Lời nguyền ma thuốc độc ám ảnh người dân miền Trung, đâu là sự thật?

Thứ Bảy, 10/01/2015, 08:00
Chẳng biết tự bao giờ, người dân nhiều vùng ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình rộ lên vấn nạn ma thuốc độc, với nghi kỵ người này lừa bỏ bùa ma người kia để tránh xui xẻo đã làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm, đảo lộn cuộc sống yên bình của nhiều người dân. Trong cơn rối ren của bùa mê thuốc lú ám ảnh ấy, đã xuất hiện những thầy lang cơ hội, lợi dụng lòng tin mù quáng của một bộ phận nhân dân để bày trò bắt ma, trục lợi dân nghèo. Vậy, đâu là sự thật của lời nguyền ma thuốc độc?

Ma thuốc độc là một chuyện hoang đường trong dân gian, khi cho rằng thuốc độc được sinh ra từ ria mép của con hổ cắm vào cây măng và được ai đó đem về nhà nuôi. Chủ nhân nuôi phải đầu độc người khác bằng cách lén bỏ vào thức ăn hay nước uống. Người ăn phải sẽ bị ốm yếu mà không biết mắc bệnh gì, lâu sẽ chết. Nếu bỏ thuốc độc thành công, người nuôi sẽ giàu có, nếu không bỏ được thì người nuôi bị tai hoạ. Mặc dù đây là chuyện hoang đường nhưng vẫn được lưu truyền trong dân gian và đã làm nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng, bị cộng đồng xa lánh, kì thị.

Bị kỳ thị vì nghi truyền ma thuốc độc

Những ngày này, đến xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn (Quảng Bình), người dân làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng xì xầm bàn luận xôn xao chuyện ma thuốc độc đang ám ảnh, đe dọa cuộc sống bình yên của mọi người. Người đàn bà được cho là đã gieo rắc tai họa cho dân làng là bà Cao Thị Soa (SN 1958), trú thôn Vân Bắc khiến hàng trăm người trong xã đã phải thuê xe ôtô đi lên xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) để nhờ thầy lang khám và cho thuốc giải độc, đồng thời cho bùa về đeo để khắc tinh với ma thuốc độc.

Chuyện bắt đầu từ ngày 17/10, khi bà Soa đi chợ để mua thức ăn về cho thợ sửa lại ngôi nhà thì chẳng may đụng phải bà Cao Thị Lan ở thôn Vân Nam. Sau đó bà Lan có mệt mỏi, khó ở trong người nên đi khám và được thầy phán là đã bị ma thuốc độc. Từ đó, người đàn bà này loan tin đã bị bà Soa bỏ độc khiến tin đồn lan nhanh như vũ bão, làng trên xóm dưới đều tìm cách xa lánh, hắt hủi, thậm chí dọa nạt, đánh đập bà Soa và người nhà. Ngôi nhà của bà Soa ở thôn Vân Bắc cũng chẳng còn ai qua lại, kể cả hàng xóm, gần tháng nay thi thoảng chỉ có vài người thân đến động viên. Hệ lụy hơn nữa là bị mọi người xa lánh, bà Soa đi chợ bán rau cũng không ai dám mua, ngay cả đến việc bà này đi mua hàng cũng có ít người rụt rè, không muốn bán. Hôm chúng tôi tìm đến nhà. Người phụ nữ này khóc nức nở phân trần, chẳng biết kẻ ác miệng nào loan tin xấu để giờ gia đình bà phải sống trong cảnh sống dở chết dở. Anh Đoàn Văn Tuấn, con trai út bà Soa đang làm ăn bên Lào cũng bỏ dở công việc chạy về nhà v́ sợ có chuyện chẳng lành.

Một thầy lang đang bắt con ma thuốc độc cho… phóng viên.

Nhiều người dân xã Quảng Hải khi tiếp xúc với chúng tôi đều nhất mực khẳng định có chuyện ma thuốc độc. Chị Cao Thị K. (SN 1974), trú thôn Vân Bắc khẳng định có chuyện ma thuốc độc, người đầu tiên trong gia đình chị bị là chồng, đã phải lên xã Lâm Hóa tìm đến thầy Đinh Xuân Hùng để “giải độc”, chi phí hết 220.000 đồng. Sau đó, lần lượt những người trong gia đình cũng bị “ma ám” nên phải thuê xe ôtô lên thầy Hùng để chữa trị, tốn kém tiền triệu.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thầy Hùng có biệt tài bắt ma ở xã Lâm Hóa thực chất là một thày lang bịp, những người đến chữa “ma thuốc độc” đều phải mua một chai rượu gạo, một lon nước ngọt bò húc để làm lễ, sau đó được “thầy” bắt cởi hết áo quần, thậm chí vén cả quần lót để “bắt ma”. Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Minh Châu, Trưởng Công an xã Quảng Hải khẳng định sự việc ma thuốc độc chỉ là tin đồn nhảm nhí, không có cơ sở, địa phương đã bắc loa truyền thanh tuyên truyền thường xuyên, đồng thời phối hợp với xã Lâm Hóa yêu cầu thầy lang Đinh Xuân Hùng ngừng hoạt động khám và điều trị, tránh gây hoang mang và  thiệt hại cho nhiều người dân.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên, tin đồn ma thuốc độc làm xôn xao dư luận tỉnh Quảng Bình. Trước đó, vào đầu tháng 10/2014, tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cũng xôn xao chuyện ma thuốc độc làm hơn 200 người mắc phải, với triệu chứng như toàn thân mệt mỏi, đau nhức đầu, nóng sốt, mất ngủ, ăn uống kém, rối loạn tiêu hoá, chóng mặt, buồn nôn. Và điều đáng nói là người dân nơi đây đã rồng rắn kéo nhau đến nhà thầy lang Hùng ở xã Lâm Hóa để chữa trị. Dù sự việc sau đó đã được Sở Y tế Quảng Bình kết luận “không có cơ sở khẳng định bị bệnh chuột bạch, ma thuốc độc. Những bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng trên nghi bị cảm cúm do thay đổi thời tiết, chuyển giao mùa", song lời đồn ma thuốc độc đến nay vẫn còn ám ảnh người dân nơi đây. Ngoài ra, một số địa phương khác như Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa vấn nạn ma thuốc độc cũng xuất hiện và ám ảnh người dân trong suốt một thời gian dài.

Những hệ lụy đau lòng

Ở một địa phương khác, tiếp giáp với Quảng Bình là tỉnh Hà Tĩnh, trong nhiều năm trở lại đây, ở nhiều cùng quê cũng chẳng còn bình yên bởi tin đồn và nỗi ám ảnh về ma thuốc độc. Nguy hại hơn, tại nhiều vùng nông thôn Hà Tĩnh đã diễn ra những vụ ẩu đả, thậm chí là án mạng đau lòng chỉ vì nghi ngờ nhau xoay quanh chuyện ma thuốc độc. Ở nhiều vùng quê như Tùng Lộc (Can Lộc), Đức Lạc (Đức Thọ), Cẩm Lạc, Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), Kỳ Hợp (Kỳ Anh)… chuyện ma thuốc độc đã gây tâm lý bất an và nhiều hệ lụy xót xa. Ở những vùng quê này, tin đồn về ma thuốc độc đã khiến cho người vùng khác đến nước không dám uống, trầu không dám ăn, trong cách nói chuyện, họ luôn đề phòng. Do nghi kị lẫn nhau, nói người này bỏ, người kia bỏ nên mất đoàn kết trong thôn xóm.

Nơi “con ma” được sinh ra theo truyền thuyết.

Mới đây thôi, ngay vùng ven TP Hà Tĩnh cách đây khoảng 3 tháng, cái chết thương tâm của chị Nguyễn Thị Hạnh, trú xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) do bị bệnh hệ thống thể viêm động mạch, song do bệnh hiểm nghèo, cái chết ra đi quá nhanh khiến nhiều kẻ ác miệng đã phao tin chị bị ma thuốc độc bắt đi khiến nỗi sợ hãi bị con ma bắt bất cứ lúc nào bao trùm, dù rằng ai cũng mơ hồ về ma thuốc độc. Cá biệt như tại thôn 5 xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), chuyện ma thuốc độc bùng phát khi xóm nhỏ này có người con gái đến từ “tâm ma” Kỳ Anh, sau ngày cưới một vài người cảm sốt, thay vì đi bác sĩ lại phao tin bị cô gái này “ám” nên bảo nhau tẩy chay, thậm chí có thời điểm cả xóm đều bị “ma” ám, khiến cô gái trẻ sống không được, phải bỏ làng mà đi. Ngay cả ông Bí thư chi bộ xóm 5 Lê Quang Cảnh cũng không dám khẳng định có ma thuốc độc hay không nên không dám can thiệp, khuyến cáo nên khi người dân kéo nhau mang áo vào nhà thầy lang ở Kỳ Anh để “bắt ma”, ông cũng không dám can thiệp.

Xót xa hơn, chỉ vì tin vào ma thuốc độc mà suýt nữa người mẹ đã đánh mất tính mạng của con gái mình. Chị Nguyễn Thị Cương, trú xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh có con gái bị đau bụng, thay vì đưa con đi khám, nghĩ bị ma thuốc độc nên đến nhà thầy lang để lấy thuốc giải. Sau khi uống thuốc, con gái chị đi ngoài liên tục và kêu đau bụng dữ dội nhưng chị vẫn không đưa cháu đi bệnh viện vì nghe lời “thầy” dặn. Đến lúc cháu bé lả đi, ngất xỉu thì gia đình mới hốt hoảng đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Cháu bị suy thận cấp, hôn mê mấy ngày liền, may mắn cháu đã được các bác sỹ ở bệnh viện đa khoa tỉnh cứu sống. Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc nhân dân Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, chuyện về ma thuốc độc đã lan rộng trên khắp địa bàn Hà Tĩnh, và điểm chung là ma thuốc độc chỉ tồn tại ở những vùng dân trí còn thấp và được nhân ra theo những câu chuyện đồn thổi, thiếu hiểu biết, song nguy hiểm là rất nhiều người dân tin tưởng tuyệt đối về vấn đề này.

Để góp phần xóa bỏ vấn nạn ma thuốc độc trên địa bàn, thời gian qua Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an các huyện Nghi Xuân và Kỳ Anh, triệu tập và bóc trần chiêu trò của hai thầy lang Nguyễn Văn Long và Trần Văn Khiêm, là những kẻ đã lừa đảo, tung tin thất thiệt gây hoang mang lo lắng cho nhân dân để trục lợi. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các “thầy” đã bày ra trò như soi áo, ngửi mồ hôi trên áo, châm kim vào tay, vào bụng để chữa bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã có nhiều công văn chỉ đạo về vấn đề này. Song do nhận thức hạn chế nên câu chuyện ma thuốc độc vẫn tồn tại và tiếp diễn âm ỉ, làm xáo trộn nhiều vùng quê vốn dĩ yên bình của nhiều tỉnh miền Trung, trong đó “điểm nóng” tập trung nhiều nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Thành Sen
.
.
.