Mô hình thương mại nào giữa Anh và EU hậu Brexit?

Thứ Bảy, 08/02/2020, 14:02
Nước Anh đã chính thức rời EU. Nhưng hậu Brexit, Anh muốn ký thỏa thuận thương mại “kiểu Canada” với EU, tuy nhiên không rõ EU có đồng ý hay không.


Nước Anh trở nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư

Trước mắt, kể từ ngày 1-2-2020, đời sống của 66 triệu dân Anh và 446 triệu dân trong 27 nước thành viên còn lại của EU không có thay đổi ngoài việc lá cờ Anh không còn được trông thấy tại các trụ sở, các cơ quan của EU và thứ hai là về mặt thống kê, thiếu 66 triệu dân Anh, EU mất đi 13% dân số, diện tích bị thu hẹp lại mất 5%.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và Quốc tế CEPII của Pháp, 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh đổ vào thị trường chung châu Âu; ngược lại 56% hàng nhập vào Anh xuất xứ từ một trong số 27 thành viên còn lại của EU. Trong khi đó, một khi ra khỏi EU, Anh là một khách hàng "khiêm tốn" đối với khối châu Âu.

Vì thế sau Brexit, một phần người Anh không khỏi hoang mang khi biết rằng chính quyền Boris Johnson sẽ phải đàm phán gay go với 27 thành viên còn lại của EU về nhiều lĩnh vực từ thỏa thuận tự do mậu dịch đến giao dịch tài chính, từ quy định đánh bắt hải sản trong các vùng biển của Anh đổi lấy quyền được bán thủy sản của Anh trên khắp các thị trường trong EU, cho đến hợp tác an ninh, hay quyền tự do của các luồng lao động hai chiều.

Ông Philippe Chalon, Giám đốc Văn phòng Tư vấn kinh tế Cercle d'Outre Manche, nơi quy tụ khoảng 50 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Anh, cho rằng nước Anh đã trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, thực tế từ sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016, kinh tế Anh đã tăng trưởng chậm lại. Từ năm 2016, tổng đầu tư ngoại quốc vào Anh đã giảm và thậm chí là còn rơi xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm qua.

Trong khuôn khổ Câu lạc bộ Các doanh nghiệp Pháp tại Anh với khoảng 50 hãng lớn nhỏ thì có đến gần một 50% đã ngưng các dự án đầu tư vào Anh trong 36 tháng vừa qua. “Tôi nghĩ đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy nước Anh kém hấp dẫn. Rất nhiều thành viên trong câu lạc bộ đã phải tính tới những giải pháp khác ngoài London”, ông Philippe Chalon nói.

Bài toán thực tế của Thủ tướng Boris Johnson

Dù đã rời EU những trong giai đoạn chuyển tiếp, trên nguyên tắc mở ra cho đến cuối năm 2020, nước Anh tiếp tục đóng góp cho ngân sách chung của EU và đổi lại thì vẫn nhận được trợ cấp mà EU vẫn đài thọ cho các thành viên. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề phải đàm phán.

Trước đó, ngày 27-1, một đội ngũ 40 chuyên gia trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, ngoại giao đã được Chính phủ Anh tập hợp trong một nhóm mới mang tên “Đội phản ứng nhanh châu Âu”. Đây là những nhân tố chủ chốt trong đội ngũ đàm phán do David Frost, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh, dẫn đầu với mục tiêu là đạt được một thoả thuận mới nhiều tham vọng với EU trong giai đoạn hậu Brexit.

Trong bài diễn văn ở Thủ đô London sáng 3-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề ra các nét chính cho quá trình đàm phán hậu Brexit giữa Anh với EU. Điều được báo chí Anh chú ý nhất là ông Johnson nói về “mô hình Canada” cho quan hệ thương mại Anh - EU trong tương lai. Ngoài ra, ông mong muốn Anh không còn phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn thương mại của EU như trước.

 “Mô hình Canada” mà ông Johnson nói đến là một hiệp định tự do thương mại gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hầu hết hàng hoá nhưng buộc phải kiểm tra xuất xứ ở biên giới, đồng thời cũng không bao gồm lĩnh vực dịch vụ. Nội dung chính trong thỏa thuận thương mại Canada - EU (CETA) bao gồm: Thuế quan của 90% hàng hóa hai bên bằng 0, giảm từ các mức khác nhau. Hiện điều khiến Chính phủ của Thủ tướng Johnson mong muốn là Anh sẽ không phải chịu sự ràng buộc của Tòa án EU...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hiệp định thương mại tự do giữa EU với một nước ngoại khối thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Theo Hãng tin Reuters, rất ít người ở Brussels (trụ sở EU) tin rằng giai đoạn chuyển tiếp là đủ dài để kết thúc một thỏa thuận thương mại nhiều "xương xẩu" giữa Anh và EU. EU luôn khẳng định họ sẽ không ký một thỏa thuận thương mại với một nước mà hàng hóa của nước đó có nguy cơ đe dọa hàng hóa của các nước thành viên bằng giá cả thấp một cách không công bằng.

Trong bài diễn văn đầu tiên sau Brexit, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh không vì quyền được ở lại trong thị trường chung mà chấp nhận tuân thủ các chuẩn mực của EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cũng trấn an các đối tác EU rằng Anh không cạnh tranh bất bình đẳng với những quốc gia từng là anh em trong mái nhà chung châu Âu. Vì thế, theo các nhà quan sát, vẫn còn quá sớm để biết EU và Anh sẽ nhượng bộ lẫn nhau tới mức độ nào bởi ngoài thương mại, Anh và EU còn rất gắn bó với nhau từ về văn hóa đến ngoại giao, an ninh, quốc phòng.

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.