Mặc cảm đến bao giờ?

Thứ Tư, 04/05/2016, 14:35
Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn thấy mất tự tin chưa? Tôi tin là không chỉ tôi mà nhiều người khác sẽ chung câu trả lời là có, không chỉ một mà nhiều lần.


Gặp mặt các bạn học phổ thông hay đại học, hẳn bạn sẽ mặc cảm khi thấy trong số các bạn đến họp lớp, có người trước đây học làng nhàng, thi đại học điểm không cao, gia đình chẳng mấy khá giả gì… nhưng giờ họ đã giữ một cương vị quan trọng, đi xe ô-tô mấy tỷ đến; Một người trẻ trong cơ quan mời bạn đến tân gia, bạn choáng váng khi đứng trước một "dinh thự" mà giá trị ngôi nhà bạn đang sống chẳng đáng gì so với khối tài sản đồ sộ đó; Bạn được mời tham dự một sự kiện văn hóa, quanh bạn là rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, hẳn bạn sẽ thấy "lạc lõng" trước những nhân vật hàng ngày vẫn xuất hiện trên mạng bởi họ không chỉ đẹp, sang trọng mà còn hoạt ngôn, được nhiều người ngưỡng mộ…

Minh họa của Lê Tâm.

…Một chiều đông cuối năm, khi tôi mỏi chân và ngồi nghỉ trên chiếc ghế băng ở ga tàu điện ngầm Seoul trước khi trở về khách sạn, đập vào mắt tôi là hình ảnh dòng người hối hả nhưng rất trật tự đi vào các khoang tàu bởi tàu chỉ dừng ở mỗi ga 1, 2 phút. Phần đông trong số họ là thanh niên với vóc dáng cao lớn như người châu Âu, nhanh nhẹn, năng động với những bước chân dứt khoát. 

Ở họ toát lên sự mạnh mẽ và tự tin của tuổi trẻ. Không chỉ ở ga tàu điện ngầm, tôi bắt gặp những hình ảnh tương tự ở tất cả những nơi tôi đặt chân tới. Các bạn có biết vào thời khắc đó, tôi mất tự tin ghê gớm về điều gì không? Đó chính là thể trạng "thấp bé nhẹ cân" của người Việt Nam.

Thật buồn biết mấy khi mình chỉ đứng tới vai họ. Nói chuyện với họ cứ phải ngước mắt lên hay nếu phải thả bộ đến một địa điểm nào đó, người cao đi một bước thì người thấp phải đi gần như chạy. Nói chung, nếu so sánh mọi phương diện thì ưu điểm vượt trội luôn nghiêng về phía người cao. 

Tôi có đọc một tài liệu nghiên cứu cho thấy, một trong những khát khao lớn nhất của người Anh là có chiều cao theo ý muốn vì họ tin rằng, người cao lớn dễ thành đạt hơn, nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn và các ông chủ dành nhiều thiện cảm ơn.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng "bất mãn với chiều cao, tự hào về trọng lượng" của người Việt, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là yếu tố di truyền. Bố mẹ thấp lùn thì làm sao các con chân dài được? Nguyên nhân nữa có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Dinh dưỡng không đủ hay nhiều quá đều phản khoa học và mang lại hậu quả xấu. Thích nhậu nhẹt, lười vận động cũng không mang lại một kết quả tốt đẹp nào.

Một công trình khoa học mới đây đã kết luận, trẻ em Việt Nam thấp còi nằm trong tốp 20 thế giới. Còn vị Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam khẳng định như đinh đóng cột về một đề tài khoa học mà Hội đã nghiên cứu, rằng cứ 4 trẻ em Việt Nam thì có 1 trẻ thấp còi, nhìn rộng ra là trung bình có 25% trẻ em thấp còi do thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất sau này.

"Đồng hành" với thấp còi là tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ. Con số này cũng khá lớn. Nhiều gia đình có điều kiện không quan tâm tới hoạt động thể chất cho trẻ mà vào bữa ăn là nhồi con như nhồi vịt. Trên mạng đang lan truyền câu chuyện về một bà mẹ trẻ mỗi bữa ăn nhồi cho con một bát cơm với một bát thịt. 

Tiếp đến là các loại hoa quả và bánh kẹo khiến mỗi bữa ăn kéo dài hơn một tiếng. Ăn xong, trẻ lết đến ti-vi hoặc chơi game. Tất nhiên cậu bé này không chỉ béo phì mà còn dẫn đến một hậu quả "đặc biệt" nữa, đó là mới 10 tuổi đã dậy thì và "có ham muốn quan hệ" với bạn khác giới trong lớp.

Khắc phục tình trạng thấp còi hay béo phì ở trẻ không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà là việc hệ trọng, là tầm vóc của một quốc gia. Tất nhiên, những giải pháp của tình trạng này đều có trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế nhưng thiết nghĩ nó phải được thực hiện ngay từ trong mỗi gia đình. Với tôi, một người cao lớn, khỏe mạnh, năng động chắc chắn khả năng miễn dịch sẽ tốt, ít mắc bệnh và có một lối sống lành mạnh. Đó chính là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội văn minh và phồn vinh.

Tuấn Nguyễn
.
.
.