Một phiên bản khác của chiến tranh Việt Nam

Thứ Bảy, 18/04/2015, 08:00
4 phóng viên chiến trường của miền Bắc đã cầm máy ảnh đi vào chảo lửa của chiến tranh và ghi lại từng thước ảnh chân thực nhất. Một phóng viên người Pháp bị những bức ảnh của đồng nghiệp ở phía bên kia chiến tuyến ám ảnh, luôn tự vấn rằng họ đã sống sót và tác nghiệp như thế nào. 5 con người ấy đã gặp nhau trong Triển lãm "Phóng viên chiến trường", được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp từ ngày 14/4 vừa qua - đã cho chúng ta một phiên bản khác về chiến tranh Việt Nam. Một phiên bản đầy đủ thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh.
Từ những câu hỏi của một người bên kia chiến tuyến

Pattrick Chauvel là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Ảnh của ông xuất hiện trên nhiều tờ báo uy tín như "Time", "Magazine", "Life", "Paris Match"… Ông đã nhận được giải thưởng Work Press danh giá vào năm 1995 với phóng sự về những cuộc chiến ở Grozny, Chechnya. Pattrick đến Việt Nam lần đầu năm 1968 với tư cách là phóng viên chiến trường của phương Tây. Khi ấy, ông vừa tròn 19 tuổi.

Tại đây, ông đã chứng kiến những cảnh thảm khốc cũng như mất mát của chiến tranh và thay đổi cách nhìn về cuộc chiến. Những câu hỏi bắt đầu đeo bám ông và chưa có hồi kết. 

Cho tới năm 2013, nhân dịp được Trung tâm Văn hóa Pháp mời sang Việt Nam chiếu bộ phim tài liệu "Phóng viên thời chiến" tại khuôn khổ Liên hoan phim châu Âu, ông mới có cơ hội gặp những người đồng nghiệp ở bên kia chiến tuyến của mình. Sau khi xem ảnh của họ chụp, những câu hỏi của ông mới được giải đáp một phần.

"Khi bom napalm thả xuống, nằm áp sát mặt đất, tôi thường tự hỏi làm sao người ta đã sống sót và đã tác nghiệp như thế nào?". Từ đó, một dự án mới nảy sinh trong đầu Chauvel mang tên "Những người miền Bắc" với nhiều "sản phẩm" cùng tên, trong đó có "Phóng viên chiến trường" - một sự kiện được cho là nổi bật của Liên hoan quốc tế về báo ảnh tại Perpignam (Pháp).

Tác phẩm chụp nữ dân quân Nguyễn Thị Hiền của tác giả Mai Nam.

Ông nói: "Tôi luôn tò mò về việc ở bên kia chiến tuyến, người ta nghĩ gì. Và rồi tôi được xem ảnh của họ, những phóng viên chiến trường của miền Bắc Việt Nam. Thật sự nó quá tuyệt vời và ấn tượng với tôi. Trước đây, tôi được nghe câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam thông qua lịch sử của Pháp, của Mỹ; họ kể bằng cách nhìn của họ. Nhưng những bức ảnh của các bạn lại cho tôi một cách nhìn hoàn toàn khác. Một phiên bản chiến tranh khác. Chân thực hơn. Họ đã có mặt ở đó, cùng lúc với tôi và chụp lại sự thật. Tôi không phải nghe bất cứ ai kể về câu chuyện này theo cách của họ nữa. Cũng không phải một phía nào cả. Tôi nhìn ảnh. Tôi tin vào mắt mình".

Trước đây, phương Tây chỉ biết đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam thông qua những bức ảnh mà phóng viên chiến trường ở phía họ chụp lại như Larry Burrows, Don McCullin, Griffiths, Chauvel hay Caron. Những bức ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam như Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm gần như vắng bóng trong ký ức lịch sử của họ. 40 tác phẩm chọn lọc trong Triển lãm "Phóng viên chiến trường" lần này và cuộc gặp lịch sử giữa những người đến từ 2 bờ chiến tuyến đã cho chúng ta thấy một cái nhìn trọn vẹn hơn về cuộc chiến này.

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính nói rằng: "Nếu như phóng viên phương Tây đi tìm những chi tiết gây sốc, giật gân, những thảm họa thì ngoài những đau thương, phóng viên Việt Nam đi vào những góc nhìn khác về chiến tranh như khía cạnh nhân văn, lòng dũng cảm… Tất nhiên những thảm khốc là hoàn toàn có thật. Họ không bịa đặt. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng những bức ảnh đó cộng với những bức ảnh của chúng tôi - những người đến từ bên kia chiến hào cộng lại thì mới ra 1 bộ ảnh hoàn chỉnh về chiến tranh Việt Nam - 1 cuộc chiến tranh vĩ đại trong tiến trình lịch sử thế giới thế kỷ XX".

Một phiên bản chiến tranh khác

"Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị", 1972, là một trong những bức ảnh chiến tranh Việt Nam gây xúc động mạnh. Tác giả bức ảnh, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhớ lại, thời điểm đó, con đường vào Thành cổ Quảng Trị quá ác liệt, phóng viên nào vào cũng có thể hi sinh, mất tài liệu, hoặc mất máy ảnh. Tôi ngồi ngoài cách xa Thành cổ 10km, nhìn về phía đó đêm ngày pháo sáng đùng đùng như người ta đang bắn pháo hoa. Rồi thấy cả bộ đội mình chết và bị thương, máu me chạy ra.

"Lão dân quân Trần Văn Ong, Quảng Bình đã bắn hạ máy bay F4H ngày 16/11/1967"  - Tác giả: Chu Chí Thành.

Tôi nghĩ không thể không đưa tin này. Nhất là lúc ấy, Hội nghị Paris đang căng thẳng, bên nào cũng nhận phía mình đã chiếm giữ được Thành cổ Quảng Trị. Tôi không biết sự thật như thế nào nên đã quyết định vào. Sau khi bơi qua sông Thạch Hãn để vào, tôi bắt gặp cảnh bộ đội Việt Nam đang ngồi trong hầm, vừa kể chuyện đánh tan một đội quân lính đánh thủy và lính đánh bộ rất hung hãn của Mỹ vừa cười rất giòn giã, sảng khoái.

Tôi nghĩ rằng tôi cần phải lưu lại khoảnh khắc để đời ấy. Nhưng lúc đó dưới hầm không có đèn nên tôi phải nhờ họ lên hầm. Ai đó xem bức này và bảo ông dựng. Đúng là tôi dựng nhưng dựng trên một cơ sở có thật. Lúc đó nếu chiến đấu ác liệt, người ta không thoải mái về tinh thần thì mình có bảo người ta cười họ cũng sẽ không cười nổi. Và những nụ cười ấy là tất cả nụ cười gộp lại. Những nụ cười đẹp nhất mà tôi biết".

"Giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, nhân dân chào mừng người chiến thắng" - Tác giả: Hứa Kiểm.

Và phiên bản ấy, còn được tạc nên bởi hình ảnh những nữ dân quân anh dũng, những con người nhỏ bé nhưng đã góp phần tạc nên một phần của lịch sử thế kỷ XX. Khi nhìn tác phẩm của nhiếp ảnh gia Mai Nam chụp cô dân quân Nguyễn Thị Hiền, chúng ta không thể hình dung được rằng một người phụ nữ nhỏ nhắn, mộc mạc với đôi dép lê đi trên đất ấy là Tiểu đội trưởng dân quân Yên Vực, huyện Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa và cô đã trải qua 800 đợt rải bom và bị B52 chôn sống 4 lần.

Ánh mắt nhìn sang ngang, trên vai đeo khẩu súng chiến trường và người con gái đội nón lá đã hòa vào con đường hành quân của cả dân tộc. Bấy nhiêu thôi, cũng gợi lên được chân dung của người phụ nữ Việt Nam vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà. Họ là những người "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

"Trên chiếc xe bộ binh tiến vào Dinh Độc lập, tôi cùng với đồng nghiệp của mình là anh Đinh Quang Thành thấy đồng bào mình ùa ra đường đón chào bộ đội nhiệt liệt. Trước khoảnh khắc ấy, anh Thành định nhảy xuống chụp lại những nụ cười ấy thì không ngờ bị đồng bào túm lấy và tặng quà. Tay anh Thành một cầm máy ảnh, một tay cầm quà, nhiều quá chẳng biết nhét vào đâu nên nhét vào cả cổ áo. Nào là thuốc lá, bánh kẹo… Tôi liền chụp khoảnh khắc ấy. Bức ảnh đến nay vẫn được giữ trong kho tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam. Bức ảnh như một ký gửi thiết tha về khát vọng hòa bình cũng như niềm vui vỡ òa của cả dân tộc trong thời khắc vàng của lịch sử", nhiếp ảnh gia Hứa Kiểm kể lại.

Những tấm ảnh của phóng viên chiến trường dù là góc nào đi chăng nữa cũng là những lát cắt hiện thực của cuộc chiến. Họ đã đến những vùng đất "dây thép gai đâm nát trời chiều", đã đi trọn chiều dài đất nước, đã khoác trên mình màu xanh của lá cây rừng và đất, hòa vào một trời Trường Sơn tiến về Dinh Độc lập. Và họ, những nhân vật có tên hay không tên đã ở lại trong ký ức của cả dân tộc này. Và ở cả đây nữa, trong một phiên bản khác về chiến tranh của những phóng viên chiến trường.

Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị - Tác giả: Đoàn Công Tính.

Nhưng mà, trong đoàn quân mặc áo vải ấy, có những người đã ra đi mãi mãi không về. Và những bức ảnh mà những phóng viên chiến trường chụp lại trong một ngắn ngủi nào đó lại trở thành tấm ảnh kỷ niệm cuối cùng của cuộc đời họ. Một cuộc đời đã sống và hát bài ca mang tên khát vọng hòa bình.

Khi trò chuyện cùng chúng tôi, nhiếp ảnh gia Hứa Kiểm cho đến bây giờ vẫn chẳng thể nào quên được bức ảnh mà ông chụp lại 14 nữ dân quân ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Vài ngày sau ông quay lại để tặng ảnh thì chỉ có 10 trong số 14 cô gái ấy còn sống. 4 người đã hi sinh. Ông bảo ông đã nhờ những người còn lại tìm cách nào đó gửi tấm ảnh tập thể ấy về với gia đình những người đã mất. Vì đó là kỷ vật chiến tranh, kỷ niệm cuối cùng của họ. Những người con gái đã nằm lại đất lành và trên mồ là mùa xuân ở mãi như Dương Hương Ly trong bài thơ "Bài thơ về hạnh phúc" đã viết.

Mỗi dân tộc đều có những câu chuyện và ký ức của mình. Bằng một cách nào đó và bằng một mạch nguồn nào đó, tiếng nước, tiếng đất vẫn rì rầm những câu chuyện ngày xưa. Chiến tranh, chia ly, mất mát là điều có thật. Nhưng những con người ấy đã chiến đấu, đã hi sinh, chờ đợi hòa bình cũng là điều có thật.

Một phiên bản khác về chiến tranh, qua những thước ảnh ngồn ngộn chất đời, sống động mà cũng hết sức chân thật của những Đoàn Công Tính,  Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm… đã mang một thứ ký ức khác quay về. Mộc mạc từ những thước ảnh đen trắng!

Đậu Dung
.
.
.