Mưu sinh mùa lũ

Thứ Hai, 23/09/2019, 14:48
Khi mùa lũ về, tất cả ngập tràn giữa biển nước mênh mông, đó cũng là lúc những người nông dân hào sảng thay áo thành thương hồ phiêu dạt mưu sinh trên khắp miệt Cửu Long...


Khi con nước tràn bờ

Theo quy luật con nước, cứ vào tháng 7 (âm lịch) là ngư dân cù lao Tân Phú (An Giang) bắt đầu rục rịch phơi mặt nước để đón cá tôm. Năm nay lũ về muộn, âu lo phiền muộn hiện rõ trên từng khuôn mặt khắc khổ, rám nắng của người vạn chài.

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các hệ thống đập thủy điện, thủy lợi từ phía thượng nguồn cộng với diễn biến bất thường của khí hậu đã làm cho đồng bằng sông Cửu Long không còn lũ như trước, nếu có thì cũng chỉ là những mùa lũ cạn. 

Lũ về, dân chài vội vã lao vào cuộc mưu sinh.

Năm nay nước về vào đúng mùa trăng tháng 8, chậm hơn năm ngoái một tháng nhưng vẫn khiến dân thương hồ mở cờ trong bụng. Nhìn ra dòng nước đỏ đục mới tràn về, anh Trần Phi Hùng (Hai Hùng) nói bằng giọng phấn khởi: "Mong hoài rồi lũ cũng về, tụi tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đóng đáy cá linh từ lâu lắm rồi". Đóng đáy cá linh trên sông, dân chài xem là nghề trời định bởi không ai đoán trước được năm nay lũ lớn hay lũ nhỏ, cá về nhiều hay ít.

Gia đình anh Hai Hùng làm nghề đóng đáy cá linh nhiều mùa trên sông Vàm Nao (Tân Phú). Lũ về, Hai Hùng tất bật làm dớn và đóng đáy cho kịp đón mẻ cá linh đầu tiên của mùa lũ. Theo nhận định của anh Hùng thì mùa lũ năm nay sản lượng cá sẽ sụt giảm nhưng giá thành ổn định nên ngư dân vẫn có thể bám trụ được trên sông nước. Cá linh chỉ có trong mùa nước nổi, nước càng cao cá linh về càng nhiều. Chính vì vậy, cá linh đã trở thành món quà đặc sản mà mẹ thiên nhiên dành tặng cho cư dân vùng châu thổ.

Theo kinh nghiệm của Hai Hùng, thì nơi nào thả đáy đón trúng luồng cá chạy thì năm sau chỉ cần đặt đúng vị trí đó là sẽ có cá. Mấy năm trước, chỉ cần một mẻ đáy, anh Hùng có thể thu về hàng trăm ký cá nhưng năm nay cả ngày mới được chừng đó. Đóng đáy chỉ trông chờ vào hai con nước là mồng 10 và 25 âm lịch. Đây là hai thời điểm cá chạy mạnh nhất.

Dân miền sông nước phóng thoáng trong lối sống nhưng cũng nhẫn nại trong lao động. Họ chưa bao giờ than trời trách đất về sự thuận nghịch của tự nhiên. Hai Hùng bảo rằng, chừng nào còn lũ thì còn bám sông đóng đáy, anh tin con cá không thể tách rời con nước.

Mỗi chiếc xuồng là một cuộc đời nổi trôi theo con nước.

Mỗi ngày, những con thuyền ba lá vẫn miệt mài len lỏi vào từng ngóc ngách của dòng sông, con rạch. Với ngư dân miền sông nước, nguồn lợi từ mùa lũ mang về như bầu sữa mẹ dồi dào nuôi sống bao thế hệ con em của họ.

Trên chiếc tắc ráng chòng chành giữa dòng nước thượng nguồn, ông Tám Phèn (62 tuổi) cứ đầu trần mà đóng đáy. Ở khúc sông này, có lẽ ông là thương hồ lão luyện và từng trải nhất. Ngồi trên mạn xuồng rít một hơi thuốc thật dài, ông Tám Phèo ngân một câu thơ: "Nước không chân sao kêu nước đứng/ cá không thờ sao gọi cá linh".

Cái tên cá linh do vua chúa ngày xưa đặt để bày tỏ niềm cảm kích với loài cá báo tin lũ cho con người. Ông Tám Phèo cho biết, cá linh đẻ trứng từ biển hồ bên Campuchia rồi theo dòng nước đổ về, len lỏi vào các nhánh sông, rạch, tràn qua các ruộng lúa mênh mông. Cá linh sinh ra trên dòng nước. Trên hải trình ấy, chúng vừa đi vừa lớn và trưởng thành. Vì thế, mẻ cá đầu tiên, dân đóng đáy sẽ chọn ra những con cá linh đẹp nhất, ngon nhất cúng "Bà - Cậu" (tín ngưỡng phổ biến nhất của dân sông nước Nam Bộ).

Hơn nửa đời người bám sông, trải qua ngần ấy mùa nước nổi, ông Tám Phèn lận lưng được kinh nghiệm đoán con nước chính xác hơn cả dự báo thời tiết. Vào khoảng tháng 4 âm lịch, ông Tám ra bờ sông bẻ một nhánh cây sậy.

Cây sậy đốt ngắn thì năm đó nước về muộn và ngược lại. Đây là kinh nghiệm truyền từ đời cụ tổ của ông Tám Phèn. Khi đoán được nước lớn nước ròng, dân chài tính toán xem năm nay sẽ cất chòi canh cá cao hay thấp, mua bao nhiêu tấm lưới là vừa.

Không chỉ nắm quy luật dòng chảy, dân thương hồ còn xem nước như động vật và dùng hai tiếng "con nước" để gọi tên như con nước lớn, con nước ròng, con nước 30... Con nước đi vào cuộc sống, bàng bạc trong lời ăn tiếng nói, trở thành nét văn hóa không gì thay đổi được ở người dân vùng "chín rồng".

Hết mùa con nước, cánh đàn ông trai tráng lại dạt đi mưu sinh bằng đủ thứ nghề đắp đổi qua ngày để ngóng chờ mùa lũ năm sau. Bao thế hệ con cháu vùng châu thổ đã bình thản sống theo quy luật ấy như một lẽ tự nhiên.  

Du cư trên sóng nước

Khi con nước rục rịch nhảy bờ, cũng là lúc ngư dân vùng thượng nguồn Châu Phú (An Giang) xuống ghe rời nhà bắt đầu chuỗi ngày du cư trên sông. Không ai biết, nếp sống du cư mùa lũ có từ bao giờ. Từ ngày mới 5 tuổi, Bình Em (25 tuổi) đã biết đến mùa "chim trời, cá nước" khi được theo cha mẹ xuống ghe rày đây mai đó dọc dài sông Vàm Nao qua dòng sông Hậu rồi về Vàm Cỏ Đông suốt 4 tháng nước dâng trắng đồng.

Dân du cư sống dựa vào thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên và hưởng lợi từ những sản vật mà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước lũ tràn về.

Những con cá đưa lên bờ bán khi trời chưa kịp sáng.
Bữa cơm tối của dân thương hồ du cư.

3 giờ sáng, đèn pin lóe sáng, những chiếc tắc ráng ở xóm du cư bên dòng Vàm Cỏ Đông (Tân Thạnh, Long An) lần lượt rời bến rẽ nước đi tìm luồng cá mới trên những cánh đồng mênh mông đầu mùa lũ.

Năm nay nước về nhỏ, ưu tư nặng trĩu, quãng đường mưu sinh vì thế mà xa hơn. Gần một tiếng chạy xuồng ba lá, Bình Em tìm được chỗ đặt lợp bắt cá lóc. Kinh nghiệm đặt lợp là những nơi nhiều cỏ, nước cạn và ấm, cá lóc sẽ tìm đến trú ngụ. Những con cá lóc đầu mùa bao giờ cũng mập ú, thịt ngọt, giòn. Bình Em chọn đánh cá lóc vì tiền đầu tư ít, không cần mồi mà giá thành ổn định. Vào chính vụ, mỗi ngày, Bình Em kiếm khoảng 5 đến 7 ký cá lóc, trừ hết chi phí thu về 200 đến 400 ngàn đồng.

Những đồng tiền kiếm được trong mùa du cư, Bình Em mang về trang trải nợ nần, phụ giúp cha mẹ mua lương thực dự trữ. Một mình một ghe, xuôi theo con nước xa nhà hàng trăm dặm nhưng Bình Em không hề đơn độc bởi xung quanh anh có hàng chục chiếc xuồng neo đậu làm bạn. Tất cả đều là dân thượng nguồn, cùng hoàn cảnh, cùng chân lý sống nên họ đồng cảm, chia ngọt sẻ bùi với nhau.

Chưa ai thống kê được có bao nhiêu nghề ăn theo con nước: Bắt cá linh, hái hẹ nước, đặt lờ, đặt lợp, hái bông điên điển... Cuộc mưu sinh của họ như làm thức dậy cả cánh đồng mùa nước nổi. Anh Lê Văn Quang đã có hơn 10 năm phiêu bạt theo con nước, công việc chính của anh là đặt xà di (dụng cụ bằng tre, đỉnh hình chóp, đáy hình tròn, đường kính khoảng 20cm, chiều dài khoảng 80cm) bắt cá rô.

Sáng sớm anh đi đặt, trưa thu hoạch, chiều có lái buôn tới tận ghe mua. Anh Quang hài lòng với cuộc sống quanh chiếc xà di và con cá rô đồng. Làm nghề lâu quá đâm ra yêu lúc nào không biết. Cứ đến tháng 7 mà nước chưa về là anh Quang cảm thấy trong người nôn nao, bồn chồn, có một nỗi nhớ không tên nhưng âm ỉ len lỏi thật khó diễn tả.

Không có ai cô đơn ở nơi đồng không mông quạnh này. Suốt 4 tháng du cư, anh Quang mê mệt với con cá rô đồng. Nỗi nhớ duy nhất của anh là thằng con trai 4 tuổi phải gửi nhà ông bà nội.

Trong xóm du cư, có gia đình anh Lê Thanh Tùng là đông vui nhất. Ở quê An Giang, hai bên nội ngoại đều già yếu không có khả năng chăm cháu nên vợ chồng anh Tùng phải mang con đi theo, một đứa 5 tuổi và đứa nhỏ mới hơn 2 tuổi. Hai đứa trẻ ngày chơi đua trên ghe, đêm ngủ lăn lóc trên ghe.

Thế giới của chúng chỉ có chiếc ghe nhỏ bé và một bầu trời sông nước, thứ quen thuộc nhất chính là con tôm con cá, ao sen và bông điên điển. Mỗi ngày, anh Tùng nổ máy tắc ráng lao vút vào rừng tràm, chiều tắt nắng anh mới mang "chiến lợi phẩm" trở về.

Mâm cơm cá kho tộ và canh chua bông điên điển nóng hổi đã được vợ anh chuẩn bị sẵn. Anh Tùng bảo, cuộc sống như vậy là viên mãn lắm rồi. Đời rong ruổi ngược xuôi, đói no theo nước lớn nước ròng nhưng bên cạnh vẫn có một gia đình êm ấm, có tiếng khóc cười của trẻ thơ. Những đứa trẻ chưa đủ lớn để hiểu hết nỗi vất vả khó nhọc của cha mẹ nhưng chắc chắn một điều rằng, chúng sẽ được dành cho những điều tốt đẹp nhất, dẫu chỉ là một giấc ngủ đêm trọn vẹn trên sông.

Ngọc Hoa
.
.
.