Lòng nhân cảm hoá người lầm lỗi

Thứ Hai, 24/02/2020, 08:00
Là một trong những đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục phạm nhân phạm các tội về an ninh quốc gia, liên quan đến an ninh quốc gia và phạm nhân có mức án cao. Cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 5 luôn quán triệt nghiêm chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để phạm nhân có cơ hội làm lại cuộc đời.


"Hạ gục" lưu manh chuyên nghiệp

Trước đây, theo quy định của Bộ Công an thì Trại giam số 5 là một trong những trại loại 1, có nhiệm vụ quản lý các phạm nhân nguy hiểm, mức án cao. Hiện nay, mặc dù không còn quy định này nhưng ở Trại giam số 5 vẫn luôn có số lượng phạm nhân đặc biệt nguy hiểm, mức án cao khá đông. Cũng vì mức án cao, tái phạm nhiều lần nên số phạm nhân này thường chán nản, không yên tâm cải tạo. Vì vậy, giáo dục, cảm hoá những phạm nhân này luôn là việc không đơn giản đòi hỏi cán bộ quản giáo phải sâu sát.

Một trong những nữ phạm nhân thi hành án chung thân ở Trại giam số 5 là Hoàng Thị Yến (44 tuổi), ở Nghệ An phạm tội giết người, cướp tài sản. Ở Trại giam số 5, phạm nhân nữ bị kết án chung thân khá đông nhưng tội giết người, cướp của như Yến không nhiều, đa số là phạm các tội về ma tuý.

Cán bộ Trại giam số 5 hướng dẫn phạm nhân lao động tại xưởng may.

Do nạn nhân trong vụ án là người thân trong gia đình (chị dâu Yến), nhà lại xa xôi, kinh tế khó khăn nên mỗi năm, gia đình Yến mới đến thăm một lần nên phạm nhân này sống rất khép kín không muốn giao tiếp với ai. Biết hoàn cảnh Yến như vậy, các cán bộ thường xuyên gặp gỡ, động viên, đồng thời giúp đỡ phạm nhân này. Hiểu được tấm lòng của cán bộ quản giáo, Hoàng Thị Yến đã thường xuyên cải tạo khá, tốt. Nhờ đó, Yến được giảm án xuống 30 năm.

Một trong những phạm nhân "khó cải tạo" nhất là Mai Đức Vượng (tức "Tộ tích"), 36 tuổi, trú ở Gia Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng, một trong những đại ca có số ở đất Cảng. Vượng cầm đầu một nhóm đối tượng hình sự, chuyên cầm đồ, cho vay nặng lãi, bảo kê. Vượng chủ mưu, chỉ đạo và trực tiếp gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người.

Do có chứng nhận tâm thần nên dù phạm tội, Vượng không phải đi thi hành án mà được đi bắt buộc chữa bệnh. Điều trị bệnh tâm thần, nhưng hắn thường xuyên trốn ra ngoài, tụ tập đàn em ăn chơi và chỉ đạo các hoạt động phi pháp nên bị tiếp tục thi hành án.

Vào trại, bản tính giang hồ bất hảo của Vượng vẫn không thay đổi, thường xuyên vi phạm bị kỷ luật. Điển hình như năm 2014, khi còn giam ở Trại tạm giam của Công an Hải Phòng, Vượng đánh 1 phạm nhân khác bị thương nên bị kỷ luật 7 ngày. Năm 2015, thi hành án ở Trại giam Nam Hà, Vượng lại tiếp tục vi phạm, bị kỷ luật giam riêng 10 ngày.

Cũng vì không chịu cải tạo, nên xếp loại cải tạo của Vượng đa số ở mức kém. Vì vậy nên khi bị điều chuyển đến thi hành án tại Trại giam số 5, thời gian đầu, Vượng vẫn giữ thói đàn anh bất hảo nên thường xuyên vi phạm kỷ luật, mức xếp loại vẫn kém, thường xuyên bị giam riêng.

Để cảm hoá đối tượng này, các cán bộ quản giáo đã nghiên cứu và nhận ra "điểm yếu" nhất của Vượng chính là mẹ, vợ và các con của anh ta. Chính vì vậy, các cán bộ đã dùng tình cảm gia đình để phân tích, động viên Vượng cố gắng cải tạo để sớm về với gia đình, đồng thời tạo điều kiện để Vượng có thể gặp gỡ gia đình. 

Theo đó, khi cải tạo tốt, khá, Vượng được cán bộ cho gặp vợ ở buồng hạnh phúc, được trò chuyện với mẹ lâu hơn. Khi Vượng vi phạm, các cán bộ kiên quyết xử lí, không cho thăm gặp ở phòng riêng nên Vượng thấy rõ được giá trị của việc yên tâm cải tạo. Nhờ đó, việc cải tạo của Vượng ngày càng tiến bộ. Kết quả xếp loại của Vượng từ năm 2016 đến nay đều đạt loại khá…

Cảm hoá đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia

Cảm hoá những đối tượng côn đồ, cộm cán đã khó nhưng điều khó nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 5 đó là giáo dục, cảm hoá các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG).

Chia sẻ về công tác quản lí, giáo dục các đối tượng phạm tội liên quan đến ANQG, Giám thị Trại giam số 5 Lê Văn Cứu cho biết "sau khi tiếp nhận đối tượng, đơn vị đã lập kế hoạch để quản lý, giam giữ, giáo dục.

Theo đó, chúng tôi thường xuyên nắm diễn biến tình hình, tư tưởng phạm nhân, tổ chức cho học tập 4 tiêu chuẩn thi đua và 15 điều nội quy; chú trọng công tác giáo dục chung, giáo dục cá biệt để nắm diễn biến tư tưởng, tình hình phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp; động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp phạm nhân sớm ổn định tư tưởng, nhận thức được hành vi sai trái, từ bỏ hoặc giảm thái độ chống đối".

Cán bộ Trại giam số 5 hướng dẫn phạm nhân lao động.

Bên cạnh đó, Trại giam số 5 luôn thực hiện tốt chế độ về ăn, mặc ở, nhận gửi thư quà, hàng hoá, khen thưởng, kỷ luật, xét đề nghị giảm thời hạn chấo hành hình phạt tù đối với số phạm nhân xâm phạm ANQG đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, việc khám chữa bệnh cho các đối tượng này được duy trì thường xuyên theo quy định, có sổ theo dõi sức khoẻ riêng, có sự giám sát, chứng kiến của các đối tượng khác.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức cho cho những phạm nhân này gặp thân nhân đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, nhiều phạm nhân lúc đầu chống đối gay gắt nhưng được giáo dục, động viên, giúp đỡ nên nhiều đối tượng đã từ bỏ sai lầm, cố gắng cải tạo tốt hơn.

Điển hình như có phạm nhân chống đối quyết liệt, viết nhiều đơn thư kiến nghị gửi đi các cấp vì không chấp nhận tội trạng của mình. Ban Giám thị cùng các cán bộ đã nghiên cứu hồ sơ, nắm tâm tư nguyện vọng thì biết rằng phạm nhân này có 1 cô con gái và rất yêu con. Chính vì vậy, các cán bộ đã động viên phạm nhân này tham gia lao động, tạo điều kiện cho trồng cây ăn quả.

Khi thu hoạch quả đu đủ chín đầu tiên, phạm nhân này đã tặng con gái, đồng thời nói rằng "đây là thành quả lao động đầu tiên của bố, cả đời bố chỉ đi lo việc bao đồng mà không nghĩ đến con. Trồng được quả ngọt này bố dành cho con, hi vọng con tha thứ cho bố". Từ đó, phạm nhân này thay đổi hẳn tâm tính, không còn chống đối nữa.

Do nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ công tác nên từ chỉ huy đến mỗi cán bộ chiến sĩ Trại giam số 5 luôn quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống. Từ năm 1998 đến nay, không để phạm nhân trốn thoát, tình hình ANTT luôn được đảm bảo, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Một trong những thành công Trại giam số 5 đó là qua công tác đấu tranh khai thác phạm nhân phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm ngoài xã hội và đảm bảo an ninh, an toàn trại giam, đơn vị đã cảm hoá, thuyết phục nhiều đối tượng khai báo các vi phạm pháp luật khác ở ngoài xã hội. Từ đó, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm nguy hiểm.

Trong 5 năm trở lại đây, Trại đã tổ chức mở được hàng chục lớp học thời sự chính trị cho các phạm nhân; tổ chức nhiều lớp học tập pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV cho các  phạm nhân… góp phần làm chuyển biến nhận thức trong mỗi phạm nhân. Đặc biệt, các chế độ, chính sách như ăn, mặc, ngủ nghỉ được đảm bảo đầy đủ theo quy định của Nhà nước, nhất là đối với những phạm nhân ốm đau, bệnh tật, phạm nhân không có gia đình thăm nuôi, con phạm nhân.

Hằng năm Trại chi cho phạm nhân ăn thêm, thuốc chữa bệnh, tiền thưởng cho phạm nhân; ứng dụng phần mềm tin học vào việc tổ chức bán hàng căng tin phạm nhân và được thông tin liên lạc về gia đình, người thân bằng điện thoại. Bằng những việc làm thiết thực ấy, nhiều phạm nhân đã nhận ra lỗi lầm và yên tâm cải tạo để sớm được trở về.

Thu Thuỷ
.
.
.