Luật An ninh mạng: “Tấm khiên” pháp lý cần thiết

Thứ Tư, 20/06/2018, 16:18
Những hoạt động trên không gian mạng đã và đang trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Việc có một bộ Luật An ninh mạng là tất yếu và vô cùng cần thiết trước xu thế của thế giới và thực tế nước ta.


Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển mạng xã hội, internet nhanh nhất thế giới hiện nay. Cụ thể, nước ta có tới hơn 48 triệu tài khoản Facebook, gần 50 triệu thuê bao internet. 

Những hoạt động trên không gian mạng đã và đang trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Việc có một bộ Luật An ninh mạng là tất yếu và vô cùng cần thiết trước xu thế của thế giới và thực tế nước ta.

Luật An ninh mạng là tất yếu và cần thiết

Thực tế đã chứng minh, thời gian vừa qua đã có rất nhiều đối tượng triệt để sử dụng Facebook, Blog, mạng xã hội đăng bài, đưa hình ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ. Mục đích chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng này đều khai nhận được sự hậu thuẫn của các thế lực phản động bên ngoài. Chính vì thế, cần thiết phải có khung pháp lý vững chắc nếu như không muốn môi trường ấy trở nên không thể kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng, ảnh hưởng tới vật chất, tinh thần và xa hơn nữa là an ninh quốc gia và an toàn xã hội.

Trước tình hình đó, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành lên tới 86,86% (423/466 đại biểu). Luật An ninh mạng với nội dung đáng chú ý về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng và buộc Google, Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. 

Ngay sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, đã có rất nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có không ít ý kiến phải đối. Nhiều người cho rằng, Luật An ninh mạng sẽ làm cản trở những cam kết quốc tế. 

Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, chống phá Luật An ninh mạng hòng hướng lái dư luận theo hướng bất lợi, với các luận điệu như “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Thực tế, đến nay Luật An ninh mạng không còn mới mẻ với những nước phát triển trên thế giới. Để đảm bảo tự do thông tin, đồng thời chống tấn công mạng, các nước trên thế giới đặc biệt trú trọng xây dựng “lá chắn” để đối phó với những rủi ro, trong đó là hệ thống pháp luật chặt chẽ. 

Nó gần như trở thành một làn sóng về xây dựng pháp luật cũng như thành lập các cơ quan điều chỉnh hoặc giám sát an ninh mạng, được triển khai tại nhiều châu lục, nhằm bảo vệ cơ sở dữ liệu quan trọng.

Ví dụ như nước Mỹ, họ có một hệ thống bảo mật an toàn và lâu đời nhất thế giới. Ngày 27-10-2015, với 74 phiếu thuận và 21 phiếu chống, Thượng viện Mỹ, thông qua dự Luật Chia sẻ Thông tin An ninh mạng (CISA) nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ vững chắc không gian mạng, bất chấp phản đối của đại gia công nghệ và nhà hoạt động bảo mật. 

Ở Mỹ, các hành vi coi là phạm pháp được ghi rất rõ trong Bộ Pháp điển Mỹ như trộm cắp danh tính, xâm nhập vào hệ thống máy tính, vi phạm sở hữu trí tuệ… 

Gần đây họ còn tiếp tục đạo luật với một số quy định mới về an ninh mạng, cùng với đó sửa đổi các quy định cũ đảm bảo cho vấn đề an ninh mạng được an toàn và chặt chẽ hơn, như: Đạo luật Tăng cường an ninh mạng; Đạo luật Thông báo vi phạm dữ liệu trao đổi liên mạng; Đạo luật Tăng cường bảo vệ an ninh mạng quốc gia sửa đổi.

Còn ở nước Đức, vào tháng 7 - 2015, Quốc hội nước này đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. 

Luật này yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu và được  Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Các công ty cũng phải thông báo cho Văn phòng về các vụ tấn công mạng bị nghi ngờ trên hệ thống của họ. 

Luật này có liên quan đến các lĩnh vực được coi là "cơ sở hạ tầng quan trọng" quốc gia, chẳng hạn như giao thông vận tải, y tế, nước, nhà cung cấp viễn thông, cũng như các công ty tài chính và bảo hiểm.

Còn ở Thái Lan, họ đã xây dựng các bộ luật kiểm duyệt mạng vô cùng khắt khe. Ngày 16-12-2016, với 167 phiếu ủng hộ và 5 phiếu trắng, Quốc hội Thái Lan đã nhất trí thông qua Luật Tội phạm máy tính. Luật 

Tội phạm máy tính quy định mức phạt tới 5 năm tù đối với những người đăng tải những thông tin sai lên hệ thống máy tính nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sự ổn định kinh tế quốc dân hay hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang. 

Và một trong những điều khoản bổ sung đặc biệt trong luật này là việc thành lập một ủy ban gồm 5 thành viên có thể tìm sự phê chuẩn của tòa án để dỡ bỏ các nội dung được đăng trên mạng bị cho là vi phạm "đạo đức công khai". 

Chính quyền quân sự Thái Lan đã cấm tổ chức các cuộc biểu tình, chặn hàng chục trang web và sử dụng các bộ luật kiểm duyệt mạng vốn đã khắt khe để truy tố những người chỉ trích mọi thứ từ những bình luận trên Facebook. 

Chính phủ Thái Lan còn lên kế hoạch chi hơn 128 triệu Baht (tương đương 3 triệu USD) để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội. Theo đó, hệ thống phân tích dữ liệu mạng xã hội sẽ theo dõi và lưu trữ tất cả dữ liệu trên mạng xã hội để phân tích và giám sát. Luật Tội phạm máy tính Thái Lan quy định mức phạt tới 5 năm tù đối với những người đăng tải những thông tin sai lên hệ thống máy tính.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoá (22 tuổi, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhận 7 năm tù vì có hành vi quay phim, chụp ảnh và phát tán tài liệu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cần triển khai sớm hơn

Từ thực tế trên thế giới và tình hình trong nước hiện nay, nhiều người cho rằng, nước ta cần phải thông qua dự thảo Luật An ninh mạng sớm hơn. Chúng ta không còn xa lạ gì với những hình ảnh phản cảm tràn lan trên trang mạng xã hội. 

Rất nhiều người lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, làm nhục, hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người khác. Điển hình nhất gần đây, một phụ nữ tại Thanh Hóa được cho là bị đánh ghen được đưa lên mạng xã hội. Người phụ nữ này bị một nhóm phụ nữ khác dùng dao lam cắt sạch quần áo, đổ nước mắm lên người giữa ngã tư đường. 

Chưa cần xét đến bản chất của sự việc ra sao, đây rõ ràng là một hành vi hạ nhục người khác. Mới đây cô gái bị hạ nhục giữa đường đã có đơn lên cơ quan Công an đề nghị khởi tố.

Sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức người khác là hành vi cần bị lên án. Thế nhưng, mạng xã hội lại là một môi trường vô cùng “lý tưởng” cho các thế lực thù địch, phản động sử dụng để bôi nhọ, nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước. Hàng loạt những vụ biểu tình đã xảy ra ở Bình Thuận, một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam. 

Các chuyên gia cho rằng, việc bị kích động trên mạng xã hội là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người dân xuống đường tham gia biểu tình. 

Một ví dụ điển hình, một tài khoản có tên “minh minh” đã sử dụng hình ảnh người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U23 tại vòng Chung kết U23 Châu Á (2018), cho rằng đó là những hình ảnh cả nước đổ ra đường biểu tình phản đối “Luật Đặc khu”. 

Bên cạnh đó chúng còn chỉnh sửa một số hình ảnh khác khiến bản chất sự việc bị sai lệch. Điều đặc biệt, trạng thái này đã có tới hàng chục nghìn lượt chia sẻ, những bình luận bất mãn, chống phá lên tới cả triệu lượt. 

Nhiều kẻ đã sử dụng hình ảnh người dân ăn mừng chiến tích của U23 Việt Nam thành hình ảnh người dân xuống đường biểu tình phản đối “Dự thảo luật đặc khu”.

Mới đây, đối tượng Nguyễn Danh Dũng (29 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa), là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn TV” đăng tải video có tiêu đề xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phát tán trên mạng internet. 

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Danh Dũng khai nhận đã tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV, Facebook “ThienAn”, “quachthienan”, Blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com”. 

Đối tượng này đã dựng video; lời bình bài viết được thu thập trừ trang mạng phản động hoặc sử dụng các video clip được thu thập từ các trang mạng xã hội rồi biên tập nội dung, chèn logo ThienAn TV, thêm hình đại diện, điều chỉnh giọng điệu, thay đổi các tiêu đề có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Đối tượng này đã lợi dụng các sự kiện lớn như ô nhiễm môi trường ở miền Trung, vụ Trịnh Xuân Thanh trốn sang nước ngoài… để xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước… 

Cụ thể, có một đoàn xe đám cưới của một địa phương khác, đối tượng này đã dùng để gán vào tin bài đám cưới của con trai một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mặc dù đám cưới này chưa tổ chức. 

Nguy hiểm hơn, những hình ảnh này đã gây được sự chú ý, thu hút rất nhiều người xem. Ban đầu điều tra xác định, đối tượng Dũng đã đăng tải hơn 700 video, mỗi clip thu hút cả triệu lượt xem.

Nói về vấn đề này, cử tri Phạm Quang Hồng, 60 tuổi (Hà Nội) ủng hộ việc ra đời Luật An ninh mạng. Theo ông, hiện nay các đối tượng chống phá liên tục lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân và các đối tượng manh động trong nước. 

“Nói đúng ra, trình độ an ninh mạng của chúng ta còn yếu. Như vừa rồi hai đối tượng ở Bình Dương nói là do bọn nước ngoài chỉ đạo qua mạng. Chúng tôi thấy chúng ta phải đối phó, ngăn chặn chứ cứ chạy theo thì không hiệu quả. Cho nên đề nghị cơ quan soạn thảo và những cơ quan thi hành pháp luật an ninh mạng phải nâng cao trình độ học hỏi. Đề nghị lực lượng Công an làm rốt ráo chứ không để tình trạng như thế xảy ra”.

Phong Anh
.
.
.