Muôn nẻo mưu sinh giữa... "chảo lửa"
Những người "đội nắng" mưu sinh
Trên sông Nhà Bè (huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh) ông Nguyễn Văn Hải (60 tuổi) cùng con trai ngày nào cũng phơi lưng giữa dòng quăng chài kiếm cá. Thời điểm thu lưới từ 12 giờ đến 13 giờ, vào giữa độ “dữ dằn” của nắng nóng. Ông Hải mô tả: “Tôi tưởng mình đang đội cả ngọn lửa trên đầu, cộng với hơi nước bốc lên khiến toàn thân tôi nóng như ai đang tạt nước sôi vào người”.
Cha con ông Hải quăng chài trên sông Nhà Bè. |
Con trai ông Hải là Nguyễn Văn Hường (25 tuổi) cách đây ba ngày đã bị say nắng đến ngất xỉu trên thuyền. Nhờ kinh nghiệm từng trải nên ông Hải thực hiện sơ cứu rồi đưa về nhà nghỉ ngơi.
Dù biết sự nguy hiểm khi phơi mình trong nắng nóng mùa hè nhưng những người lao động như cha con ông Hải không còn sự chọn lựa nào khác. Cái nghề của họ là phải dãi nắng, dầm mưa, nên cách duy nhất là phải thích nghi để tồn tại. Mỗi ngày, ông Hải dậy từ 5 giờ sáng đi đặt lưới, 9 giờ kiểm tra một lần rồi lại đặt tiếp cho đến trưa thì thu gom.
Đó là giờ cố định, không thể khác đi được với người đánh cá ở bến sông này. Da thịt ông Hải đen xạm, rắn rỏi và khỏe khoắn. Ông cười giòn tan, nói: “Bao nhiêu mùa nắng nó táp vào đây, bồi đắp ngày càng dày. Da thịt tui bây giờ lấy dao xỉa còn khó đứt huống hồ nắng chiếu mưa xiên”.
Nhưng không phải ai cũng “làm bạn” và sống cùng với nắng nóng được như ông Hải. Ngay cả vợ ông, người đàn bà buôn cá bán tôm, nửa đời bươn chải mà gặp nắng mùa này đều bị “đánh gục”. Bình thường bà đi bán cá xuyên trưa, nhưng nay chỉ ra khỏi nhà vào giấc sáng và buổi chiều, để “trốn nắng”.
Chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) có ông Ba Chúc đã trở thành “con rái cá” lặn ngụp không biết mệt mỏi. Dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, ông Ba Chúc ngày nào cũng mình trần đội nắng giữa sông Sài Gòn.
Hơn 30 năm lặn ngụp ở khúc sông này, ông Ba Chúc nhận định, năm 2016 và năm nay nắng kinh hoàng nhất mà ông từng thấy. Chỉ vào hai bên mặt, ông chứng minh: “Mấy năm trước tôi thuộc hàng nắng phải sợ, mưa phải cúi đầu nhưng năm nay nắng vừa quần cho vài ngày đã làm mặt tôi cháy xám, bỏng rát. Lưng của tôi cũng vậy, dù phía dưới có cả một dòng sông chống đỡ”.
"Sợ nắng thì chỉ có chết đói thôi"
Trên những con đường ít bóng cây xanh của thành phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp vô số mảnh đời “đội nắng” mưu sinh. Gần vòng xoay Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), chị Trần Thị Cảnh (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang gồng lưng đạp xe chở phế liệu cao quá đầu người. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo sờn vai của chị.
Dù được trang bị đến “tận răng”, nhưng chị phải thường xuyên “lột tung” khăn ra vì khó thở. Chị cho biết: “Bịt như vậy nhưng hai gò má vẫn bị nắng táp vào cháy thâm. Cứ đến giữa trưa phải tẩm khăn mặt bằng nước đá trùm lên đầu chống say nắng.
Có những ngày họ không nhận ra nhau giữa cái nắng khốc liệt mùa hè. |
Đó là bí quyết chị em tôi truyền tai nhau vào mùa nắng nóng đỉnh điểm”. Ấy vậy mà nhiều chị em vẫn bị nắng “dội” cho đau đầu, chóng mặt đến ngất xỉu. Đó là bà Hai Lành, bán vé số ở cùng xóm trọ với chị Cảnh. Một phần do sức khỏe yếu, phần khác do bà dầm nắng cả ngày, không cho mình nghỉ ngơi nên mới gục xuống nhanh.
Vừa về đến phòng trọ, bà Hai đã nằm vật ra nền nhà rồi lịm đi. May mắn là người con trai phát hiện hô mọi người đến ứng cứu. Bà Hai nằm viện một tuần thì được về. Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân hạn chế tối đa việc ra nắng nhưng chỉ hai ngày sau, bà Hai lại đi bán vé số.
Chị Cảnh xuýt xoa: “Nói thật chứ ai chẳng muốn bảo vệ sức khỏe cho mình, nhưng cảnh lao động chân tay như chúng tôi nếu không bươn mặt ra đường thì lấy gì ăn. Sợ nắng thì chỉ có chết đói thôi”. Với suy nghĩ ấy, một bộ phận người lao động vẫn lao ra đường, phơi mình dưới nắng nóng khốc liệt để kiếm cơm.
“Chỉ có lao động kiếm tiền mới bảo vệ cuộc sống cho chúng tôi, nên chẳng có lý do gì phải “sợ” nắng cả”- đó là lý lẽ của người đàn ông làm nghề chở thuê Lý Văn Chung. Dù đã 67 tuổi nhưng ngày nào ông Chung cũng làm vài cuốc xe ba gác phành phạch chở gạch đá, tôn xi măng, xà bần…
Chiếc áo công nhân của ông ướt sũng mồ hôi. Khi nào thấy nhớp khó chịu, ông phanh trần ra, để lộ tấm lưng nâu bóng nhẫy. Sự khỏe khoắn của ông thể hiện trong những vòng xe đầy uy lực. Giữa dòng người tấp nập, xô bồ, ông cứ ưỡn ngực, vươn vai cầm lái.
Ông chạy vài tiếng liên tục ngoài đường, không khẩu trang, không găng tay, vớ chân, chỉ có chiếc mũ tai bèo mỏng tanh trên chóp đầu, khi nào mệt thì tấp vào gầm cầu hoặc bóng cây nào đó nghỉ.
Chỉ vào bàn tay xương sẹo, ông cho biết: “Hôm qua mới đi bốc xà bần, cua tay trúng miếng kính vỡ làm cho tóe máu. Cái này nguy hiểm lắm, vì vết thương ở nơi dơ bẩn có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nhưng tôi kệ, bây giờ bó tay ở nhà sao được. Bao nhiêu miệng ăn đang chờ mình”.
Công việc của ông Chung thường tập trung vào giờ trưa, khi những người thợ xây nhà, đào cống nghỉ ngơi. Lúc ấy, một mình ông sẽ vào công trường đổ nát, bốc hốt tất cả những thứ không dùng tới, cho lên xe chở đi đổ. Ông bảo nắng nóng với ông đã thành quen rồi.
Cơ thể trơ trơ như gạch đá vậy, mùa hè nào cũng dãi nắng mà chẳng thấy bị sao. Ông chỉ thương bà vợ, già yếu bệnh tật nhưng ngày nào cũng ngồi phơi nắng ở cổng trường học bán bánh rán. Vợ ông không chịu được nắng, đau đầu hoa mắt, ù tai, cứ hai hôm lại phải nghỉ ở nhà.
Giấc ngủ trưa mệt nhọc. |
TP. Hồ Chí Minh dù đã có vài cơn mưa nhưng vẫn không thể “giải nhiệt” cho không khí oi ả, nóng bức ngột ngạt bao trùm khắp nơi. Hàng vạn người lao động chân tay đang “khát khô, bỏng cháy” vì thời tiết. Vì kế sinh nhai, họ không có sự lựa chọn nào khác nên để kiếm mỗi bữa ăn phải dầm nắng cả ngày...