Bỏ kì thi Đại học - Cao đẳng

Nên hay không?

Thứ Tư, 09/10/2013, 15:41

Được cho là cồng kềnh, tốn kém, kì thi Đại học, Cao đẳng (ĐH-CĐ) sẽ chuyển sang xét tuyển, dựa trên kết quả đánh giá cả quá trình kết hợp với kỳ thi cuối cấp học và công nhận tốt nghiệp PTTH. Đó là những điểm đổi mới nhất trong đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên việc bỏ kì thi ĐH-CĐ có phải là một quyết sách làm thay đổi ngành giáo dục?

Từ trước đến nay, kỳ thi ĐH-CĐ được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, sự nghiệp của mỗi học sinh. Các em luôn lấy đó là thước đo của một quá trình học tập, rèn luyện gian khổ để đạt lấy đỉnh vinh quang. Và đây cũng được coi là kì thi ít tiêu cực nhất, giúp học sinh thể hiện được dấu ấn cá nhân, đánh dấu được tài năng của mỗi con người.

Trên thực tế, từ những kì thi này, chúng ta mới tìm thấy những gương mặt nhà nghèo vượt khó bằng việc học. Nhiều gia đình ở tận những vùng sâu vùng xa tin tưởng việc học sẽ giúp con em họ thoát nghèo nên dù khó khăn, vất vả đến đâu họ vẫn cố cho con em họ đi thi đại học.

Một giảng viên Học viện Quân y 103 cho biết, trên thực tế trong đào tạo về y tế chỉ có một vài trường đại học đào tạo ngành y lấy điểm vào trường cao, đánh giá đúng thực lực đầu vào của học sinh để đào tạo ra những lứa bác sĩ có tay nghề giỏi thực sự. Hầu hết các trường cao đẳng hoặc trung cấp y khác cho ra đời những bác sĩ chuyên môn kém do đầu vào quá thấp, có khi xét tuyển chỉ nhằm mục đích đủ chỉ tiêu. Mà thực tế hiện nay như nhiều người đều biết, cứ học bác sĩ ra là không sợ thiếu việc để làm.

Một số ý kiến từ các em học sinh THCS, thầy cô giáo và phụ huynh, tiêu cực thường xảy ra nhiều hơn ở kỳ thi tốt nghiệp THCS, nếu bỏ kì thi ĐH-CĐ để xét điểm kỳ thi tốt nghiệp thì nguy cơ tiêu cực chạy điểm sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, sẽ là tai hại vô cùng khi học sinh không còn mục tiêu phấn đấu. Rõ ràng điều mà kì thi ĐH-CĐ đạt được bấy lâu nay chính là tạo được niềm tin trong giáo dục.

Nói về đề án mới này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết việc đổi mới sẽ bao gồm từ thay đổi thiết kế nội dung chương trình sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy, thi cử theo trình tự đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trước rồi mới đến thay đổi chương trình sách giáo khoa theo chiều hướng giảm tải, với mục đích giảm sự cồng kềnh, nặng nề, tốn kém để đánh giá chất lượng giáo dục một cách công bằng trung thực hơn.

Theo ý kiến một số chuyên gia về giáo dục, đây không chỉ là sự thay đổi đơn giản về việc bỏ hay giữ một kì thi mà là sự đổi mới 360 độ nền giáo dục đã quen với bệnh thành tích, những tiêu cực và tồn tại cố hữu khó suốt một thời gian dài. Việc thay đổi cần phải xem xét lại kĩ càng trước khi đưa vào thực hiện.

Nhiều ý kiến trái chiều nhau nhưng đều thể hiện sự hoang mang, lo lắng trước hiệu quả của việc đổi mới từ đầu đến chân này của ngành giáo dục. Một vị hiệu trưởng của một Trường đại học dân lập tại Hà Nội lại từ chối đưa ra ý kiến cá nhân với lý do đây không phải là vấn đề ông quan tâm.

Trả lời phỏng vấn báo chí, GS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết:

Điều cơ bản của giáo dục là phải phát triển được con người, có nghề nghiệp kiếm sống được cho mình, cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Theo GS Hạc, xã hội và cả ngành giáo dục cần phải nhìn nhận lại cho đúng quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi kiểm tra, đánh giá chất lượng ở mức trung bình.

Còn kỳ thi ĐH, CĐ là tuyển sinh, lựa chọn học sinh theo chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ và chỉ tiêu của các nước đối với các bậc đại học, vì vậy, đối tượng được tuyển chọn phải là học sinh khá, giỏi.

Trong lịch sử, nhiều trường đã bỏ thi cử song sau đó đều phải quay lại, vì không có chuẩn khách quan để đánh giá, phân loại cũng như động lực thúc đẩy học sinh học tập. Mặt khác, trình độ THPT của học sinh tại các vùng, miền nước ta rất khác nhau, trong khi đó thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức theo chương trình phổ thông cơ bản, tiêu chí đánh giá chất lượng đại trà, vì vậy việc đạt điểm cao đôi khi chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ - thay vì lực học thực chất.

Do đó, không thể lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm chuẩn tuyển vào ĐH, CĐ.

Ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, Đại học Xây dựng:

Bất cứ một nước nào thì việc thi cử cũng đều mang lại một kết quả nhất định, học mà không thi thì không thể đánh giá được hết năng lực của học sinh. Nếu thực hiện việc bỏ kỳ thi ĐH-CĐ thì liệu chúng ta có kiểm soát được mối quan hệ giữa các trường phổ thông và các tỉnh không?

Theo ý kiến cá nhân của tôi là không nên bỏ kỳ thi này. Trường hợp các nước bỏ kỳ thi ĐH-CĐ thì họ đều thắt chặt chất lượng đầu vào và cả đầu ra. Ở nước ta, đầu vào đầu ra của các trường có sự khác nhau, có trường dễ, có trường khó.

Huyền - Trâm
.
.
.