Mùa dịch bệnh nhiều người sa vào"tín dụng đen"

Chủ Nhật, 08/03/2020, 16:18
Lợi dụng sự túng quẫn, khó khăn về tài chính trong mùa dịch bệnh, hoạt động "tín dụng đen" đã và đang trỗi dậy với thủ đoạn và phương thức dẫn dụ đa dạng, tinh vi hơn trước...


Quay cuồng trả nợ

Lê Thị Thu Phương (23 tuổi quê ở Bình Phước), sinh viên năm cuối một trường đại học tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã ăn đợi nằm chờ hơn một tháng nay do trường học đang đóng cửa phòng tránh dịch bệnh. Trước khi nghỉ Tết, Phương có một chân phụ quán cơm sinh viên gần trường, thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng đủ chi phí cuộc sống. Nay sinh viên chưa học quán cơm đóng cửa, nên Phương thất nghiệp.

Tới tháng đóng tiền trọ, Phương không thể xoay xở nổi đành vay một khoản tiền tại công ty tài chính. Nói là công ty cho oai, thực chất đây là ổ nhóm "tín dụng đen" hoạt động trá hình.

Chị Diệu Lan buồn bã vì nợ nần, có nguy cơ đóng cửa quán.

Phương không cần đến công ty và cũng chẳng phải gặp ai, chỉ cần lên mạng tải ứng dụng về máy điện thoại sau đó điền đầy đủ thông tin cá nhân: ngày tháng, năm sinh, số CMND, địa chỉ thường trú, học trường nào và số tài khoản ngân hàng.

Sau khi Phương bấm nút đồng ý, chờ khoảng 15 phút thì có nhân viên của công ty gọi điện thông báo hồ sơ của Phương đã được duyệt với mức vay 1.500.000 đồng. Phương ngạc nhiên, hỏi nhân viên sao cho vay ít thế. Nhân viên trả lời, do hồ sơ vay lần đầu, lại là sinh viên chưa có việc làm, không tài sản gì thế chấp nên chỉ được có vậy.

Gánh nợ 1,5 triệu đồng nhưng Phương chỉ được dùng có 900 ngàn, còn 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu trả chậm sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày. Vì quá túng quẫn nên Phương nhắm mắt vay để đóng tiền nhà cho kịp. Một tuần trôi đi như cái chớp mắt, nhân viên công ty đã gọi điện nhắc nhở.

Phương hiểu rõ hậu quả của việc trả chậm sẽ đắng như thế nào nên bằng mọi giá phải kiếm tiền để trả. Phương đi mượn nóng bạn bè, mỗi đứa vài trăm ngàn rồi cũng tất toán xong khoản nợ "cắt cổ".

Một tuần sau, nhân viên công ty gọi điện cho Phương hớn hở thông báo cô đủ điều kiện được vay lần thứ 2, với một khoản là 3 triệu đồng. Phương đắn đo, không muốn vay nữa vì lãi suất quá cao, thời hạn trả nợ quá nhanh.

Lần này, nhân viên cho biết, Phương sẽ được ưu đãi vay trong vòng một tháng, lãi suất "mềm dẻo". Trong túi đang "cháy" tiền, Phương quyết định vay tiếp và yên tâm là trong vòng một tháng nữa chắc chắn quán cơm sẽ mở cửa trở lại, cô có thể ứng trước lương để trả nợ. Lần này, hồ sơ của Phương không cần phải thẩm tra, Phương chỉ việc tải một ứng dụng mới sau đó đồng ý vào đó là hoàn tất.

Tờ rơi quảng cáo vay tiền nhanh nhất.

Trong vòng 10 phút, tiền nhảy vào tài khoản của Phương. Công ty nói cho vay khuyến mãi nhưng vẫn "chém" lãi suất rất "ngọt". Vay 3 triệu, Phương chỉ được nhận 2,3 triệu. 

Thời hạn một tháng sắp tới, quán cơm vẫn chưa mở cửa, Phương đang vô cùng lo lắng. Đường cùng, Phương sẽ đi cầm xe máy để trả nợ. "Không đi học, chưa đi làm nên cũng chẳng cần thiết phải đi xe máy làm gì. Bây giờ đến đâu mình tính tới đó, bạn bè của em cũng vay mượn khắp nơi chứ đâu riêng mình em", Phương giãi bày để trấn an mình.

"Cơn lốc tín dụng đen"

Sống trong thành phố giữa mùa dịch, không chỉ sinh viên mà các tiệm gội đầu, hớt tóc, làm đẹp đều rơi vào cảnh túng thiếu và phải đi vay lãi. Chị Trần Thị Diệu Lan (40 tuổi, Đồng Nai) thuê một tiệm gội đầu trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) và làm ăn ổn định từ 3 năm nay.

Tuy nhiên, từ ngày mở cửa đầu năm 2020, tiệm gọi đầu, làm móng của chị Lan rơi vào cảnh ế thảm hại. Cả ngày không có một bóng người ghé quán. Để cầm cự và duy trì mặt bằng, chị Lan phải đi vay nóng bên ngoài của các đối tượng xã hội. Chị vay 5 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 100 ngàn, nếu không trả ngày thì trả một cục theo tháng là 3 triệu.

Đối tượng cho vay tính trừ luôn vào tiền gốc, tức là chỉ đưa cho chị Lan 2 triệu nhưng chị Lan năn nỉ, xin xỏ nên chúng chấp nhận cầm chứng minh nhân dân và giấy tờ xe máy. Chị Lan cho biết, nếu qua một tháng mà tình hình dịch bệnh không tươi sáng, chỉ còn cách bỏ quán vì không thể gánh tiền thuê mặt bằng và tiền vay lãi quá khủng khiếp.

"Tín dụng đen" dù đang bị cơ quan Công an truy quét khắp nơi, xử lý mạnh tay nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn hoạt động bởi người có nhu cầu vay tiền vẫn rất lớn. Mùa dịch bệnh này, mỗi ngày có hàng trăm người cần vay tiền để trang trải cuộc sống, để bám trụ được ở thành phố. Lê Mạnh T. (35 tuổi, quận 5, TP Hồ Chí Minh), hiện phụ trách mảng phê duyệt hồ sơ cho vay trực tuyến của một công ty tài chính.

Theo tiết lộ của T., mỗi ngày, có khoảng vài ngàn người đăng ký vay. Trong đó, hồ sơ thật, khách hàng thật đã qua thẩm duyệt chiếm đến 70%. Tuy nhiên, T. chỉ duyệt cho khoảng 35-50 khách hàng vay vốn.

Đây chủ yếu là sinh viên trong các trường đại học lớn, nhân viên văn phòng có trụ sở công ty rõ ràng và một số ít là công chức trong phường, xã. T. đã nắm được rõ về lai lịch, điểm mạnh, yếu và quan trọng là họ có khả năng trả nợ cao nên được vay sớm nhất.

Theo điều tra của chúng tôi, nhóm đối tượng vay như T. nói là có thật. Họ hiểu và hoàn toàn biết đó là "tín dụng đen" nhưng không còn con đường nào khác trong những thời điểm khó khăn, hay nói cách khác là rơi vào đường cùng nên họ chấp nhận. T. cho biết, công ty cho vay không bao giờ ép khách hàng phải vay, điều này thể hiện ở tỷ lệ duyệt hồ sơ cho vay so với số lượng đăng ký vay.

Nhiều đối tượng liên quan đến đường dây "tín dụng đen" đã bị bắt.

Chị Diệu Lan chia sẻ, chị biết rất rõ người cho mình vay tiền là dân "anh chị" nhưng giữa sự chọn lựa vay tiền hay là đóng cửa, chị buộc phải chọn, dù đó là giải pháp tức thời, sẽ gây ra hệ lụy xấu cho cuộc sống.

Diệu Lan, Phương vẫn còn may mắn khi chỉ là nạn nhân "cò con" của "tín dụng đen", chỉ ảnh hưởng đến kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Trường hợp của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyền (56 tuổi, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thì "tín dụng đen" đã "cướp" mất căn nhà của họ, làm tan vỡ gia đình.

Theo đó, vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2020, vợ ông Quyền bị bể hụi mất trắng gần 200 triệu đồng, chỉ còn một tháng nữa là đến lượt hốt. Đây là khoản tiền gia đình ông Quyền dự định trả nợ tiền sửa nhà. Trước tình cảnh chủ thầu tới nhà đòi nợ, đe dọa "xử đẹp" nếu không đúng hẹn, vợ chồng ông Quyền liền nhờ một người quen kết nối với người cho vay "nóng".

Chỉ một ngày sau, chủ cho vay tới nhà ông Quyền xác minh tài sản. Nhà ông Quyền chỉ có hai chiếc xe máy cũ và cuốn "sổ đỏ". Chủ cho vay đã yêu cầu ông bà Quyền viết giấy nợ, cam kết trả đúng hẹn cả gốc lẫn lãi và đồng ý cầm cuốn "sổ đỏ" làm tin. Thủ tục nhanh gọn, ông bà Quyền cầm một cục tiền trong tay, tất tả gọi chủ thầu tới thanh toán.

Trong giấy nợ, chủ nợ rất khôn khéo và ma mãnh, chúng không ghi tiền lãi vào vì sợ vi phạm pháp luật. Có một thỏa thuận ngầm, vợ chồng ông Quyền sẽ trả lãi 20 triệu đồng/tháng. Tháng nào trả tháng đó, không trả được sẽ bị tính lãi của lãi và chịu phạt. Ra Tết, quán chè cạnh trường học của vợ ông Quyền chưa thể khai trương vì học sinh chưa đi học.

Không có nguồn thu, tiền mặt bằng vẫn phải trả 10 triệu mỗi tháng nên gia đình ông Quyền rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau, ông Quyền đay nghiến vợ vì để mất 200 triệu tiền hụi. Vợ buồn bã, chán nản đi đánh bài giải khuây.

Không trả được lãi "tín dụng đen", nó cứ đẻ ra những con số thật lạnh lùng và tàn bạo. Vợ chồng ông Quyền vi phạm hợp đồng thỏa thuận, chủ nợ đến nhà hăm dọa. Cuối cùng, không thể chịu nổi áp lực nợ nần quá lớn, vợ chồng ông Quyền quyết định bán nhà. Người mua chính là chủ nợ, chúng ép giá đến tận... "đáy".

Số tiền còn dư sau khi bán nhà, vợ chồng ông Quyền chia đôi rồi mỗi người ôm theo một đứa con ra đi.

Làm cách nào để ngăn chặn "tín dụng đen"?

Chuyên gia kinh tế Hoàng Đình Quân cho rằng những biện pháp hạn chế "tín dụng đen" thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ phần ngọn, trong khi "tín dụng đen" lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả góc độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, việc xử lý các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng. Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi để lách luật. Theo Đại tá Tám, nguyên nhân của "tín dụng đen" là do người dân không đáp ứng được các điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay...

Ngọc Hoa
.
.
.