Lớp học tình thương của bà giáo già
Người mẹ của những "đứa trẻ đặc biệt"
Nhiều năm qua, người dân phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một bà giáo hàng ngày đi xe ôm đến Nhà văn hóa khu dân cư số 2 để dạy một lớp học đặc biệt có tên "Lớp học linh hoạt" với học sinh là những đứa trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.
Lớp học của bà giáo Côi năm nay có 24 học sinh, học sinh bé nhất là 7 tuổi và học sinh lớn nhất đã 35 tuổi. Đây đều là những học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn trong quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Trong suốt 3 giờ lên lớp, cô giáo Côi cứ luôn chân luôn tay, lúc thì cầm tay bạn học sinh mới nắn nót viết từng chữ o, chữ a, lúc thì cùng bạn lớn hơn cộng nhẩm, làm toán, rồi có khi lại vội vã dỗ dành một bạn đang khóc mếu máo đòi về nhà…
Các em học sinh ở lớp học linh hoạt sẽ được học một chương trình riêng tùy theo trình độ của mỗi bạn. Vì vậy, lớp được chia thành từng tốp: lớp 1, lớp 2, 3, 4… Cũng có khi thì các bạn lớp trên sẽ kèm các bạn lớp dưới nếu đủ khả năng. Sau khi tốt nghiệp lớp học, nhiều học sinh có lực học tốt sẽ được bà Côi giới thiệu đi học các lớp học có trình độ cao hơn tại trung tâm giáo dục thương xuyên hoặc đi học nghề.
Bà giáo Nguyễn Thị Côi đang chuẩn bị bài giảng để chuẩn bị lên lớp dạy những học trò đặc biệt trong lớp học tình thương của mình. |
Bà Côi khoe với chúng tôi: “Trong số những trẻ đã từng theo học có những trẻ chậm nắm bắt biết chữ, nhưng dần dần đã biết đánh vần biết hát 7 bài hát khác nhau và tất cả đều nhận thức được hành vi, phép tắc giao tiếp cơ bản như: chào, tạm biệt, xin lỗi, yêu thương…
Tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được như vậy đã là một kì tích đối với chính cuộc đời của các con. Bởi thời gian để các con có thể thuộc bài, định hình hành vi có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm liền. Có những trẻ đi học 5 năm mới chỉ bập bẹ đánh vần hết bảng chữ cái và may mắn cũng có nhiều trẻ lớn lên đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình”.
Ngoài học chữ, học sinh của bà giáo Côi còn được học về kĩ năng sống, về các ứng xử với mọi người xung quanh. Học sinh nam được bà dạy cho cách sửa sang các đồ dùng trong nhà, hay cách nấu cơm, cách đi chợ... Còn học sinh nữ, những bài học đối với những học sinh khuyết tật đơn giản chỉ là cách vệ sinh thân thể, kèm những bài học về giới tính. Bà Côi luôn nhắc các con rằng hãy trải rộng lòng để đón nhận cuộc sống, phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn.
"Tiếng lành" về người nữ giáo viên có tấm lòng thương yêu trẻ như con ngày càng đồn xa, người dân trong vùng có con bị khuyết tật tìm đến, đưa con theo học ngày càng đông. Nhưng cũng vì các con đến đông mà lớp học trở nên chật chội.
Bà Côi đang rèn từng nét chữ cho học trò. |
Bà giáo Côi nhớ lại: “Có những ngày trái gió trở trời, nhiều con bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Thương các con, tôi chỉ biết ôm chặt trong lòng, mặc sức cho cắn vào tay mình để các con không tự cắn vào lưỡi rất nguy hiểm. Cứ thế cô khóc, trò gào… đến khi chúng dịu cơn bệnh mới thôi; cảnh tượng lúc ấy nếu ai không quen sẽ kinh sợ lắm”.
Hầu hết học sinh trong lớp học linh hoạt của bà giáo Côi đều thích đi học và đi học rất đều vì các con coi đi học là một niềm vui lớn. Đến đây không chỉ được học chữ mà còn được thụ hưởng những tình thương yêu của bà giáo, của những bạn bè cùng cảnh ngộ.
“Dạy một đứa trẻ phát triển bình thường đã khó, dạy những bạn khiếm khuyết thì càng khó hơn. Với những bạn phát triển bình thường, cô có thể dạy một bài một buổi. Nhưng những bạn kém may mắn hơn, có khi dạy vài tháng mới được một bài. Vất vả hơn thật đấy nhưng vì tình thương, coi các con như con ruột của mình nên khó mấy tôi cũng kiên trì làm. Đến lớp, các con được múa hát, giao lưu với bạn bè. Có bạn nhận thức không được bình thường nhưng sau hai tháng học cũng đã thuộc hết bảng chữ cái. Ban đầu, chính cha mẹ các em còn không tin tôi.
Họ nói: “Ở nhà chỉ trông một mình cháu vợ chồng tôi còn khó khăn. Đến đây một mình cô dạy dỗ mấy chục cháu thì sức nào chịu nổi?”. Tôi thưa rằng, dạy các con, điều quan trọng nhất là kiên trì, nhẫn nại ” – cô giáo Côi chia sẻ.
Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, nơi đặt lớp học tình thương của bà giáo Côi. |
Sống không chỉ cho riêng mình
“Nhiều người lắc đầu, thở dài khi gặp những đứa con “đặc biệt” của tôi. Họ lắc đầu, họ thở dài vì không hiểu sao tôi có thể kiên nhẫn với những đứa trẻ đó – những “đứa trẻ” to cao hơn cả cô giáo mà vẫn nói ú ớ, ngô nghê. Đứa nhỏ hơn thì nghịch ngợm, phá phách, “sở thích đặc biệt” là cắn và tát cô giáo đến đau điếng người…
Họ cho rằng, những đứa trẻ ấy là “dị biệt” còn với tôi chúng là những đứa trẻ “đặc biệt”. Họ có thể nhìn các con bằng ánh mắt thương hại, còn tôi thì đến với các con bằng tình thương, sự cảm thông và niềm tin mạnh mẽ…” – bà giáo Nguyễn Thị Côi nghẹn ngào nhắc về những học trò trong lớp học tình thương của mình.
Ngày trước, bà giáo Côi từng là Hiệu Trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, và cũng là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 1994, bà đã tham gia các dự án giáo dục dành cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật. Lớp học của bà Côi cũng đã từng nhiều lần chuyển địa điểm, từ ngõ Giếng Mứt phố Bạch Mai, đến ngõ Hoàng Mai rồi bây giờ là tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai (Số 20 ngõ 531 đường Trương Định, Hà Nội).
Bà Côi đang rèn từng nét chữ, phép tính cho từng học trò trong lớp học tình thương của mình. |
Cô giáo Côi tâm sự: “Trong suốt 25 năm qua, tôi mở lớp học tình thương miễn phí dành cho trẻ khuyết tật đều xuất phát từ tình thương yêu con trẻ, từ trái tim của một người mẹ, một nhà giáo. Tôi trăn trở hi vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay với để giúp đỡ trẻ em khuyết tật kém may mắn được vươn lên và được hòa nhập và sống bình đẳng”.
25 năm gắn bó với lớp học tình thương, có quá nhiều kỷ niệm khiến bà Nguyễn Thị Côi không thể nào quên. Bà Côi nhớ lại, có học sinh có khi đang học thì bệnh tình tái phát, đột nhiên ngất xỉu, động kinh, la hét. Những lúc đó, bà thành một bác sĩ, xem xét biểu hiện của bệnh rồi mua thuốc, xoa bóp, bấm huyệt cho các em tỉnh lại.
Nhiều em trước kia chưa đi học nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng khi được bà giáo giảng giải, chỉ bảo tận tình, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, bà đã cảm hóa các em thành người ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người khác. Bởi thời gian để các con có thể thuộc bài, định hình hành vi có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm liền. Có những trẻ đi học 5 năm mới chỉ bập bẹ đánh vần hết bảng chữ cái và may mắn cũng có nhiều trẻ lớn lên đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình.
Ánh mắt cô giáo Côi sáng bừng niềm tin: “Suốt 25 năm qua, lớp học chưa khi nào tắt tiếng cười nói; mỗi ngày lũ trẻ đều reo hò hồn nhiên, để mặc những điều thiệt thòi đang bủa vây ngoài cánh cửa chùa kia. Tôi không cho phép mình và các con nhụt chí, chỉ có như vậy xã hội mới công nhận và trao cho các con cơ hội về một tương lai không xa. Mai đây, các con sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích như bao người khác”.
Bà Giáo Nguyễn Thị Côi bên cạnh những học sinh khuyết tật trong lớp học tình thương của mình. |
Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp bà giáo Nguyễn Thị Côi vượt qua mọi gian nan và gắn bó cả cuộc đời với lớp học đặc biệt của mình.
"Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là sự tiến bộ của các con. Nhờ học chữ, nhiều con đã có cuộc sống tốt hơn, thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Nhờ lớp học này, các con đã biết đọc, biết viết, thậm chí có 2 học sinh từ không biết chữ đã học lên đến trình độ đại học. Đó là niềm vui không gì có thể so sánh được. Ta trao đi yêu thương, được nhận lại yêu thương. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người sao? " - bà Côi bộc bạch về lớp học tình thương của mình như thế.