Quấy rối tình dục nơi công sở: Nạn nhân cần lên tiếng và phải được bảo vệ

Thứ Năm, 03/05/2018, 10:16
Vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và báo chí truyền thông. Câu chuyện được chính những người trong cuộc dũng cảm lên tiếng, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

 

Rất nhiều phụ nữ, trong đó có cả nhà báo, phóng viên đã chia sẻ việc bị quấy rối hay lạm dụng tình dục của mình tại nơi làm việc và chạy hashtag Metoo. 

Những chia sẻ này nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng. Tuy vậy, cũng có không ít phản hồi trái chiều với những câu chuyện này, trong đó có cả những lời gièm pha, đổ lỗi dành cho nạn nhân.

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi giật mình trước nghi án một nữ cộng tác viên của Báo Tuổi trẻ bị Trưởng ban QRTD. Chuyện đúng sai, thật giả ta chưa bàn đến. Cái đáng nói là hiện tượng QRTD nơi công sở diễn ra không hiếm. Nó diễn ra từ khá lâu, nhen nhóm, âm ỉ và bùng trở lại gần đây khi phong trào Metoo (Tôi cũng vậy) lan rộng trên toàn thế giới.

Ngày 15-10-2017, những dòng chia sẻ kèm theo hashtag Metoo lần lượt xuất hiện trên mạng xã hội phương Tây. Đây là bước khởi động đầu tiên của phong trào khuyến khích nạn nhân bị QRTD cất lên tiếng nói. "Metoo - tôi cũng vậy" trở thành từ khóa biểu tượng cho phong trào này.

Các vị khách mời trong buổi tọa đàm Metoo.

Được khởi xướng bởi nữ diễn viên Hollywood Alyssa Milano, phong trào nhanh chóng lan rộng toàn thế giới. Các siêu sao Hollywood bày tỏ sự ủng hộ với chiến dịch này bằng cách diện lễ phục đen tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng tháng 1-2018. 

Sau Hollywood, Metoo chính thức đổ bộ vào làng giải trí Hàn Quốc. Chỉ trong 2 tháng, phong trào này đã lôi ra ánh sáng hàng loạt tên "yêu râu xanh" vốn vẫn tự tung tự tác bấy lâu, tiếp thêm dũng khí cho các nạn nhân bị quấy rối lên tiếng đòi lại lẽ phải.

Ở Việt Nam, Metoo mới được chia sẻ rầm rộ trong thời gian gần đây. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, những dòng tâm sự đầy cay đắng của những người phụ nữ - những nạn nhân trong các vụ QRTD khác được chia sẻ rất nhiều. Không chỉ trong làng báo, mà trong bất cứ môi trường nào cũng xảy ra tình trạng này.

Báo cáo nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và quen biết người quấy rối thông qua các mối quan hệ như: đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới, hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực cho người dưới quyền của mình. Người bị quấy rối vì sự phụ thuộc này mà không dám chống cự hoặc chống cự rất yếu ớt.

Rất nhiều người đã từng bị quấy rối tình dục ở các mức độ khác nhau, nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi. Với văn hóa Á Đông, chủ đề sách nhiễu tình dục thường được coi là nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân.

Tọa đàm Metoo thu hút được sự quan tâm ủng hộ của nhiều người.

Tại buổi tọa đàm "Metoo, and you? Phong trào vì nạn nhân quấy rối tình dục ở Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức chiều 27-4-2018, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này: "Những lần bị quấy rối khi còn trẻ, tôi cũng theo bản năng đi tìm những người chị hoặc đồng nghiệp lớn tuổi để than thở. Nhưng mà lần nào lời khuyên nhận được cũng là: "Em ơi những chuyện như này nhiều lắm, sau này nên cẩn thận thì hơn, con gái phải biết giữ lấy thân". 

Nếu gặp những người không thiện chí còn mắng tôi là ai bảo mày ăn mặc thế này, thế kia, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi", thậm chí "cứ tưởng mình báu lắm đấy, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu"... Dần dần tôi học được phản xạ tự bảo vệ lấy mình bằng cách giữ im lặng cho riêng mình".

Nhiều người chỉ hiểu đơn giản QRTD là những hành động sàm sỡ, bệnh hoạn của những người bị bệnh xâm phạm trực tiếp vào nạn nhân. Nhưng trên thực tế, QRTD còn là những lời "khẩu dâm", bông đùa, cợt nhả… 

Đó có thể là những động chạm thân thể của đồng nghiệp hoặc bằng những lời nói bông đùa của nam giới về tình dục, và điều này khiến người phụ nữ không thoải mái.

"Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi được nghe nhiều học sinh, sinh viên nói rằng các em bị thầy nọ, thầy kia có hành vi động chạm thân thể. Tôi cũng đi tìm những người có trách nhiệm để giúp đỡ các em, nhưng câu trả lời tôi nhận được là: "Không có bằng chứng nào cả, không thể xử lý giáo viên vì một lời xì xào". Không được bảo vệ, lắng nghe, nên giới sinh viên tự đồn thổi với nhau, bảo nhau tránh xa thầy giáo đó ra. Đây cũng là một bản án vô hình với giáo viên đó. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn được nạn QRTD", PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.

Cũng theo bà Ánh, vấn đề QRTD đang diễn ra nhiều nơi ở Việt Nam, từ trường học, công sở, doanh nghiệp, mà nạn nhân chủ yếu là nữ giới. Ví dụ, đi liên hoan, ăn uống, phụ nữ có thể bị nam giới ép rượu, có những hành động như quàng tay ôm, hay có những câu nói hàm ý về chuyện tình dục.

 Hầu hết nam giới đều có biểu hiện QRTD, nhưng họ thực hiện điều đó một cách "vô tư", tưởng rằng mình chỉ đang đùa vui. Thậm chí có một số người cho là mình đang thể hiện một sự tử tế với phụ nữ.

"Ví dụ như khi tôi đến cơ quan và có người nhìn tôi nói: Em ơi, vòng 1 của em không thua gì tranh nọ tranh kia… Lúc đó, họ không có ý định gì với tôi. Người ta có vợ con tử tế, và tưởng câu nói đó làm tôi vui, nhưng thực sự tôi rất khó chịu. 

Có điều, tôi không làm sao phản ứng được, bởi người đó hơn tuổi tôi, tôi lại là người mới và hơn nữa, tất cả mọi người cho rằng đó chỉ là một lời đùa bình thường.

Phong trào Metoo lan rộng khắp thế giới (ảnh minh họa).

Cho nên, điều đầu tiên là phải có một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng. Ở Việt Nam, "khẩu dâm" có lẽ là kinh khủng nhất. Trong tất cả các cuộc liên hoan, tất cả đàn ông họ đều nghĩ rằng họ có quyền kể chuyện "tiếu lâm mặn". Có lẽ chúng ta phải quy định rất rõ ràng về chuyện này.

Chúng ta cần phải có một bộ quy tắc như: Không động chạm thân thể, không được kể những câu chuyện mang ngụ ý nọ kia, không lợi dụng công việc để mời người ta vào những hoạt động mà người ta không thích. Nam giới cần được hiểu hành vi nào là quấy rối, hành vi nào là không. Có rất nhiều người làm điều đó một cách rất vô tư, thậm chí còn với "thiện chí".

Chúng ta cũng cần phải có một sự lắng nghe với những lời phàn nàn, và không nhất thiết phải trừng trị. Nếu những lời phàn nàn còn ở mức nhẹ, thì ít nhất phải có sự nhắc nhở từ phía những người lãnh đạo. 

Bước thứ hai là cảnh báo nếu những lời này còn tiếp tục, bởi nếu chúng ta cứ để những điều này tiếp tục thì họ sẽ tiến đến mức cao hơn. Điều đó có thể hại cho chính họ, bởi việc nhỏ không được ngăn chặn thì họ sẽ "ăn trộm" cái to hơn, tình hình sẽ phiền toái hơn rất nhiều", bà Ánh chia sẻ thêm.

Theo bà Hoàng Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), định nghĩa về QRTD như thế nào lần đầu tiên được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Tuy nhiên đến thời điểm này định nghĩa đó cần phải nhận diện rõ ràng hơn. Bộ đã tiếp thu vấn đề về QRTD và đang đề xuất các bên tham gia cho ý kiến để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci - nhấn mạnh: "Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi. Trong khi QRTD đang làm giảm năng suất lao động, xói mòn mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ và kéo xã hội tụt lùi". 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tú thì QRTD rất khó xử lý hình sự nhưng hoàn toàn có thể xử lý trong môi trường lao động. Bộ luật Lao động không chỉ đến vấn đề an toàn lao động, trật tự lao động, phòng chống cháy nổ mà còn cần phải chú ý đến môi trường lao động, bảo vệ quyền được tôn trọng, không bị kì thị, phân biệt trong vấn đề nhạy cảm này của người phụ nữ.

Để có hành lang pháp lý và nâng đỡ phong trào Metoo mạnh mẽ hơn nữa cần sự vận động chính sách và quyết tâm của cả xã hội. Cái xấu cần phải bị vạch trần thì xã hội sẽ trong sạch hơn.

Ngọc Trâm
.
.
.