Mở lối cho những ngươi lầm lỡ
Tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, công tác quản lý và giúp đỡ người phạm tội trở về xã hội làm ăn kinh tế được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện thực hiện hiệu quả…
Là một huyện miền núi, Quảng Uyên có tới 15/17 xã thuộc khu vực 3 với trình độ dân trí ở mức thấp. Như đã biết, với một số tỉnh miền núi, hậu quả của việc dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật đó chính là sự bất ổn. Thế nhưng trong hai năm trở lại đây, tại Quảng Uyên lại không tồn tại điều đó.
Đại tá Lý Văn Dục, Trưởng Công an huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. |
Trong những năm qua, để đảm bảo được tình hình an ninh trật tự và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Quảng Uyên đã phải tốn nhiều công sức, lặn lội vào những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất để làm công tác dân vận.
Từ đó, xây dựng được một mô hình. Hiện tại, 16 xã và 1 thị trấn của huyện Quảng Uyên luôn đạt tiêu chí đã đề ra, các công tác đều được thực hiện tốt, duy trì được ba mô hình quần chúng tự quản, tổ hòa giải, ban an ninh trật tự ở tất cả các xóm.
Đại tá Lý Văn Dục, Trưởng Công an huyện Quảng Uyên cho biết: “Trong năm 2015 tại địa bàn huyện còn một số vụ việc, một số tồn tại chưa giải quyết được như vụ gây rối ngăn cản không cho thi công công trình mở đường ở xóm Lũng Ỏ, xã Quốc Dân.
Sau đó chúng tôi đã phải đến tận nơi vận động bà con và giải thích cho từng người về lợi ích của việc làm đường này nên không xảy ra việc gì. Đến năm 2016-2017 thì trên địa bàn huyện hầu như không có vụ việc nào lớn. Điều đó đã thể hiện được hiệu quả trong việc thực hiện công tác toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Công an huyện”.
Theo đó, trên địa bàn huyện hiện có 229 tổ hòa giải, 453 tổ tự quản quần chúng. Thường xuyên tuần tra tại khu dân cư, đảm bảo giải quyết trong công tác tự hòa giải, phòng ngừa các sự vụ có thể xảy ra. Do làm tốt các công tác phòng ngừa mà trên địa bàn không có điểm nóng về an ninh trật tự hay địa bàn phức tạp.
Nói về những khó khăn của cán bộ chiến sĩ Công an huyện, Đại tá Lý Văn Dục cho biết, do địa bàn các xã rộng, đường đi lại khó khăn nên để thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, đòi hỏi các anh phải bỏ công sức lặn lội vào từng nhà để tuyên truyền.
Có những điểm xe máy không đi được, cán bộ phải đi từ khi trời còn sớm tinh mơ, đi bộ vào mất nửa ngày trời. Mỗi buổi như vậy, các anh có khi phải nhịn đói hoặc mang theo lương khô, bánh mỳ để ăn đường.
CB,CS Công an huyện thăm hỏi gia đình ông Hà Anh Hiệp. |
Tiếp nữa, trình độ dân trí của người dân một số nơi chưa được cao đã gây khó khăn cho việc tuyên truyền, giải thích về pháp luật, chính sách. Hầu hết họ đều chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà làm nên đôi khi cán bộ chiến sĩ của huyện phải vận dụng mọi khả năng, mọi mối quan hệ tại xã để có thể thuyết phục người dân đến các buổi tuyên truyền.
“Có những nơi, các anh em lặn lội cả ngày trời để đến vận động các đối tượng cá biệt nhưng họ không hợp tác, có nơi thì đưa giấy triệu tập họ không nhận. Điều đó khiến anh em rất vất vả bởi sẽ còn phải cố gắng để đến nhiều lần, tìm nhiều cách nữa thuyết phục họ.
Tôi vẫn còn nhớ lần cùng anh em đi xóm Cáp Tao, xã Phi Hải để tuyên truyền cho đồng bào người dân tộc Mông. Đường vào đây rất khó đi, ngày mưa thì không thể đi bộ vào nổi vì bùn đất trơn trượt rất nguy hiểm”, Đại tá Dục chia sẻ.
Ngoài điểm sáng về hoạt động giữ gìn an ninh trật tự và phát huy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Quảng Uyên còn nổi bật với công tác tiếp nhận, quản lý, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương.
Có mặt tại nhà ông Hà Anh Hiệp (SN 1959, xã Độc Lập), một người từng phải thụ án gần 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, nhìn cơ ngơi của ông Hiệp cũng thấy được công sức mà một người từng dính phải tù tội bỏ ra nhiều như thế nào.
Ông Hiệp cho biết: “Năm 2007 tôi trở về địa phương, khi đó trong tay chẳng có gì, lại thấy xấu hổ với gia đình, với hàng xóm nên tôi định vào hang ở rồi đi làm thuê sống qua ngày. Thế nhưng anh em Công an huyện đã động viên, tư vấn cho tôi về việc làm lại từ đầu thế nào. Cũng từ đó, tôi quyết tâm bắt đầu lại từ đầu”.
Với số vốn được Công an huyện bảo lãnh vay ban đầu, ông Hiệp bắt đầu từ việc nuôi lợn và sinh sống trong ngôi nhà bằng 4 tấm ván ghép vào nhau. Sau nhiều năm, từ đàn lợn ấy giờ đây cơ ngơi của ông Hiệp đã được nhân lên nhiều lần với 4 vườn cây ăn quả, 2 ao cá và nhiều tài sản khác. Mỗi tháng, cán bộ chiến sĩ của huyện lại phân công anh em đến thăm hỏi tình hình, động viên tinh thần của ông Hiệp trong suốt 10 năm qua.
“Có những lúc, anh em Công an đến tôi lại mời ở lại ăn cơm. Tôi coi anh em như người trong gia đình nên mọi chuyện tôi đều chia sẻ. Những việc tôi đã làm trong quá khứ rồi cũng chẳng ai nhớ nữa bởi giờ mình làm ăn tốt rồi. Cũng không còn xấu hổ, mặc cảm với bà con xóm làng nữa”, ông Hiệp tâm sự.
Ông Hiệp đang khoe cơ ngơi của mình sau 10 năm lao động. |
Ngoài ông Hiệp, trên địa bàn huyện Quảng Uyên còn 48 trường hợp khác cũng được sự quan tâm, động viên từ Công an huyện. Nói về những trường hợp này, Đại tá Lý Văn Dục cho biết: “Người phạm tội trở về thường mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng nên phải động viên. Sau khi họ ra tù, chúng tôi nhận được thông tin là sẽ đến động viên từng người một. Tiếp nhận những khó khăn họ gặp phải và mục tiêu trong tương lai để có phương pháp giúp đỡ từng người một cách thật sự hiệu quả”.
Trong những trường hợp này có những người rất khó tiếp xúc. Khi trở về, họ bỏ vào sâu trong rừng, trong lũng để sống một mình, không tiếp xúc cùng ai. Với những người như vậy, chúng tôi phải cử Tổ công tác vào tìm để gặp mặt, động viên họ và gia đình.
Đại tá Lý Văn Dục cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát huy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Quảng Uyên sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức xã hội, gia đình, kết hợp nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Bằng các biện pháp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến để các cơ quan, tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, với những người từng nhận án tù, việc tuyên truyền, giáo dục giúp người chấp hành xong án vượt qua mặc cảm, tự ti đối với quá khứ lỗi lầm, nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong học tập, lao động để hòa nhập cộng đồng cũng vô cùng quan trọng.
Những vấn đề này được Công an huyện đặt lên trên cùng trong những yếu tố cần thiết để giúp đỡ những người từng lầm lỡ trên địa bàn huyện.
Có thể nói, Công an huyện Quảng Uyên đã phát huy được vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác quản lý, giúp đỡ và phòng ngừa tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù ở địa bàn cơ sở.
Việc tái hòa nhập cộng đồng của người chấp hành xong án phạt tù là một quá trình khó khăn, với những rào cản từ phía cá nhân người chấp hành xong án phạt tù, cũng như những yếu tố khách quan tác động như định kiến của xã hội đối với người chấp hành xong án.
Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng thành công cho người chấp hành xong án phạt tù đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng cơ sở ở xã, phường, thị trấn đóng vai trò quan trọng, nòng cốt và trực tiếp.
Cuối buổi nói chuyện, chia sẻ một chút tâm tư về việc dồn nhiều công sức cho việc quản lý, giúp đỡ người phạm tội trở về cộng đồng của Công an huyện, Đại tá Dục cho biết: “Dẫu trong quá khứ họ đã có nhiều sai phạm nhưng họ đã phải trả giá cho những sai phạm ấy bằng án tù, bằng tự do. Khi trở về họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng để có thể hòa nhập, làm lại từ đầu. Việc giúp đỡ đó cũng khiến những con người lầm lỡ này có thể tránh được việc tái phạm, giúp cho xã hội bình yên hơn, an ninh trật tự được ổn định hơn”.