Mỹ - Trung bất ngờ vì Chile hủy đăng cai APEC
Trước đó, Chile vốn có kế hoạch tổ chức các Hội nghị APEC ngày 16 - 17-11 và COP-25 ngày 2 - 13-12 tại Santiago. Việc Chile huỷ đăng cai APEC cũng khiến Mỹ và Trung Quốc bất ngờ khi hai nước đang chuẩn bị ký thoả thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 tại đây.
Chile huỷ đăng cai APEC vì biểu tình
"Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP-25 với Chile và thế giới nhưng đây là quyết định hợp tình, hợp lý", ông Pinera nói với truyền thông ngày 30-10 tại Santiago. "Điều một tổng thống cần làm là đặt người dân lên trên tất cả".
Chile hiện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Mỹ Latinh là 20.000 USD. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,5% và lạm phát 2%. Ngay trước khi Chile rơi vào cảnh hỗn loạn tồi tệ nhất từ khi chế độ độc tài Augusto Pinochet sụp đổ, Tổng thống Sebastian Pinera vẫn khá lạc quan.
Hiện chưa rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ở địa điểm nào để ký thỏa thuận "giai đoạn 1". |
Ông Pinera, một cựu doanh nhân tỷ phú, tuyên bố Chile "đang dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng ở Mỹ Latin" và ca ngợi triển vọng đất nước trong một cuộc phỏng vấn, dù ông thừa nhận chính phủ "cần nỗ lực rất nhiều để chăm lo cho toàn bộ người dân".
Tuy nhiên, mô hình kinh tế gần như tư nhân hóa toàn bộ hệ thống y tế và giáo dục, ở thời điểm lương hưu trí giảm và chi phí dịch vụ cơ bản tăng được cho là đã khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội càng thêm nghiêm trọng và làm bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực hiện nay.
Chile là nước có chỉ số bất bình đẳng cao nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). "Tình trạng bất bình đẳng sâu sắc đã diễn ra tại Chile suốt nhiều năm", Javier Sajuria, giảng viên cao cấp về chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, Anh, cho biết.
Các cuộc biểu tình được cho là bộc lộ nỗi tức giận sâu sắc của người dân Chile đối với một hệ thống bất bình đẳng, gạt họ ra bên lề những thành tựu kinh tế đáng kể của đất nước trong những thập kỷ gần đây.
Đất nước này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Pinera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, khiến các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.
Mặc dù sau đó Tổng thống Sebastian Pinera đã công bố một gói biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân; tuy nhiên, các cuộc biểu tình bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra. Đỉnh điểm là khi người biểu tình đã thiêu rụi một bến tàu điện ngầm.
Ngoài ra, rất nhiều người đã phóng hỏa và đập phá ở các nơi công cộng khiến gần như mọi hoạt động tại thành phố bị tê liệt. Bạo loạn, đốt phá, biểu tình trong nhiều tuần qua đã làm ít nhất 19 người chết, 7.000 người bị bắt và các doanh nghiệp tổn thất khoảng 1,4 tỉ USD.
Mỹ - Trung bị động
Sau khi Chile tuyên bố huỷ đăng cai tổ chức APEC, hiện chưa rõ APEC năm nay sẽ diễn ra khi nào và ở đâu sau tuyên bố hủy đăng cai của Chile, hiện chưa rõ APEC năm nay sẽ tổ chức ở đâu.
Trong kế hoạch, APEC (16-17 tháng 11) dự kiến có sự tham dự của 20 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc để ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.
Theo hãng tin Bloomberg, Nhà Trắng có vẻ bất ngờ và lúng túng trước diễn biến này, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục cố gắng để thỏa thuận "giai đoạn 1" được ký kết sau vài tuần nữa. Hiện chưa rõ giới chức Mỹ đã tìm được một địa điểm thay thế cho cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập hay chưa.
Các nhà tổ chức thượng đỉnh APEC cũng chưa đưa ra được một địa điểm mới để tổ chức hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn. Giới thạo tin nói rằng các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã tính đến chuyện tìm một địa điểm khác khi các cuộc biểu tình ở Chile leo thang. Tuy nhiên, việc Chile hủy đăng cai sự kiện vẫn khiến Mỹ ít nhiều rơi vào thế bị động.
"Tôi vẫn cứ đinh ninh là ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau ở Chile", chiến lược gia Brendan McKenna thuộc Wells Fargo Securities phát biểu. "Nhưng nếu hai bên đã đạt được một thỏa thuận mà họ sẵn sàng ký kết, kiểu gì họ cũng tìm ra cách để ký". Một số nhà phân tích cho rằng "trong cái rủi lại có cái may".
Việc hoàn tất văn kiện thỏa thuận "giai đoạn 1" Mỹ-Trung để kịp ký kết vào ngày 16 - 17-11 tại thượng đỉnh ở Chile như dự kiến lúc đầu vốn được xem là gấp gáp. Bởi vậy, việc tìm một địa điểm mới sẽ giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian.
Trong khi đó, Người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết cơ quan này "hiện đang đánh giá các lựa chọn đăng cai thay thế cho diễn đàn chống biến đổi khí hậu (COP-25) sau khi Chile cũng rút khỏi luôn vị trí nước chủ nhà của sự kiện này vì tình hình bất ổn trong nước.