Ngành du lịch "điêu đứng" vì virus Corona

Thứ Tư, 12/02/2020, 22:21
Trước diễn biến của dịch viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các hoạt động du lịch của Việt Nam cũng chịu tác động lớn. Hàng loạt khách hàng huỷ tour đã gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp lữ hành.

Mất 500 triệu đồng/ngày

Chiều tối 9-2, khi chia sẻ với phóng viên Cảnh sát toàn cầu về sự ảnh hưởng của virus Corona tới doanh nghiệp lữ hành, giám đốc một công ty du lịch lớn than thở: "Những ngày qua là cơn ác mộng đối với tôi và toàn thể nhân viên trong công ty. Điện thoại luôn trong tình trạng nóng máy vì khách hàng gọi đến huỷ tours vì lo lắng dịch bệnh. Mỗi ngày mở mắt ra, công ty thiệt hại khoảng 500 triệu đồng". Đây chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp lữ hành đang đứng ngồi không yên trong lúc dịch bệnh do virus Corona vẫn chưa đi qua.

Theo thống kê của các doanh nghiệp lữ hành, đã có tới 95% số lượng tour bị huỷ; riêng các tour Trung Quốc cắt giảm toàn bộ. Các tour khách đặt vào tháng 3, tháng 4 cũng cũng bị hủy. Đây thực sự là một cú sốc nặng đối với các công ty lữ hành. 

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtour cho biết, ngay trước Tết Nguyên đán, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc thì Hanoi Redtour đã chủ động thống nhất với khách hàng huỷ các tour đi Trung Quốc. Hiện nay, do dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi du lịch giảm mạnh. 

Dù có nhiều điểm đến khá an toàn, tỷ lệ người mắc dịch và lây lan rất thấp nhưng những khuyến cáo của các cơ quan chức năng khá chung chung gây hoang mang cho khách trong nước và quốc tế cũng như định hướng sản phẩm của công ty du lịch.

Du khách đi tour dịp này được trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay khô và thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc thường trực Viettravel cho biết, dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và ảnh hưởng khá lớn tới các doanh nghiệp lữ hành. Hiện nay, Viettravel chưa tính được con số thiệt hại nhưng tất cả 3 mảng khách đều giảm trên 50%. 

Hiện, trong nước một số tuyến như miền Tây, Phú Quốc, Buôn Ma Thuật, Quy Nhơn, Phú Yên hay đi tour nước ngoài như thị trường Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Australia, Mỹ, khách vẫn đăng ký đi nhưng cũng giảm hơn 50% so với bình thường khi chưa có dịch.

Ông Dương Bá Hưng, Tổng giám đốc Công ty du lịch TopTen (TP. Hồ Chí Minh) cũng lo lắng không kém. Trong mấy ngày qua, lượng khách huỷ tours khá nhiều, trong khi vé máy bay, dịch vụ theo các chương trình tours đã xuống tiền đặt cọc và giữ chỗ. "Vé máy bay TopTen Travel đã phải đặt từ giữa năm 2019 cho lộ trình tour năm 2020, và xuất vé tới quý II-2020. 

Một số tuyến như châu Âu, Australia, Thái Lan… cũng đặt cọc và xuất vé tới tháng tháng 7, tháng 8-2020; thị trường Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, còn đặt cọc xuất vé tới tháng 11, tháng 12-2020. Tại TopTen Travel, khách đã huỷ hết tours từ tháng 2 đến tháng 4-2020. Thêm vào đó là nguồn khách lẻ đến thời điểm này cũng đứng im, không bán được tour nào cả nội địa và quốc tế", ông Hưng chia sẻ.

Cùng tình cảnh, bà Hoàng Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty Vietmoon Travel cho biết, 905 tour của Vietmoon Travel 90% là đi quốc tế nên sự ảnh hưởng của dịch là rất nghiêm trọng. Hiện tours tuyến đều bị huỷ bỏ nhiều nhất là: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Bali- Indonesia. Trong đó, thị trường Nhật Bản là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lý giải điều này, bà Hương cho hay, hiện tại Vietnam Airlines không cho phép huỷ, hoàn các booking mùa hoa anh đào. 

Trong khi đó, dịp này công ty lại đặt cọc nhiều nhất vào các ngày 28-29-30/3 và 1-2-3-4/4, đúng dịp cao điểm hoa anh đào không được hoàn. Mà mỗi booking từ 25-30 khách. Mỗi booking đặt cọc từ 70-100 triệu đồng. Hiện công ty đã đặt cọc lần 1 gần 500 triệu và tới cuối tháng 2 phải xuống cọc lần 2. 

Nếu không xuống cọc thì không có chỗ, và không đóng cọc lần 2 thì coi như mất trắng 500 triệu lần 1. Về thị trường, bà Hương cho biết, với Vietmoon Travel, khi dịch xảy ra có trường hợp huỷ tour đòi lại tiền đặt cọc về và có khách đồng ý lùi thời gian khởi hành trong vòng 6 tháng.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch- Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt than thở, dịch bệnh do virus Corona đã tạo ra nhiều thiệt hại cho ngành du lịch Việt. "Thông thường mỗi tháng công ty phục vụ 13.000- 15.000 khách. Tuy nhiên, trong tháng 2-2020, công ty chỉ còn khoảng hơn 20% số khách tiếp tục đi tour đã đăng ký. 

Ngoài số tiền thiệt hại do đã đặt cọc và booking vé, hàng trăm nhân viên của công ty cũng đứng ngồi không yên vì nếu dịch bệnh kéo dài, tour không bán được, nhân viên ngồi nhà, mỗi ngày thiệt hại vài trăm triệu, chỉ riêng tháng 2 công ty đã thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài, nguy cơ nhiều doanh nghiệp lữ hành phá sản", ông Long chia sẻ.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Từ thực tế của DN lữ hành trong những ngày qua cho thấy, thiệt hại đối với họ là rất lớn.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12-2019 thì đến đầu tháng 1-2020 ngay lập tức rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch bệnh gây ra đã khiến nhiều đường bay của các hãng hàng không phải tạm ngừng hoạt động. 

Vì thế, không ít khách du lịch hiện đang còn mắc kẹt tại một số điểm đến như Khánh Hòa, Đà Nẵng... Trong khi đó, theo dự báo, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc "khủng hoảng" tác động tiêu cực tới nhiều công ty du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Công ty du lịch phát khẩu trang cho khách hàng.

Loay hoay trong "bão Corona"

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trung bình đón khoảng 12.000 lượt khách/ngày, nhưng hiện tại, chỉ đón khoảng 3.000 khách/ngày. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Đà Nẵng và Huế cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách sụt giảm đến 70%.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cho biết lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc công suất phòng hiện dưới 20%. Ngoài ra, bên cạnh những tác động trực tiếp từ dịch bệnh mang lại, các địa phương cũng đang phải gánh chịu tác động tiêu cực từ những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội hoặc do truyền miệng ảnh hưởng tới lượng du khách trong tháng đầu năm 2020.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành cũng như tìm những giải pháp phát triển du lịch trong "bão" virus Corona là việc làm cấp thiết. 

Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, lúc này các công ty  du lịch đang rất cần những dự báo của cơ quan chức năng về tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, chính sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước để chuẩn bị các phương án khôi phục, thúc đẩy lại thị trường, tìm kiếm thị trường bổ sung sau dịch.

Theo bà Hoàng Thị Lan Hương, khó khăn lớn nhất đối với công ty hiện nay là đã đặt cọc vé rất nhiều trong quý I-II-III/2020. Số tiền rất lớn trong khi khách huỷ tour. Do vậy, doanh nghiệp lữ hành mong có sự chung tay của các hãng hàng không trong và ngoài nước sớm có những hỗ trợ cụ thể trong việc hoàn, hủy vé hoặc lùi thời hạn khởi hành cho các doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, các hãng hàng không có thể cho dời cọc các booking hoa anh đào Nhật Bản hoặc giảm tiền đặt cọc hay hoàn 100% cho doanh nghiệp lữ hành.

Du khách đi tours dịp này được trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay khô và thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Du lịch Vân Hải Xanh kiêm Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, ngày 7-2, trong buổi làm việc với Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, Vietnam Airlines đã đồng ý hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn hủy và lùi thời gian chuyển thành cọc cho khách hàng trong năm 2020. 

Nhưng sự hỗ trợ này quá ngắn không giải quyết được hết những vướng mắc cũng như những booking khách đoàn của các doanh nghiệp, điển hình như seri vé Nhật Bản, Hàn Quốc tháng 3, tháng 4 cũng như một số thị trường khác. 

Còn ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, cũng hứa trước truyền thông là sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoàn hủy cũng như khách hàng mà bị ảnh hưởng của dịch không đi nữa cũng hỗ trợ hoàn hủy hoàn toàn nhưng đến hôm nay cũng chưa thấy công văn chính sách nào từ Vietjet Air.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đang mất thị trường lớn là Trung Quốc. Vì vậy, ngành Du lịch cần có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Australia… 

Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam như chính sách visa thông thoáng, thuế VAT, tiền điện nước, thuê đất, giãn nợ ngân hàng…

Lưu Hiệp
.
.
.