Một ngày với Cảnh sát khu vực ở "Phố Tây"

Thứ Ba, 12/04/2016, 15:16
Tôi được theo chân các chiến sỹ CSKV và bảo vệ dân phố phường Phạm Ngũ Lão mà người dân thường gọi là "khu phố tây" đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn vào một ngày đầu tháng 4-2016. Những tưởng đây là công việc của CSKV ở đây cũng không khác các nơi khác là mấy, có chăng chỉ thêm việc giữ bình yên cho du khách nhưng có đi thực tế mới thấy công việc của Công an phường, nhất là CSKV ở đây nhiều đến không ngờ.


Chỉ với diện tích 0,499km2 được bao bọc bởi các con đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai tạo thành một tứ giác khép kín, nhưng phường Phạm Ngũ Lão, quận 1-TP HCM lại là một trong số rất ít những phường trên cả nước có mật độ dân cư đông nhất bởi ngoài 22.000 người chủ yếu là dân lao động cư ngụ, hàng ngày phường này còn thường xuyên đón tiếp trên 2.500 khách du lịch bình dân mà bà con ở đây thường gọi là "Tây ba lô" từ khắp các châu lục trên thế giới đến lưu trú và cũng tiễn bằng ấy người khác trở về nước sau thời gian thực hiện hành trình du lịch tại nước ta.

Tôi được theo chân các chiến sỹ CSKV và bảo vệ dân phố phường Phạm Ngũ Lão mà người dân thường gọi là "khu phố tây" đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn vào một ngày đầu tháng 4-2016. Những tưởng đây là công việc của CSKV ở đây cũng không khác các nơi khác là mấy, có chăng chỉ thêm việc giữ bình yên cho du khách nhưng có đi thực tế mới thấy công việc của Công an phường, nhất là CSKV ở đây nhiều đến không ngờ.

Theo hướng dẫn của Trung tá Trần Văn Tuyến - Phó trưởng Công an phường phụ trách mảng Cảnh sát khu vực, tôi được trực tiếp làm việc với hai cán bộ CSKV là Trung tá Nguyễn Văn Mạnh và Thượng úy Trần Xuân Hiệp.

7 giờ sáng hôm ấy (là thời điểm giao ca giữa các CSKV sau 24 giờ liên tục làm việc), tôi hí hửng vác máy ảnh, máy quay phim, sổ tay ghi chép… tìm đến trụ sở Công an phường Phạm Ngũ Lão với ý nghĩ chắc chỉ mất khoảng vài tiếng đồng hồ cùng Thượng úy CSKV Trần Xuân Hiệp đi xuống địa bàn là có thể khái quát được công việc thường nhật của các anh, nhưng tất cả đã không như tôi tưởng bởi mới chỉ vừa nhận ca mà các anh đã phải giải quyết một tá công việc.

Cảnh sát khu vực cùng bảo vệ dân phố tuần tra bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn.

Ái ngại vì để tôi phải ngồi chờ, Thượng úy Trần Xuân Hiệp chạy đến bên tôi bảo: "Anh thông cảm, chịu khó ngồi đợi một chút nhé, để mình giải quyết nhanh một số vụ việc, tí nữa sẽ cùng xuống địa bàn…" rồi quay sang đánh vật với một chồng tài liệu gồm đủ các loại như hồ sơ lưu trú của người nước ngoài, thủ tục tạm trú tạm vắng của người địa phương, biên bản về tình hình an ninh trật tự diễn tra đêm hôm trước…

9 giờ sáng, gạt vội những giọt mồ hôi trên mặt, đeo vội chiếc xà cột đựng đầy sổ sách giấy tờ vào người, Trung tá Nguyễn Văn Mạnh và Thượng úy Trần Xuân Hiệp kéo tôi đi bộ xuống địa bàn, vừa đi, các anh vừa giải thích cho tôi hiểu về lịch trình làm việc trong ngày của một CSKV. Theo các anh, bình quân mỗi CSKV quản lý trên dưới 500 hộ gia đình.

7 giờ sáng tất cả CSKV trong phường tập trung tại trụ sở để bàn giao ca, sau đó là 15 phút họp giao ban. Trong buổi họp này, những CSKV trực hôm trước sẽ thông báo nhanh về tất cả những gì diễn ra trong ca trực, nhất là tình hình an ninh trật tự, những CSKV nhận bàn giao ca ngoài việc tiếp nhận những thông tin trên, còn phải nhận lệnh từ chỉ huy đơn vị về những công việc phát sinh trong ngày và sau đó trở về địa bàn của mình quản lý để tiếp nhận những thông tin cần thiết.

Trong thời gian này cho đến 11 giờ 30 phút phải tranh thủ giải quyết tất cả những thủ tục giấy tờ mà bà con trong khu vực yêu cầu từ xác nhận hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng cho đến những sơ yếu lý lịch, giấy tờ mua bán xe cộ… và giải thích các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch để buổi chiều đi gặp gỡ bà con nhân dân tuyên truyền về công tác giữ gìn an ninh trật tự...

12 giờ trưa, sau hơn 4 giờ đi bộ, chúng tôi trở về phường dự định ăn cơm hộp và nghỉ ngơi ít phút để lấy lại sức tiếp tục cuộc hành trình vào buổi chiều và buổi tối thì nhận tin báo có vụ tai nạn giao thông. Xếp lại hộp cơm, anh em tức tốc lên đường để cùng bảo vệ dân phố ghi nhận vụ việc, bảo vệ hiện trường trước khi thông báo cho Cảnh sát giao thông đến giải quyết.

Khi vụ việc hoàn tất thì đồng hồ đã chỉ đến con số 13 giờ 30 phút và cũng là lúc xuống địa bàn để trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt nếp sống văn hóa, tích cực tham gia phòng chống các loại tệ nạn và bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là công tác tố giác tội phạm.

18 giờ chiều, khi mọi người dân hối hả trở về nhà để vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm gia đình sau một ngày làm việc cực nhọc thì các anh lại đến trụ sở của các khu phố tập hợp các lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và cả thanh niên xung phong tăng cường để chuẩn bị cho những chuyến đi tuần đêm.

Đang lót dạ bằng tô hủ tiếu được mua của bà bán hàng rong, điện thoại của Trung tá Nguyễn Văn Mạnh réo vang, đầu dây bên kia là tiếng cậu con trai đang học lớp 8 gọi cha đến đón sau buổi học thêm vì mẹ hôm nay phải đi làm tăng ca. Cất chiếc điện thoại, anh chạy ra đầu đường gọi chiếc xe ôm quen thuộc nhờ đi đón giúp con rồi trở về thúc giục mọi người chuẩn bị lên đường.

Tuần tra ngăn chặn tệ nạn ma túy.

Tôi hỏi vậy khi về nhà thì ai lo cho cháu ăn uống, làm bài tập, anh Mạnh quay sang bảo: "Chuyện này quen rồi anh ạ. Mình là lính thì cũng phải rèn luyện cho con mình biết cách tự chăm sóc bản thân và tự học bài. Chứ đang ca trực mà bỏ đi đón con hay làm chuyện riêng tư nào khác lỡ địa bàn xảy ra chuyện thì lấy ai giải quyết… Còn chuyện ăn uống thì trước khi đi làm me, nó đã cắm nồi cơm điện, nấu chút đồ ăn để tủ lạnh rồi, cháu về thấy đói thì tự lục lấy mà ăn…". 

20 giờ, khách du lịch bắt đầu đổ ra đường. Từng đoàn nam nữ dắt tay nhau dập dìu bộ hành quanh các khu vực đường Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Phạm Ngũ Lão tạo thành một quang cảnh đông đúc nhộn nhịp như lễ hội. Hàng trăm quán bar, quán cà phê, quán ăn cũng đua nhau lên đèn xanh, đỏ, tím vàng để mời gọi du khách tâp vào ăn vài món khoái khẩu, nhâm nhi những ly bia với giá phải chăng.

Để giúp tôi hiểu thêm về hoạt động của khu phố, Thượng úy Trần Xuân Hiệp kéo tôi lại gần, vừa đi vừa kể: "Trong một ngày làm việc, có lẽ từ bây giờ cho đến sáng hôm sau là vất vả nhất bởi do lệch múi giờ nên hầu hết các du khách đều ngủ vào ban ngày và bắt đầu đổ ra đường từ tối cho đến tận 5-6 giờ sáng hôm sau mới trở về phòng trọ hoặc khách sạn nghỉ ngơi.

Thời điểm này cũng là lúc bọn tội phạm các loại như trộm cắp, lừa đảo, ma túy từ các nơi khác trong thành phố giả dạng làm những người khách bộ hành đi hóng mát, những người mua bán hàng rong tìm cách trà trộn vào dòng du khách để thực hiện các hành vi phạm tội.

Riêng bọn cướp giật thì sử dụng xe gắn máy phân khối lớn lượn vòng trên khắp các cung đường để khi phát hiện du khách có sơ hở thì ra tay giật điện thoại di động, túi xách tay rồi tẩu thoát ra khỏi địa bàn. Chính vì vậy mà CSKV và bảo vệ dân phố phải thường xuyên có mặt trên đường để tuần tra, kịp thời phát hiện, truy bắt các đối tượng trộm cắp, cướp giật bảo vệ tài sản cho bà con nhân dân và du khách…".

 23 giờ đêm, các con phố dường như còn tấp nập hơn trước đó. Đang định rẽ vào một con hẻm mà đám bán lẻ ma túy từ các nơi khác thường lén lút tìm đến giao dịch mua bán với đám con nghiện (trong đó có cả du khách) thì tiếng một phụ nữ người nước ngoài ơi ới vang lên từ đoạn ngã tư đường Đỗ Quang Đẩu cắt Phạm Ngũ Lão.

Nhanh như cắt, Trung tá Nguyễn Văn Mạnh và Thượng úy Trần Xuân Hiệp tách đoàn tuần tra phóng tới. Thấy bóng Công an, hai tên cướp giật đang giằng co chiếc túi xách tay với chị phụ nữ Tây này vội vàng buông tay rồi tăng ga tẩu thoát ra hướng đường Tôn Thất Tùng. Tuy không bắt được hai tên cướp, nhưng các anh đã bảo vệ an toàn tài sản cho du khách này và đặc biệt làm cho hai tên cướp kia phải khiếp vía.

4 giờ sáng hôm sau, đang trong lúc tuần tra phòng chống tệ nạn ma túy, tổ công tác bỗng nghe tiếng ồn ào từ một nhóm người nước ngoài trong một quán bia trên đường Bùi Viện. Vừa đến nơi, hai CSKV nhanh chóng kéo đám du khách ồn ào kia ngồi xuống bàn rồi sử dụng chút vốn liếng tiếng Anh từ khi còn học trong trường Công an cùng những cử động của hai bàn tay để yêu cầu mọi người phải kiềm chế, sau đó các anh gặp riêng từng người để giải thích, khuyên can để họ hiểu ra chuyện và tự động trở về phòng trọ.

Tuy nhiên do đã uống quá nhiều, hơn nữa đa số trong đám người này lại mù tịt tiếng Anh nên phải mất hơn một giờ đồng hồ kiên trì thuyết phục, các anh CSKV mới giải tán được đám đông ồn ào này, trả lại sự bình yên cho khu phố.

Mệt nhoài sau một ngày đêm thực hiện các chuyến tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực, chỉ có mình tôi được nghỉ ngơi. Hai CSKV Nguyễn Văn Mạnh và Trần Xuân Hiệp trở về trụ sở Công an phường để làm các thủ tục bàn giao ca, giải quyết các công việc hành chính cho bà con nhân dân đến tận trưa mới được về nhà. Như thường lệ, những CSKV  tranh thủ ngả lưng lấy sức, để rồi 7 giờ sáng hôm sau các anh lại tiếp tục hành trình của ca trực mới.

Đức Cương
.
.
.