Một sự nhịn chín sự lành!...

Thứ Tư, 23/12/2020, 08:06
Tôi nhớ khi còn làm việc tại Viện Văn học, trong cuộc trò chuyện với các chuyên gia văn học dân gian tại đây, một học giả đã nói với tôi rằng, văn học - văn hóa dân gian giống như 11 tháng trong năm, còn văn học viết là tháng 12. Đây không phải là sự so sánh hơn kém, mà là một ẩn dụ về sự dài rộng, to lớn của kho tàng trí tuệ, văn hóa dân gian.


Kho tàng đó gìn giữ, thâu nạp và sinh khởi nguồn minh triết cho đời sống bằng chính những trải nghiệm, đúc rút lâu dài của con người trong quá trình tồn tại. Một trong những kinh nghiệm ứng xử quý báu từ dân gian chính là: Một sự nhịn chín sự lành.

Thế gian thường ví von về sự hoàn hảo: mười phân vẹn mười (thập toàn). Vậy, nếu nhìn từ kinh nghiệm “Một sự nhịn chín sự lành”, chúng ta sẽ thấy quy chiếu về số lượng trước: một sự nhịn (ít), chín sự lành (nhiều), như thế sẽ giữ được mười phần toàn vẹn. Có nhiều đúc kết từ dân gian, đến nay không hoàn toàn đúng và phổ quát nữa, tuy nhiên, về sự nhịn - sự lành này, xem ra vẫn là bài học sâu sắc và hữu ích trước mọi vấn đề của đời sống hiện nay.

Thế nào là nhịn? Đó là trạng thái ứng xử từ bên trong của con người, nhằm kìm giữ, dằn xuống, không để bột phát ra ngoài, không tự thỏa mãn hay nôn nóng giải quyết một tình huống cụ thể trước mắt. Theo đó, nhường nhịn, nhẫn nhịn… thuộc nội hàm của khái niệm này. Một số trường hợp khác mang ý nghĩa ẩn dụ cũng có thể xếp vào phạm trù "nhịn" chẳng hạn như: nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời… với nghĩa là đừng tham lam, tự thỏa mãn hay buông lời nói một cách quá đà, quá đáng, gây căng thẳng, khó khăn, bất lợi cho cuộc sống: "Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê"; "Mẹ anh dữ lắm em ơi/ Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha/ Nhịn cho nên cửa nên nhà/ Nên kèo nên cột nên xà tầm vông/ Nhịn cho nên vợ nên chồng/ Rồi em coi sóc lấy trong cửa nhà". (Tục ngữ - Ca dao).

Ảnh minh họa.

Tại sao nên nhịn? Câu chuyện này có lẽ đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta về ích dụng, hiệu quả của việc nhẫn nhịn. Trước một tình huống căng thẳng, gây trạng thái nóng giận nào đó, nhẫn nhịn, giữ được thái độ bình tĩnh, kìm cơn bột phát lại sẽ không đẩy sự việc đến kết cục tai hại. "Cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê", "chín sự lành" chính là hệ quả tốt đẹp mà nhẫn nhịn mang lại. Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều minh chứng cho kinh nghiệm này.

Đơn cử như việc ứng xử trên mạng xã hội. Trước một status, một hình ảnh, thông tin, sự kiện, thái độ nào đó mà mình không bằng lòng, thậm chí trái ngược với quan điểm cá nhân, việc nhẫn nhịn để tìm hiểu ngọn ngành, kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh trong quá trình tương tác… vừa có thể giải quyết được vấn đề, vừa giữ được hòa khí cho cả đôi bên.

Những mâu thuẫn, tai nạn nghề nghiệp, hớ hênh, mất đoàn kết hay cạch mặt nhau, thậm chí hận thù (trên không gian mạng) đều có thể bắt nguồn từ việc không nhịn được mà nôn nóng phản biện, khích bác, phê phán, miệt thị, thậm chí chửi rủa nhau. Nhân đó, những kéo bè kéo cánh, tranh thủ ủng hộ, tạo thành phe nhóm để tấn công nhau… cũng sinh ra năng lượng tiêu cực trong cộng đồng.

Trên bình diện rộng lớn, sâu xa hơn, nhẫn nhịn là một phẩm tính ưu việt của con người trong mọi tình huống, mọi mối quan hệ. Từ quan hệ trong gia đình (cha mẹ - con cái, anh em, vợ chồng) đến ngoài xã hội (vua - tôi, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, thậm chí là những tình huống va chạm xa lạ), sự nhẫn nhịn vẫn là ứng xử khôn ngoan. Còn nhớ, thế kỷ XIII, nhà Trần trong cơn binh biến, trước họa xâm lược của quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đã nhẫn nhịn, gác lại mâu thuẫn gia đình (Cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu, trước khi chết muốn con phải giành lại ngôi vua từ tay Trần Thánh Tông - Trần Nhân Tông, vốn là em và cháu họ mình. Trần Thánh Tông là con Trần Cảnh. Trần Cảnh là em ruột Trần Liễu) để vua tôi hòa mục, đặng lo việc quốc gia đại sự. Bản thân Trần Quốc Tuấn đã bỏ đầu nhọn bịt sắt trên chiếc gậy của mình, nhằm tạo niềm tin trong triều đình, tướng sĩ. Sự nhẫn nhịn của Hưng Đạo Đại Vương Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn (người nắm giữ toàn bộ binh quyền trong tay) đã đem đến hiệu quả thế nào, chắc mọi người đã rõ.

Nhưng, nếu Quốc Tuấn không nhẫn nhịn được, nhất nhất tuân theo lời cha mà thoán đoạt vương quyền, dẫn đến cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, trong nước triều chính hỗn loạn rối ren, họa xâm lăng rập rình ở biên ải, thì non sông Đại Việt sẽ về đâu? Trong những kinh nghiệm bang giao - ngoại giao, nhẫn nhịn để giữ lấy đại cục, tránh đẩy nhân dân vào cảnh binh đao loạn lạc, có thời gian củng cố xây dựng đất nước… đã được ông cha ta từ bao đời vận dụng. Đó thật là một bài học lớn về sự nhẫn nhịn. Trong gia đình, vợ chồng nhịn nhau thì con cái có cha có mẹ, cửa nhà êm ấm.

Có bao cảnh nhà tan cửa nát, vợ chồng con cái anh em li tán chỉ vì không giữ được chữ nhẫn, chữ nhịn. Cuộc sống hôn nhân chẳng phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái. Những mâu thuẫn va chạm là không tránh khỏi. Cái bát úp bụng vào nhau còn có lúc va chạm, sứt mẻ, nói gì đến mỗi người mỗi tính. Rút củi đáy nồi, cơm sôi nhỏ lửa, chồng giận vợ bớt lời (mà thiết nghĩ, cả chồng cũng bớt lời thì tốt), tránh lửa đổ thêm dầu… xem ra mới có thể "Tát cạn biển Đông", trong ấm ngoài êm được. Thế rồi, trên kính dưới nhường, cha con anh em nhường nhịn nhau thì toàn gia vạn phúc.

Trong cơ quan công sở, bạn bè đồng nghiệp nhường nhịn nhau thì tránh mất lòng, giữ được hòa khí. Đi ra xã hội, những xích mích thông thường như va chạm giao thông, chỗ đứng chỗ ngồi, lời ăn tiếng nói, những tranh chấp phải trái, thiệt hơn… nếu có thể nhẫn nhịn được, hẳn sẽ làm cho tình huống giản đơn đi rất nhiều. Sự thực, trong những lúc nóng giận do mâu thuẫn, việc không giữ được bình tĩnh, đánh mất chữ nhẫn nhịn, có thể ngay lập tức giải tỏa được cơn bực tức.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (Tamvvh@gmail.com).

Tuy nhiên, hậu quả của nó có thể chúng ta không hình dung ra, không lường hết được. Nhẫn nhịn là thu "móng vuốt" của mình lại mà vỗ về, an ủi, đối đãi với nhau bằng lẽ phải trái, giữ lấy cái tình trong ấy. Một khi đôi bên đã xù lông, giương móng vuốt ra với nhau thì sẽ thế nào? Mà, xin hiểu rằng, kẻ nào cũng có móng vuốt trong người, theo nghĩa này, cách này hay cách khác. Chợt nhớ bài thơ "Nhẫn" của nhà văn Nguyễn Thế Hùng: "Tôi lỡ giẫm phải con giun/ giun oằn mình ứa nhựa/ tôi lỡ giẫm phải con ong/ bẹp đầu nọc vẫn còn châm/ tôi lỡ giẫm phải con rắn/ quay đầu rắn cắn vào chân/ người ta giẫm lên tôi/ im lặng!". Vì xét cho cùng, con vật chỉ làm theo bản năng "con", còn con người thì phải xử sự theo cách của con "người".

Sự đời, mấy ai nắm tay từ sáng đến tối. Có những tình huống không thể nhẫn nhịn được hoặc là sự nhẫn nhịn đã vượt quá khả năng, giới hạn cho phép. Đó là khi những thế lực ngoại bang thù địch, bá quyền o ép, gây hấn mà mọi nỗ lực bang giao đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Cần phải đáp trả bằng hành động mạnh mẽ để giữ lấy quyền độc lập tự chủ, giữ lấy non sông bờ cõi. Lịch sử dân tộc ta đã minh chứng những lần như thế qua cuộc đấu tranh trường kỳ với nhiều thế lực xâm lấn hùng cường trên thế giới. Trong gia đình và các mối quan hệ, tương tác xã hội cũng vậy, những dồn nén quá tải về danh dự, nhân phẩm, đạo đức, luân lý, chân lý… đến mức không thể nhẫn nhịn hơn được nữa, có thể phải giải quyết bằng hình thức khác, mà khi đó chữ tình đành phải đặt sau chữ lý.

Một sự nhịn chín sự lành, vậy thì sự lành thật to lớn nếu chúng ta biết nhẫn nhịn một chút (một sự nhịn). Tôi vẫn nghĩ rằng, gốc rễ của nhịn là nhẫn; lá cành hoa trái của nhịn là hòa: dĩ hòa vi quý (lấy hòa làm quý), hòa khí chí tường (hòa khí mang lại tốt lành), hòa khí sinh tài, anh em hòa mục, vợ chồng hòa thuận, bách tính hòa đồng… Bách nhẫn thái hòa là thế. Chữ Nhẫn gồm bộ đao ở trên bộ tâm. Giữ cho lưỡi dao khỏi đâm vào tim chính là chữ Nhẫn, là giữ lấy tâm - tim khỏi bị tổn thương, cũng là giữ lấy cái tình vẹn nguyên há chẳng phải là lựa chọn tốt lành hay sao? Dẫu vậy, như đã nói ở trên, làm sao để giữ được trái tim nguyên lành, không vết xước, không đớn đau rỉ máu, nếu lưỡi dao kia cứ một mực ấn sâu vào?
Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.