Máu đổ giữa thời bình và sự tri ân của người đứng đầu Lực lượng Công an

Thứ Ba, 28/08/2018, 20:50
Bộ trưởng Tô Lâm quyết định trích từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Bộ 600 triệu đồng để trao cho thân nhân 6 liệt sĩ Công an trong chương trình ca nhạc "Âm vang chiến công".

Tại chương trình ca nhạc "Âm vang chiến công" (lần thứ 2) do Báo CAND tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Truyền thống Lực lượng CAND, có một tình tiết đặc biệt khiến anh chị em cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều xúc động:

Theo dự kiến, Ban Tổ chức đã chuẩn bị sẵn hơn chục suất quà, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng kèm một túi thuốc bổ để Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao cho thân nhân các liệt sĩ Công an và một số cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua. 

Bất ngờ, rất bất ngờ, sau khi nghe đại diện Ban Tổ chức báo cáo cụ thể các trường hợp nhận quà đợt này, Bộ trưởng Tô Lâm quyết định trích từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Bộ 600 triệu đồng để trao cho thân nhân 6 liệt sĩ Công an. Điều ấy đồng nghĩa với việc, ngoài suất quà 5 triệu đồng mà Ban Tổ chức chuẩn bị từ trước, mỗi trường hợp thân nhân liệt sĩ sẽ được nhận thêm một phần quà lên tới 100 triệu đồng.

Quyết định của Bộ trưởng Tô Lâm khiến tất cả các thành viên Ban Tổ chức đều ngỡ ngàng, có người tưởng mình… nghe nhầm. Dẫu sao, số tiền ấy cũng là lớn và "chênh" nhiều so với những suất quà mà Ban Tổ chức từng trao tặng cho đại diện các gia đình chính sách trong chương trình diễn ra năm trước.

Như hiểu được sự băn khoăn của anh chị em, trước giờ chương trình ca nhạc diễn ra, tại phòng khánh tiết của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Bộ trưởng Tô Lâm cho biết lý do ông đi đến quyết định trên. Theo ông, đợt trao quà lần này diễn ra đúng Ngày Truyền thống của ngành; lại dành tập trung vào trường hợp các liệt sĩ hy sinh trong mấy năm gần đây, chủ yếu là trong năm 2018. 

Đó là sự hy sinh trong thời bình và là những tấm gương hy sinh rất dũng cảm (ông nhắc đi nhắc lại mấy chữ "thời bình" và "rất dũng cảm"). Không những thế, khi ra đi, đa phần các liệt sĩ tuổi đời còn rất trẻ. Đằng sau họ là gánh nặng cha mẹ già, vợ dại, con thơ. Họ mất đi, sự thiệt thòi không chỉ xảy đến với cá nhân mà còn đối với cả gia đình phía sau.

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi chị Phùng Thị Tần, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Hải (Công an xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội) trong chương trình ca nhạc “Âm vang chiến công” do Báo CAND tổ chức (tối 19-8-2018).

Đúng là, trước khi đi đến một quyết định như vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đã tìm hiểu rất kỹ. Điểm lại 6 trường hợp liệt sĩ Công an mà đại diện gia đình được trao quà hôm ấy, chúng ta thấy đó đều là những tấm gương rất đáng trân trọng về tinh thần nghĩa hiệp, dám xả thân vì sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống. 

Đó là trường hợp Thượng úy Lưu Minh Thức, cán bộ Công an huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, người đã ngã xuống đúng trưa mùng 2 Tết Mậu Tuất trong cuộc truy bắt một đối tượng từng bị truy nã trong vụ án giết người xảy ra trên địa bàn 2 năm về trước. Thượng úy Thức đã không quản nguy hiểm, xông vào quật ngã đối tượng và đã anh dũng hy sinh khi đối tượng bất ngờ giật kíp mìn cài trong người để "tử thủ". 

Đó là Lê Chí Phước, chiến sĩ nghĩa vụ tại Trung đội Cảnh sát vũ trang bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Quảng Ngãi). Cũng như Thượng úy Lưu Minh Thức, Lê Chí Phước (người mà cái tên như một sự gửi gắm: sống chí nghĩa chí tình, làm phước cho đời) đã ra đi đúng vào những ngày đầu năm mới - mùng 3 Tết Mậu Tuất - khi tham gia cứu hai người đuối nước trong tình thế biển động, sóng lớn, để rồi cuối cùng đuối sức và bị sóng cuốn khi đang nỗ lực tiếp cận nạn nhân thứ hai. 

Đó là Thiếu úy Bùi Minh Quý, cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê (thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Gia Lai). Mặc dù hôm ấy (3-3-2018) không phải ca trực, song khi nhận được tin báo của người dân về việc một xe chở mía bị chết máy, kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê, trong khi nước lũ càng lúc càng dân cao, đe dọa tính mạng tài xế đang "cố thủ" trong ca bin; Thiếu úy Bùi Minh Quý đã xung phong tham gia chỉ huy đội giải cứu. 

Mặc dù được trang bị kỹ năng kèm các trang thiết bị cứu hộ, song do nước lũ đổ về mỗi lúc một nhanh, siết, Quý bị dòng nước xô đập vào thành xe tải, gây choáng và cuốn đi, để rồi sau đó anh bị mắc kẹt tại một hốc đá ngay tại ngầm tràn mà đồng đội không sao giải cứu được. 

Đó là Thượng úy Phạm Phi Long, Tiểu đội phó Đội Chữa cháy chuyên nghiệp 2, thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh - người đã hy sinh khi tham gia khống chế đám cháy tại kho chứa quần áo của một hộ dân trên đường số 10, phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân trưa 8-9-2017.

Được biết, cả 4 liệt sĩ Công an nói trên khi ra đi tuổi đời đều rất trẻ. Người "cao tuổi" nhất mới 31 (Thượng úy Long và Thượng úy Thức). Các liệt sĩ Bùi Minh Quý và Lê Chí Phước, người ở tuổi 25, người mới 22, đều chưa lập gia đình. Đặc biệt xót xa, cả hai anh đều là con trai duy nhất trong nhà và bố mẹ đều thuộc diện rất "hoàn cảnh" (bố liệt sĩ Bùi Minh Quý bị tâm thần; mẹ thường xuyên ốm đau).

Ngoài 4 trường hợp kể trên mà đại diện gia đình được nhận quà của Ban Tổ chức còn hai trường hợp liệt sĩ Công an xã: Ông Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1962), Công an xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội và anh Trần Mạnh Tùng (sinh năm 1990), Phó Trưởng Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cả ông Hải và anh Tùng đều bị các đối tượng côn đồ sát hại dã man (vụ việc xảy ra vào các năm 2015, 2016) khi cố tìm cách động viên, khuyên giải những đối tượng này "hạ nhiệt", không có hành vi hành hung người nhà và đập phá, gây rối trật tự công cộng.

Từ cách nhìn nhận vấn đề và hành xử rất nhân văn của người đứng đầu Lực lượng Công an toàn quốc, chúng tôi chợt nhớ tới một tình tiết mà hẳn không mấy bạn đọc bên ngoài được biết. 

Trước khi trực tiếp chỉ đạo chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm ma túy do hai "ông trùm" Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận cầm đầu lẩn trốn ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), ngày 7-2-2018, Bộ trưởng Tô Lâm đã có chuyến thăm, chúc Tết và tặng quà nhân dân, cán bộ xã Lóng Luông, đồng thời có cuộc làm việc với đại diện chính quyền và lực lượng Công an ở cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tình hình. Khi ấy, có cán bộ khuyên ông không nên vào Lóng Luông vì "rất nguy hiểm". Ông đã nói thẳng: "Thế vì nguy hiểm tôi không vào thì tôi đẩy cho quân của tôi vào chỗ nguy hiểm à?". 

Chính chuyến khảo sát ấy, Bộ trưởng Tô Lâm nhận thấy, nếu lực lượng công an cơ sở chỉ mải tập trung truy bắt những người vận chuyển ma túy thuê thì không giải quyết được phần gốc của vấn đề. Tôi nhớ, khi Bộ trưởng Tô Lâm nói về việc ở Lóng Luông có nhiều trường hợp cả gia đình bị bắt vì vận chuyển ma túy thuê, ánh mắt ông lộ rõ sự đau xót. 

Ông nói, phải bắt (hoặc tiêu diệt) bằng được "mối chúa" và kế hoạch triệt phá băng nhóm tội phạm lẩn trốn ở Tà Dê bắt đầu từ đấy. Còn nhớ, hôm ông lên Sơn La chỉ đạo triệt phá băng nhóm tội phạm ma túy ở Tà Dê, ông ở trong tình trạng sức khỏe hơi…trục trặc. Mỗi lần xe lắc lư trên cung đường hiểm trở, ông phải ôm chiếc gối đệm cho đỡ đau…Với ông, chuyên án đặc biệt thành công khi bảo toàn được triệt để tính mạng người dân, tính mạng cán bộ, chiến sĩ; đã kêu gọi, đưa được vợ con các "ông trùm" ra ngoài trước khi cuộc đấu súng diễn ra.

Đến nay, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông khi kể lại rành rọt từng chi tiết của cuộc truy kích... Nhân đây cũng xin nói thêm: Liên quan đến cuộc tấn công, "xử lý" các đối tượng phạm tội ở Tà Dê, trong dư luận từng "cồn" lên ý kiến: Có cần thiết không khi lực lượng Công an phải  sử dụng một số khí tài "khủng" đến như vậy (đưa cả xe bọc thép vào cuộc) để trấn áp nhóm tội phạm? 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm có quan điểm rất rõ ràng: "Thời bình, trong xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, việc bảo vệ an toàn tính mạng người dân, tính mạng cán bộ, chiến sĩ (thậm chí là cả tội phạm) phải được đặt lên hàng đầu. Vả chăng, chúng ta có vũ khí, khí tài hiện đại trong tay, nếu không sử dụng vào những tình huống này thì sử dụng vào lúc nào? Hay chỉ là để mang ra biểu diễn mỗi dịp diễu binh?"

Bộ trưởng Tô Lâm thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Út, Công an phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội (ngày 27-7-2016).

Trở lại với đêm ca nhạc. Khi được mời lên sân khấu nhận quà, chị Nông Thị Duyễn, vợ liệt sĩ Lưu Minh Thức khóc mãi. Có lẽ, ngoài sự xúc động vì bất ngờ nhận được món quà quá lớn do đích thân Thủ trưởng ngành (của chồng) trao tặng, còn là sự thương cảm người chồng ra đi để gia đình có cơ hội nhận món quà lớn hôm nay và điều đó khiến chị càng thêm nghẹn ngào, xót thương anh. 

Với Bộ trưởng Tô Lâm, trong bầu không khí ấy, chúng tôi nhận thấy ông cũng rất xúc động. Dường như ông toan nói gì đó nhưng hơi nghẹn lại. Rốt cục, ông quay ra chỉnh lại tấm biển ghi số tiền tượng trưng trên tay một đại diện gia đình khi nó có dấu hiệu nghiêng lệch và thực hiện tiếp nghi thức như mọi buổi trao quà khác. 

Chờ đến khi kết thúc chương trình, sau khi lên sân khấu tặng hoa, cảm ơn các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc, ông bước nhanh xuống hàng ghế bên dưới để kịp bắt tay, thăm hỏi kỹ hơn cuộc sống hiện tại của thân nhân các gia đình liệt sĩ Công an mà ông vốn dĩ rất quan tâm.

Với Bộ trưởng Tô Lâm, ngoài sự quan tâm hỗ trợ về vật chất thì sự động viên, khen thưởng kịp thời cũng là điều đặc biệt cần thiết. Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, ngay sau khi được tin nhóm "Hiệp sĩ đường phố" thuộc quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh dũng cảm truy bắt tội phạm trộm cắp xe máy trước một căn nhà ở đường Cách mạng Tháng Tám, phường 10, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) và bị các đối tượng dùng hung khí quyết liệt chống trả, làm 2 người chết, 3 người bị thương; Bộ trưởng Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc tới gia đình và cá nhân các "Hiệp sĩ đường phố" đã hy sinh hoặc bị thương trong khi vây bắt tội phạm. 

Điều đáng nói là trong khi trên mạng xã hội còn có ý kiến đặt vấn đề pháp lý đối với việc "ai cho phép các Hiệp sĩ đường phố làm thay chức phận của Lực lượng Công an"; cũng như đây đó trong ngành có ý kiến tỏ ra khó chịu khi cái chết của các "Hiệp sĩ đường phố" bỗng chốc khiến công an sở tại bị "vạ lây" (cho rằng làm ăn tắc trách), từ đó dư luận nhảy vào "chửi hôi", "ném đá" tới tấp… thì trong thư, Bộ trưởng Tô Lâm lại khẳng định rõ "Đây là hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân", đồng thời yêu cầu "Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị CAND và Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ giúp đỡ gia đình những người đã hy sinh, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tang lễ chu đáo, trọng thể"; yêu cầu "Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức truy bắt bằng được đối tượng gây án, củng cố hồ sơ, sớm đưa các đối tượng ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm".

Lại nhớ trước đây, một nhà văn nước ngoài đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là "Máu người không phải là nước lã". Hẳn trong cách nhìn nhận của Bộ trưởng Tô Lâm luôn là vậy. Ông luôn trân trọng mọi sự hy sinh, dù sự hy sinh ấy đến từ thành phần nào trong xã hội, miễn là sự hy sinh ấy đóng góp vào sự bình yên của cuộc sống
Hà Khải Hưng
.
.
.