn tuổi mười tám, đôi mươi có thể ngại, vì lo mất đi hàm răng trắng, nhưng tôi vẫn nghĩ, sẽ tới một lúc họ trở lại với miếng trầu. Đây là tục lệ rất đẹp, thể hiện sự gần gũi, ấm áp của người dân Phú Lễ”, vừa quệt vôi vào miếng trầu, ông Võ vừa tự hào về mảnh đất của mình.

Đám cưới nghìn cau

Ngày thường ở Phú Lễ nhà nào cũng có chục quả cau trong nhà. Nhưng khi nhà có đám, không chỉ lo cỗ bàn chu tất mà phần trầu cau cũng không thể sơ suất. Đến nay người Phú Lễ hiện vẫn giữ tục “thách cưới” bằng cau.

Đĩa cau trầu Phú Lễ.

Vừa đi thả trâu ở đám mạ đồng đất về, anh Nguyễn Văn Tiến vừa quệt miếng trầu “ăn cho ấm” vừa hồi nhớ về đám cưới của mình cái đận 1993. Hồi ấy ở Phú Lễ có tục nhà nào có đám cưới đều phải đi chia cau khắp làng, vì thế mỗi đám cưới phải cần tới hơn 2.000 quả cau. Có nhà đi mua cau cưới mà người ta nghĩ là khách buôn cau. Năm ấy anh Tiến cưới vợ. Như lệ làng, nhà gái “thách cưới” 1.000 quả cau 1.000 lá trầu. Hồi đó, đám cưới của anh khiến cả nhà… lo méo mặt, vì “tiền trầu cau tốn hơn mấy lần tiền mua thịt lợn”, anh Tiến nhớ lại. “Voi chín ngà gà chín cựa” khó kiếm đã đành, thế mà năm đó cau mất mùa, lo được 1.000 quả cau đẹp đội sang nhà gái cũng khiến gia đình anh Tiến lo lắng. Các cụ cao niên đã có ý bàn, hay là đội cau khô sang nhà gái, nhưng lại có cụ bảo, cả nhà có mỗi anh Tiến là con trai, nên cũng phải cố lo cho xứng, cho bằng làng trên xóm dưới. Thế là đôn đáo chạy khắp các chợ, chạy xuống cả Hải Phòng, lên mạn Hòa Bình mới gom đủ số cau để mang lễ.

“Áp lực cau trầu là có thật, nhưng đó là những năm về trước, và chỉ rơi vào thời điểm mất mùa cau”, ông Đặng Văn Võ bảo: “Nhưng cũng từ đó, các cụ cao tuổi trong làng và chính quyền địa phương đã họp bàn và đưa ra quyết định nhà có đám cưới không phải đi chia cau quanh làng nữa. Chỉ mời dân làng tới ăn trầu uống nước nữa thôi. Vì thế, mỗi đám cưới bây giờ số cau trầu cũng chỉ chừng 400 quả nhà trai, 400 nhà gái”.

“Phi trầu cau bất thành lễ”

Mỗi gia đình ở Phú Lễ đất không quá rộng, nhưng nếu đã có mảnh vườn nhỏ kiểu gì chủ nhà cũng trồng mấy gốc cau và giàn trầu quấn quýt.

Người cao tuổi nhất ở Phú Lễ là cụ Phùng Thị Hạt, năm nay tròn 103 tuổi. Nhà cụ Hạt nằm ở cuối ngõ, trông ra sông Tích nước chảy mơ màng. Trí nhớ có thể lẫn, nhưng thói quen ăn trầu thì cụ vẫn không quên. Góc sân có sẵn giàn trầu xanh mướt, ngày nào cụ cũng lộc cộc chống gậy ra hái dăm lá trầu bỏ vào cơi. Hàm răng cụ vẫn đen, nhưng tuổi già khiến cụ phải nhờ con cháu hoặc hàng xóm nhá dập miếng cau ra để ăn cho mềm. Anh Kiều Cao Trinh – cháu cụ Hạt – bảo, nếu có người nhá dập miếng cau cho cụ, thì cụ có thể ăn hết chục miếng trầu một ngày.

Phụ nữ ăn trầu - Ảnh: T.L.

Với người dân Phú Lễ, sống với miếng trầu, chết cũng với miếng trầu, trầu đã đi vào đời sống của nhân dân như một lẽ tất yếu. Và trầu cau còn đi vào… thơ. Ông Kiều Cao Lâm là người thôn Phú Lễ, từng là giáo viên dạy Toán, đến nay là chủ nhiệm CLB Văn nghệ sĩ xứ Đoài Thạch Thất đã “tức cảnh sinh tình”: “Giàn trầu bên ấy đang cay/ Cau non bên này bén hạt đương tươi/ Anh về bảo mẹ mua vôi/ Ngày vui hai họ đỏ môi thắm tình”… Trầu cau là nét văn hóa, thì đã hẳn. Nhưng trong suy nghĩ của ông Lâm, nếu người xưa từng nói “Phi tửu bất thành lễ”, thì với người dân quê ông: “Phi trầu cau bất thành lễ”, bởi ở “miền đá ong” này, trong bất cứ một sinh hoạt tín ngưỡng nào không cần sắm sanh nhiều lễ vật đắt tiền, chỉ cần lễ trầu cau là đủ.

Theo ông Lâm, điều đặc biệt, miếng trầu của người Phú Lễ không được têm cuộn tròn lại như chiếc kén hay cầu kì hình cánh phượng như vùng Kinh Bắc mà lá trầu được cắt đều, bày xòe trên đĩa. Ông giải thích: “Vì người Phú Lễ không muốn bao biện. Tôi không têm, như cái bánh tôi bóc ra rồi, biểu hiện tấm lòng rất chân thật, không nghi ngại gì nữa”

Hoàng Thu Phố
.
.
.