Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố gói kích thích kinh tế mới

Thứ Hai, 14/10/2019, 09:57
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB ) đã công bố gói kích thích mới trong nỗ lực ngăn chặn nền kinh tế eurozone mong manh ngừng hoạt động, với việc cắt giảm lãi suất và có kế hoạch bơm 20 tỷ euro mỗi tháng vào thị trường tài chính.


Trong một nỗ lực cuối cùng trong nhiệm kỳ chủ tịch ECB của mình, trước khi bà Christine Lagarde lên nắm quyền vào tháng 11, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng các chính phủ trên khắp khu vực đồng euro cần phải thực hiện các bước lớn hơn để khởi động lại tăng trưởng bằng cách tăng cường chi tiêu công hoặc cắt giảm thuế. 

Nhắm tới Đức, một trong những quốc gia có tài chính mạnh nhất thế giới, Draghi nói rằng các quốc gia eurozone có tài chính vững chắc phải thực hiện các bước nhanh chóng để hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ của họ.

“Sau nhiều năm hỗ trợ từ ngân hàng trung ương để duy trì tăng trưởng
trong kể từ cuộc khủng hoảng tài chính”, ông nói. “Bây giờ tôi nghĩ rằng chính sách tài khóa phải chịu trách nhiệm. Trước viễn cảnh kinh tế suy yếu và sự nổi lên liên tục của các rủi ro giảm giá, các chính phủ có không gian tài khóa nên hành động một cách hiệu quả và kịp thời”.

Ý kiến của Draghi đã được đưa ra khi ECB tuyên bố sẽ hỗ trợ khối tiền tệ 19 quốc gia bằng cách làm mới chương trình nới lỏng định lượng (QE) về mua trái phiếu. Bắt đầu từ tháng 11, ngân hàng trung ương này sẽ mua 20 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng từ các ngân hàng thương mại trong nỗ lực bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Động thái này khởi động lại một chương trình ECB đã tạm dừng vào tháng 12-2018 sau khi mua 2,6 triệu euro trái phiếu kể từ lần đầu tiên sử dụng QE vào năm 2015.

ECB cũng cho biết họ sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi - tiền lãi trả cho các ngân hàng thương mại khi họ gửi tiền vào ngân hàng trung ương - bằng 0,1 điểm phần trăm xuống mức thấp mới mọi thời đại là -0,5%, có nghĩa là các ngân hàng sẽ chịu phí trên bất kỳ số dư tiền gửi nào. Lãi suất âm có nghĩa là khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay vì gửi tiền vào ECB.

Gói kích thích được đưa ra khi nền kinh tế khu vực đồng euro chao đảo cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu do hậu quả của chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Sản lượng nhà máy đã sụt giảm để đáp ứng với khối lượng thương mại quốc tế giảm do Washington và Bắc Kinh áp đặt thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa của nhau, trong khi đầu tư kinh doanh đã giảm trong bối cảnh chính trị không chắc chắn. Tăng trưởng Eurozone đã giảm xuống 0,2% trong quý II/2019, từ mức 0,4% trong 3 tháng đầu năm, trong khi một số nền kinh tế, bao gồm cả Ý và Đức, đang ngấp nghé bờ vực suy thoái kinh tế.

ECB cho biết chương trình QE của họ sẽ được duy trì miễn là cần thiết để củng cố tác động của nó. Chủ tịch sắp rời nhiệm sở của ECB cho biết dự kiến lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho đến khi lạm phát tăng tốc trên toàn khu vực đồng euro. Mặc dù ECB có mục tiêu lạm phát gần mức 2% trong trung hạn, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Sự hỗ trợ của ECB cho nền kinh tế khu vực đồng euro diễn ra vào thời điểm chính trị căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế Mỹ chùn bước. Ông Trump trước đây cũng từng chỉ trích ECB vì đã hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro, cho rằng điều đó sẽ gây bất lợi cho lợi ích của Mỹ.

Fed đã cắt giảm lãi suất vào tháng 7, lần đầu tiên sau hơn một thập niên, báo hiệu họ sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ nếu cần thiết.

Ðông Văn
.
.
.