Nắng nóng, dịch bệnh rình rập

Thứ Hai, 11/06/2018, 13:00
Hiện tại đang vào thời điểm nắng nóng. Nguy cơ bùng phát các ổ dịch: sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp… từ các con kênh, mương nước đen trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn rình rập. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng, trong đó có chính quyền sở tại. Có như vậy, mới tránh được tình trạng mất bò mới lo làm chuồng.

Kênh, mương vốn có chức năng tiêu, thoát nước cho các khu dân cư, thế nhưng có một thực tế đang tồn tại, ở nhiều con kênh, mương trên địa bàn thành phố hiện nay đang xuất hiện tình trạng ô nhiễm, rác thải sinh hoạt bủa vây khiến những nơi này trở thành điểm “cư trú” của nhiều loại dịch bệnh. 

Chiều 2-6, tiết trời nắng nóng, mùi hôi thối từ con mương trên đường Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy - Hà Nội) bốc lên càng khiến cho tuyến phố này trở nên ngột ngạt. Nhiều người dân đi qua đây phải lấy tay bịt mũi vì thứ mùi hôi thối khó chịu. 

Nước thải sinh hoạt xả thẳng ra mương nước ở ngõ 581 Phạm Văn Đồng.

Con mương đã được kè hai bên bờ nằm giữa tuyến phố rộng rãi, sạch sẽ giờ đã đen kịt. Màu nước đen ngòm khiến ai thấy cũng đều rùng mình và lắc đẩu ngán ngẩm. Đáng chú ý, con mương ô nhiễm này nằm cách không xa Trường Tiểu học Yên Hòa khiến không gian học tập, sức khỏe của các em bị ảnh hưởng. 

Theo bác Văn Minh, một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, con mương trên là một trong những công trình thoát nước của khu dân cư, nhưng không hiểu vì sao, thời gian qua nó trở nên ô nhiễm đến như vậy. Rác thải, mùi xú uế thường xuyên xuất hiện ở con mương gây mất mỹ quan đô thị và cũng là nguyên nhân dễ gây tắc dòng chảy, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. "Mong rằng tới đây, các cơ quan chức năng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng trên, để người dân khỏi bức xúc", bác Minh nói.

Tiếp tục ghi nhận tại ngõ 581 Phạm Văn Đồng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh con mương thoát nước của hàng trăm hộ gia đình sinh sống trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm giờ đã chuyển màu đen kịt. Các ống xả thải nước sinh hoạt của nhiều hộ dân cứ thể xối thẳng xuống mương. 

Chốc chốc một mùi hăng hắc rất khó chịu lại bốc lên khiến chúng tôi chỉ muốn nhanh nhanh, chóng chóng rời khỏi khu vực này. Bằng mắt thường ai cũng thấy môi trường sống quanh khu vực con mương đen này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ đây luôn thường trực. 

Nhất là vào năm ngoái, trong đợt "đỉnh" dịch bệnh sốt xuất huyết (tháng 8-2017), trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1 cũng đã có hơn 40 ca mắc sốt xuất huyết, cuộc sống của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn bởi nơm nớp nỗi lo dịch bệnh tấn công.

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, song điều dễ thấy hiện nay, trên địa bàn thành phố đang tồn tại cả trăm con kênh, mương lộ thiên và những nguy cơ bùng phát thành ổ dịch từ những con kênh, mương ô nhiễm luôn tiềm ẩn. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng. 

Những cảnh báo trên không của riêng ai, bởi theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người dân cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết gây ra.

2. Mới đây, vào ngày 9-4, Cục Y tế dự phòng cho biết, cả nước có hơn 14 ngàn ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, tại các tỉnh phía Nam, số ca mắc chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Đáng chú ý, chỉ tính riêng tuần đầu của tháng 4-2018, cả nước ghi nhận 759 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết giảm, nhưng nỗi lo bùng phát dịch sốt xuất huyết vẫn ở trước mắt.

Thực tế cho thấy, cùng với dịch sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp cũng là vấn đề đáng bàn có liên quan đến tình trạng nhiều con kênh, mương đang bị ô nhiễm như hiện nay. Trở lại quá trình khảo sát tại các con mương đen ô nhiễm trên địa bàn thành phố. 

Chiều ngày cuối tuần, khi có mặt tại con mương đi qua ngõ 115 Trần Cung, chúng tôi không khỏi rùng mình trước hình ảnh nhiều tiểu thương bày bán gia cầm, sản phẩm động vật ngay bên cạnh con mương nước đen kịt với nhiều rác thải nổi lềnh phềnh bên dưới. 

Số gia cầm, sản phẩm động vật ở đây còn được các tiểu thương xẻ thịt ngay tại chỗ và cung cấp cho người tiêu dùng. Chốc chốc, một số tiểu thương còn "xả" thẳng rác xuống con mương bên cạnh mặc cho cơ quan chức năng đã khuyến cáo, vì môi trường xanh, sạch, đẹp - xin đừng vứt rác xuống lòng sông, mương. 

Nhìn cảnh kinh doanh buôn bán gần con mương đen ô nhiễm này, câu hỏi đặt ra: "Không sợ dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp xảy ra hay sao?". Và cũng thật đáng lo ngại hơn khi một số tiểu thương trả lời rất thiếu trách nhiệm khi cho rằng: "Hoạt động mua bán bên cạnh con mương nước đen vẫn diễn ra thường xuyên mà nào có thấy ổ dịch bệnh xuất hiện (!)".

Cẩn trọng trước ổ dịch bệnh phát sinh từ những con mương ô nhiễm.

Về vấn đề này, ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cho rằng, địa bàn có hơn 2,4 vạn dân, thời gian qua UBND phường luôn xác định việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp và các nguồn dịch bệnh khác trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt. 

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, thời gian qua, UBND phường đã chủ động phun thuốc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác với sự phát sinh của các ổ dịch, nhất là đối với các hộ gia đình sống ven các con mương nước đen, đang bị ô nhiễm, rác thải bủa vây.

3. Cống hóa là một trong những mục tiêu của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Song vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề kinh phí nên một số kênh, mương trên địa bàn thành phố chưa được triển khai các dự án mương, cống hóa. Hạ tầng đô thị chưa thực sự hoàn chỉnh là nguyên phải kể tới khiến nhiều kênh, mương lộ thiên bị ô nhiễm tấn công. 

Nhưng còn một nguyên nhân chủ quan rất lớn phải kể tới đó chính là ý thức của một phận người dân hiện nay. Cùng với việc xả nước sinh hoạt chưa qua xử lý, nhiều người dân còn vô tư vứt rác thải, các chất khó tiêu hủy như: túi ni lông, chất liệu làm từ nhựa, thậm chí là cả xác động vật xuống kênh, mương gây nên tình trạng ô nhiễm, bức tử dòng nước. 

Vi khuẩn, ký sinh trùng theo đó sinh sôi nảy nở, rất dễ trở thành những ổ dịch. Bởi các loại rác thải hữu cơ là môi trường tốt thu hút côn trùng rồi từ đó truyền mầm bệnh sang người. Trong khi đó, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ, chủ quan và cho rằng "ổ dịch ở nơi khác chứ đâu ở quanh mình". 

Để rồi chính sự chủ quan này khiến hậu quả khôn lường đi kèm với các ổ dịch bệnh, cụ thể ở đây là dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, bệnh ngoài da xuất hiện. Trong mùa dịch sốt xuất huyết năm 2017, theo đánh giá của cơ quan Y tế, có 30 trường hợp tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết. 

Số ca bị mắc bệnh sốt xuất huyết và dẫn đến biến chứng khôn lường đều là những trường hợp chủ quan với nguồn dịch bệnh, không tự nâng cao y thức phòng, ngừa nguồn dịch. Để rồi khi mắc bệnh, gặp biến chứng nặng mới đến cơ sở y tế thăm khám, cấp cứu. Lúc này, hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số ca mắc nếu không thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, vào thời điểm mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.


Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, theo Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Trần Huy
.
.
.