Màn kịch “người điên” và cú lừa bán tượng đồng đen tiền tỷ

Thứ Bảy, 14/04/2018, 13:56
Một buổi chiều, sư Thích Tuệ Hạnh, trụ trì chùa Sùng Bảo, thuộc xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) đang ngồi đọc kinh thì có một người phụ nữ đến xin thỉnh ý. Người phụ nữ ăn mặc khá đẹp, thể hiện phong cách của người có tiền. 


Chị ta nói rằng ông bà nội đã hơn 90 tuổi, vừa mất cách nhau có một tuần, sợ trùng tang nên gia đình muốn xin sư thầy lễ hộ. Nếu sư thầy lễ được, gia đình không tiếc tiền, sẽ công đức cho chùa vài trăm triệu đồng…

Qua câu chuyện, người phụ nữ ấy kể cho sư Hạnh nghe mình làm nghề buôn đồ cổ, nghề này nhiều chiêu trò, nhưng trúng nhất là buôn được đồng đen. Theo cách mô tả của chị ta thì đồng đen là một thứ đồ cổ có giá trị rất lớn, có sức mạnh siêu nhiên, mang cả màu sắc mê tín. Nếu ai mà đào được tượng đồng đen chuẩn thì kiểu gì, một người trong nhà sẽ bị điên loạn… Trước khi về, chị ta để lại số điện thoại cho sư thầy…

Công an huyện lấy lời khai đối tượng Cảnh.

Bẵng đi ba hôm, trưa 5-4, sư Hạnh đang ở chùa thì thấy một người con gái đi bộ vào chùa, tự giới thiệu nhà ở phố Nối (Mỹ Hào). Cô gái có bác làm nhà, đào được 2 bức tượng, một bức tượng con cóc và một bức tượng Quan Công. Ngay sau khi đào được tượng, anh con nhà bác bị điên loạn.

Bác Hoài bảo cô gái cầm 2 bức tượng bán cho bà The (tên một bà đồng), nhưng Hoài không muốn, muốn đến chùa nhờ sư Hạnh cúng lễ hộ cho anh họ và muốn bán cho sư thầy 2 bức tượng này với giá rẻ: 1 tỷ đồng…

Chợt nhớ đến câu chuyện của người phụ nữ buôn đồ cổ, sư Hạnh bảo cô gái chuyển ảnh vào zalo cho xem hai bức tượng đồng đen. Sau đó, sư Hạnh chuyển tiếp cho người phụ nữ buôn đồ cổ. Người phụ nữ đó xác nhận ngay đó là tượng đồng đen, rất quý, giá trị thực của nó phải là 4 tỷ đồng…

Nghĩ là mua được món đồ cổ với giá hời, ngay trưa hôm đó, sư Hạnh đã bảo cô gái mang 2 bức tượng đến bán cho mình. Mọi việc mua bán diễn ra khá bí mật theo ý của cô gái trên căn gác xép của khu nhà ở của chùa. Tại đây, sau khi nhận 2 pho tượng, sư Hạnh đã đưa trước cho cô gái 400 triệu đồng. Chiều cùng ngày, cô gái kia đã áp tải sư Hạnh ra ngân hàng rút tiếp 600 triệu đồng để trả nốt. 

Trên đường, cô gái rút điện thoại, đọc tin nhắn, rồi reo lên với sư Hạnh: "Bác cháu lại đào tiếp được hai pho tượng nữa, pho Phật bà Quan Âm và pho tượng Phật A Di Đà". Rồi cô gái lại thuyết phục được sư Hạnh mua tiếp 2 pho tượng với giá 1,4 tỷ đồng. Bị cuốn vào mê hồn trận của những pho tượng đồng đen, sư Hạnh đã đồng ý và hẹn đối tượng ngay tối đó mang tượng đến chùa.

Tối, lại trong cảnh tranh tối tranh sáng của căn gác nhà chùa, cô gái trao 2 pho tượng cho bà sư rồi bảo cất đi ngay không kẻ gian phát hiện của quý hiếm sẽ trộm mất. Sư Hạnh mang 270 triệu đồng trả trước, hẹn hôm sau sẽ trả nốt…

Sáng hôm sau (6-4), vì sư Hạnh đi cúng ở nơi khác nên chưa về đưa tiền cho đối tượng theo như giao hẹn. Cô gái bán tượng liên tục nhắn tin, thúc giục sư Hạnh trả tiền. Vì bận nên sư Hạnh hẹn chiều tối.

Chiều, lễ về, rảnh, sư Hạnh đem mấy pho tượng cổ đồng đen mua được ra rửa hết lớp bùn đất bên ngoài (vì cô gái bán bảo vừa đào dưới đất lên, mang đến ngay cho sư thầy nên vẫn nguyên dính bẩn). Khi lớp bùn đất được nước xối đi, sư thầy thấy tượng Quan Công có một vết sứt, cậy tay vào thì nó mủn như xi măng. Đồng đen không thể mủn như vậy được! Nghi ngờ bị lừa, sư Hạnh đã báo cho Đại tá Đào Trọng Bằng, Trưởng Công an huyện Mỹ Hào.

Tang vật vụ án.

Ngay lập tức, một tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Trung tá Nguyễn Tiến Hưng, Phó trưởng Công an huyện Mỹ Hào đã có mặt ngay tại chùa để lấy lời khai của sư Hạnh, sau đó nhanh chóng triển khai kế hoạch đón lõng đối tượng lừa đảo khi đến nhận nốt số tiền bán tượng.

Chập choạng tối hôm đó, đối tượng lừa đảo xuất hiện. Không hề biết đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng Công an, đối tượng cứ giục sư Hạnh trả nốt tiền mua tượng. Khi đối tượng đang nhận 700 triệu đồng từ sư Hạnh thì tổ công tác xuất hiện, bắt quả tang.

Mặt trắng bệch, mồ hôi chảy giọt trên mặt mặc dù thời tiết khá mát mẻ, Nông Thị Hoài, SN 1990, quê ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết, mình làm theo sự chỉ đạo của sư phụ, đó là Trần Thị Cảnh, tên gọi khác là Mai, SN 1986, quê ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), nhưng hiện trọ tại thôn Quảng Uyên, xã Quảng Châu, huyện Yên Mỹ. Cùng tham gia việc lừa đảo này với Hoài còn có Nguyễn Thị Phương, SN 1994, quê ở Ý Yên (Nam Định), cũng là một đệ tử của "thầy" Cảnh.

Ngay trong lúc Hoài bị bắt, Cảnh đã liên tiếp gọi điện, nhắn tin hỏi về việc đi lấy tiền. Sợ đối tượng không thấy Hoài trả lời, nghi ngờ sẽ bỏ trốn nên sau đó, cơ quan Công an đã tiến hành triệu tập Cảnh, Phương và khám xét khẩn cấp nơi trọ của cả 3 đối tượng này ở thôn Quảng Uyên.

Nghe lời khai của các đối tượng, chúng tôi khá ngạc nhiên về sự mê tín đến u mê của các đối tượng như Hoài và Phương. Trần Thị Cảnh hiện đang ở với một người chồng làm nghề hát chầu văn, bản thân chị ta thường xuyên tổ chức các giá hầu đồng. Hoạt ngôn, sắc sảo, lại lợi dụng sự mê tín của mọi người nên Cảnh đã lôi kéo khá nhiều đệ tử đi theo. 

Thậm chí, những người này còn bỏ nhà, bỏ gia đình đi theo Cảnh hầu cúng khắp nơi, rồi về ở tập trung tại căn nhà trọ 2 tầng mà vợ chồng Cảnh thuê ở thôn Quảng Uyên. Họ cung phụng Cảnh, trong khi vợ chồng Cảnh ăn ngon ở nhà trên thì các đệ tử ăn uống đạm bạc nhà dưới. Nhưng Cảnh bảo đi đâu, làm gì, cả hội răm rắp nghe theo…

Hoài quen Cảnh trong một lần đi chùa, cho nhau số điện thoại liên hệ. Rồi không hiểu vì sao, Hoài mê muội bỏ cả nhà cửa, gia đình đi theo phục vụ Cảnh. Có ngôi nhà ở Thái Nguyên là tài sản duy nhất, Hoài cũng đem bán nốt được 1,7 tỷ đồng, sau khi trả nợ ngân hàng, Hoài cầm 1 tỷ đồng về tham gia với Cảnh các trò hầu đồng, mở phủ. 

Để đến lúc này, mẹ và con của Hoài ở quê vẫn phải lang thang, tá túc nay đây, mai đó ở nhà những người quen biết. Còn Phương cũng thế, một cô gái mới lớn đang nhiều tương lai hứa hẹn thì cứ u u, mê mê, bỏ cả gia đình ở Nam Định đi theo hầu Cảnh mấy năm nay.

Cả Hoài, cả Phương và những đệ tử đi theo Cảnh đều nhất nhất nghe theo chỉ đạo của chị ta. Trong việc lừa đảo này, Cảnh phân riêng cho Hoài và Phương đảm nhiệm. Chị ta bảo 2 đệ tử: "Đây là mình lừa tiền của chùa, số tiền đó lừa về mở phủ, hầu đồng và đi giải cứu thế giới, mình sẽ không việc gì cả". Và thế là, hai đệ tử của Cảnh hăng hái đi "giải cứu thế giới" ngay. 

Theo sự dàn dựng của Cảnh, Cảnh đóng vai cô buôn đồ cổ, Hoài đóng vai cô gái có nhà bác bị điên khi đào được tượng đồng đen, Phương có nhiệm vụ đi mua và chuẩn bị các tượng đồng đen giả… Đầu tiên, chúng định bán 2 pho tượng cho sư Hạnh với giá 1 tỷ đồng, trong đó tượng con Cóc Cảnh và Phương đi mua ở một cửa hàng mỹ nghệ tại Khoái Châu giá 1 triệu đồng, còn tượng Quan Công, Cảnh đã có từ trước, gửi ở nhà người quen.

Cảnh giao cho Phương mang 2 pho tượng này ra vườn, lấy đất bôi vào để đánh lừa sư Hạnh là vừa đào được từ dưới đất lên. Đến khi thấy sư Hạnh đã rơi vào bẫy của bọn chúng một cách dễ dàng, cùng Hoài đi taxi ra ngân hàng rút tiền trả, Cảnh lại tiếp tục sinh lòng tham, nhắn tin cho Hoài với nội dung giả làm bà bác nói lại đào thêm được 2 pho tượng nữa. Rồi Cảnh và Phương đến cửa hàng mỹ nghệ mua tiếp 2 pho tượng Phật bà Quan Âm và Phật A Di Đà giá 1,3 triệu đồng. Phương lại lấy đất ngoài vườn bôi lên hai pho tượng…

Ba đối tượng Cảnh, Hoài và Phương.

Toàn bộ số tiền đã nhận của sư Hạnh (1,27 tỷ đồng), Hoài mang hết về đưa cho Cảnh, chỉ được Cảnh cho 1 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Khi khám xét nhà Cảnh, cơ quan Công an đã thu được hơn 840 triệu đồng là tiền tang vật. Theo Cảnh khai, 150 triệu Cảnh đã gửi về quê cho một số người thân, 130 triệu đưa chồng đi gửi tài khoản, số tiền còn lại cơ quan Công an đang tiếp tục làm rõ…

Hiện cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Hào đã khởi tố bị can đối với cả 3 đối tượng Trần Thị Cảnh, Nông Thị Hoài và Nguyễn Thị Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tạm giam đối với Hoài và Phương, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Cảnh do chị ta đang có thai.

Thực ra, việc lừa đảo thông qua mua bán đồng đen không mới, bởi đây là một thứ hư hư, thực thực, hầu như không ai biết và nhìn thấy nó nhưng được đồn thổi khắp nơi, nhất là trong giới buôn bán đồ cổ về giá trị siêu nhiên của nó. Khi mua bán loại đồng đen này, bao giờ các đối tượng cũng lồng vào yếu tố mê tín dị đoan, khiến các nạn nhân bị dẫn mũi đưa một số tiền rất lớn, đến khi tỉnh ngộ thì các đối tượng lừa đảo đã biến mất.

Theo lời khai của các đối tượng trong nhóm của Cảnh, với thủ đoạn này, bọn chúng đã lừa trót lọt ở 2 ngôi chùa khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Đề nghị ai còn là bị hại của các đối tượng này, liên hệ với Công an huyện Mỹ Hào để phối hợp giải quyết.

T. Hòa- X.Mai
.
.
.