Mối nguy về nạn mua bán người ở ASEAN trong mùa dịch COVID-19

Thứ Sáu, 27/11/2020, 13:57
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nhiều chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn virus, bao gồm kiểm dịch bắt buộc, đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội. Hành động này dù đã góp phần làm giảm số lượng tội phạm đường phố nhưng theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc (LHQ) về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nó lại có thể thúc đẩy nạn mua bán người hoạt động ngầm hơn.


Chiêu thức "săn mồi" của tội phạm

Báo cáo gần đây của UNODC có tiêu đề "Tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động mua bán người" cho thấy, bọn tội phạm đang điều chỉnh mô hình kinh doanh của chúng theo "cách bình thường mới" do đại dịch tạo ra, đặc biệt là thông qua các phương tiện công nghệ truyền thông hiện đại.

Mua bán người đang trở thành vấn nạn trên toàn cầu. ảnh: Getty

"Những kẻ buôn người có thể trở nên tích cực hơn và săn mồi nhằm vào những người thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn trước, vì họ đã mất nguồn thu nhập do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội", Ilias Chatzis, Trưởng bộ phận chống mua bán người của UNODC giải thích. "Chúng tôi biết rằng những kẻ buôn người săn mồi những người dễ bị tổn thương nhất và tìm kiếm các cơ hội để thực hiện những hành vi này", báo cáo còn trích dẫn cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Cũng theo báo cáo, Đông Nam Á là khu vực đã phải đối mặt với nạn mua bán người từ lâu và nay trong dịch bệnh lại càng trở nên phức tạp. Báo cáo về "Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2016" của Walk Free cho hay, khoảng 25 triệu người đang bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Con số này chiếm 62% tổng số ước tính toàn cầu. Trong khu vực, Thái Lan là điểm đến chính của nạn mua bán người từ Campuchia, Lào và Myanmar còn Malaysia là điểm đến của các nạn nhân từ Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Lấy ví dụ về Philippines, quốc gia chủ trì về hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong ASEAN, tờ Inquirer nhấn mạnh, việc đóng cửa các ngành kinh tế chính và cấm các hoạt động xã hội khiến đại đa số người dân Philippines không có nguồn thu nhập và rất hạn chế về phương tiện để hòa nhập xã hội. Trong khi đó, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, 71% dân số Philippines dành trung bình 4 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội và tỷ lệ phần trăm và số giờ có thể cao hơn nhiều trong những thời điểm cách ly.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện giờ ở Philippines là sự gia tăng của các vụ bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến (OSEC). Theo "Điều tra viên tình hình buôn bán trẻ em" của Hội đồng liên cơ quan chống buôn người (IACAT), 65% số người bị buôn bán là phụ nữ và 21% là trẻ em. Đáng báo động hơn, Philippines được coi là nguồn cung cấp nội dung khiêu dâm trẻ em hàng đầu thế giới, với khoảng 80% trẻ em Philippines có nguy cơ bị lạm dụng hoặc bắt nạt tình dục trực tuyến (báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ năm 2017).

Trẻ em là nạn nhân của bọn buôn người được cảnh sát Thái Lan giải cứu trong một cuộc đột kích trại nuôi tôm ở Samut Sakhon. ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn với Thomson Reuters Foundation, cố vấn của UNICEF Rachel Harvey nói: "Dành nhiều thời gian trực tuyến hơn có thể làm tăng nguy cơ này. Những kẻ săn mồi cố gắng gặp gỡ trẻ em và gia tăng các hình ảnh tự tạo cũng như bắt nạt trên mạng". Các nền tảng truyền thông xã hội hiện đã trở thành những kênh chính của nạn buôn người.

Hành động từ các nước ASEAN

Đó là về tội phạm, còn đối với nạn nhân, ngay cả trong những trường hợp bình thường, việc xác định nạn nhân của nạn mua bán người cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Các chuyên gia lo ngại rằng đại dịch hiện nay đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Các lý do bao gồm thực tế là nạn nhân bị mua bán thường bị bóc lột trong các lĩnh vực bất hợp pháp, phi chính thức hoặc không được kiểm soát như: công nghiệp tình dục, các cơ sở gia đình và trồng trọt ma túy. Bên cạnh đó, khả năng của tội phạm có tổ chức che giấu hoạt động của chúng dưới nhiều vỏ bọc cũng khiến công tác điều tra trở nên khó khăn hơn. Các lý do khác bao gồm việc các nạn nhân thiếu hợp tác hoặc không muốn hay ngại trình báo hoàn cảnh của mình…

Riêng đối với các nạn nhân vẫn bị bọn buôn người giam giữ, "các biện pháp phong toả bởi COVID-19 có thể khiến tình trạng tuyệt vọng của họ thậm chí còn tồi tệ hơn", UNODC cho biết. Trong những tháng gần đây, một số quốc gia bao gồm cả các quốc gia thành viên ASEAN là Malaysia và Indonesia đã báo cáo tình trạng bạo lực gia đình gia tăng do người dân được khuyến khích ở nhà vì lo ngại virus.

Các nạn nhân của lạm dụng bị mắc kẹt trong nhà của họ với những kẻ lạm dụng họ và không có nơi nào để đi. Chưa hết, báo cáo của UNODC còn khuyến cáo rằng, nạn nhân của tội phạm mua bán người cùng có nguy cơ tiếp xúc nhiều hơn với virus COVID-19 mà ít được trang bị để ngăn ngừa và ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu họ yêu cầu xét nghiệm hoặc điều trị…

Hiện nay, trong ASEAN, Philippines là nước chủ trì về hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong ASEAN. Tại Hội nghị SOMTC 20 vừa qua, Philippines đã báo cáo, cập nhật 3 hoạt động chính mà SOMTC Philippines đang thực hiện về hợp tác phòng, chống mua bán người căn cứ theo chương trình hành động SOMTC 2019-2021. Đó là đẩy mạnh việc triển khai Công ước ASEAN về chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) thông qua việc tổ chức hội nghị tham vấn thiết lập hệ thống đầu mối quốc gia triển khai Công ước ACTIP với từng nước ASEAN. Đến nay đã tổ chức với 5 nước gồm Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Lào và Myanmar.

Phần đông người trên chiếc thuyền di cư bất hợp pháp này là nạn nhân của tội phạm mua bán người. ảnh: Getty

Thứ hai là chương trình ASEAN-Australia về phòng, chống mua bán người (ASEAN-ACT) -  dự án tiếp nối Chương trình hợp tác Châu Á - Australia về phòng, chống mua bán người (AAPTIP) đã được triển khai với mục tiêu tiếp tục tập trung vào các ứng phó tư pháp hình sự phòng, chống mua bán người tại các quốc gia thành viên của ASEAN có hệ thống tư pháp hiệu quả để trừng trị những kẻ mua bán người và bảo vệ quyền con người của nạn nhân. Cuối cùng, Philippines cũng cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19, việc tổng kết kiểm điểm kết quả triển khai Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người giai đoạn 2017-2020 sẽ được rời lịch sang năm 2021.

Tại Hội nghị thượng định ASEAN-Australia hồi trung tuần tháng 11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã kêu gọi Australia và ASEAN tăng gấp đôi nỗ lực để giải quyết tình trạng nghèo cùng cực do đại dịch COVID-19 gây ra, từ đó gia tăng phòng, chống được nạn mua bán người. Ông Duterte nhấn mạnh: "Chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác lâu dài trong các vấn đề thực thi pháp luật, nhập cư và hải quan", ngăn chặn sự gia tăng của ma túy bất hợp pháp, bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến, mua bán người và các tội phạm mạng khác.

Những nỗ lực của Việt Nam

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện xảy ra 74 vụ, liên quan đến 104 đối tượng, lừa bán 98 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 16,85% số vụ, 26,76% số đối tượng và 42,01% số nạn nhân. Nạn nhân của tội phạm mua bán người tại Việt Nam không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…

Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó sang Trung Quốc chiếm 75%. Cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá hơn 60 vụ, bắt gần 80 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố hơn 30 vụ, với hơn 50 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý gần 60 vụ với hơn 90 bị cáo phạm các tội về mua bán người để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử hơn 40 vụ với hơn 60 bị cáo, đảm bảo nghiêm minh, công khai.

Việt Nam đã tích cực hợp tác quốc tế với các nước ASEAN trong phòng, chống mua bán người như: tổ chức triển khai thực hiện các hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người với Campuchia (ký năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2012); Thái Lan (ký năm 2008); Lào (ký năm 2010). Hiện Việt Nam đang xúc tiến xây dựng, đàm phán hiệp định với Malaysia; bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Chính phủ Việt Nam cùng 5 nước khác gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar cũng đã ký Tuyên bố chung và thông qua kế hoạch hành động phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, Việt Nam cũng duy trì tốt cơ chế trao đổi thông tin với các nước, tổ chức khảo sát thực trạng, học hỏi kinh nghiệm tại các nước có đông người Việt Nam bị mua bán và di cư trái phép.

Trong 2 ngày 25-26 tháng 11, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14). Tại Hội nghị, Bộ Công an Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN đề xuất chủ đề của hội nghị là "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia", thể hiện vai trò chủ động, tích cực, tham gia có trách nhiệm của Bộ Công an Việt Nam đối với cơ chế hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC; đưa nội dung phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong và sau thời kỳ COVID-19 vào Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 14, nhằm nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia và khẳng định cam kết của các quốc gia trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Huyền Chi
.
.
.