Lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn mang tâm thế 'Vì nước quên thân, vì dân phục vụ'

Thứ Bảy, 18/07/2015, 08:00
"Giữa thời bình, tiếng súng đã nhiều lần vang lên, máu đã đổ xuống, nhiều chiến sỹ Công an đã hy sinh hay mất một phần máu thịt; nhưng họ không lùi bước, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân hay Công an nhân dân luôn mang trong mình một tâm thế "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", chấp nhận hy sinh xương máu vì cuộc sống bình yên của nhân dân" - Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã rất xúc động khi nói về vai trò cũng như sự hy sinh của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP).

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND, phóng viên Cảnh sát toàn cầu đã có bài phỏng vấn đồng chí Thứ trưởng về vấn đề này.

Phóng viên: Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng CSND. Xin đồng chí Thứ trưởng đánh giá về đóng góp to lớn của lực lượng CSND trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn TTATXH chặng đường hơn nửa thế kỷ qua?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Có thể khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng CSND luôn thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; xung kích trên mặt trận đấu tranh PCTP, giữ gìn TTATXH, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung, Cảnh sát xung phong, Công an trật tự nói riêng đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo vệ hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam; đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế, phát hiện, bắt hàng trăm vụ buôn lậu, đầu cơ tích trữ, khám phá nhiều vụ án lớn.

Lực lượng Trị an hành chính, tiền thân là Cảnh sát xung phong, Công an trật tự đã sát cánh với các lực lượng của CAND và QĐND bảo vệ vững chắc trật tự trị an ở vùng căn cứ, vùng tự do, chiến đấu tiêu diệt địch, phá tề, bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Nhiều đồng chí lập công xuất sắc, như: đồng chí Trần Văn Châu (Nam Định), đồng chí Trần Văn Ngọ (Hải Phòng), đồng chí Võ Thị Sáu, đội viên Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa...

Trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, lực lượng Cảnh sát luôn sát cánh cùng lực lượng An ninh, Quân đội đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Nguỵ, các đối tượng phản động. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm; bảo vệ an toàn các tuyến đường hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam; kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ miền Bắc XHCN.

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Công an đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lên đường chi viện cho An ninh miền Nam, trong đó lực lượng CSND có 2.751 cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với lực lượng tại chỗ chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời tiến hành công tác tiếp quản, thực hiện công tác quản lý hành chính, đấu tranh PCTP, bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng CSND đã hoàn thành công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân cho đồng bào miền Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truy quét bọn lưu manh, du đãng, gái điếm, xì ke, cờ bạc, đã triệt phá trên 450 băng nhóm trộm cướp chuyên nghiệp, điển hình như: băng cướp giết người đốt xác phi tang do Bùi Văn Đắc cầm đầu; băng cướp nguy hiểm do tên Võ Tùng Hội cầm đầu; vụ giết người, hiếp dâm, cướp tài sản ở số 7 Phạm Đình Hổ - Hà Nội; vụ giết nghệ sĩ Thanh Nga ở thành phố Hồ Chí Minh... Những kết quả đạt được trên đã góp phần làm giảm tội phạm, trật tự xã hội từng bước ổn định, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào chế độ xã hội mới.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSND đã đổi mới toàn diện các mặt công tác; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả "Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm", "Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý"; triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTP, liên tục triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và theo các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt là việc tấn công mạnh vào tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm ma tuý, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm mới có yếu tố nước ngoài và đấu tranh quyết liệt với tội phạm kinh tế, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại....

Điển hình là triệt phá băng cướp "Bạch Hải Đường" ở Quảng Ninh; Nguyễn Văn Hiền (Hiền bạc) ở Thanh Hoá;  Nguyễn Hữu Thành (tức Phước 8 ngón) ở TP Hồ Chí Minh; Phạm Văn Nên (tức Cu Nên) ở Hải Phòng, Dương Văn Khánh (tức Khánh trắng) ở Hà Nội; Nguyễn Thị Phúc (Phúc bồ) ở Hà Nội và tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu ở TP Hồ Chí Minh... Về tội phạm ma túy có vụ Xiêng Nhông - Xiêng Phênh - quốc tịch Lào, vụ Nguyễn Văn Phụ, tức Hà Tí Tồ ở Hà Nội, vụ Tráng A Tàng ở Sơn La...

Trong đấu tranh PCTP về kinh tế, đã chỉ đạo điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn về tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động có tổ chức với quy mô lớn, như: vụ nước hoa Thanh Hương; vụ EPCO Minh Phụng ở TP Hồ Chí Minh; vụ Tân Trường Sanh; vụ Lã Thị Kim Oanh ở Hà Nội; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên...

Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, đấu tranh PCTP, từ năm 1991, lực lượng CSND Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol); năm 1995, CSND Việt Nam gia nhập Aseanapol và mở rộng quan hệ, hợp tác đấu tranh PCTP với các nước láng giềng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTP của Việt Nam.

Quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CSND vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Sao Vàng (ngày 30-9-2003), 9 Huân chương Hồ Chí Minh, 145 tập thể và 102 cán bộ, chiến sĩ CSND được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hàng nghìn tập thể, cán bộ, chiến sĩ CSND được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; hàng vạn lượt tập thể và cán bộ, chiến sĩ CSND được tặng Huy chương các loại và Bằng khen Chính phủ. Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962-20/7/1992), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng lực lượng CSND bức trướng mang dòng chữ "Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ".

Phóng viên: Thưa đồng chí Thứ trưởng, trong cuộc đấu tranh PCTP, để có được những thành tích, chiến công kể trên, lực lượng CSND đã phải nỗ lực phấn đấu, hy sinh. Và ngay ở thời bình, vẫn nhiều CBCS hy sinh hay mất một phần máu thịt của mình vì bình yên cuộc sống. Đồng chí Thứ trưởng có thể chia sẻ về sự hy sinh ấy và sự tri ân của lực lượng đối với họ?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Như chúng ta đã biết, trên lĩnh vực PCTP, nhiều đối tượng tội phạm hình sự là những kẻ nguy hiểm, rất manh động, côn đồ, hung hãn, tội phạm do họ gây ra ở mức án có thể "chung thân, tử hình" nên khi bị phát hiện truy bắt sẽ cực kỳ liều lĩnh, nhất là số có tiền án, các băng, nhóm có vũ khí quân dụng thì những cuộc truy bắt các đối tượng này khốc liệt như một chiến trường nhỏ thực sự.

Giữa thời bình, tiếng súng đã nhiều lần vang lên, máu đã đổ xuống, nhiều chiến sỹ Công an đã hy sinh hay mất một phần máu thịt; nhưng họ không lùi bước, chiến sỹ CSND hay CAND luôn mang trong mình một tâm thế "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", chấp nhận hy sinh xương máu vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Sự ra đi của các Anh để lại những mất mát không bao giờ nguôi cho người thân, cho đồng chí, đồng đội.

Tuy đau đớn, tiếc thương nhưng thẳm sâu trong trái tim là niềm trân trọng, tự hào, vì sự hy sinh ấy là cho cuộc sống xanh tươi, trường tồn. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", Câu thơ, bài hát ấy ngẫm ra rất đúng với cuộc sống và nghề nghiệp trong mỗi xã hội, mà những chiến sỹ Công an, những người ngày đêm âm thầm hy sinh vì bình yên của cuộc sống là minh chứng sống động. Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay trong lực lượng CAND đã có 245 đồng chí hy sinh được công nhận liệt sỹ và hàng ngàn đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân (trong đó phần lớn là công tác ở lực lượng Cảnh sát), nhiều đồng chí còn trẻ lắm.

Chúng ta tự hào và mãi mãi biết ơn sự hy sinh của các Anh, Bộ Công an đã phát động trong toàn lực lượng phong trào học tập và làm theo tấm gương chiến đấu dũng cảm và ý chí tiến công tội phạm của các Anh. Đồng thời, để thể hiện lòng biết ơn đó, CBCS CAND đã có nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa với người có công với cách mạng nói chung, người có công trong lực lượng CAND nói riêng. Bộ Công an đã thành lập Quỹ Nghĩa tình đồng đội CAND để kịp thời thăm hỏi các trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; hoặc trợ cấp cho các cháu là con liệt sỹ, thương binh nặng, con CBCS CAND có hoàn cảnh đặc biệt... Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện học tập, ưu tiên tuyển dụng các trường hợp là con liệt sỹ, con thương binh vào công tác trong CAND, để các em tiếp bước con đường cha anh đấu tranh với cái ác… Suốt một chiều dài lịch sử, đất nước ta, dân tộc ta luôn tri ân các Anh - những người mãi mãi tuổi 20.

Phóng viên: Trong giai đoạn tiếp theo, cuộc đấu tranh PCTP chắc chắn còn nhiều cam go, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia PCTP, xin đồng chí Thứ trưởng cho biết, lực lượng CSND phải làm những gì?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, từ năm 1998 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 về Tăng cường công tác PCTP trong tình hình mới và Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia PCTP. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 6/9/2012 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia PCTP giai đoạn 2012 - 2015. Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc và mang tính xã hội hóa cao trên cả 2 nội dung phòng và chống tội phạm, trong đó lấy phòng ngừa là chính.

Nội dung Nghị quyết số 09/CP và Chương trình gồm nhiều vấn đề, nhưng tư tưởng chỉ đạo chính của Đảng, Nhà nước ta và cũng là vấn đề có tính nguyên tắc là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xã hội hóa công tác PCTP; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của nhà nước, tham gia của các ngành, các cấp, đoàn thể, lực lượng CAND là nòng cốt trong đấu tranh PCTP; gắn liền phòng ngừa với đấu tranh, trong đó phòng ngừa, đặc biệt phòng ngừa xã hội là cơ bản, chiến lược; đấu tranh trấn áp tội phạm là trọng tâm, thường xuyên.

Bộ Công an được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình; trong đó lực lượng CSND là một trong những lực lượng chuyên trách, có vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện, là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với bộ phận chức năng thuộc các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong triển khai thực hiện các chương trình hành động và là đầu mối trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về PCTP. Lực lượng CSND có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như:

(1) Làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ Công an kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, UBND các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình quốc gia PCTP tới cấp cơ sở.

(2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động toàn dân tham gia PCTP, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong cộng đồng dân cư.

(3) Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm... tổng truy bắt các đối tượng truy nã; kịp thời điều tra, xử lý tội phạm; thi hành án hình sự, quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, đối tượng nghiện ma túy. Nâng cao chất lượng hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính nhà nước về ANTT, nhất là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý đặc doanh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ...

(4) Triển khai hiệu quả các Đề án trong Chương trình, lấy đó làm điểm đột phá, tạo chuyển biến trong công tác đấu tranh PCTP. (5) Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về PCTP.

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đó, công tác xây dựng lực lượng CSND phải như thế nào để vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực và nghiệp vụ công tác, sẵn sàng là "cú đấm thép" tấn công các loại tội phạm, thưa đồng chí Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có những con người có trình độ, khả năng đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng Công an nói chung và lực lượng CSND nói riêng trong thời thời gian tới là rất nặng nề, phức tạp và gian khó. Những loại tội phạm mới phát sinh, âm mưu, thủ đoạn ngày càng nguy hiểm, xảo quyệt, thậm chí trình độ, "tay nghề" của tội phạm cũng sẽ tinh vi hơn. Vì vậy, xây dựng lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSND nói riêng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới là hết sức cần thiết. Để xây dựng lực lượng CSND vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các mặt công tác của lực lượng CSND nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chiến đấu trong tình hình mới; phối kết hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng và lãnh đạo Công an các cấp trong công tác xây dựng lực lượng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, đồng thời cũng là đòi hỏi của công tác bảo đảm TTATXH trong tình hình mới.

Hai là, rà soát, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ lực lượng CSND từ Trung ương đến địa phương cho phù hợp với nhiệm vụ đấu tranh PCTP và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Điều chỉnh những bộ phận, đơn vị theo quyết định của Bộ trưởng; bảo đảm số lượng và chất lượng cán bộ; chú trọng công tác luân chuyển cán bộ; tiếp tục phân công, phân cấp công tác nghiệp vụ, công tác điều tra theo hướng tạo điều kiện cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu và Công an cấp cơ sở chủ động quản lý và điều hành các hoạt động chuyên môn, nhất là tuân thủ và chấp hành nghiêm pháp luật trong các hoạt động của công tác Công an.

Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống. CAND phải luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và nhân dân. Đây là phẩm chất cơ bản, trên hết của người CSND, đó là lý tưởng sống của mỗi con người Công an để có được ý thức trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao, không chùn bước, sẵn sàng đối mặt và chấp nhận rủi ro trước nguy hiểm. Vì vậy, cần tiếp tục triển khai sâu rộng các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" và phong trào "Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND", "Xây dựng văn hoá ứng xử trong CSND"... thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng CSND đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, quản lý xã hội và phẩm chất đạo đức, trong đó phải thấm nhuần quan điểm quần chúng để thật sự tôn trọng những quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và công dân, luôn lấy lợi ích phục vụ nhân dân lên trên hết, tận tâm, tận lực, thận trọng trong công việc, tránh xảy ra những sai lầm dù là rất nhỏ. Đặc biệt, phải luôn thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy CAND, tuân thủ những nguyên tắc, quy định của pháp luật cũng như những quy định của Ngành, "thận trọng, khách quan" hoặc "kiên quyết, khôn khéo", để luôn đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ trong công việc được giao.

Năm là, cải tiến công tác lãnh đạo, chỉ huy theo hướng sâu sát, cụ thể, thường xuyên, kịp thời. Đổi mới tư duy nghiệp vụ và các biện pháp công tác của lực lượng CSND; tăng cường công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh về an ninh trật tự. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tạo điều kiện để nhân dân tích cực cung cấp thông tin về tội phạm, giám sát và tham gia ý kiến xây dựng lực lượng CAND và hoạt động của CSND.

Sáu là, triển khai có hiệu quả các dự án trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng CSND. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả các biện pháp công tác của lực lượng CSND. Từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác và chiến đấu cho từng lực lượng. Đồng thời, chú ý mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có công tác đào tạo, huấn luyện, tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ hiện đại của các đồng nghiệp quốc tế, góp phần xây dựng lực lượng CSND Việt Nam tiến kịp trình độ cảnh sát các nước tiên tiến trên thế giới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Thu Hòa - Đinh Hiền (thực hiện) - Số đặc biệt
.
.
.