Cuộc đổi đời kì lạ của ông tổ trưởng dân phố:

Một thời giang hồ

Thứ Sáu, 07/08/2015, 14:00
Đánh mất gia đình vợ con từ khi chìm vào sự cám dỗ của cái chết trắng, anh đã ứa nước mắt khi nhìn thấy căn nhà trống của mình còn không ra hình dáng của một ngôi nhà. Quyết tâm làm lại từ đầu sau nhiều lần thất hứa, anh tự xin cho mình được đi cai nghiện. Và giờ đây, anh đã tự viết lại cuộc đời mình khi xây dựng được một cơ ngơi khá giả, được giao nhiều trọng trách ở địa phương, tiếp tục trên con đường giúp đỡ những con người cùng cảnh ngộ đứng lên từ "bóng tối"...
Quá khứ buồn

Vào thời điểm những năm 1988, khi "cơn sốt" vàng lan rộng ở vùng Chiêm Hóa - Tuyên Quang, nhiều thanh niên nơi đây và các vùng lân cận đổ xô đến các bãi vàng trái phép để tìm kiếm cơ may đổi đời. Cũng tại những nơi đó, nhiều tệ nạn đã xảy ra. Từ đâm chém, cờ bạc cho đến thuốc phiện, những ước mơ ngày nào đã chìm đắm, ngập ngụa trong cái hố đen tội lỗi ấy. Cái tên Quân "nghiện" được sinh ra từ đó.

Tên đầy đủ của anh là Nguyễn Đức Quân (thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Là con út trong gia đình có 6 anh em, bố mẹ đều là cán bộ của huyện nhưng từ nhỏ anh đã biết bươn chải với xã hội. Từng trải qua nhiều nghề như phụ hồ, sửa xe, thợ may rồi buôn bán đủ các loại... nhưng chẳng đâu vào đâu. Như bao bạn bè cùng trang lứa, khi cơn sốt vàng ập tới nơi đây, anh cũng dấn thân vào những bãi vàng để tìm cách làm giàu.

Giàu đâu chưa thấy nhưng từ khi đi đào vàng, để tồn tại và giữ được "lãnh địa" của mình, anh đã từng tham gia không biết bao nhiêu trận giao tranh, thanh toán lẫn nhau của những cai vàng thời đó. Sau một thời gian, Quân nhanh chóng thành lập được một nhóm thân quen, tự quản lý một khu đào vàng riêng và nghiễm nhiên trở thành một "chủ bưởng" (chủ bãi đào vàng) khét tiếng thời đó.

Anh Quân kể: "Ngày đó chúng tôi kiếm được rất nhiều vàng nhưng để có được phải đổ ra không biết bao nhiêu là máu. Do đều là dân đào vàng trái phép nên cuộc chiến tranh giành vàng nơi đây diễn ra rất ác liệt. Có những trận hai bên đã dàn hàng chuẩn bị lao vào nhau, nếu không có sự xuất hiện của Công an thì nhiều người đã bỏ mạng. Khi có tiền rồi thì lại không có chỗ để tiêu ngoài rượu và thuốc phiện. Cũng vì thế mà tôi và nhiều anh em khác đã dính tới chất độc chết người ấy. Có tháng chúng tôi đốt gần một cây vàng vào tiền mua thuốc phiện...".

Anh Nguyễn Đức Quân và bộ sưu tập đồ cổ của mình.

Năm 1990, anh Quân quen và kết duyên với một cô gái từ tỉnh khác đến là Nguyễn Thị Quyên. Với vốn liếng ban đầu từ khi làm vàng đủ để anh lập một cơ ngơi ở vùng đất Chiêm Hóa ngày đó. Nhưng từ khi ra ở riêng không được bao lâu, nàng tiên nâu đã lấy đi của anh tất cả. Từ tiền bạc, sức khỏe rồi cả đến gia đình. Sau một thời gian, không khuyên can được chồng, vợ anh buồn chán bế con về quê tận Sơn Tây (Hà Nội). Khi anh đã trở thành con nghiện nặng cũng là lúc nạn đào vàng bị dẹp bỏ.

Không còn chỗ kiếm ăn, để thỏa mãn cơn nghiện của mình, đồ đạc trong nhà anh cứ thế đội nón ra đi. Khi lên cơn vật thuốc, anh chỉ nghĩ cách lừa dối mọi người, cố vay mượn sao đủ tiền  mua thuốc phiện hút. "Đã hơn 10 lần tôi thất hứa không cai được thuốc phiện mà còn nghiện nặng hơn. Niềm tin của gia đình, dòng họ và hàng xóm đối với mình chỉ là con số không. Cũng vì thằng con này mà bố mẹ già luôn phải mất ăn, mất ngủ nên ngày càng héo úa, suy sụp tinh thần", anh Quân đau xót.

Chứng kiến những khổ đau vất vả gia đình phải chịu vì anh, năm 1995, anh Quân lên UBND thị trấn Vĩnh Lộc để nộp đơn xin cai nghiện tự nguyện đúng lúc bố anh đang ốm nặng. Hành động của anh khiến bao người hoài nghi "tin sao được thằng "Quân nghiện" dăm bữa, nửa tháng đâu lại vào đó thôi".

Anh được chuyển vào cai nghiện tại Công trường 06 của huyện. Ngày đầu ở đây, nếu người mới nghiện chỉ cần uống 1 liều thuốc hỗ trợ điều trị là cắt cơn thì anh phải sử dụng hết 2 liều. Trong tháng đầu tiên tại công trường, anh nhận được tin bố anh mất, để lại lời trăn trối mong đứa con trai út sẽ thay đổi, trở thành người lương thiện. Tin dữ từ quê nhà khiến anh càng thêm quyết tâm làm lại cuộc đời.

Anh miệt mài lao động trên công trường và lao động thực sự đã khiến những cơn vật thuốc thưa dần. Với quyết tâm cao độ, chỉ sau 13 tháng anh đã được trở về với xã hội. Trước khi về, anh khẳng định với các quản giáo ở trại: "Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ gặp các anh một lần nữa". Và đúng thật, từ lần đó, anh không còn nghiện lại và thay đổi đời như một câu chuyện cổ tích.

Viết lại cuộc đời

Thông tin về anh Quân, một người nghiện nặng có thể hoàn thành đợt cai nghiện trở về địa phương được rất nhiều người chú ý, thậm chí cả các đồng chí lãnh đạo xã. Trở về nhà, việc đầu tiên anh làm là quỳ trước di ảnh bố để xin tạ tội, chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ.

Từ những đồng vốn ít ỏi mà anh em trong họ hùn lại trợ giúp cho anh làm ăn, anh Quân đón vợ con về rồi cùng nhau xoay sở chạy chợ, nấu rượu nuôi lợn. Vốn có nghề thợ xây, anh mạnh dạn thành lập một đội riêng của mình, trong đó có nhiều người từng mắc nghiện đang trên con đường làm lại cuộc đời như anh. Đội thợ của anh nhanh chóng tạo được uy tín bởi chính sự đoàn kết, phong cách xây dựng nhanh gọn, tính toán tiết kiệm tối đa chi phí cho nhà chủ và chủ đầu tư.

Những tấm bằng khen của anh Quân.

Cuộc sống gia đình dần khấm khá hơn khi anh Quân ngày càng nhận thầu được nhiều công trình... Đến năm 2007, anh Quân dừng công việc xây dựng, nhường cho một người anh em khác có hoàn cảnh khó khăn quản lý đội xây dựng ấy. Với số vốn tích cóp được, anh mua một chiếc ôtô để chạy hợp đồng du lịch, còn vợ thì mở quán cơm tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Thấy được sự thay đổi rõ rệt của người thanh niên này, địa phương đã tin tưởng giao cho anh công việc của một Công an viên, giữ gìn trật tự trị an khu vực và Tổ trưởng tổ dân phố nơi anh đang sinh sống. Khi mới nhận nhiệm vụ, tổ nhân dân Trung Tâm 1 nổi lên là điểm nóng về an ninh trật tự, tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, mại dâm. Là người từng là "bưởng trưởng" nên anh như "khắc tinh" các đối tượng tệ nạn xã hội, vận động họ đi cai nghiện, từ bỏ cờ bạc phấn đấu trở thành công dân có ích…

Cơ ngơi của hai vợ chồng anh Quân.

Ông Hà Kim Quốc Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc cho biết, thời gian qua, anh Nguyễn Đức Quân đã có những đóng góp thiết thực trong công tác lập lại trật tự và duy trì ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Bản thân anh Quân cũng đã vinh dự được kết nạp Đảng năm 2002.

Từ năm 2009 đến nay, trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, kiêm Công an viên, anh luôn đi đầu trong công tác vận động bà con vươn lên thoát nghèo, chú trọng nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, tránh xa tệ nạn xã hội. Đến nay, tổ nhân dân chỉ còn 6 hộ nghèo/117 hộ dân, chiếm 5% tổng số hộ của tổ. Chia sẻ về những gì mình đang gánh vác, anh Quân chia sẻ: "Bà con tin tưởng mới để mình làm. Hơn nữa, đây cũng là cách mình trả nợ cuộc đời vì những tội của mình trong quá khứ...".

Dường như không muốn ai phải rơi vào hoàn cảnh của mình, anh Quân đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người lỡ sa chân vào ma túy. Bằng việc thăm hỏi động viên và thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm mà mình từng trải qua, anh đã giúp nhiều người thoát khỏi sự cám dỗ chết người từ cái chết trắng. Không dừng ở đó, anh còn giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Anh kể: "Ma tuý nguy hiểm lắm, để cai được nó là cả quá trình vô cùng khó khăn. Có những người bạn cùng vào cai nghiện với tôi mà bây giờ vẫn còn trong trại. Họ cứ vào lại ra rồi lại vào suốt. Mình là người từng trải nên muốn chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Hy vọng những câu chuyện của mình sẽ giúp họ trên con đường cai nghiện gian khổ ấy". Nhờ những thành tích trên, anh Nguyễn Đức Quân đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Giữa tháng 11/ 2014, anh là đại diện duy nhất của tỉnh Tuyên Quang về Hà Nội nhận giấy khen của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, người nghiện vượt khó, vươn lên cai nghiện thành công.

Lê Phong - Ngọc Trâm

.
.