Mùa dưa đắng

Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:00
Suốt cả tuần vừa qua, câu chuyện về quả dưa hấu của bà con nông dân miền Trung nóng rền trên các chương trình thời sự của VTV và các trang mạng xã hội. Từ việc hàng trăm xe dưa hấu ùn tắc ở biên giới, rồi trăm người dân ở Lạng Sơn nhảy xe để mót dưa.

Các ngành chức năng đã vào cuộc để góp sức giải toả dưa ùn tắc ở cửa khẩu biên giới, ngành Hải quan đã động viên cán bộ nhân viên tăng ca, tăng giờ làm việc nhưng rồi cũng phải thừa nhận cảnh ùn tắc này sẽ không thể ngày một ngày hai mà giải toả được. 

Có thể nói những người trẻ trên trang mạng xã hội Facebook là những người tiên phong khởi xướng kêu gọi cộng đồng chia sẻ mua dưa giá rẻ để giúp đỡ bà con miền Trung trong cơn nguy khốn vì một mùa đói sắp cận kề. 

Những lời kêu gọi của cộng đồng Facebook đã lan toả và tạo hiệu ứng rất hiệu quả trong cộng đồng đặc biệt là Đoàn Thanh niên. Một số tỉnh, thành như Hà Nội, Nghệ An, Huế… hàng trăm tấn dưa được mua hết. 

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng đã kêu gọi đoàn viên thanh niên góp tiền mua dưa hấu ủng hộ bà con. Mặc dù vậy tại các thửa ruộng Nam Trung bộ, dưa hấu vẫn lăn lóc chất chồng bò ăn không hết, người dân thì bất lực nuốt nước mắt mà nhìn những ruộng dưa thối rữa trên đồng.

Các thanh niên tình nguyện bán dưa giúp nông dân ở Quảng Ngãi.

Một nỗi đau mang tên dưa hấu đang diễn ra, hàng ngàn hộ nông dân khóc ròng trên ruộng dưa thối, bất lực nghĩ đến miếng cơm manh áo ngày mai, nghĩ đến những hệ luỵ nợ nần chưa biết bao giờ trả nổi. Trong khi cư dân mạng kêu gào, cộng đồng chia sẻ nỗi đau đắng lòng vì dưa hấu, vì tình nghĩa đồng bào thì lại có cảm giác như chính quyền, các ngành chức năng của các địa phương lại chưa thấu nỗi đau của bà con trồng dưa trên địa bàn mình.

Cũng họp, cũng bàn, cũng khoa chân múa tay, cho đến tận ngày 13/4 khi cơn vật vã vì dưa đã qua cả chục ngày thì tại hội nghị do UBND tỉnh Quảng Ngãi triệu tập bàn về vấn đề dưa, ông phó sở Nông nghiệp và Công thương vẫn thao thao rằng: "Chúng ta phải qui hoạch, chúng ta phải khuyến cáo và có chỉ đạo bà con...".

Chỉ đạo hay khuyến cáo, qui hoạch cái gì, giờ này mà còn ngồi chém gió mù mịt ở nghị trường, hỏi tại sao mà dưa không thối, vì sao mà dân không đói? Dù cho báo cáo của ngành chức năng Bộ Công thương cho rằng có đến 80% sẽ được tiêu thụ, nhưng đó chỉ là con số của báo cáo. Nếu đó là thực thì bò ăn cỏ chứ dưa đâu mà nhai sái hàm suốt ruộng này qua ruộng khác như những ngày qua.

Công bằng mà nói thì chính quyền địa phương cũng đã có khuyến cáo, nhưng khuyến là khuyến chứ bà con vẫn cứ phát triển diện tích dưa một cách tự phát thì lại không có động thái chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt. Nông dân cứ trồng, tự tìm mối bán hàng, trong khi cơ quan quản lý sản xuất và tiêu thụ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương vẫn chưa có một kế hoạch sản xuất dài hơi.

Không tổ chức mạng lưới tiêu thụ, không có các chiến dịch quảng bá quả dưa hấu nói riêng hay nông sản Việt nói chung theo cách bài bản và dài hạn. Không phải chỉ vụ dưa năm nay nông dân mới thảm sầu về dưa như thế mà những năm trước đây thì tình cảnh này cũng đã từng diễn ra hầu khắp các tỉnh Nam Trung bộ. Đâu chỉ riêng dưa hấu, mà mùa thanh long năm ngoái nông dân Bình Thuận cũng đã cay đắng đổ bỏ hàng trăm tấn thanh long cho bò nhai đến rát lưỡi không hết. Tuy vậy, cũng ngay trong năm ngoái, chương trình qui hoạch trồng cây thanh long của Bình Thuận vẫn được điều chỉnh từ mười ngàn lên ba mươi ngàn héc ta.

Liệu rồi cây thanh long và dưa hấu cùng nước mắt nông dân sẽ ngừng chảy ở đây nếu như vẫn không có được sự điều tra nghiên cứu và qui hoạch một cách khoa học và phù hợp cho từng vùng, từng địa phương về cây trồng, vật nuôi, cũng như không xây dựng được chiến lược và cơ chế chính sách cho việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ nông thôn. 

Bên cạnh đó cũng cần phải có những doanh nghiệp đủ mạnh, ngân hàng có nguồn lực sẵn sàng đồng hành cùng nông dân, không chỉ là việc hỗ trợ vốn, mà còn là bao tiêu sản phẩm, sẵn sàng bảo hiểm cho nông dân để gánh chịu rủi ro trong trường hợp xấu xảy ra.

Có một số địa phương đã vào cuộc, đã nghiên cứu qui hoạch khi nhìn thấy vấn đề có lợi cho dân, cho địa phương, nhưng các Bộ thì vẫn chờ, vẫn thấy chưa có đủ cơ sở khoa học, rất dè dặt trong những báo cáo, đề xuất. Và như thế nỗi đau thanh long, nỗi niềm dưa hấu rất có thể chưa dừng lại ở mùa trước, mùa này mà có thể còn cả những mùa sau. Cộng đồng chúng ta liệu có phải mỗi năm lại một lần gọi nhau đi mua dưa giá rẻ? Đơn giản chỉ vì chúng ta đã chậm, đã thiếu sự quyết đoán, quyết liệt và cơ hội sẽ qua đi…

Đinh Nam Nghị

.
.
.