Lính hình sự ở cửa ngõ miền Tây

Thứ Tư, 18/09/2019, 15:24
Với tinh thần chủ động tấn công tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang nhiều năm qua luôn chủ động có kế hoạch phòng ngừa, vì vậy đã triệt phá hàng chục băng nhóm trộm cắp, tàng trữ mua bán trái phép vũ khí và công cụ hỗ trợ, bắt hàng trăm đối tượng, đảm bản an ninh trật tự cho địa phương…


Tiền Giang là "cửa ngõ" kết nối giao thông từ TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ đến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Với tinh thần chủ động tấn công tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang nhiều năm qua luôn chủ động có kế hoạch phòng ngừa, vì vậy đã triệt phá hàng chục băng nhóm trộm cắp, tàng trữ mua bán trái phép vũ khí và công cụ hỗ trợ, bắt hàng trăm đối tượng, đảm bản an ninh trật tự cho địa phương…

1.Dù đã hẹn trước, nhưng khi tôi đến cổng Phòng Cảnh sát hình sự thì thấy Thượng tá, Trưởng phòng Trương Văn Sáu cùng nhóm trinh sát vội vã lên đường dù trời đang mưa như trút nước. 

Gặp nhau, anh Sáu chỉ kịp nói một câu: "Ông ở lại ăn cơm trưa với anh em, tôi có việc đột xuất phải đi đã" rồi lên xe. 13h45 chiều, anh Sáu trở về với bộ quần áo ướt sũng. Hóa ra lúc trưa anh vội đi vì dưới huyện báo có một vụ án vừa xảy ra, vì thế mấy anh em đi ngay dù bữa cơm trưa vừa dọn ra.

Trong câu chuyện với tôi, anh Sáu nói vui: "Khác với ở thành phố, làm lính hình sự ở địa bàn này, anh em ngoài nghiệp vụ tốt thì còn phải biết dân vận tốt thì mới được việc". Đặc thù ở miền Tây Nam bộ là kênh rạch chằng chịt, nhiều thôn ấp nằm ở vùng sâu, vùng xa không thuận tiện về giao thông cũng là thách thức đối với trinh sát quản lý địa bàn. 

Để chủ động trong công tác quản lý địa bàn và có kế hoạch phòng ngừa phù hợp, ngoài công tác phòng ngừa nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh xây dựng nhiều mô hình phòng chống tội phạm ở các huyện, như: "Cổng rào về an ninh trật tự" ở huyện Cái Bè; "Ánh sáng phát quang, phòng chống tội phạm" ở huyện Gò Công Đông; "Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà" ở huyện Cai Lậy; "Câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm" ở thị xã Gò Công… 

Thông qua những buổi họp của nhân dân ở các ấp, xã, trinh sát phải trực tiếp lồng ghép tuyên truyền để bà con nhân dân nâng cao cảnh giác và tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm. Với các mô hình này, trong thời gian qua, người dân đã cung cấp trên 1.700 nguồn tin giúp các đơn vị Công an điều tra làm rõ và bắt giữ trên 2.050 đối tượng tội phạm…

Ban giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang trao thưởng cho Phòng CSHS về thành tích phá nhanh những vụ án lớn.

2. Đúng là có những vụ án ở đây, thoạt nghe cứ như chuyện hài nhưng khiến người dân bất an và anh em phải mất rất nhiều công sức mới làm rõ được. Đầu tháng 5-2018, tại địa bàn Tiền Giang xảy ra một số vụ trộm chỉ nhằm vào các phòng máy tính ở các trường học; nhưng bọn trộm chỉ lấy ổ cứng, thanh RAM khiến việc dạy học tại các trường bị đảo lộn, bởi máy tính mất ổ cứng với thanh RAM thì đành bỏ không. 

Phòng Cảnh sát hình sự phải vào cuộc truy lùng nhóm trộm kỳ quặc này. Nhưng khi các tổ trinh sát được điều động đi nắm tình hình tại các điểm nóng thì loại hình tội phạm này ở địa phương bỗng trở nên im ắng. 

Tuy nhiên, im ắng ở Tiền Giang nhưng một thời gian ngắn sau đó, những vụ trộm như thế lại liên tục xảy ra ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ và TP HCM...

Khi phân tích thông tin từ tất cả các vụ trộm, xác định khả năng đây là một băng nhóm trộm cắp liên tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Tiền Giang chủ động phối hợp với Công an tất cả các tỉnh, thành trên cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đồng loạt vào cuộc. 

Nhờ sự phối hợp đồng bộ nên chỉ trong thời gian ngắn, các trinh sát đã nắm được danh sách các đối tượng bao gồm Nguyễn Chí Tâm, sinh năm 1994 tại TP. Rạch Giá; Liêu Thị Cẩm Tiên, sinh năm 1994 tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang và Phan Văn Chính, sinh năm 1983 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Tuy nhiên do các đối tượng liên tục di chuyển lòng vòng qua nhiều tỉnh, thành và không bao giờ thuê nhà nghỉ tại tỉnh mà chúng vừa gây án nên thời gian theo dõi buộc phải kéo dài.

 Chiều 7-9-2018, nhận thông tin từ đơn vị nghiệp vụ ở tỉnh bạn về việc các đối tượng đã sử dụng xe ôtô di chuyển hướng về Tiền Giang, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự lập tức thông báo cho Công an các huyện cùng phối hợp triển khai nhiều mũi trinh sát kiểm soát tất cả các điểm mà đối tượng có thể gây án. 

Đến 2h45' ngày 8-9-2018 thì bắt quả tang 3 đối tượng đang đột nhập một trường phổ thông trung học ở thị xã Gò Công để trộm cắp. Kiểm tra trong người các đối tượng và trên phương tiện, trinh sát thu giữ 30 thanh RAM, 20 con chíp máy vi tính, 1 kềm cộng lực. Ngoài ra còn thu giữ 1 xe ôtô hiệu Toyota Fortuner là phương tiện mà cả 3 sử dụng để đi trộm cắp.

Tại cơ quan Công an, khi được hỏi vì sao lại chỉ trộm mỗi thanh RAM với ổ cứng máy tính, Nguyễn Chí Tâm khai rằng hắn từng học và tốt nghiệp loại giỏi ngành Công nghệ thông tin. Nhưng khi đi làm ở một công ty tại TP HCM thì lương thấp nên bỏ về quê ở Kiên Giang. Cũng trong thời gian này, Tâm gặp Phan Văn Chính và Liêu Thị Cẩm Tiên. 

Để có tiền ăn nhậu, Tâm bàn với Chính, Tiên đi ăn trộm máy tính mang lên chợ Nhật Tảo ở TP HCM bán. Lần đầu tiên đi trộm, Tâm cùng đồng bọn bị bảo vệ một trường tiểu học phát hiện đang bê chiếc CPU to đùng và truy đuổi nên đã phải ném lại để chạy thoát thân.

Bị bắt hụt ngay lần đầu đi ăn trộm nhưng vẫn không sợ, Tâm chuyển hướng là thay vì vác cả cục CPU vừa to vừa dễ bị phát hiện, lần sau chỉ lấy thanh RAM và con chíp, vừa dễ bán, lại lấy được nhiều. Và nơi tiêu thụ là chợ Nhật Tảo, TP HCM. 

Sở dĩ hắn chỉ chọn vào các trường học và liên tục di chuyển đi các tỉnh vì trường học là nơi dễ đột nhập, cứ lấy xong một trường, lại di chuyển sang tỉnh lân cận, chờ một thời gian mới quay lại để tránh bị bắt. Vì thế, đến thời điểm bị bắt, Tâm, Chính, Tiên đã thực hiện trót lọt trên 70 vụ trộm cắp linh kiện máy tính ở khắp các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Trong khi anh em đang tập trung đang điều tra vụ trộm cắp liên tỉnh này thì chiều 13-9-2018, một kẻ cầm súng đã xông vào cướp tại Phòng giao dịch của Ngân hàng Viettin Bank ở ấp Tân Phong, xã Tân Lý, huyện Châu Thành, cướp đi số tiền 940 triệu đồng. 

Theo trình báo của nhân viên ngân hàng, thủ phạm là một nam thanh niên nhưng do hắn bịt kín mặt nên không nhận diện được. Mọi người chỉ nhớ sau khi lấy được tiến, hắn đi chiếc xe máy nhãn hiệu Attila màu đen, BKS: 63B3-162. 45 chạy ra Quốc lộ 1A tẩu thoát.

Ngay lập tức, Thượng tá Trương Văn Sáu chỉ đạo các mũi trinh sát tỏa đi tất cả các ngả đường liên tỉnh, ngoài ra còn liên hệ ngay với Công an các huyện kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường kết nối giữa Tiền Giang với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Long An và TP HCM, đồng thời đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông trích xuất toàn bộ các camera kiểm soát giao thông tại khu vực này. Qua trình xuất camera giao thông đã phát hiện thủ phạm sau khi rời hiện trường khoảng 1 cây số hướng về ngã 3 Phú Mỹ thì vứt xe gắn máy, lên một chiếc xe taxi của hãng Mai Linh di chuyển về hướng TP HCM.

Chỉ một ngày sau, các trinh sát đã xác định được thủ phạm vụ cướp là Châu Cường, sinh năm 1982 tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (tạm trú xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM). Tuy nhiên, do Cường có quan hệ chằng chịt với một số đối tượng khác ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận và Quảng Nam nên Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an tất cả các tỉnh, thành trên để tiến hành giám sát hướng di chuyển của đối tượng. 

Với sự phối hợp chặt chẽ này, đến chiều 16-9-2018, các trinh sát nắm được thông tin đối tượng sẽ di chuyển về TP HCM nên đã bố trí đội hình đón lõng và đến 23 giờ cùng ngày thì bắt được Châu Cường tại tổ 9, ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Các đối tượng trong hai vụ trộm máy tính liên tỉnh và cướp ngân hàng.

3. Xã hội càng phát triển thì tội phạm cũng càng phát sinh phức tạp. Cũng như các địa phương khác, những năm gần đây, ở Tiền Giang cũng xuất hiện đủ loại tội phạm từ "tín dụng đen", cờ bạc, tụ tập băng nhóm thanh toán nhau, lừa đảo, cướp có vũ khí, mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, Phòng Cảnh sát hình sự cũng phải luôn chủ động trong công tác phòng ngừa.

Tháng 7- 2018, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát phát hiện một nhóm chuyên mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ cung cấp cho các nhóm thanh niên nghiện game, các băng nhóm trộm cắp, cướp giật, cho vay nặng lãi và các băng nhóm này đã gây ra một số vụ tấn công lẫn nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. 

Sau khi củng cố chặt chẽ các chứng cứ phạm tội, ngày 26-7-2018, Phòng Cảnh sát hình sự thực hiện lệnh tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối tượng Nguyễn Hoàng Phúc, ngụ xã Thạnh Phú; Nguyễn Thị Thùy Dương, ngụ xã Bình Trưng, huyện Châu Thành và Phạm Minh Tông, ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. 

Khám xét nơi ở của các đối tượng đã thu giữ 348 đao tự chế, 67 mã tấu, 5 dao lê, 6 súng bắn điện, 45 viên đạn, 261 roi điện, 6 gậy điện, 6 bình xịt hơi cay và một số loại tang vật khác có liên quan. Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với 11 trường hợp tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Nhờ chủ động tấn công tội phạm kết hợp với xây dựng phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã góp phần giữ bình yên cho vùng sông nước này. 

Đức Cương
.
.
.