Một số bài học từ việc khám phá vụ thảm án ở Bình Phước

Thứ Bảy, 06/05/2017, 17:10
Dù vụ thảm án ở Bình Phước với 6 người thiệt mạng đã trôi qua gần hai năm và mọi công tác điều tra, xét xử đã hoàn tất, nhưng những bài học kinh nghiệm từ vụ án này rất cần được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng để bổ sung lý luận về phòng chống tội phạm hình sự.

Theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, trong lịch sử khám phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đây là một trong các vụ án mà lực lượng Công an khám phá rất nhanh, gần như đạt mức kỷ lục.

Chuyên án điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự

Tại Hội nghị tổng kết chuyên án "Giết người, cướp tài sản" xảy ra ngày 7-7-2015 tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước (diễn ra ngày 28-4-2017 tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhận định, đây là chuyên án điển hình trong đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự của lực lượng CAND.

Trung tướng Nguyễn Công Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết chuyên án.

Đây là vụ án có 6 người cùng một gia đình bị sát hại rất tàn bạo, các hung thủ đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo chứng cứ ngoại phạm để che giấu hành vi phạm tội. Nhưng chỉ sau 3 ngày, cơ quan Công an đã điều tra, làm rõ, tiến hành bắt giữ các đối tượng phạm tội và thu giữ được vật chứng của vụ án.

Trong quá trình đấu tranh chuyên án, mọi diễn biến đã khẳng định sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao, kịp thời, đồng bộ của lãnh đạo Công an các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an với Công an địa phương là nhân tố quyết định mang lại kết quả to lớn, nhanh chóng phá án.

"Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nên vụ án được giải quyết khách quan, nhanh chóng, các đối tượng phạm tội đã phải chịu hình phạt nghiêm minh của pháp luật, được dư luận đồng tình. Đây là thành công chung, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, củng cố niềm tin của người dân cả nước đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng trong đấu tranh phòng chống tội phạm…", Trung tướng Nguyễn Công Sơn nhấn mạnh.

Từ thực tiễn đấu tranh chuyên án, lực lượng Công an đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phá án, góp phần bổ sung lý luận về phòng chống tội phạm hình sự của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Đó là công tác lãnh đạo, chỉ huy sát sao, kịp thời giúp định hướng đúng hoạt động điều tra, nhanh chóng phá án. Phải thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời và chính xác.

Trong đó, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, lãnh đạo Công an địa phương phải trực tiếp đến hiện trường vụ án để có đầy đủ thông tin, từ đó chỉ đạo trực tiếp công tác bảo vệ, khám nghiệm, thu thập thông tin từ hiện trường mang lại hiệu quả.

Đây là yếu tố có tính quyết định, thể hiện sự quyết tâm của lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm, xây dựng kế hoạch điều tra, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp điều tra sát hợp.

Ba bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại tại phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động tại Chơn Thành.

Ban chuyên án thường trực tại cơ sở để trực tiếp nắm bắt tình hình, phân tích, sàng lọc thông tin một cách khoa học, trên cơ sở phát huy, tập trung được trí tuệ tập thể để đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời động viên được cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia điều tra vụ án.

Bên cạnh đó, một số bài học khác là kịp thời khai thác hiệu quả thông tin từ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định và công tác điều tra tại hiện trường để xây dựng kế hoạch điều tra phù hợp, đúng đắn; phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp trinh sát để làm rõ mối quan hệ của nạn nhân, từ đó xác định đối tượng gây án; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia, lựa chọn, sử dụng lực lượng chủ công trong đấu tranh chuyên án; sử dụng linh hoạt tài liệu liên quan đến vụ án kết hợp áp dụng các chiến thuật, phương pháp lấy lời khai, hỏi cung bị can phù hợp…

Từ thực tiễn vụ án này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, do địa bàn hiện trường vụ án liên quan khá gần biên giới, thậm chí công nhân ở khu vực này cũng có nhiều người nước ngoài, nên Ban chuyên án đã gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc nhận định nguyên nhân gây án, rà soát các đối tượng khả nghi…

Nhưng điều thuận lợi là khi khám nghiệm hiện trường, các đối tượng đã để lại nhiều dấu vết khi gây án có thể truy nguyên được đối tượng gây án… Cùng với việc thu thập dấu vết, cơ quan điều tra tập trung xác minh các mối quan hệ của từng nạn nhân, trong đó tìm hiểu xem ai trong số họ đang có mâu thuẫn.

Cuối cùng Nguyễn Hải Dương (26 tuổi, quê An Giang, tạm trú Bình Phước) là đối tượng nổi lên rõ nhất. Và đúng như nhận định chính xác của Ban chuyên án, Dương chính là kẻ chủ mưu gây ra vụ thảm án này.

Cần quan tâm đến công tác phòng ngừa xã hội

Đặc biệt, bài học về việc phát động quần chúng cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm; cách thức vận động người dân tham gia cung cấp thông tin liên quan đến vụ án tránh hình thức, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng và bố trí lực lượng thường xuyên tiếp nhận thông tin…

Thực tế cho thấy, sau khi vụ án xảy ra đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận cả nước và người dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Cơ quan điều tra đã ghi nhận số lượng lớn thông tin do quần chúng cung cấp, trong đó có một số thông tin có liên quan trực tiếp đến vụ án và rất có ý nghĩa trong việc xác định số lượng đối tượng gây án, giúp quá trình hỏi cung đối tượng Nguyễn Hải Dương đạt kết quả.

Căn nhà nơi xảy ra vụ thảm án.

Ban chuyên án nhờ sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân và nhận được cả trăm thông tin của người dân cung cấp, thậm chí có cả người Việt ở nước ngoài, ở biên giới cũng nhắn tin về hỏi thăm tình hình điều tra vụ án. Đó là chưa kể lời khai của những người biết sự việc đã trợ giúp rất nhiều cho cơ quan điều tra.

Đặc biệt, thông tin vào thời gian xảy ra vụ án có hai đối tượng đi xe máy đứng gần nhà nạn nhân, đây chính là cơ sở để từng bước làm rõ nghi phạm…

Ngoài ra, thành công của chuyên án còn là sự phối hợp tham gia hỗ trợ của Công an nhiều địa phương, sự chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo Bộ Công an, sự thống nhất nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát góp phần vào việc khám phá chuyên án trong thời gian ngắn nhất.

Minh chứng cho điều này, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng (lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) chỉ rõ, ngay sau khi vụ án xảy ra, Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phân công, phối hợp chặt chẽ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phá án. Tất cả đã vào cuộc quyết liệt không nghỉ ngơi một giây phút nào để truy bắt thủ phạm.

Sau 3 ngày vào cuộc quyết liệt, yếu tố quyết định để phá án là tinh thần tập trung cao độ trong công việc, không quản ngại ngày đêm xử lý một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn.

Qua đó, đã nhận định và đánh giá chính xác từng tình tiết của vụ án, thống nhất sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và các lực lượng trinh sát tham gia phá án.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, trong vụ án này, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã yêu cầu Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát phải trực tiếp mang phương tiện, thiết bị phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác phá án.

Đây là sự phối hợp hoàn hảo của lực lượng Cảnh sát hình sự, kỹ thuật hình sự, các cơ quan chức năng khác, đặc biệt sự giúp đỡ tận tình của người dân đã giúp phá án nhanh chóng…

Có thể nói, vụ thảm án này đã khép lại và để lại nhiều bài học kinh nghiệm, góp phần bổ sung lý luận về phòng, chống tội phạm hình sự của lực lượng Cảnh sát. Tuy nhiên, qua đó một bài học không thể không nhắc tới là phải quan tâm đến công tác phòng ngừa xã hội; xã hội có tốt đẹp hay yên ổn không là bắt nguồn từ chính mỗi gia đình.

Do đó, vụ án như một lời cảnh tỉnh, bài học đắt giá trong việc nuôi dạy và quan tâm đến vấn đề tình cảm của con cái ở mỗi gia đình. Quá trình giáo dục, quản lý con cái có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự yên ấm của mỗi gia đình. Đây là một bài học đắt giá từ vụ thảm án "trả thù tình" từng gây xôn xao dư luận cả nước.

Phú Lữ - Công Bình
.
.
.