"Mốt" mặt V-line: Nghiến răng "cắt mặt", "gọt cằm" để... đẹp!

Thứ Ba, 05/11/2013, 14:47

Khuôn mặt V-line là khuôn mặt mà phần xương hàm và cằm tạo thành hình chữ V thon gọn, thanh thoát. Sở hữu gương mặt V-line đang trở thành 'mốt' không chỉ trong giới ca sỹ, diễn viên, người mẫu mà nhiều bạn trẻ cũng mạnh tay chi tiền để "tậu" cho mình chiếc cằm thon, khuôn mặt nhỏ, gọn. Nghiến răng chịu đau, thậm chí có người đã bị khủng hoảng tinh thần sau các ca phẫu thuật.

Nghiến răng chịu đau "cắt mặt", "gọt cằm"

"5 ngày đầu tiên mình không thể ngủ được vì đau và nhức. Nhức đến mức mà đôi mắt díp xuống vì buồn ngủ mà cảm giác đau vẫn ngăn mình lại. Mà có chợp mắt, mình cũng phải chợp mắt trong tư thế ngồi để không ảnh hưởng đến khuôn mặt. 7 ngày liền nằm trong viện, sáng tiêm 2 mũi, chiều 2 mũi - khiến cho mỗi lần nghe thấy lạch cạch của dao kéo là mình lại sợ. Sau khi phẫu thuật, khuôn mặt mình bị sưng to, căng như quả bóng, nhìn nản lắm. Nhiều khi đau quá, tự soi trong gương khuôn mặt căng phồng được quấn băng trắng, mình chỉ ước làm sao để trở lại được khuôn mặt như cũ. Đến hơn 1 tháng sau phẫu thuật, khuôn mặt mới bắt đầu xẹp dần", Linh, 22 tuổi, trú tại Hà Nội nhớ lại về cảm giác đau đớn có phần khủng hoảng tâm lý sau lần phẫu thuật "gọt mặt" của mình.

Chẳng là, sau khi biết tin đỗ đại học, vốn mê mẩn với hình ảnh của diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng nhất là ở khuôn mặt V-line, Linh đã xin bố mẹ tặng món quà chính là ca phẫu thuật chỉnh lại khuôn mặt vốn hơi "vuông chữ điền" của mình. Da đã trắng, dáng đã xinh, nay khuôn mặt chỉ cần chỉnh lại thì Linh sẽ không khác mấy cô diễn viên Phạm Băng Băng. Chiều cô con gái cưng, bố mẹ Linh không tiếc tiền bỏ ra hơn 20 triệu đồng làm quà tặng con gái. Sau khi trải qua hơn 1 tiếng đồng hồ trên bàn phẫu thuật, Linh mới cảm nhận được cảm giác đau, nhức đến tận xương tuỷ mà chưa bao giờ cô tiểu thư "trói gà không chặt" như Linh phải trải qua.

"Lúc mổ xong thì chưa đau nhưng khi vết mổ sưng lên và liền da thì nhức không chịu được. Bên cạnh đó, việc ăn uống cũng phải kiêng cữ rất cẩn thận. Trong 1 tuần đầu, chỉ được ăn đồ nguội vì ăn đồ nóng sẽ làm chảy máu vết thương còn ăn đồ lạnh thì đau bụng. Càng kiêng được lâu càng tốt. Cùng với đó là việc trong 3 tháng liền, mình chỉ được súc miệng bằng nước bác sỹ phát cho chứ tuyệt đối không được dùng bàn chải đánh răng. Những lúc đau quá thì mình còn rên rỉ, kêu la được chứ cái khoản kiêng đánh răng thì mình chịu. Được khoảng 2 tuần, mình đã mua bàn chải đánh răng loại nhỏ và mềm dành cho trẻ em để dùng.  Sau 4 tháng kiên trì và chịu bao đau đớn, thành quả đổi lại, khi 2 mảnh xương góc hàm được cắt bớt, khuôn mặt Linh trở nên thon gọn nhỏ nhắn. Bạn bè gặp lại Linh sau mấy tháng, ai cũng thấy Linh “khang khác”, xinh và trẻ ra mấy tuổi.

Một ca phẫu thuật độn cằm.

Cùng với việc cắt xương hàm khiến khuôn mặt thon nhỏ, để có khuôn mặt V-line hoàn hảo, nhiều chị em cũng tìm đến phương pháp độn cằm, "gọt cằm" kéo ra phía trước. "Nếu ai nhát gan, mình khuyên không nên làm phẫu thuật độn cằm. Lúc phẫu thuật tuy không đau nhưng mà nghe thấy tiếng dao kéo thì sợ không chịu nổi. Nhất là lúc bác sỹ cho miếng độn vào, ấn thật mạnh, rồi bác sỹ làm gì đó mà cứ có cái tiếng dao ken két như mài xương, rồi lại mùi khét như đốt laze. Sau khi phẫu thuật xong, chiếc cằm  sưng vù lên đến gần 1 tháng mới trở lại đẹp được. Sưng tấy, đau nhưng đã làm đẹp thì phải nghiến răng", cô gái có biệt danh Huyền "baby" nhớ lại công cuộc “độn cằm” của mình. Mặc dù bác sỹ đã dặn kiêng rau muống, trứng… nhưng Huyền không tài nào từ chối các món ăn nên bây giờ, mỗi lần đá lưỡi, cô vẫn thấy vết khâu lồi lồi trong miệng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện 108, về mặt chuyên môn, "gọt cằm, "gọt mặt" chính là việc thu nhỏ xương hàm, độn cằm hoặc trượt cằm làm cằm thon gọn. Đặc điểm của người châu Á là gò má cao, rộng, xương hàm to, bạnh,  cằm thụt hoặc quá nhô ra phía trước. Hàm bạnh, vuông thì cắt góc hàm thu nhỏ khuôn mặt, cằm bị thụt, nhỏ thì độn hoặc cưa xương, đưa ra trước sau đó bắt vít, kéo dài cằm làm khuôn mặt gọn và dài mà theo nhiều người vẫn gọi là khuôn mặt V-line. Tại các bệnh viện, thẩm mỹ viện ở Việt Nam hay ở trên thế giới, khi phẫu thuật can thiệp vào khuôn mặt, người ta dùng đến các phương tiện là cưa, khoan, mài để cắt xương và thu nhỏ khuôn mặt. Để phẫu thuật đạt kết quả tốt và như ý muốn, các phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ cũng như chăm sóc hậu phẫu tốt. Riêng phẫu thuật độn cằm, chất liệu được sử dụng có thể là xương, sụn được lấy từ chính cơ thể người phẫu thuật hoặc các mảnh ghép bằng silicon để đặt vào cằm.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tuy là con trai nhưng Minh, 21 tuổi, quê ở Bình Dương cũng khát khao có được khuôn mặt thon nhỏ, làn môi mỏng, mái tóc chải chuốt theo trào lưu “uni-sex” của các sao nam Hàn Quốc. Thế là, thay vì bằng lòng với chính mình, bao nhiêu tiền tích cóp được từ những ngày đi làm thêm ở Tp HCM, chàng trai 21 tuổi đã đổ vào cho ca phẫu thuật thẩm mỹ độn cằm.

"Độn cằm thì khả năng đẹp như ý muốn và bị lệch, bị vẹo là 50/50. Nếu hên sẽ được cằm đẹp còn xui thì cằm bị hỏng"- đây chính là kinh nghiệm “xương máu” của Minh sau 2 lần độn mới được chiếc cằm như ý muốn.

2 mảnh xương hàm sau khi đã được các bác sỹ "cắt" để làm nhỏ khuôn mặt.

Chẳng là, lần đầu tiên cắn răng chịu đau, chiếc cằm của Minh đã dài và nhọn nhưng lại bị lệch sang bên phải khiến cậu chàng không dám ló mặt ra khỏi nhà. Minh liền đến gặp bác sỹ đã phẫu thuật cho mình thì nhận được cái lắc đầu thản nhiên: do cơ địa và chất lượng miếng độn thấp. Nếu muốn chỉnh lại thì phải sử dụng miếng độn chất lượng cao nhập khẩu của Hoa Kỳ và tất nhiên là phải chi thêm tiền. Chẳng lẽ lại phải chung sống với chiếc cằm vẹo, thế là Minh đã đành chi thêm 20 triệu đồng và chịu đau "lên thớt" thêm một lần nữa.

Trường hợp như Minh còn may mắn. K, một "hot girl" khá nổi trong giới "hot girl" Sài thành với vẻ đẹp búp bê trong sáng đã phải thực hiện tổng cộng 5 cuộc phẫu thuật lớn trong suốt 2 năm chỉ để hy vọng lấy lại cái cằm thon gọn. Dù đã khá đẹp nhưng khi thấy ca sỹ này, hot girl nọ đã "tậu" cho mình chiếc cằm nhỏ, dài, K liền quyết định đi phẫu thuật độn cằm. Không may mắn như bạn bè, vết mổ của K đã bị nhiễm trùng. Không được xử lý kịp thời, cằm của cô hot girl này hoại tử, bên trong thịt bị thối, Để giải quyết hậu quả, không giống như các cuộc phẫu thuật độn cằm khác, bác sỹ đã phải gây mê và tiến hành 5 cuộc phẫu thuật súc rửa, cắt gọt đi phần thịt thối và điều chỉnh lại chiếc cằm cho cô “hot girl” này.

Làm đẹp - đó là nhu cầu chính đáng của mọi chị em phụ nữ. Tuy nhiên, vì quá kỳ vọng vào những lời quảng cáo không có thật của những trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ, không ít người đã phải chuốc hoạ vào thân. PGS.TS Nguyễn Tài Sơn cho biết: Khi phẫu thuật "gọt mặt", "gọt cằm", các bác sỹ có thể tiến hành theo 2 cách là mổ bên ngoài mặt hoặc mổ trong khoang miệng. Tuy nhiên, việc mổ bên ngoài sẽ để lại sẹo, không đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ. Còn mổ bên trong khoang miệng, mặc dù đạt được yêu cầu thẩm mỹ nhưng dễ để lại nhiễm trùng do nước bọt rơi vào ổ mổ từ đó dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Nếu bác sỹ không có kinh nghiệm, sử dụng các trang thiết bị không đầy đủ có thể gây hậu quả đáng tiếc như trong lúc cắt xương động chạm vào mạch máu phải nút gạc tạm thời để đưa khách hàng vào các bệnh viện để xử lý, việc cắt xương không đều do làm trong mồm hạn chế. Khi cắt xương, nếu không cẩn thận, việc dùng đục để đục mảng xương dời ra rất có thể khiến xương hàm bị chẻ dọc gây gãy xương hàm. Nếu mài xương không khéo còn xảy ra tình trạng cuốn tổ chức xung quanh để lại hậu quả đáng tiếc.

Tạm kết

Trong mấy năm trở lại đây, tại một số nước châu Á, người người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ, nhà nhà cho con đi phẫu thuật thẩm mỹ với suy nghĩ khi đẹp hơn, tự tin hơn, người ta sẽ có nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì suy nghĩ này đã xảy ra bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười.

Cách đây chưa lâu, trên một trang báo mạng đăng tải câu chuyện với nội dung khá hài hước: Một người đàn ông tại Trung Quốc đã không chịu thừa nhận đứa con máu mủ của mình. Bởi lẽ, vợ ông ta khá xinh đẹp, ông ta cũng không đến nỗi nào nhưng đứa con gái sinh ra lại không đẹp giống bố, cũng chẳng xinh giống mẹ. Sau bao công tìm hiểu, ông chồng mới biết khuôn mặt xinh đẹp của vợ mình hiện giờ thực chất là kết quả của những cuộc "đại" phẫu thuật thẩm mỹ biến cô nàng từ một con vịt xấu xí thành nàng thiên nga xinh đẹp. Ông chồng đã kiện cô vợ ra toà vì tội "lừa dối'.

"Nhiều chị em phụ nữ khi đến Bệnh viện 108 đã mang theo những bức ảnh của các ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc để nhờ các bác sỹ phẫu thuật sao cho thật giống như thần tượng. Tuy nhiên, chúng tôi phải giải thích rằng, để có được khuôn mặt đó, các bác sỹ sẽ can thiệp đến hầu hết các bộ phận trên khuôn mặt như gò má, mí mắt, mũi, cằm… chứ không chỉ đơn giản "gọt mặt, gọt cằm". Và, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn phải giữ được thần thái, nét riêng của chủ nhân, khi phẫu thuật rồi mà mọi người không nhận ra sự thay đổi quá nhiều thì ca phẫu thuật đó mới gọi là thành công. Nhiều bạn gái chưa đủ 18 tuổi cũng đã tìm đến Bệnh viện 108 để phẫu thuật, chúng tôi từ chối vì các em chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tư tưởng" PGS.TS Nguyễn Tài Sơn nhấn mạnh. Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của không phải riêng ai. Tuy nhiên, không nên vì chạy theo mốt, trào lưu nào đó mà chị em phụ nữ đánh mất những nét đẹp tự nhiên của riêng mỗi người. Và, nếu có nhu cầu làm đẹp, chị em phụ nữ nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để tránh các tai nạn, rủi ro xảy ra.

Để phẫu thuật "gọt mặt", sau khi được bác sỹ tư vấn, thực hiện các xét nghiệm cơ bản như đo chỉ số tim mạch, huyết áp, nhóm máu, chụp X-quang xương mặt… đối tượng phẫu thuật sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ sẽ mổ để bóc tách phần cơ trên mặt và can thiệp trực tiếp vào xương. Các thao tác điều chỉnh xương mặt sẽ được thực hiện với sự trợ giúp của máy khoan, máy cắt chuyên dụng. Sau khi cắt bỏ phần xương thừa, các phần xương mặt sẽ được mài và hoàn chỉnh.

Nguyễn Hương
.
.
.