Mậu Tuất 1958 Miền Bắc đánh tan “giặc dốt”
Ngay sau đó, ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành 3 sắc lệnh: Sắc lệnh số 17: “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam”; Sắc lệnh số 19: “Trong toàn cõi nước Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối…”; Sắc lệnh số 20: “Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.
Cũng trong ngày 8-9-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) để triển khai nhanh chóng chiến dịch chống nạn mù chữ. Tiếp đó, đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”.
Với quyết tâm ngút ngàn và những nỗ lực phi thường của cán bộ, giáo viên và nhân dân, đã tạo nên một thành tích to lớn về mặt văn hóa của đất nước, làm vang dội cả thế giới: Chỉ sau một năm, hoạt động BDHV, đã có 74.957 lớp học dạy xóa mù chữ (XMC) và có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (nước ta lúc đó ước tính có 22 triệu người).
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Chính phủ vẫn không quên lãnh đạo toàn dân tiếp tục chiến thắng giặc dốt. Đến tháng 6-1950, số người được XMC, biết đọc biết viết trong cả nước là trên 10 triệu người. Tổng số đơn vị được công nhận thanh toán nạn mù chữ (TTNMC) là 10 tỉnh, 80 huyện, 1.424 xã, 7.248 thôn.
Năm 1950, Quốc hội khóa II đánh giá cao thắng lợi to lớn về XMC: “Cũng như thành tích chống giặc ngoại xâm và thành tích chống giặc đói, thành tích BDHV chống giặc dốt rất là vĩ đại…” và “… tiếp tục công tác chống nạn mù chữ, chúng ta đã cố gắng phát triển phong trào Bổ túc văn hóa (BTVH)”.
Từ năm 1951, Đảng ban hành chính sách nông thôn trong đó có chủ trương: “Tích cực bồi dưỡng cán bộ công nông đã được rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh cách mạng, mạnh dạn đưa nông dân vào các vị trí then chốt của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, phải tìm mọi cách giúp đỡ nông dân được học văn hóa để có đủ năng lực lãnh đạo”.
Bởi vậy, từ năm 1951, BDHV tiếp tục XMC và bước đầu tổ chức BTVH góp phần đào tạo cán bộ, bồi dưỡng sức dân đưa kháng chiến đến thắng lợi. Từ khi có hàng triệu người được XMC, BDHV chuyển sang hoạt động BTVH. Nhiều trường lớp BTVH do ngành Giáo dục mở ra, trong đó có Trường Phổ thông lao động Trung ương ra đời năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Hình thức học tại chức là chủ yếu.
Những lớp BTVH tại chức và các trường BTVH tập trung được xây dựng và phát triển đã góp phần củng cố kết quả XMC, nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng được nhiều cán bộ xuất thân từ công nông.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7-1954, phong trào BDHV tiếp tục XMC cho nhân dân trong các vùng trước đây bị chiếm đóng. Cuối năm 1955, ngay sau khi miền Bắc vừa được hoàn toàn giải phóng, Trường BTVH công nông Trung ương được thành lập và được ghi nhận như là một điển hình của mô hình BTVH.
Đây cũng chính là thời kỳ BTVH phát triển mạnh mẽ và rộng khắp ở các cơ quan, xí nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong công cuộc xây dựng chế độ XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một hệ thống trường BTVH công nông cùng với trường phổ thông lao động được hình thành. Chiến dịch 3 năm (1956 - 1958) đã hoàn thành căn bản xóa nạn mù chữ. Theo ghi nhận, đến tháng 12-1958, toàn miền Bắc đã cơ bản diệt xong giặc dốt.