Mệnh lệnh từ biển khơi

Thứ Năm, 08/10/2015, 09:29
8 giờ sáng, tàu SAR 413 lừng lững tiến về cầu cảng sau chuyến ra khơi cứu sống được 38 thuyền viên gặp nạn ngoài biển Trường Sa. Cái vẫy tay rắn rỏi, tiếng cười của thủy thủ đoàn giòn tan hòa vào nắng sớm. Đây là nụ cười hiếm hoi trong những lần cập cảng, vì ngày trở về có bóng hình sự sống.
Trái tim cứ gọi lại

Là một trong những thuyền viên có mặt đầu tiên trên tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu), thủy thủ Võ Quyết Thắng (52 tuổi) không nhớ đã ra khơi bao nhiêu chuyến và cứu vớt được bao nhiêu người. Điều đọng lại trong tiềm thức của anh chính là sự xót thương khôn cùng về những ngư dân xấu số phải bỏ mình ngoài biển khơi.

Lần đầu tiên, khi nhìn thấy thi thể của những thuyền viên gặp nạn giữa biển cả lạnh giá, sóng dập gió vùi làm anh Thắng xót đau quặn lòng, giống như mất đi người thân của mình. Cảm giác đầu tiên ấy đã theo anh đến trong bữa ăn và cả giấc ngủ. Nhiều đêm anh phải mượn ly rượu để uống cho say, quên đi những hình ảnh đau thương đó. Nhiều khi muốn bỏ nghề, nhưng lương tâm và trái tim cứ gọi lại. 

Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III Lương Trường Phi cho biết: "Đối với anh em tại đơn vị, điện thoại luôn phải để chế độ thường trực 24/24h, không được để điện thoại hết pin. Đối với anh em trực lãnh đạo thì phải trả lời tất cả các số gọi đến, số càng lạ lại càng phải nghe vì có thể đó là số máy của người thân những người bị nạn gọi đến".

Như chạm vào đáy lòng, anh Thắng nói thêm: "Khi nghỉ ca trực ở nhà, xe máy lúc nào cũng phải quay đầu ra trước. Khi có lệnh ra khơi, bất kể ai đang làm gì, ở đâu đều phải có mặt trên tàu sau 15 phút. Bây giờ, cả nhà như đã thành lệ, khi có điện thoại của cơ quan gọi đến thì cả nhà đều chờ đợi, nếu có lệnh đi làm nhiệm vụ thì mỗi người một việc để giúp tôi ra khỏi nhà trong thời gian nhanh nhất có thể ".

Anh Thắng cười buồn: "Mồng một Tết năm ngoái, lần đầu tiên tôi dẫn vợ con đi tắm biển, khi con vừa mặc áo phao bước xuống nước thì điện thoại đổ chuông, thế là cả nhà cuống cuồng bỏ hết cuộc chơi chạy về chuẩn bị cho tôi lên tàu. Ở Vũng Tàu mà chưa bao giờ tôi dám đi tắm biển. Chỉ sợ lúc tắm biển phải để điện thoại trên bờ, khi có lệnh khẩn cấp mình không biết thì nguy".

Anh Phi cho biết thêm: "Ở đơn vị, do phải đến cơ quan làm nhiệm vụ gấp, có nhiều anh em bị Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra vì chạy quá tốc độ. Mặc dù có trình bày thế nào thì cũng không ai hiểu được đặc thù công việc của mình, vì thế anh em xin gửi xe lại và sẽ nộp phạt sau, chạy ra đường bắt taxi trong sự ngơ ngác của mấy anh CSGT".

Trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển thì khi tàu SAR đến hiện trường, tất cả anh em trên tàu tỏa ra các hướng quan sát, tìm kiếm mục tiêu. Lênh đênh giữa biển suốt ngày, nếu chưa phát hiện được các thuyền viên bị nạn thì đêm về, tàu tiếp tục rọi đèn pha để tìm kiếm. Những ngày sóng lớn, tàu SAR như con lật đật trên biển, trồi lên ngụp xuống giữa những cơn sóng, tất cả các vật dụng trên tàu đều phải cất vào kho hoặc buộc chặt, nếu không sẽ bị sóng xô đổ vỡ. Đôi khi chén nước anh em chưa kịp uống đã bị hất tung tóe, anh em phải ăn lương khô cầm cự vì tàu không thể nấu được cơm.

Mùa biển động, tàu cá của ngư dân ra khơi thường gặp sóng to, mưa giông, bão tố nên xảy ra tai nạn nhiều. Khi tàu tiếp cận hiện trường, tất cả thuyền viên dõi mắt ra không trung bao la, căng mắt vào từng đốm nhỏ trên biển. Phát hiện được thuyền viên bị nạn nào, tàu tiếp cận cứu vớt lên tàu, anh em vui mừng khôn xiết. Đôi khi qua trao đổi, có người gặng hỏi "sao thấy xác chết mà vui?".

Niềm vui ở đây chính là niềm vui tìm được nạn nhân, mặc dù họ đã chết nhưng việc tìm kiếm và đưa thi thể họ vào bờ để trở về với gia đình, xoa dịu phần nào nỗi mong chờ mòn mỏi của người thân. Anh em vẫn thường nói: "Trên mỗi chuyến hải trình ra khơi tìm kiếm cứu nạn, tâm trạng anh em thường vừa mong lại vừa không mong. Không mong là đừng xảy ra sự cố đáng tiếc, đừng có ai phải bỏ mình ngoài biển. Nhưng nếu xảy ra rồi thì mong tìm thấy nạn nhân, cứu vớt được họ càng sớm càng tốt".

Tàu SAR tham gia cứu nạn ngoài biển.

Phó giám đốc Lương Trường Phi tâm sự: "Đây là một nghề đặc biệt, tất cả các thủy thủ trên tàu đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, họ đều tốt nghiệp các trường hàng hải hoặc chuyển ngành từ lực lượng Hải quân, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về mặt nghiệp vụ hàng hải. Ngoài yếu tố cơ bản trên, đòi hỏi thủy thủ phải có sức khỏe tốt, bền bỉ. Và đặc biệt phải có cái tâm và đạo đức".

Tình người nơi biển cả

Năm 2014, hơn 10 ngày liên tục tàu SAR 413 hoạt động từ vùng biển Bến Tre đến đảo Hòn Khoai (Cà Mau) để tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên của 5 sự vụ tai nạn, cứu sống 11 người. Những ngày lênh đênh trên biển, quay cuồng tìm kiếm cứu nạn, tình người càng được hun đúc bền chặt hơn. Ngư dân được cứu sống chỉ biết khóc để cảm tạ. Chia tay trên mũi tàu, họ quỳ gối bái lạy những "ông bụt, bà tiên" đã sinh ra họ lần thứ hai. Đôi khi, những con mực, con cá tươi ngon nhất họ dành tặng thủy thủ tàu. Đấy chính là hạnh phúc, là món quà quý giá nhất với anh em tàu SAR.

Ngày 16/9/2015, xảy ra vụ nổ bình ga tàu cá BV97799TS ở vùng biển Côn Đảo (Vũng Tàu) khiến 15 thuyền viên tử nạn, chỉ 3 người còn sống sót. Nhận lệnh, tàu SAR 413 lập tức lên đường rẽ sóng đến vị trí tàu gặp nạn. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tàu SAR 413 đã vớt được thi thể 15 thuyền viên đưa vào bờ bàn giao cho gia đình. Đối với thuyền trưởng tàu SAR 413 Đinh Xuân Trường, ký ức thương tâm về vụ tai nạn vẫn chưa xa.

Ngày và đêm hôm đó thật dài, con tàu chập chềnh ngoài khơi, sóng đánh ầm ầm vào mạn, thuyền trưởng Trường vừa lái tàu vừa chỉ đạo hiện trường, vừa dõi mắt tìm kiếm. Một thi thể nổi lên là một hy vọng trước đó tan vào lòng biển. Suốt ngày và đêm tìm kiếm cứu nạn, thủy thủ phải chống chọi với sóng lớn và sự cuồng phong của biển cả. Khi phát hiện được thi thể các thuyền viên bị nạn, thật nhẹ nhàng, họ vớt từng thi thể một và đưa lên tàu, thắp một nén hương dành cho người đã khuất.

Nhưng không phải lần nào tàu cũng cứu được tất cả nạn nhân. Vụ tàu cá gặp nạn ở Bình Thuận ngày 26/8/2015 do thời tiết xấu, sóng lớn nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Tàu SAR 413 như chiếc lá tre chao đảo giữa biển cả. Cuối cùng chỉ vớt được 3 thi thể, còn lại 4 nạn nhân vẫn mất tích. Tàu trở về, nỗi buồn nặng trĩu trong lòng mỗi thủy thủ. Nghe tiếng gào thét của người thân mà thấy có lỗi, nhưng các anh không thể làm gì hơn.  

   
Trung tâm chỉ huy làm việc không kể ngày đêm khi có tai nạn trên biển.

Ông Phạm Hiển - Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III chia sẻ: "Trước khi tàu ra khơi, lúc nào chúng tôi cũng cầu mong cho sóng yên biển lặng để anh em cứu được tất cả những người gặp nạn. Đừng để nạn nhân nào phải nằm cô đơn, lạnh giá ngoài biển và đừng để một gia đình nào phải ngóng chờ con em của họ".

Chỉ mong được "thất nghiệp"

Vừa trở về từ chuyến biển dài, khuôn mặt thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân vẫn còn mặn mòi vị biển, đất liền đón anh bằng cái nắng dát vàng nơi cầu cảng. Nụ cười của thuyền phó Xuân dù tươi tỉnh nhường nào vẫn không lấp được vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày vượt sóng vào bờ. Thâm niên trên tàu SAR hơn 10 năm, anh Xuân có thể quên những việc mình làm, có thể không nhớ bao nhiêu lần tham gia cứu nạn, nhưng ngày đầu tiên ra biển tìm kiếm tàu cá Phú Yên 91234 gặp nạn ở vùng biển Côn Đảo vẫn là ngày không bao giờ quên trong đời thủy thủ của anh.

Dù hai ngày trôi dạt giữa giông tố biển cả nhưng thi thể ngư phủ vẫn bám chặt vào lưới. Hơn một tiếng đồng hồ anh Thắng và anh Xuân ngụp lặn giữa biển thay nhau cắt lưới nhưng càng cắt thì lưới càng quyện chặt, mồ hôi các anh hòa với muối biển, mặn chát. Theo tâm linh của người đi biển, thuyền trưởng Phạm Thanh Nam thắp một nén nhang hướng về thi thể, lẩm nhẩm: "Anh nằm đó lạnh giá, cô đơn, xin hãy giúp chúng tôi đưa anh vào bờ trao lại cho gia đình để họ không phải mòn mỏi ngóng trông".

Sau đó hai thủy thủ tiếp tục nhận lệnh bơi ra cắt lưới và lần này thì các mắt lưới trở nên mềm mại, cắt vài phút thì bung hết ra và thi thể ngư dân được mang lên tàu nguyên vẹn. Thuyền trưởng Nam tâm sự: "Dân đi biển có một niềm tin tâm linh với thần biển, họ tôn thờ và kính trọng những gì thuộc về đại dương. Anh em ra biển tìm kiếm cứu nạn thấy xác chết là ngư dân cũng luôn tâm niệm điều này".

Trên biển, họ hành động theo mệnh lệnh trái tim.

Đằng sau những hình ảnh tang thương mất mát từ những sự vụ tai nạn trên biển nói trên thì cũng có những chuyến ra khơi anh em tàu SAR lại có những niềm vui vô hạn. Cách đây vài ngày, tàu SAR 413 đã cứu nạn thành công tàu cá Quảng Nam gặp nạn ở vùng biển Trường Sa, cứu sống toàn bộ 38 ngư dân đưa vào đất liền an toàn. Đây là con số nạn nhân được cứu sống kỷ lục từ trước đến nay của tàu. Ngày trở về, tiếng còi tàu hú vang trong nắng sớm, giọng cười sương gió của thủy thủ giòn tan vào biển mang theo bóng hình của niềm vui sự sống, của hạnh phúc dâng tràn. 

Các thủy thủ trên tàu SAR nói đùa với chúng tôi rằng, niềm vui lớn nhất của họ là được "thất nghiệp" vì ngày nào tàu SAR không phải ra biển làm nhiệm vụ thì ngày đó sẽ không có tai nạn, mọi ngư dân đều được an toàn trên biển… và niềm vui sẽ được trọn vẹn hơn khi họ được về với vợ con, được ăn một bữa cơm ấm cúng bên gia đình và nghe một bài hát mà mình yêu thích… 

Ngọc Thiện

.
.
.