Lớp học đặc biệt giữa Thủ đô

Thứ Hai, 14/12/2015, 18:00
Nằm trong con ngõ nhỏ của phố Trương Định, lớp học đặc biệt ấy từ lâu đã là điểm đến của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc cá biệt. Bà giáo năm nay đã ngoài 70 nhưng suốt 20 năm qua vẫn miệt mài đi khắp Thủ đô để gom nhặt những học sinh đặc biệt về dạy chữ, dạy cách làm người cho chúng. Dù trời nắng hay mưa nhưng chẳng lúc nào lớp học ấy ngớt tiếng cô trò ê a đọc chữ.

Ở vào cái tuổi xế chiều, lẽ ra được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu nhưng bà Nguyễn Thị Côi lại chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Hằng tuần, cứ từ 8 rưỡi đến 10 rưỡi sáng thứ 2 đến thứ 6, bà lại đều đặn lên lớp dạy học miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Lớp học "Hi vọng" của bà có 17 học sinh với đủ mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau. Học sinh nhỏ nhất lớp năm nay 8 tuổi và lớn nhất đã 33 tuổi. Có em nhà quá khó khăn, không có điều kiện đi học. Có em bị thiểu năng trí tuệ, có em lại là học sinh cá biệt, nhà trường trả về cho gia đình.

Nhớ lại thời kỳ mới nhận lớp, bà gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Năm 1976, lớp học miễn phí dành cho các trẻ em lang thang cơ nhỡ của các tỉnh về đây học sau khi đi đánh giầy, bán báo… được thành lập dưới sự hỗ trợ của tổ chức Plan, Dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, nhưng khi hết tài trợ thì lớp học cũng dần giải tán.

Năm 1995, khi bà Côi đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, các cán bộ trên quận, thành phố về trường vận động giáo viên tìm, tổ chức lại lớp học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không ai dám đứng ra nhận công việc khó khăn, vất vả này vì cơ sở vật chất không có, học sinh lại càng không nhiều. Lúc ấy, một mình bà tự nguyện đứng ra tổ chức lớp học và kiêm luôn việc dạy học cho các em.

Lớp học đặc biệt đủ mọi lứa tuổi.

Đó cũng là quãng thời gian vất vả nhất với bà. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh không có điều kiện cho con em đi học, cộng thêm với suy nghĩ, con mình bị khuyết tật thì học cũng chẳng để làm gì nên lớp học chẳng có mấy học sinh. Một mình bà Côi phải đi từng nhà vận động gia đình có con em bị khuyết tật đi học. Vì lớp học ở tận quận Hoàng Mai, nên nhiều em nhỏ ở xa không có điều kiện đến học, vậy là bà lại lặn lội đến những nơi khó khăn nhất để tổ chức lớp học ngay ở đó.

Không có trường lớp, bà dùng luôn phòng trọ của các em làm nơi giảng dạy. Mùa đông thì còn đỡ, chứ mùa hè phòng trọ nóng như cái "lò bát quái", mỗi lần học xong cô và trò mồ hôi nhễ nhại. Có lần bà ra tận Bãi Giữa, chân cầu Long Biên để tổ chức dạy học. Học sinh chủ yếu là con em làng chài, theo bố mẹ lênh đênh trên những con thuyền nhỏ kiếm sống qua ngày, không có điều kiện được vui chơi, học hành. Thương chúng thiệt thòi, bà lại xuống tận thuyền để vận động cha mẹ chúng cho con em đến lớp.

Thời gian mở lớp học ở khu xóm liều phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng có lẽ là kỉ niệm đáng nhớ nhất với bà. Đây được mệnh danh là điểm nóng ma túy khét tiếng của đất Hà Thành bao năm qua, trẻ con chủ yếu con em người nghiện, hoặc đi tù hoặc nhiễm HIV/AIDS.

Không được sự quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ, chúng sống kiểu bụi đời, sẵn sàng cầm gạch đá, dao, gậy đuổi đánh bất kì ai nếu động chạm đến chúng. Để cảm hoá được bọn trẻ đầu gấu, bà phải đến từng nhà tâm sự, dùng những lời lẽ, tình cảm, chân thành để thuyết phục, vận động chúng đến lớp. Khu xóm liều, chân cầu, Bãi Giữa, xóm nhà thuyền, chợ Bắc Quang… không nơi nào là không có bước chân bà tìm đến.

Dạy trẻ bình thường đã khó, với học sinh khuyết tật lại càng khó khăn bội phần, thế nhưng với tấm lòng nhân hậu, kiên trì, nhẫn nại, hết mực vì học sinh nghèo, bà giáo Nguyễn Thị Côi đã làm được những điều khiến mọi người cảm phục.

Các em khuyết tật thường tiếp thu chậm, học trước quên sau, khi học không tập trung suy nghĩ, để giúp các em thích học và tiếp thu tốt, bà xây dựng từng giáo án giảng dạy phù hợp với từng trình độ, khả năng nhận thức của các em. Những bài giảng đầu tiên thật quá gian nan. Có học trò bà phải dạy 3 tháng mới nhớ hết mặt chữ.

Bà giáo Nguyễn Thị Côi đang chấm bài cho các em nhỏ

Không chỉ dạy chữ, bà đặc biệt chú trọng dạy cách làm người cho các em. Nhiều học sinh khuyết tật ngày đầu đến lớp trong trạng thái cáu gắt, bất cần, khó dạy bảo, nhưng sau một thời gian thì tâm tính thay đổi hẳn, trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, biết nhường nhịn bạn bè.

Bà bảo, quan trọng với các em là phải yêu thương, coi các em như con cháu mình, luôn phải nhẹ nhàng, lắng nghe và thấu hiểu, bởi các em khuyết tật thường hay mặc cảm, tự ti về thân phận, nên chỉ cần không khéo một chút sẽ khiến các em khùng lên, sẵn sàng bỏ học. Còn nhớ, một lần có em học trò lấy trộm tiền của bà, bà biết nhưng không hề trách mắng vì quá hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình em mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích đâu là đúng đâu là sai để em học sinh tự rút được bài học cho bản thân.

Rồi có lần trong giờ học, một học sinh lẻn ra ngoài cậy cốp xe máy của bà để lấy trộm đồ. Nhiều lần như thế, bà quyết định bắt quả tang bằng được nhưng cũng không hề quát mắng nặng nề mà chỉ phân tích, khuyên bảo giúp em trở thành một người tử tế, không trộm cắp để mọi người coi rẻ. Có cả những lần các em ăn uống bên ngoài nợ tiền, bị người ta tới tận lớp học để đòi nợ, bà lại bỏ tiền túi mình ra trả hộ.

Hầu hết những em học sinh ở lớp học đặc biệt này bố mẹ đều là công nhân đi làm suốt ngày, không có điều kiện chăm sóc, dạy bảo con cái, nên mọi việc từ học hành, vui chơi cho đến bệnh tật của lũ trẻ, bà giáo già đều phải lo hết. Có em hoàn cảnh khó khăn, bà còn tự bỏ tiền túi ra để mua sách vở, bút mực, mùa đông lại đi xin quần áo, chăn màn ủ ấm cho các em. Thậm chí có trường hợp nhà quá nghèo, bà lại trích tiền lương của mình để mua xe đạp cho chúng đến lớp.

Mỗi em học sinh ở đây là một tính cách, một hoàn cảnh sống khác nhau, nên ngoài việc dạy chữ, bà còn là một bác sĩ chữa bệnh tâm lý cho các em. Rất nhiều em trong lớp học mắc các chứng bệnh như: Động kinh, thiểu năng, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin… Vì thế bên cạnh việc chuẩn bị giáo án giảng dạy riêng cho từng trường hợp, khi rảnh rỗi bà lại tìm đọc và nghiên cứu nhiều sách tâm lý, tìm hiểu các loại bệnh mùa hè, mùa đông, bệnh dễ mắc phải để nhắc nhở và có biện pháp chữa trị kịp thời cho các em.

Giờ ra chơi của các em học sinh đặc biệt.

Ðơn cử như em Phạm Duy Long bị bệnh về thần kinh nên rất nghịch, bố mẹ bất lực, đành gửi em đến lớp học của bà. Những ngày đầu đến lớp, trong giờ học, em nói suốt, không nghe lời cô giáo, nhưng sau một thời gian cảm hóa, Long đã thuần tính, ngoan ngoãn và lễ phép hơn, đã biết chơi đùa với bạn bè. Hay trường hợp của Trần Thanh Tùng cũng rất đáng thương. Tùng có bố đang đi tù, mẹ mất sớm nên phải ở với bà ngoại nên tính khí thất thường.

Khi cáu lên, Tùng sẵn sàng cầm gạch, đá ném vào người khác, thậm chí còn đánh cả cô giáo. Vận động Tùng đi học đã khó, nhưng để giúp Tùng vào khuôn khổ, tiếp thu được bài giảng còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Biết Tùng phải chịu nhiều tổn thương và đau khổ, hằng ngày bà lại sắp xếp thời gian đến nhà Tùng để trò chuyện. Những nơi Tùng hay lui tới, bà đều đến tận nơi để tìm gặp, động viên. Bà coi Tùng như con trai của mình, khi thì mua đồ ăn cho em, khi thì sắm cho bộ quần áo. Dần dần, sự quan tâm của bà đã giúp Tùng thay đổi. Em dần mất đi sự tự ti, mặc cảm, chịu khó đến trường hơn và rất ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo.

Lớp học "Hi vọng" thành phần chủ yếu là con em nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi đến với bà giáo Côi, các em đều quyết tâm học giỏi bởi chính sự động viên, khéo léo của bà giáo già. Như gia đình em Thủy có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mắc bệnh nan y, mẹ phải đi làm giúp việc kiếm tiền nuôi hai cha con. Để phụ giúp bố mẹ, ngoài giờ học em lại đi đưa cơm thuê. Dù gia đình vất vả nhưng em tự nhủ sẽ quyết tâm thi đỗ đại học để thực hiện giấc mơ được học hành và không phụ lòng kì vọng của bà giáo Côi.

Hơn 20 năm qua, bà giáo Côi vẫn âm thầm, lặng lẽ làm người chở đò tận tuỵ. Bà chẳng nhớ mình đã giúp được bao nhiêu trường hợp, nhưng với bà được giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tìm được niềm tin, ý nghĩa của cuộc sống mới là điều hạnh phúc nhất.

Ngọc Mai
.
.
.