Mong một môi trường giáo dục hoàn thiện

Thứ Sáu, 09/09/2016, 14:41
Tháng 9, mùa tựu trường của hơn 22 triệu học sinh trên mọi miền đất nước. Đâu đâu cũng ngập tràn không khí vui tươi, rực rỡ sắc màu. Sự hân hoan, niềm tin vào những điều tốt đẹp cho một năm học mới ngời lên trong ánh mắt thầy trò.

Đó là tất cả những gì có thể thấy được tại các thành phố lớn những ngày qua. Ấn tượng về ngày khai giảng sẽ luôn là một kỷ niệm đẹp đẽ khi các thế hệ học trò trưởng thành, bước vào đời và là chủ nhân tương lai của đất nước.

Còn ở những mái trường nơi vùng sâu, vùng xa, dễ dàng nhận thấy những hình ảnh đối lập hoàn toàn: Mưa lũ ngập trên các con suối, từng tốp học sinh dìu nhau giữa làn nước xiết; Dọc đường đến trường, bùn lầy ngập những bàn chân nhỏ bé, nhưng các em nhỏ vẫn nhẫn nại từng bước cho kịp dự lễ khai giảng; 

Trên những bãi đất trống, nhiều em bé còn lấm lem ngồi ngay ngắn lắng nghe thầy hiệu trưởng tuyên bố lễ khai giảng năm học mới; Không có hoa tươi, chẳng có băng rôn, chỉ có dòng chữ ngay ngắn "Khai giảng năm học mới" được viết trên tấm bảng to…

Minh họa Lê Tâm

Những hình ảnh khiến chúng ta nghẹn lòng. Bao năm rồi, hình ảnh buồn bã đó vẫn đeo bám các em nhỏ vùng cao. Cuộc sống nơi đây còn muôn vàn khó khăn và để có được cái chữ, các thầy cô cắm bản và bao em nhỏ nơi đây phải vất vả biết nhường nào.

Trước ngày khai giảng, lại thấy ồn ào về sự đổi mới cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cách đây 2 năm, ngành giáo dục đã quyết tâm đổi mới bằng một kỳ thi quốc gia với bao hệ lụy, gây áp lực cho phụ huynh và học sinh khiến nhiều người nhớ lại vẫn còn choáng váng.

Năm vừa qua, sự đổi mới lại diễn ra khi xét tuyển vào các trường đại học. Mọi sự thấy có vẻ êm, dư luận bớt ồn ào thì năm nay, sự đổi mới lại nhằm vào khâu thi cử. Chưa thấy hiệu quả thiết thực, chỉ thấy mệt mỏi và bất an.

Vẫn biết, đổi mới là cần thiết, phù hợp với xu thế và đảm bảo sự phát triển chung của xã hội, nhưng đổi mới liên tục, mỗi năm một kiểu khiến người ta hoài nghi, khó chịu bởi các em học sinh bỗng trở thành "chuột bạch" khi phải nạp vào đầu quá nhiều những nội dung từ cuộc đổi mới đó.

Có một việc không chỉ tôi mà nhiều người đều có chung nguyện vọng, đó là chấm dứt nạn bạo lực trong trường học. Suốt năm qua, hàng trăm clip ghi lại cảnh học sinh mặc đồng phục đánh nhau trong lớp học, tại sân trường hay cảnh giáo viên có hành vi thô bạo với học sinh…

Quả thật, nó là những hình ảnh vô cùng phản cảm và người ta phải đặt câu hỏi: Vì sao học sinh bây giờ lại có những hành động đáng xấu hổ đến thế? Tất nhiên, để cho cái ác, cái xấu tồn tại trong nhà trường, lỗi thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội, nhưng cái ác ngang nhiên diễn ra, cái xấu không bị lên án tại nơi được coi là trong sạch, thân thiện nhất là điều khiến chúng ta, những người lớn phải nhìn lại mình, bởi hình như chính chúng ta cũng có lỗi.

Mong muốn của cả xã hội vào một nền giáo dục rất đơn giản: Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Nói một cách ngắn gọn, đó là một môi trường sư phạm hoàn thiện.

Thầy giáo sẽ truyền đạt cho các học trò không chỉ kiến thức mà còn là những bài học làm người. Và học trò, các em sẽ lớn lên mỗi ngày qua từng bài giảng, nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng sau này là công dân có ích trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong nhiều quan điểm được đưa ra nhân dịp khai giảng, tôi đặc biệt đồng tình với ý kiến cho rằng, nhân tố quyết định của thắng lợi chính là đội ngũ thầy cô giáo.

Hầu hết các thầy cô tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" nhưng chỉ tâm huyết chưa đủ, thầy cô giáo cần phải có năng lực, kiến thức mở rộng, đáp ứng được các chuẩn để dạy theo phương pháp tiếp cận năng lực.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần xây dựng cả lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đứng trên bục giảng.

Vì lẽ đó, cùng với sứ mệnh truyền đạt kiến thức, chắp cánh ước mơ, bồi đắp phẩm chất làm người cho học sinh, đội ngũ thầy cô giáo phải gánh trên vai một sứ mệnh cao cả nhưng cũng rất nặng nề là tự hoàn thiện bản thân.

Mỗi thầy cô phải là một tấm gương học hỏi không ngừng, góp phần nối tiếp, bồi đắp truyền thống hiếu học của dân tộc và quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.

Tuấn Nguyễn
.
.
.