“Nền kinh tế đen“ thách thức sự phát triển của khu vực Đông Nam Á
Quy mô của nền kinh tế đen ở khu vực Đông Nam Á
Các hoạt động giao dịch đen là nguồn cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp và người tiêu dùng cũng có thể chịu thiệt hại. Do không được kiểm soát nên trong các giao dịch hàng hóa và dịch vụ diễn ra ở nền kinh tế đen, người tiêu dùng không được các doanh nghiệp hợp pháp bảo vệ và đảm bảo quyền lợi. Hàng hóa bị lỗi, những tổn hại và tổn thất với cá nhân do các sản phẩm không đạt chuẩn gây ra không có khả năng được khắc phục hoặc xử lý.
Khi nền kinh tế đen phát triển mạnh mẽ, nó sẽ gửi đi một thông điệp ngầm tới các thành phần khác trong xã hội: không phải cứ tuân thủ các quy tắc thì sẽ thành công trong cuộc sống. Nó khuyến khích người khác vi phạm pháp luật. Nếu không được kiềm chế, điều này có thể khích lệ ngày càng nhiều người vi phạm pháp luật.
Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Leandro Medina và Freidrich Schneider, tăng trưởng trung bình trong dài hạn của nền kinh tế đen ở Đông Nam Á kể từ đầu những năm 1990 nhìn chung được ghi nhận ở mức cao. Cụ thể là, giai đoạn 1991-2015, hoạt động của nền kinh tế đen đạt mức 33,4% GDP khu vực. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 21,2% của khu vực Đông Á rộng lớn hơn bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cao hơn mức trung bình toàn cầu là 31,9%.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện đang đối phó với một loạt vấn đề của nền kinh tế đen, trong đó trốn thuế và tham nhũng được cho là những vấn đề phổ biến nhất.
Indonesia là một nước có truyền thống về tỷ lệ thu thuế thấp. Để giúp đưa nhiều người nộp thuế vào nền kinh tế chính thức, năm 2016-2017, nước này đã đưa ra chương trình “ân xá thuế” cho phép các cá nhân và công ty tham gia hệ thống thuế thông thường mà không bị phạt vì không nộp thuế trước đó. Sáng kiến này đã mang lại phần nào nguồn thu thuế bổ sung nhưng người ta hoài nghi về thành công tổng thể của chương trình này. Indonesia vẫn tụt hậu so với nhiều nền kinh tế về các biện pháp giải quyết hoạt động kinh tế đen.
Ví dụ, các công cụ chính phủ điện tử giúp các cá nhân tham gia và duy trì hoạt động trong nền kinh tế chính thức được áp dụng ở mức độ thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực, làm suy yếu các nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các bên dễ dàng tham gia điều tiết hệ thống thị trường chính thống. Tham nhũng cũng là một vấn đề và những thay đổi lập pháp gần đây dường như đã làm suy yếu quyền lực và năng lực của Cơ quan chống tham nhũng Indonesia (KPK).
Malaysia phải đối phó với những cáo buộc cả về hoạt động tham nhũng được nhà nước tiếp tay lẫn thực trạng công tác thu thuế yếu kém. Vụ bê bối 1MDB hiện được trình lên tòa án quốc gia đã vạch trần vụ tham nhũng của một số nhân vật chính trị hàng đầu ở nước này.
Năm 2019, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng đã công khai kêu gọi tập trung hơn vào việc tuân thủ và thực thi quy định về thuế. Ông lập luận rằng tham nhũng, trốn thuế, hệ thống quản lý cồng kềnh và sự yếu kém trong thực thi pháp luật đều góp phần gây ra vấn đề này.
Ở Myanmar, hai vấn đề quan trọng hiện nay là các quy định lỏng lẻo trong ngành đá quý, ngọc bích và sự quản lý yếu kém trong việc đóng thuế. Một ước tính cho thấy có đến 2/3 sản lượng đá quý của nước này không bị đánh thuế và phần lớn được nhập lậu sang Trung Quốc. Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng đối với quốc gia sản xuất 90% lượng ngọc bích của thế giới.
Một số biện pháp đã được thực hiện để giải quyết những vấn đề này như trở thành thành viên của Sáng kiến minh bạch các nền công nghiệp khai khoáng quốc tế nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Các luật về thuế, việc thực thi các luật này và những quy định pháp lý cũng vẫn còn yếu kém ở nhiều nơi do có sự hiện diện của các nhóm sắc tộc vũ trang ở nước này.
Báo chí Philippines gần đây tập trung vào tác động của một lượng lớn tiền từ Trung Quốc chuyển vào nước này mà không được khai báo, thường trong các nhóm có tổ chức và nhận được sự hỗ trợ của các quan chức tham nhũng. Có vẻ như phần lớn số tiền này liên quan đến hoạt động đánh bạc được chuyển ra khỏi Trung Quốc một cách phi pháp.
Tác động tiêu cực của kinh tế đen đến công tác bảo đảm an ninh khu vực
Mặc dù sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN chắc chắn sẽ đi cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng trong khu vực nhưng điều này cũng có thể làm tăng khả năng hoạt động xuyên biên giới của các bên tham gia nền kinh tế đen.
Dịch bệnh COVID-19 hiện tại rõ ràng là vấn đề cấp bách nhất. Các đợt phong tỏa và những biện pháp phòng ngừa khác đã khiến nhiều hoạt động kinh tế khu vực bị đình trệ và nhiều cá nhân tự làm chủ cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Trong số những bên có khả năng sống sót, nhiều người có lẽ chuyển sang khu vực phi chính thức để tìm kế sinh tồn.
Cơ quan điều tiết không còn ưu tiên thực thi và luật pháp theo như truyền thống, điều cũng có thể cho phép hoạt động thị trường chợ đen hiện tại tiếp tục diễn ra mà không bị kiểm soát. Số tiền lớn mà các chính phủ phải chi nhằm làm giảm tác động của dịch COVID-19 cũng có thể đồng nghĩa với việc nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động thực thi pháp lý sẽ bị ảnh hưởng.
Trong dài hạn, những thách thức mới nổi khác cũng đang dần xuất hiện. Lâu nay, các khu vực biên giới đất liền ở Đông Nam Á đã tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép cũng như nạn vượt biên giữa các nước. Vấn đề buôn lậu gỗ và động vật hoang dã trái phép cũng là một lĩnh vực gây quan ngại trong khu vực.
Tổ chức UNODC đã cảnh báo Malaysia là địa bàn được những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép chọn làm đích đến vì ở đây có các địa điểm trung chuyển thuận tiện và những kẻ buôn lậu được cho trả phí hối lộ thấp hơn so với sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok.
Khu vực Đông Nam Á cũng nổi lên là thị trường ma túy tổng hợp phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2019. Tình trạng tội phạm ma túy ở khu vực tăng nhanh là do việc hối lộ có hệ thống để các loại hàng cấm, hàng giả, hàng hóa buôn lậu tạo điều kiện thông quan tại các cửa khẩu.
UNDOC đã từng đưa ra cảnh báo về việc các băng nhóm tội phạm có xuất xứ tại Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan đã có tầm ảnh hưởng vượt xa khả năng đối phó của lực lượng thi hành công vụ.
Nếu khu vực này trở thành một thị trường bất hợp pháp thì có khả năng hoạt động kinh tế đen còn phát triển đáng kể hơn ở khu vực này. Điều đáng lo ngại hơn khi các tổ chức tội phạm xuyên biên giới đã liên kết, thông đồng với lực lượng quản lý nhà nước để tổ chức các hoạt động rửa tiền và nhiều hoạt động ngầm khác, tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại các quốc gia.
Khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều việc phải làm để hạn chế nền kinh tế đen. Dù cho nền kinh tế đen không bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi bất kỳ xã hội nào nhưng đó vẫn là vấn đề đòi hỏi chính phủ các nước phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn đạt được các tiêu chuẩn về hiệu quả quản lý nhà nước.