Lợi dụng kẽ hở thành lập doanh nghiệp mua bán hoá đơn trái phép

Thứ Bảy, 18/07/2020, 11:05
Nếu như trước đây, việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) chủ yếu là để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những “chiêu trò” mới, như gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu…


Chiêu thức, thủ đoạn mới

Mới đây, Công an thành phố Hải Phòng vừa triệt phá một đường dây mua bán hoá đơn khủng với số tiền lên tới 5.000 tỷ đồng do Nguyễn Văn Sức (sinh năm 1981, trú tại Trường Chinh, Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng) cầm đầu. Sức đã trực tiếp thành lập hoặc thuê dịch vụ thành lập 15 công ty phục vụ cho việc mua bán trái phép hóa đơn.

Sau đó, thực hiện mua bán hóa đơn GTGT lòng vòng để bán cho các doanh nghiệp khác làm chứng từ hợp thức hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuế hoặc xin hoàn thuế. Khi thuê người đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp, đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường không trực tiếp giao dịch mà thông qua các đối tượng cò mồi, trung gian tìm thuê người làm giám đốc.

Khám xét công ty của đối tượng Doãn Ngọc Huy.

Trước đó, vào ngày 1-7, tại địa bàn huyện Thủy Nguyên, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hải Phòng đã bắt giữ Ngô Thị Phượng, sinh 1985, ở xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên đang thực hiện hành vi bán 2 hóa đơn giá trị gia tăng trái phép cho Vũ Văn Ánh, ở huyện Thủy Nguyên.

Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra bắt giữ Nguyễn Đình Hiếu, sinh 1979, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh vật tư và thiết bị vận tải Gia Nguyễn, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và dịch vụ Cầu Kiền, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại tổng hợp Gia Nguyễn. Cơ quan Công an thu giữ 3 bộ dấu công ty, 2 bộ dấu chức danh, 6 thùng tài liệu chứa số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng và nhiều tang vật liên quan. Từ năm 2014 đến nay, Nguyễn Đình Hiếu dùng hết khoảng 10.000 hóa đơn, doanh số khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 6-2020, Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) trái phép trị giá gần 2.000 tỷ đồng do đối tượng Doãn Ngọc Huy (SN 1987, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Doãn Ngọc Huy cùng ba đối tượng khác sử dụng giấy tờ tùy thân giả mang tên cá nhân giả ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh để làm người đại diện theo pháp luật thành lập 5 công ty để phát hành hóa đơn GTGT khống cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống, nhóm của Huy đề nghị người mua ký khống ủy nhiệm chi và giấy giới thiệu gửi cho nhóm của Huy. Sau đó Huy thuê Nguyễn Duy Thanh, SN 1987 và Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992 đều trú TP Hồ Chí Minh) cấu kết với các nhân viên chi nhánh ngân hàng làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng bằng cách lập giấy nộp tiền khống vào tài khoản đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn, đồng thời dùng ủy nhiệm chi để làm thủ tục chuyển tiền trên hệ thống tài khoản của đơn vị doanh nghiệp mua hóa đơn đến các tài khoản công ty bán hóa đơn do Huy điều hành, cùng lúc đó nhóm của Huy lập tức làm thủ tục rút tiền mặt khỏi tài khoản.

Với thủ đoạn như trên, trong thời gian từ năm 2018- 2019, nhóm của Huy đã bán hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số gần 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 60 tỷ đồng.

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thì hiện nay tội phạm đã lợi dụng việc dễ dàng thành lập doanh nghiệp để phạm tội. Để được mua hóa đơn hoặc xin phát hành hóa đơn giá trị gia tăng đối với hóa đơn tự in thì phải có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều đối tượng chỉ cần có một bộ hồ sơ đầy đủ, có thể thuê người khác đứng tên làm giám đốc, không có tài sản, không có vốn điều lệ như đăng ký nhưng vẫn có thể đăng ký thành công việc thành lập doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch- Đầu tư các tỉnh, thành.

Để góp phần ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trước hết các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời đẩy mạnh triển khai rộng khắp hóa đơn điện tử.

Hoá đơn điện tử là một hình thức hóa đơn hiện đại được thao tác hoàn toàn trên hệ thống điện tử, có kết nối internet. Nhờ những thao tác, thông tin được kê khai chính xác cùng những mã số cụ thể, riêng biệt sẽ giúp các cơ quan quản lý kiểm soát và theo dõi sát sao các doanh nghiệp, ngăn chặn được các hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế.

Bên cạnh đó, bản thân người dân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, tuyệt đối không cho người khác mượn danh và không nhận lời làm người chịu trách nhiệm của bất kỳ công ty nào mà không nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng phải có trách nhiệm tố cáo với cơ quan chức năng để làm rõ.

Hiền Trâm
.
.
.