Mưu sinh mùa băng tuyết

Thứ Tư, 30/12/2015, 12:00
Những ngày cuối năm là một trong những thời điểm Sa Pa hút khách du lịch nhất. Nhiều người rủ nhau lên thị trấn vùng cao này ngắm tuyết tụ băng tan. Và khi khách các nơi đổ về cũng là lúc những người dân Sa Pa bận rộn mưu sinh, lặn lộn, vất vả trong tiết trời giá lạnh.

"Người ta đi chơi, mình đi kiếm tiền"

Sa Pa là đất du lịch nên người dân làm du lịch quanh năm. Song, nơi đây có 3 thời điểm khách du lịch tăng đột biến là mùa lúa chín vàng các thửa ruộng bậc thang (từ tháng 9 đến tháng 10); mùa băng tuyết (từ tháng 12 đến Tết âm lịch); mùa hoa mận, hoa đào (ra Tết). Tuy nhiên, so với những ngày nắng ấm của mùa lúa chín hay những ngày xuân ôn hòa hoa mận, hoa đào nở rộ, khí hậu Sa Pa những ngày cuối tháng 12 cho tới Tết âm lịch khắc nghiệt hơn rất nhiều. Đó là khi trời rét buốt, cả thị trấn chìm trong một màn sương lạnh tê tái, thậm chí nhiều lúc xuống âm độ, những bông tuyết rơi, tất cả được bọc bên ngoài bằng lớp băng trắng.

Khi những bông tuyết rơi, băng bọc ngoài cỏ cây cũng là lúc khách du lịch rủ nhau lên đây chơi.

Với một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta, được chứng kiến tuyết rơi hay băng đông đá cây cối xung quanh gần như là một điều không tưởng. Vì thế, bất chấp thời tiết giá lạnh và khoác trên mình bao nhiêu lớp áo dày cộp, nhiều người (nhất là khách từ miền Nam) vẫn rủ nhau lên Sa Pa "săn" băng, "săn" tuyết, nhằm thỏa mãn trí tò mò. Chỉ cần nghe tin Sa Pa đang có tuyết hoặc lướt facebook một vòng, thấy bạn bè chụp hình "check-in" ở Sa Pa, xung quanh toàn băng đá thì thể nào, sẽ có một số người "không thể trì hoãn sự sung sướng" đó được, thu xếp công việc, hành lý, đặt vé và lên đường.

Khách du lịch đông cũng đồng nghĩa với những dịch vụ du lịch tăng theo. Mùa người ta kéo nhau đi chơi cũng là mùa "kiếm tiền" được của dân bản địa. Càng đông càng dễ kiếm tiền. Tuy nhiên, để có được "tiền của thiên hạ" cũng không phải dễ. Đó là những ngày mưu sinh dài lê thê từ ngày này qua ngày khác, chân tay đông cứng nhưng vẫn phải dầm mình trong cái lạnh (kể cả dưới 0 độ) để phục vụ khách du lịch.

Mưu sinh trong tuyết phủ

Anh Phạm Văn Tuấn (SN 1986, trú tại TP Lào Cai) là một người có thâm niên lái xe khách, phục vụ khách tham quan du lịch chặng TP Lào Cai - thị trấn Sa Pa suốt 10 năm qua. Gia đình anh có 2 xe vận hành liên tục trong mùa du lịch. "Trừ phí ăn tiêu, sinh hoạt, mỗi tháng, thu nhập trung bình của cả 2 xe từ công việc "bán sức mua đường" này rơi vào khoảng 30 triệu đồng. Thậm chí, ở thời điểm khách đông đột biến, riêng 3 ngày cuối tuần, trung bình 2 xe thu về 7-8 triệu đồng.

Có việc mà làm, có tiền mà tiêu, kể sướng thì cũng sướng thật. Song khổ cũng khổ lắm", anh Tuấn vừa lái xe vừa kể chuyện.

Anh Phạm Văn Tuấn đã có gần 10 năm lái xe chặng Lào Cai - Sa Pa.

Lịch trình một ngày của anh Tuấn bắt đầu từ lúc 5h sáng khi trời chưa tỏ mặt người cho tới tối mịt mới kết thúc. Bao giờ không có khách "réo" nữa thì anh mới được về nhà đặt một giấc say như chết. Anh nói: "Nhiều lúc buồn ngủ quá, không thể chịu được nữa, tôi đành phải bảo khách thông cảm đi chơi thêm, cho tôi xin thêm 15 - 20 phút nữa để chợp mắt ngay trên xe.

Nghề này hao lực lắm. Lái xe lúc nào cũng phải giữ cho mình luôn tỉnh táo. Đường thì đường núi, quanh co, hiểm trở. Một phút ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện cũng rất nguy hiểm rồi. Mình không sao nhưng ảnh hưởng tới người khác thì tội nghiệp người ta lắm. Mà vào mùa du lịch, cường độ chạy đi chạy về gần như dày đặc. Lịch vận hành của tôi gần như kín".

Hỏi anh lái xe trong những ngày băng tuyết phủ đầy thì có thích không, anh bảo "thích gì, nhìn mãi rồi cũng thấy bình thường thôi, kiếm ăn vào mùa đó vất vả lắm". Anh Tuấn giải thích thêm, 4 năm gần đây, năm nào Sa Pa cũng có tuyết. Năm trước, tuyết rơi vào đúng dịp Tết dương lịch. Năm nay (giữa tháng 12 - PV) đã có rồi. Có năm, phải vào Tết âm lịch mới có.

Xu thế của người Việt Nam mình mấy năm nay, đó là Tết thì cả nhà rủ nhau đi du lịch, không có nặng nề chuyện nội ngoại, mâm cao cỗ đầy nữa. Sa Pa là lựa chọn lý tưởng mà nhiều người vẫn tìm đến. 2 năm trước, băng đóng nửa tháng mới tan hết. Trâu bò lạnh quá không chịu được lăn ra chết. Tuyết rơi sau 2-3  ngày đã dày lên đến bờ cửa. Ngay đoạn Cổng trời Sa Pa, cả một vùng trắng xóa, lạnh buốt tim. Các đoàn xe chở khách du lịch lên đây chơi và bị tắc ứ lại, không đi được.

Khách thì vui sướng khi được thỏa mãn cơn thèm tuyết thèm băng, mình thì trong lòng nóng như lửa đốt chỉ mong nhanh về đến nhà. Sau đó, 3 cái máy xúc xúc 3 ngày mới tạm thời lưu thông được. Chưa kể, gặp lúc băng tan, đường sá trơn trượt, đi lại nguy hiểm và lái xe cũng khó nữa".

Nghề chạy xe khách trong thời tiết khắc nghiệt nhất của Sa Pa kể ra khá vất vả, nguy hiểm nhưng dẫu sao, vẫn còn sướng hơn so với những người bán hàng ở các địa điểm du lịch như Thác Bạc, Bãi đá cổ Sa Pa, Bản Cát Cát, Bản Dền… Bởi họ không được ở trong xe như tài xế mà luôn ngồi tại "nhà tạm" là những túp lều được dựng lên một cách sơ sài.

Chị Giàng Thị Mua, 42 tuổi, người Mông, có một túp lều ngay dưới chân Thác Bạc. "Đại bản doanh" của chị nhìn giống như tiệm tạp hóa nhỏ, cái gì cũng bán, từ chiếc áo mưa chắn gió lạnh theo kiểu của người Mông đến quả trứng gà nướng ăn cho ấm bụng. Thời tiết ở Thác Bạc từ cuối tháng 12 đến Tết âm lịch cũng lạnh, tuy nhiên lạnh chưa đủ độ khiến tuyết rơi băng đóng như Cổng trời. Vì thế mà, khách du lịch lên đây mùa băng tuyết vãn hơn so với những thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, tiền thuê mặt bằng không hề giảm. Vẫn ở mức 1 triệu đồng/ tháng. Thành ra, để vớt vát chút chi phí, hằng ngày chị vẫn phải ngồi đó để bán hàng. "Lạnh lắm, nhưng biết sao được, thêm được đồng nào đỡ đồng đó".

Vào những ngày sương mù, lạnh giá, đi lại rất khó khăn.

Vắng khách cũng khổ mà đông khách cũng khổ. Khác chị Giàng Thị Mua, cả nhà chị Hoa (38 tuổi) chuyển lên sống hẳn ở Cổng Trời. Chị vốn là người Kinh, cuộc đời phiêu dạt rồi lấy chồng, an cư lạc nghiệp ở cái vùng đất lúc nào cũng "tắm" trong sương trắng này. Ban ngày, túp lều là nơi bán hàng, đêm xuống, trở thành nơi sinh hoạt của gia đình chị. Bế đứa con mới tròn 1 tuổi trong lòng, tay nướng củ khoai mật Sa Pa cho khách, chị kể, vào những ngày âm độ, khách kéo lên đây đông thật. "Nhưng tính ra bán củ khoai, mía lùi, trứng nướng, trà nóng… thì cũng chỉ tạm đủ ăn là may mắn lắm rồi. Còn hơn không biết làm gì để sống qua ngày đoạn tháng", chị ngao ngán.

Chị Hoa kể có năm ở đây băng đóng dày nửa tháng, tuyết rơi dày khắp nơi, cả nhà chị không làm ăn gì được. Ra ngoài thì buốt, thành ra cả nhà "cố thủ" trong lều xung quanh đống lửa. Tối đến, trải tấm chăn điện mua ở chợ biên giới Cốc Lếu dùng tạm cho đỡ rét. "Cũng biết chăn mua kiểu này không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhưng giá thành rẻ, nhắm mắt mà dùng. Qua được mùa đông nào thì đỡ mùa đông đó. Chỉ tội đứa con, cứ ho và khóc mãi vì lạnh".

Lúc dừng xe tại địa điểm ngắm ruộng bậc thang ở Bản Dền, tôi để ý trong số những người bán hàng dạo có cô bé người Mông mặc chiếc áo truyền thống của dân tộc mình, chân trần đứng run run trong gió. Trên tay em là mấy chiếc vòng chất liệu bằng vải thổ cẩm với giá 5.000 đồng. Tôi hỏi tuổi, em "dạ thưa cô" rất ngoan ngoãn - "cháu 10 tuổi rồi". Tôi hỏi tên, em chỉ cười và giơ mấy chiếc vòng ra. Lan man vài chuyện, tôi được biết, em đứng bán ở đây một ngày được 5 chiếc vòng như thế, ngày nào nhiều thì 10 chiếc. Em học đến lớp 2 thì bỏ học và đi bán vòng được 3 năm rồi.

Sa Pa, "thánh địa" du lịch quanh năm phủ đầy sương, mê hoặc lòng người viễn xứ tìm đến và chiêm ngưỡng. Họ đến đây dăm ba ngày, thỏa mãn trí tưởng tượng, sự tò mò cố hữu về một vùng đất nhiều huyễn hoặc rồi đi. Họ rủ nhau lên đây ngắm băng tuyết rồi về xuôi, về với khí hậu nhiệt đới gió mùa của mình. Sa Pa ở lại, những người dân bản địa ở lại, vẫn cần mẫn, lụi cụi sống và làm việc để tồn tại qua thời tiết khắc nghiệt của vùng đất này. Họ là những người giữ lửa cho Sa Pa. Có họ, Sa Pa bớt đi vẻ hiu quạnh, lạnh lẽo. Đất và người, tự nó cộng sinh trong mình những nét đời thường mà lại khác biệt làm nên vẻ đẹp cho một vùng đất. 

Đậu Dung
.
.
.