Ngăn chặn tội ác từ ma túy: Cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Ngoài ra còn tổ chức thực hiện các đề án dạy nghề, giới thiệu cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện nhưng chỉ có một bộ phận thực sự muốn làm lại cuộc đời đã tự nguyện tham gia, số còn lại chỉ học chiếu lệ, và khi trở về thích tụ tập bạn bè ăn chơi lêu lổng dẫn đến tình trạng tái nghiện.
Bất cập công tác quản lý người nghiện
Theo các bác sĩ đang làm công tác cai nghiện, thực tế cho thấy chỉ cần sử dụng heroin vài lần là lệ thuộc vào nó ngay. Sau khi sử dụng, loại chất này sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh gây hưng phấn nhưng không đẩy hệ thần kinh đến độ bị mất kiểm soát như một số loại ma túy khác. Riêng những người thường xuyên đi bar, vũ trường thì lại thích sử dụng thuốc lắc.
Ngày 11-5 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng hải quan triệt phá đường dây ma túy do người Đài Loan cầm đầu, thu giữ 500kg ketamine. |
Hai loại ma túy này thường sử dụng theo cữ nên chỉ cần người nghiện quyết tâm thì có thể cai được mà không tái nghiện. Một điều cực kỳ nguy hiểm là thời gian gần đây, giới trẻ đã có sự dịch chuyển trong thành phần sử dụng đó là ma túy đá.
Ma túy đá hết sức nguy hiểm vì trong phân đoạn điều chế có sử dụng hóa chất nên khi sử dụng nó sẽ tác động cực mạnh lên hệ thần kinh khiến cho người chơi bị kích thích ảo giác ở mức độ cao. Loại này nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài (từ 1-5 năm) sẽ làm tê liệt hệ thần kinh (dân nghiện thường gọi là sập não), không thể hồi phục được khiến cho con nghiện rơi vào tình trạng loạn thần (ngáo đá).
Với người bên cạnh bất kể người thân hay người lạ, nếu la mắng hoặc có sự kích động nào đó đều bị ngáo đá xem đó là đối thủ luôn tìm cách hãm hại mình nên thường co lại tìm cách đề phòng và nếu tạo ra kích động lớn hơn thì ngáo đá sẵn sàng tấn công đối phương cho đến chết.
Khi đã nghiện ma túy đá thì rất khó điều trị cai nghiện dứt điểm trong thời gian ngắn mà sau khi cắt cơn, người nghiện cần phải được đưa đi lao động, sản xuất tập trung, học chuyên sâu các ngành nghề trong thời gian từ 5 năm trở lên, hơn nữa người nghiện cũng có đủ thời gian để hồi phục sức khỏe. Có làm được như vậy thì sau cai nghiện trở về hòa nhập với cộng đồng, người ta mới tìm được công ăn việc làm nuôi sống bản thân và khi cuộc sống ổn định thì người ta sẽ không tái nghiện.
Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, sau khi thực hiện Nghị quyết 16, cho đến khi kết thúc vào năm 2008 đã đưa vào các cơ sở cai nghiện ma túy 36.244 lượt người, trong đó có 30.681 người được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện và được bố trí học tập, làm việc ở môi trường thân thiện, sạch đẹp và đã giúp được không ít người bảo đảm cuộc sống sau cai nghiện. Trong thời gian này, tỷ lệ tội phạm ở TP Hồ Chí Minh cũng giảm mạnh và số người nghiện mới cũng rất ít.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 (khi Nghị quyết 16 hết hiệu lực) cho đến nay, trong số trên 30.000 người sau cai nghiện được trả về địa phương, có đến gần hai chục ngàn người tái nghiện cộng với hàng chục ngàn người nghiện mới trong diện trong danh sách quản lý và nhiều người khác chưa được phát hiện đã khiến tình hình tội phạm trên toàn thành phố tăng chóng mặt, năm sau cao hơn năm trước.
Thực trạng tái nghiện này được UBND TP Hồ Chí Minh nêu ra tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu làm việc với TP Hồ Chí Minh. Theo đó, việc đưa người nghiện đi cai phải thực hiện theo quyết định của tòa án, hết thời gian theo quy định phải đưa về cộng đồng mà không có đủ thời gian dài tập trung lao động để quên đi ma túy.
Từ năm 2012, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án dạy nghề, giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy tại các trường, trung tâm, cơ sở xã hội nhưng thực chất tỷ lệ người sau cai nghiện có việc làm ổn định hoặc không ổn định còn rất thấp. Những người sau cai nghiện thường không đảm bảo sức khỏe, học vấn thấp và nhất là công tác dạy nghề thường không chuyên sâu, thiếu sự đa dạng, thiết thực nên không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng mặc dù đã có sự ưu ái nhất định.
Người sau cai nghiện xin mãi mà không có được việc làm sẽ có những suy nghĩ tiêu cực cho rằng bị xã hội kỳ thị, đối xử không công bằng, từ đó nảy sinh tư tưởng chán nản và đây là cơ hội để các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy tiếp cận dụ dỗ trở lại con đường nghiện hút.
Cũng trong buổi làm việc này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nêu vấn đề ma túy đá rất khó cai và phải cần phải có sự kiên trì của người nghiện trong thời gian lâu dài thì mới có thể không tái nghiện. Thuốc điều trị thay thế là Methadone hiện nay không có tác dụng với ma túy đá, tuy nhiên đa số người nghiện ma túy đá còn sử dụng nhiều loại ma túy khác nên kiên trì điều trị bằng phương pháp này vẫn có thể thành công.
Mới đây nhất, vào ngày 31-5, Đoàn công tác của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh do ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã tiến hành cuộc giám sát việc triển khai công tác cai nghiện ma túy cộng đồng và quản lý người nghiện sau cai tại địa bàn huyện Củ Chi cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập.
Qua 5 năm (2014-2019) triển khai công tác đấu tranh với tệ nạn ma túy, huyện Củ Chi có 1.544 người nghiện, trong đó lập hồ sơ đưa 1.357 người đi cai nghiện bắt buộc theo nghị định 221/20/2013/NĐ-CP. Trong số đó có 289 người sau cai được giải quyết hoặc giới thiệu việc làm, 9 người sau cai được vay vốn tổng cộng 120 triệu đồng để làm ăn ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, việc đưa người đi cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhân thân phức tạp. Ngoài ra có rất nhiều trường hợp các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình không quan tâm đến việc cai nghiện cho con em mình vì quá nản, một số khác lại sợ đưa con đi cai nghiện bắt buộc và kể cả cai nghiện tại gia sẽ làm hoen ố hình ảnh gia phong, sợ con em bị cộng đồng kỳ thị.
Nhiều trường hợp cha mẹ, người thân biết rõ con em mình tái nghiện sau cai nhưng vì sỹ diện, mà thực chất là thiếu sự dũng cảm, không dám đối diện với sự thật nên cũng giấu nhẹm thông tin, thậm chí còn cho tiền mua ma túy về hút chích.
Một thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy hiện nay tình trạng tái nghiện và người nghiện mới đang ở mức báo động. Cụ thể trong năm 2018, tổng số người nghiện nằm trong danh sách quản lý trên địa bàn là 23.508 người. Số người nghiện đang có mặt tại địa phương là 10.473 người, trong đó 566 người đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, 5.700 người đang được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.
và cũng trong năm này, tòa án các quận, huyện cũng đã có quyết định cuối cùng để đưa gần 6.000 người nghiện vào các trường, trung tâm, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Có một thực tế là có đến 82% số người nghiện mới được phát hiện không nằm trong danh sách quản lý, qua đó cho thấy số người nghiện còn cao hơn rất nhiều so với trong danh sách quản lý.
Theo một cán bộ Công an phường Cầu Kho, quận 1, từ khi Chính phủ quy định không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn trong thời gian từ 6-12 tháng, công tác quản lý người nghiện và người sau cai nghiện là rất khó khăn.
Theo quy định, người sau cai nghiện hoặc người đang cai nghiện (có sự quản lý của địa phương) muốn đi ra khỏi địa phương trong thời gian 3 ngày thì phải thông báo cho cảnh sát khu vực. Mỗi tuần cảnh sát khu vực cũng thực hiện việc răn đe, gọi hỏi đối với con nghiện và người sau cai nghiện, nhưng thực tế hiệu quả không cao vì không có sự hợp tác từ phía người thân trong gia đình.
Bộ Luật Hình sự năm 2009 cũng bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy nên con nghiện tha hồ hút chích mà không sợ bị xử lý. Một điều nữa là con nghiện thường đăng ký hộ khẩu một nơi, thuê phòng để hút chích ở nơi khác nên rất khó có thể cai nghiện tại gia được.
Ngoài ra, những đối tượng mua bán trái phép chất ma túy thường nuôi một đám con nghiện rồi dùng đám này tiếp cận, lôi kéo những người sau cai quay trở lại sử dụng ma túy. Thực tế là những người sau cai thường không có việc làm, lại được đám trùm ma túy hứa bao bọc nên dẫn đến tình trạng tái nghiện rất cao…
Cần có giải pháp căn cơ
Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này… Bộ Công an đã chỉ đạo cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh theo sự chuyển hướng hoạt động của tội phạm ma túy, qua đó tạo thế chủ động trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy, mang lại hiệu quả tích cực.
Tổ chức dạy nghề cho học viên cai nghiện ở trung tâm Nhị Xuân, huyện Hóc Môn. |
Từng có nhiều năm làm công tác phòng chống tội phạm về ma túy, Đại tá Hồ Tự Sang - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Cùng với một số tỉnh, thành khác trên cả nước, TP Hồ Chí Minh luôn là điểm nóng về ma túy nên đối với cán bộ, trinh sát trong đơn vị lúc nào cũng vất vả.
Hàng ngày, hàng giờ, trinh sát phối hợp với các lực lượng chức năng khác luôn phải có mặt trên đường phố, tại các điểm nóng về ma túy để nắm tình hình, kịp thời phát hiện các băng nhóm tội phạm để đấu tranh, triệt phá. Có những năm, đơn vị triệt phá trên 30 chuyên án, phá nóng gần 30 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy khác.
Nhiều băng nhóm tội phạm về ma túy bị triệt phá, mỗi vụ thu ít nhất cũng hàng chục bánh heroin, vài chục cân ma túy đá, hàng ngàn viên ma túy tổng hợp, trong đó có nhiều vụ còn thu được vài khẩu súng ngắn, súng AR15 được cải tiến cùng hàng trăm viên đạn, nhưng tại sao tình hình tội phạm về ma túy vẫn cứ tăng lên mà không giảm?
Lý giải về vấn đề này, Đại tá Hồ Tự Sang cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng các nguyên nhân chính vẫn là do số lượng người nghiện tăng. Các biện pháp quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện chưa đạt hiệu quả cao không phải do Công an hay các ban ngành chức năng không sát sao, mà do chính bản thân người nghiện, người sau cai nghiện và đặc biệt là các bậc cha mẹ, người thân không tự giác phối hợp, thậm chí có nhiều trường hợp còn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng.
Vì vậy, muốn làm tốt công tác phòng chống tội phạm về ma túy thì chỉ Công an, Biên phòng, Hải quan thôi chưa đủ mà rất cần phải có sự ủng hộ, phối hợp của quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị. Nếu bà con nhân dân tích cực hưởng ứng những chương trình vận động, tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy để từ đó nâng cao cảnh giác, tự nguyện tham gia tố giác tội phạm với cơ quan chức năng thì chắc chắn sẽ kéo giảm đáng kể loại hình tội phạm này.