Ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập bữa ăn gia đình

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:13
Thời gian gần đây, tình trạng một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vì lợi nhuận đã bất chấp những quy định của các cơ quan Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm cách tuồn những loại thực phẩm kém chất lượng, thịt thối, nội tạng động vật đã bị phân hủy, thậm chí còn sử dụng các loại hóa chất độc hại để ngâm, tẩm ướp… tuồn ra thị trường.


Trước thực trạng này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cán bộ chiến sỹ tăng cường công tác trinh sát địa bàn, tích cực phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng vi phạm này.

Các chiến sĩ Công an lập biên bản xử lý một cơ sở sản xuất bì heo ngâm hóa chất.

Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của thị trường, cùng mức giá chênh lệch quá lớn nên  một số đầu nậu bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng đang bị đe dọa, sẵn sàng sử dụng các loại chất cấm và hóa chất độc hại tẩm ướp nhằm chuyển đổi thịt trâu, thịt heo nái thành thịt bò để thu lợi bất chính.

 Ngày 7-1-2015, các trinh sát Đội 4, Phòng PC49 Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội Quản lý thị trường và Trạm Thú y huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra cơ sở sơ chế sản phẩm động vật trên đường Dương Công Khí thuộc ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn do bà Nguyễn Thị Thạnh làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trên 2,5 tấn thịt trâu đang được ngâm trong các thùng hóa chất để chuyển thành màu đỏ của thịt bò, nhiều túi đựng thịt trâu có ghi nhãn hiệu Allana có xuất xứ từ Ấn Độ đang được rã đông vứt la liệt dưới nền nhà. Ngoài ra còn rất nhiều gói bột hóa chất màu trắng chuẩn bị được đổ vào các thùng đựng thịt, mà sau đó chủ cơ sở đã thừa nhận là hóa chất.

Mặc dù bị bắt quả tang, nhưng lúc đầu chủ cơ sở này liên tục phản ứng cho rằng lực lượng chức năng đã làm việc sai quy định, đồng thời khẳng định chỉ sử dụng các loại chất cho phép để xử lý vi khuẩn đối với thịt chứ không hề vi phạm.

Thịt trâu sau khi ngâm hóa chất tại nhà bà Nguyễn Thị Thạnh ở huyện Hóc Môn.

Chỉ đến khi giám định cho kết quả là chất bột màu trắng mà cơ sở sử dụng để ngâm thịt trâu chính là Sodio Metabisolfito HP và loại này chỉ được phép sử dụng trong sơ chế rau, củ, quả chứ không được phép dùng trong chế biến thực phẩm thì chủ cơ sở mới thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Thạnh, hộ gia đình bà hoạt động mua bán thịt bò từ đầu năm 2013 cho đến nay nhưng không đăng ký kinh doanh và cũng không được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do nhu cầu của thị trường, nhiều lúc giá thịt bò tăng cao, trong khi thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ lại chỉ bằng nửa giá kể cả chi phí nhập khẩu nên bà đã mua thịt trâu của những nhà nhập khẩu với giá từ 100-120 ngàn đồng/kg mang về ngâm hóa chất cho giống thịt bò, sau đó bán ra thị trường với giá từ 170-180 ngàn đồng/kg.

Hóa chất này được bà Thạnh mua ở chợ Kim Biên, quận 6 với giá 20.000 đồng/kg. Thịt trâu sau khi rã đông sẽ có màu tái nhợt, nhưng khi ngâm vào hóa chất này sẽ chuyển thành màu hồng giống hệt như thịt bò và như vậy, người tiêu dùng sẽ không dễ gì phân biệt được…

Lúc 17 giờ ngày 22-2-2016, trong lúc tuần tra, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh phát hiện xe tải biển kiểm soát 51C-065.78 đang lưu hành trên đường Đồng Văn Cống hướng từ cảng Cát Lái về trung tâm thành phố nên yêu cầu cho dừng xe để kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an ghi nhận lái xe Lê Quang Phụng và chủ hàng Ngô Thị Cẩm Thúy (SN 1968, ngụ đường Thân Văn Nhiếp, quận 2) đang vận chuyển 1,6 tấn thịt heo đã bốc mùi hôi thối. Tài xế Phụng không xuất trình được vận đơn có liên quan đến lô hàng, riêng bà Thủy đã khai nhận mua số thịt trên của một người ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù biết số thịt này đã qua nhiều ngày không được bảo quản và đang trong giai đoạn phân hủy nhưng bà Thủy vẫn mua về ngâm hóa chất tẩy rửa mùi hôi rồi chế biến để bỏ mối cho một số tiệm bán hủ tiếu trên địa bàn.

Không chỉ tẩm ướp hóa chất để chuyển đổi thành phần thịt, một số cơ sở sản xuất còn sử dụng hóa chất tẩy trắng các loại nguyên liệu làm bánh, mứt và đặc biệt là ngâm da heo cho nở gấp 5-6 lần ban đầu rồi chế biến thành món bì mà người tiêu dùng rất ưa chuộng trong các bữa ăn gia đình.

Cụ thể ngày 13-4-2015, các trinh sát của Đội phối hợp với Chi cục Thú y và Công an quận 8 bắt quả tang 3 hộ gia đình trong hẻm số 80, đường số 41, phường 16, quận 8 đang chế biến da heo ngâm hóa chất thành bì heo sợi. Ba cơ sở sản xuất này do bà Nguyễn Thị Thu Ba, (Nguyễn Thị Mỹ Nữ và Nguyễn Văn Chánh, đều SN 1970 cùng ngụ tỉnh Bến Tre) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phối hợp còn phát hiện và thu giữ 234kg da heo đang được ngâm trong hàng chục thùng hóa chất.

Da heo sau khi ngâm hóa chất đã nở gấp 5-6 lần bình thường.

Là người trực tiếp chỉ huy các trinh sát điều tra phát hiện vụ việc này, Trung tá Vũ Khánh Hưng, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng PC49 Công an TP Hồ Chí Minh, kể lại: Hôm ấy, khi lực lượng chức năng phát hiện vụ việc đã yêu cầu các chủ cơ sở cùng phối hợp giải quyết.

Tuy nhiên, bề ngoài họ giả bộ hợp tác, nhưng thực chất là âm thầm tổ chức hai nhóm thanh niên, một nhóm cố tình gây rối hòng phi tang tang vật, nhóm khác đứng chặn ngoài cửa giả bộ đón tiếp những người thực thi công vụ và nhất quyết không cho ai bước ra khỏi cửa, nếu ai cố tình, chúng sẽ ngăn cản hoặc cố tình gây hấn, thậm chí dùng cả hung khi đe dọa. Chỉ đến khi Cảnh sát 113 có mặt, họ mới chịu rút lui để lực lượng chức năng tiếp tục làm việc.

Tại cơ quan Công an, cả 3 chủ cơ sở đều khai nhận hoạt động sản xuất bì heo có sử dụng một số loại hóa chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm là vi phạm pháp luật. Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Mỹ Nữ, bà quen biết với Thu Ba và Chánh từ thời còn làm bì heo ở quê Bến Tre. Làm ăn đàng hoàng mãi mà không thấy khá nên đầu năm 2013, ba người rủ nhau lên thuê mặt bằng tại quận 6, TP Hồ Chí Minh mở cơ sở.

Sau khi bị lực lượng chức năng quận này phát hiện sử dụng hóa chất ngâm da heo để làm bì, cả 3 đã bỏ của chạy lấy người, tìm về quận 8 thuê nhà để lẩn trốn. Đến cuối năm 2014, thấy tình hình im ắng, cả 3 lại tiếp tục sản xuất trở lại.

Cũng theo tường trình của bà Nữ, hằng ngày bà cùng hai người kia ra chợ đầu mối đặt mua hàng trăm cân da heo với giá từ 2-3 chục ngàn đồng/kg mang về ngâm vào hóa chất (không rõ tên và nguồn gốc mua tại chợ Kim Biên). Sau khi số da heo này nở lên gấp 5-6 lần bình thường thì mang vào sấy khô rồi cắt nhỏ làm bì mang ra chợ đầu mối bán và giao cho một số quán cơm tấm, bánh cuốn, bánh bèo… trong thành phố.

Trung tá Lê Văn Vũ - Đội trưởng Đội 4, Phòng PC49, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tại, một bộ phận không nhỏ những người sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm khác chỉ vì nguồn lợi trước mắt đã cố tình vi phạm các quy định của các cơ quan, ban ngành Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa các loại chất cấm, hóa chất độc hại hoặc các loại chất bảo quản không được phép vào việc ngâm, tẩm, ướp thực phẩm.

Thực tế, qua các vụ mà PC49 đã xử lý, các cơ sở thường dùng Sodio Metabisolfito HP, một loại hóa chất chỉ được phép sử dụng với liều lượng hạn chế trong sơ chế rau, củ, quả để ngâm, ướp các loại thịt trâu, thịt heo nái để chuyển thành thịt bò mang bán ra thị trường. Da heo được một số cơ sở sản xuất mang ngâm vào hóa chất không rõ nguồn gốc cho nở to gấp 5-6 lần bình thường trước khi cắt nhỏ làm bì.

Đặc biệt, một số người sản xuất khác còn sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp tẩy trắng cùi dừa, bí đao, hạt sen để làm mứt bán cho người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, các loại chất cấm này khi đưa vào cơ thể với số lượng nhiều sẽ gây các bệnh hen, suyễn, thậm chí có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hóa và đặc biệt là ung thư…

Tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay diễn ra rất nhiều và trên diện rộng. Cán bộ chiến sỹ trong đơn vị thường xuyên được huy động tối đa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm. Tuy nhiên, công tác xử lý đối với các đối tượng vi phạm này cũng không hề đơn giản.

Ngoài việc theo dõi dài ngày để phát hiện, chứng minh bằng hình ảnh tại các cơ sở sản xuất, còn phải thực hiện công tác giám định chất lượng sản phẩm rồi mới tiến hành xử lý theo pháp luật được. Một vấn đề nữa là theo quy định của pháp luật thì hầu hết các vụ vi phạm này chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính nên các chủ cơ sở thường lấy lý do không hiểu biết về các loại chất cấm để bao biện cho hành vi của mình...

Cũng theo Trung tá Lê Văn Vũ, đối với cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, không chỉ trong dịp lễ Tết, mà tất cả những thời gian khác trong năm, việc đấu tranh với những đối tượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lúc nào cũng rất nóng bỏng. Nhiều khi anh em làm việc cả ngày lẫn đêm trong thời gian dài, không có thời gian gần gũi chăm sóc gia đình, nhưng anh em đã tự động viên nhau: "Đã được giao trọng trách mà nếu không làm triệt để, những loại thực phẩm đó tràn vào bữa ăn của chính người thân, con em mình và cả bà con nhân dân chắc chắn sẽ gây hậu quả khó lường". Nghĩ đến đây, anh em lại lao vào công việc, bám chặt địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Đức Cương
.
.
.